Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2012

Bác Hồ trong thơ Hải Như


Hoàng Kim

DẠY VÀ HỌC. Nghiên cứu về Con Người và Sự nghiệp của Bác Hồ cần thiết hơn hết là đọc thẳng trước tác của Bác với tác phẩm chọn lọc Hồ Chí Minh tuyển tập trọn bộ ba tập Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội năm 2002, 2178 trang. Tiếp đến là cụm bảy tác phẩm chính, chứa đựng nhiều thông tin đầu nguồn mà tôi ưa thích hơn cả, đó là: 1) "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam" của đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ biên; