Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

Mười lăm trăng quả thật tròn


Đêm Tình Yêu Valentine 14 tháng 2 trùng hợp đêm Rằm tháng Giêng Giáp Ngọ 2014, cũng tròn 20 năm rằm xuân anh Hai mất lúc gần nửa đêm với lời anh khắc trên bia mộ "dặn con cháu khiêm nhu cần kiệm", cũng tròn 60 năm Hoàng Kim sinh lúc gần nửa đêm rằm xuân Giáp Ngọ 1954. " Mười lăm trăng quả thật tròn / Anh hùng thời vận hãy còn gian nan / Đêm trăng nhát cuốc xới vàng / Trăng dòm, ta hẹn trăng càng dòm thêm / Đất vàng, vàng ánh trăng đêm / Đêm khuya ta với nàng quên nhọc nhằn" (Cuốc đất đêm, thơ Hoàng Ngọc Dộ); " Trăng sáng lung linh trăng sáng quá / Đất trời lồng lộng một màu trăng / Dẫu đêm khuya vắng người quên ngắm / Trăng vẫn là trăng trăng vẫn rằm" (Rằm Xuân, thơ Hoàng Kim). Gốc mai vàng trước ngõ. Ba bài học không quên. Đi như dòng sông. Vầng trăng cổ tích. Mười lăm trăng quả thật tròn.   



Gốc mai vàng trước ngõ

“Anh trồng gốc mai này cho em!” Anh cả của tôi trước khi mất đã trồng tặng cho tôi một gốc mai trước ngõ vào hôm sinh nhật Hoàng Long, con tôi, sinh đêm trước Noel, Hoàng Minh Hải, con trai anh, sinh ngày 26.12 và tôi sinh ngày 27.12, còn anh thì mất đúng đêm trăng rằm tháng giêng. Anh trò chuyện với anh Cao Xuân Tài bạn tôi, trong khi tôi cùng vài anh em đào huyệt và xây kim tỉnh cho anh. Nhìn anh bình thản chơi với các cháu, tôi nao lòng rưng rưng.

Chưa bao giờ và chưa khi nào tôi thấm thía những bài thơ về hoa mai cuối mùa đông tàn bằng lúc đó. Anh ra đi đêm rằm xuân 1994 do căn bệnh ung thư hiểm nghèo khi các con anh còn thơ dại.

Hai mươi năm sau, các con và cháu anh đều đã trưởng thành, nay về quây quần ôn chuyện cũ. Gốc mai vàng trước ngõ trở thành chuyện nhiều năm còn kể, noi ước nguyện của người anh cả mong các em và con cháu gìn giữ nếp nhà "khiêm nhu cần kiệm" như cốt cách của hoa mai.

Sân trước một cành mai



Bài kệ "Cáo tật thị chúng" (Cáo bệnh với đệ tử) của thiền sư Mãn Giác (1052 - 1096) trong Thiền Uyển Tập Anh và lời bình của anh về nhân cách người hiền, cốt cách hoa mai đã đi thẳng vào lòng tôi:

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tùng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa cười
Trước mặt việc đi mãi
Trên đầu già đến rồi
Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.

(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Khi Lâm Cúc và anh Đình Quang trao đổi về chủ đề hoa mai, mạch ngầm tâm thức trong tôi đã được khơi dậy như suối nguồn tuôn chảy.

Thiền sư Mãn Giác viết bài kệ “Cáo tật thị chúng” khi Người 45 tuổi, sau đó Người đã an nhiên kiết già thị tịch. Bài thơ kiệt tác vỏn vẹn chỉ có sáu câu, ba mươi tư chữ, bền vững trãi nghìn năm. Đối diện với cái chết, thiền sư ung dung, tự tại, thấu suốt lẽ sinh tử: Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước một cành mai.

Lời thơ thanh thoát, giản dị một cách lạ lùng! Thực tế cuộc sống đã được hiểu đầy đủ và rõ ràng. Bản tính cuộc sống là hạnh phúc và đau khổ, vui vẻ và phiền muộn, sự thiếu hoàn thiện và luôn vô thường. Xuân đi trăm hoa rụng/ xuân đến trăm hoa cười/ trước mặt việc đi mãi/ trên đầu già đến rồi. Đó là qui luật muôn đời, hoa có tàn có nở, người có diệt có sinh. Hạnh phúc cuộc sống là phong thái luôn vui vẻ và sung sướng, thanh thản và thung dung, không lo âu, không phiền muộn. Sống với một tinh thần dịu hiền và một trái tim nhẹ nhõm.

Tình yêu cuộc sống thể hiện trong ý xuân và trật tự các câu thơ.“Xuân đi trăm hoa rụng/ xuân đến trăm hoa cười” ẩn chứa triết lý sâu sắc hơn là “Xuân đến trăm hoa cười, xuân đi trăm hoa rụng ”. Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585) trong bài thơ nôm “Chín mươi” có câu: “Chín mươi thì kể xuân đà muộn/ Xuân ấy qua thì xuân khác còn”. Tăng Quốc Phiên chống quân Thái Bình Thiên Quốc “càng đánh càng thua” nhưng trong bản tấu chương gửi vua thì ông đã quyết ý đổi lại là “càng thua càng đánh". Việc “đánh thua” thì vẫn vậy nhưng ý tứ của câu sau mạnh hơn hẵn câu trước.


Mai vàng xuân Tết Việt

Mai vàng là đặc sản Việt Nam. Hoa mai, hoa đào, bánh chưng là hình ảnh Tết cổ truyền của dân tộc Việt. Hoa mai là một trong bốn loài hoa kiểng quý nhất (mai, lan, cúc, trúc) của Việt Nam đặc trưng cho bốn mùa. Hoa mai gắn liền với văn hóa, đời sống, tâm linh, triết lý sống, nghệ thuật ứng xử, thơ văn, nhạc họa. Hiếm có loài hoa nào được quan tâm sâu sắc như vậy:

"Nghìn dặm tìm anh chẳng gặp anh. Đường về vó ngựa dẫm mây xanh. Qua đèo chợt gặp mai đầu suối . Đóa đóa vàng tươi xuân thắm cành” (Hồ Chí Minh 1890-1969); “Đêm qua sân trước một nhành mai” (Mãn Giác 1052-1096) “Lâm râm mưa bụi gội cành mai” (Trần Quang Khải 1241-1294); Ngự sử mai hai hàng chầu chắp/ Trượng phu tùng mấy rặng phò quanh” (Huyền Quang 1254-1334); Quét trúc bước qua lòng suối/ Thưởng mai về đạp bóng trăng” (Nguyễn Trãi 1380-1442); “Cốt cách mai rừng nguyên chẳng tục”( Nguyễn Trung Ngạn 1289-1370); “Mai cốt cách, tuyết tinh thần” (Nguyễn Du 1765-1820) “Nhờ chúa xuân ưu ái/ Xếp đứng đầu trăm hoa/ Chỉ vì lòng khiêm tốn/ Nên hẵng nở tà tà” (Phan Bội Châu 1867-1940); “Mộng mai đình” (Trịnh Hoài Đức 1725-1825) ; “Non mai rồi gửi xương mai nhé/ Ước mộng hồn ta hóa đóa mai” (Đào Tấn 1845-1907); “Một đời chỉ biết cúi đầu vái trước hoa mai” (Cao Bá Quát 1809-1855) “Hững hờ mai thoảng gió đưa hương” (Hàn Mặc Tử 1912-1940) “Tìm em tôi tìm/ Mình hạc xương mai”(Trịnh Công Sơn 1939-2001),…

Xuân sang lộc biếc cành

Hoa mai là biểu tượng của mùa xuân, của sự may mắn, vui tươi và trường thọ. Cành mai ẩn tàng thông điệp của mùa xuân. Hoa mai vừa có cốt cách, vừa đẹp thanh nhã, vừa có hương thơm và nở sớm nhất trong các loại hoa xuân. Vì vậy, hoa mai đã được chọn để biểu hiện cho cốt cách thanh cao của người hiền. Hoa mai, hoa đào, hoa lê, hoa mận có nhiều loài với vùng phân bố rộng lớn ở nhiều nước châu Á nhưng chỉ riêng mai vàng là đặc sản của Việt Nam, trong khi mai trắng và hoa đào là phổ biến tại Trung Quốc, Nhật Bản, Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc và các nước Trung Á.


Gốc mai vàng trước ngõ. Rằm xuân lại nhớ anh. Cành mai sương mai đọng. Xuân sang lộc biếc cành.



Sinh nhật ước gặp Cha Mẹ trong mơ

Sống phúc hậu minh triết yêu thương là ba bài học lớn đã theo con suốt đời. Rằm Xuân con nhớ Cha Mẹ quá ! Bản nhạc "Mother In The Dream - Gặp Mẹ Trong Mơ - UuDam (Talent) - Thùy Chi" làm con xúc động ứa nước mắt. Con vắng Mẹ từ tuổi thơ, lớn một chút lại mất Cha vì bom Mỹ giết. Con nhớ chị gái thay mẹ hiền và anh Hai đã thay cha yêu quý dìu dắt, nâng giấc con. Kỹ niệm tuổi thơ yêu thương như dòng sông quê hương thao thiết chảy. Thầy bạn là lộc xuân cuộc đời con. Sinh nhật con ước gặp Cha Mẹ trong mơ quá ! 

" Hoàng Thị Huyền (Thỉu con) sinh buổi sớm 13 tháng 3 năm Mẹo, mặt trời lên ngọn tre. Hoàng Minh Kim sinh gần nửa đêm rằm xuân Gíáp Ngọ, trăng qua ngọn cau hơn hai sào"(1). "Con Kim. Cụ khi mô cũng nhớ 'em' cả. Con học với thầy phải kính thầy để thầy thương. Con chơi với bạn phải nhường bạn để bạn mến. Con sống với người phải tử tế, phúc đức để họ trọng. Làm gì cũng phải tự ý cẩn thận, đừng nghe người ta xui" (2)."Cụ biết mạ con bệnh hiểm nghèo không qua khỏi nhưng cụ quyết bán hết tài sản 'còn nước còn tát ' vì không thể thấy mạ con chết mà không cứu?" (3).

Tôi nhớ rất rõ tờ giấy đã ố vàng lưu bút tích của cha ghi bằng hai loại mực. Phần trên ghi năm sinh của hai chị em tôi (1). Phần dưới ghi thêm lời cha dặn (2). Tôi mang theo tờ giấy này bên mình khi tôi rời Nam Quảng Trạch sang bờ bắc rào Nậy (sông Gianh) đến Pháp Kệ, sau đó là Phù Lưu, Đồng Dương để theo anh Dộ tôi đang dạy cấp một. Anh tôi xin thầy Trần Đình Côn, hiệu trưởng nhà trường cho tôi được học cấp ba Bắc Quảng Trạch.


Tôi cất tờ giấy này giữa hai tờ bọc vở của cuốn sổ. Tờ giấy thứ hai là giấy chứng nhận cha tôi là lính Vệ quốc đoàn thuộc tiểu đoàn 174, Trung đoàn 18 "Chiến khu thư Tư" của đơn vị bác Lê Văn Tri (sau này là Trung tướng Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Phó Tư Lệnh Quân chủng Phòng Không Không Quân Việt Nam). Tờ giấy thứ ba ghi hai bài thơ của tôi:

(1) Chiếc khăn tay

Con cầm về chiếc khăn tay

Của trường, của lớp, của thầy tặng con
Cầm khăn cụ vui vô cùng
Hai hòn nước mắt tưng bừng tuôn rơi

Gì từng ấy hỡi cụ ơi
So bằng công cụ như trời như non
Nuôi con biết mấy năm tròn
Gom từng hột sạu, bòn từng lá rau.

Công ơn của cụ thẳm sâu

Món quà con đó so đâu công này?

(2) Ông ơi

Cho tui sang với ông ơi
Cho tui sang với kẽo chờ đò lâu.
Bấy lâu nay dạ những sầu
Bây giờ được học, ruột rầu hóa vui ...

Theo lời cha thì tôi sinh lúc gần nửa đêm rằm xuân Giáp Ngọ 1954, trăng qua ngọn cau hơn hai sào với tên khai sinh là Hoàng Minh Kim. Thế nhưng, do cuối năm lớp 7, tôi không thể vào học lớp 8 (cấp 3) mặc dù có thành tích học tập giỏi liên tục nhiều năm vì tuổi nhỏ so quy định. Thầy Côn hiệu trưởng đã thương tình và bày cho anh Dộ tôi về xã chứng lại giấy tờ, sửa lại tuổi tôi ngày 27. 12. 1953 để tôi được học.


Nhà tôi thuở ấy nghèo quá, đói đến mức gần tắt bữa. Mẹ tôi ốm và chết trẻ do hậu sản và suy gan sau khi em tôi mất. Mẹ chết sáng mồng ba Tết "Giáp Thìn bốn chín mẹ quy tiên".
Trước đó cha đã bán hết tài sản để cứu mẹ nhưng không được. Tài sản đáng giá nhất tôi còn nhớ là con bò vàng hiền nhưng đánh nhau rất giỏi, nổi tiếng cả hai làng Minh Lệ và Hòa Ninh, căn nhà gổ, bộ phản, cái thùng gổ đựng lúa gạo và cũng là chỗ nằm. Cha bán, nói với các con và khóc: "Cụ biết mạ con bệnh hiểm nghèo không qua khỏi nhưng cụ quyết bán hết tài sản 'còn nước còn tát ' vì không thể thấy mạ con chết mà không cứu?". Trên năm mươi năm trôi qua, nước mắt hôm cha khóc là bài học vô giá cho con. Nước mắt của sự lựa chọn sinh tử thật dữ dội. Trước đó, tôi nghe kể, có lần khi cha bị bắt đi , cha xin chậm lại một chút để chẻ củi nhóm than cho vợ vừa sinh, ông đã tự bổ thẳng vào chân mình nên tránh được một kiếp nạn.

Gia đình tôi sau đó còn ba bố con ở chái lều tranh một mái gác xiên trên tường đất cũ. Nền nhà cao hơn một mét, kiềng đá hộc chắc chắn để tránh lụt vô nhà. Nền này, anh Trực tôi đã nhiều đêm cùng cha đào gánh đất đắp nền, trước khi anh tình nguyện đi bộ đội lúc 17 tuổi để cha được miễn dân công hỏa tuyến ở nhà nuôi vợ ốm và hai con nhỏ.

Mẹ chết lúc tôi lên 9 và chị Huyền tuổi 12. Anh Dộ đi dạy cấp 1 ở xa, chị Huyên đã lấy chồng đều về chịu tang. Hôm mẹ chết, hầu như cả làng đi đưa. Đám tang rất đông vì sinh thời mẹ ăn ở đức độ, phúc hậu và mẹ đẹp người, đẹp nết, chết trẻ vì bệnh hiểm nghèo nên ai cũng thương ...


Đi như một dòng sông 


“Nhà mình gần ngã ba sông/ Rào Nan, chợ Mới, nguồn Son, Quảng Bình,/ Linh Giang sông núi hữu tình / Nơi đây cha mẹ sinh thành ra con/ Chèo thuyền cho khuất bến Son/ Để con khỏi chộ nước non thêm buồn/ Câu thơ quặn thắt đời con/ Mẹ cha mất sớm, con còn trẻ thơ ”...

Mẹ tôi mất sớm, cha bị bom Mỹ giết hại, tôi và chị gái đã được anh Hoàng Ngọc Dộ nuôi dạy cơm ngày một bữa suốt năm năm trời. Thầy Nguyễn Khoa Tịnh đứng khóc trên bục giảng vận động thầy cô, bạn hữu chia sớt khoai sắn giúp đỡ. Tôi cũng dạy năm lớp vở lòng, ba lớp bổ túc văn hóa để vượt khó vươn lên.

Thầy Hiệu trưởng Trần Đình Côn đã viết những lời xúc động trong Bài ca Trường Quảng Trạch: “Thương em nhỏ gieo neo mẹ mất. Lại cha già giặc giết hôm qua. Tình thầy, tình bạn, tình cha. Ấy là ân nghĩa thiết tha mặn nồng” Những gương mặt thầy bạn đã trở thành máu thịt trong đời tôi.


Gia đình chúng tôi đã đi như một dòng sông...
Đó là câu chuyện dài, mãi bây giờ mới kể ...

(Còn tiếp)



Ngày Valentine  Rằm tháng Giêng Giáp Ngọ 1954, 2014  Sinh nhật HK  Nhớ Anh HND

Video yêu thích
 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam

Trở về trang chính

Hoàng Kim
, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương Nam
Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Khát khao xanh, Dayvahoc, Học mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống Thơ cho con

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Em ơi em, can đảm bước chân lên


Nguyễn Khoa Tịnh

Thầy ước mong em
noi gương Quốc Tuấn


Đọc thơ em, tim tôi thắt lại 
Lòng nghẹn ngào, nước mắt chảy rưng rưng 
Nửa xót xa nhưng nửa lại vui mừng 
Xót xa vì đời em còn thơ dại 
Mới tuổi thơ mà cuộc đời đầy khổ ải 
Mới biết cười đã phải sống mồ côi 
Như chiếc thuyền giữa biển tự trôi 
Như chiếc lá bay về nơi vô định 
“Bụng đói” viết ra thơ em vịnh: 

“Cơm ngày một bữa sắn trộn khoai 
Có biết lòng ta bấy hỡi ai? 
Vơi vơi lòng dạ, cồn cào bụng 
Kể chi no đói, mặc ngày dài” 


Phải! 
Kể chi no đói mặc ngày dài 
Rất tự hào là thơ em sung sức 
Rất tự hào là em tôi đầy nghị lực 
Đã hiển lộ mình qua “Cái chảo rang” 

“Trung dũng ai bằng cái chảo rang 
Lửa to mới biết sáp hay vàng 
Xào nấu chiên kho đều vẹn cả 
Chua cay mặn ngọt giữ an toàn 
Ném tung chẳng vỡ như nồi đất 
Quăng bừa xó bếp vẫn nằm ngang 
Tốt đẹp đâu cần danh tiếng hão 
Bạn cùng lửa đỏ, nóng chang chang”


Phải! 
Lửa to mới biết sáp hay vàng! 
Em hãy là vàng, 
Mặc ai chọn sáp! 
Tôi vui sướng cùng em 
Yêu giấc “Ngủ đồng” 
Hiên ngang khí phách: 

“Sách truyền sướng nhất chức Quận công 
Ta sướng khi ra ngủ giữa đồng 
Lồng lộng trời hè muôn làn gió 
Đêm thanh sao sang mát thu không 
Nằm ngữa ung dung như khanh tướng 
Lấy mấy vần thơ tỏ nỗi lòng 
Tinh tú bao quanh hồn thời đại 
Ngủ đồng khoan khoái ngắm gương trong” 


Tôi biết chí em khi "Qua đèo Ngang” 
Ung dung xướng họa với người anh hùng 
Đã làm quân thù khiếp sợ: 

“Ta đi qua đèo Ngang 
Cũng gặp Người trèo qua núi hiểm 
Đỉnh dốc chênh vênh 
Xe mù bụi cuốn 
Có lẽ thiên nhiên đã định bao giờ 
Một dãy Hoành Sơn bát ngát trận đồ 
Điệp điệp núi cao 
Trùng trùng rừng thẳm. 
Người thấy 
Súng gác trời xanh 
Gió lùa biển lớn 
Nông dân rộn rịp đường vui 
Thanh Quan nàng nhẽ có hay 
Cảnh mới đã thay cảnh cũ. 
Ta hay 
Máu chồng đất đỏ 
Mây cuốn dặm khơi 
Nhân công giọt giọt mồ hôi 
Hưng Đạo thầy ơi có biết 
Người nay nối chí người xưa 

Tới đây 
Nước biếc non xanh 
Biển rộng gió đùa khuấy nước 
Đi nữa 
Đèo sâu vực thẳm 
Núi cao mây giỡn chọc trời 

Nhớ thù nhà, luống thẹn làm trai 
Thương dân nước, thà sinh phận gái 
“Hoành Sơn cổ lũy” 
Hỏi đâu dấu tích phân tranh? 
Chỉ thấy non sông 
Lốc cuốn, bốn phương sấm động. 

Người vì việc nước ra đi 
Ta muốn cứu dân nên thăm trận thế 
Điều không hẹn mà xui gặp mặt 
Vô danh lại gặp hữu danh 
Cuộc đời dài ắt còn sẽ gặp nhau 
Nay hội ngộ giữa đỉnh cao trời đất 
Anh em ta ngự trên xe đạp 
Còn Người thì lại đáp com măng 
Đường xuyên sơn 
Anh hùng gặp anh hùng 
Nhìn sóng biển Đông 
Như ao trời dưới núi. 

Xin kính chào 
Bậc anh hùng tiền bối 
Ta ngưỡng mộ Người 
Và tỏ chí với non sông 
Mẹ hiền ơi! 
Tổ Quốc ơi! 
Xin tiếp bước anh hùng!” 


Hãy cố lên em! 
Noi gương danh nhân mà lập chí 
Ta với em 
Mình hãy kết thành đôi tri kỷ! 
Đất Quảng Trạch này đâu kém Nam Dương 
Tôi tự hào bài “Tỏ chí” của em: 

"Quốc Tuấn ngày xưa chí vững bền 
Thù nhà, nợ nước chẳng hề quên 
Đến bữa quên ăn, đêm quên ngủ 
Thương dân, yêu nước quyết báo đền 
Văn hay thu phục muôn người Việt 
Võ giỏi kinh hồn lũ tướng Nguyên 
Mươi năm sau nữa ơi ông Tuấn 
Nối chí ông, nay cháu tiến lên!” 


Tôi thương mến em 
Đã chịu khó luyện rèn 
Biết HỌC LÀM NGƯỜI ! 
Học làm con hiếu thảo. 
Mười lăm tuổi đã “Tập làm thầy giáo” 

Vui gì hơn buổi đầu làm thầy giáo 
Của lớp vở lòng đất mẹ yêu thương 
Trưa nắng luyến các em cùng đến lớp 
Giọng líu lo như chim hót ven đường. 

Đứng trước các em tuổi nhỏ đáng yêu 
Mà đã tưởng tới bao nhiêu người lớn 
Nghe em đọc giọng thanh thanh dễ mến 
Mà đã nghe đất nước xuyến xao mình!


Tổ Quốc đang chờ em phía trước. 
Em ơi em, can đảm bước chân lên!

1970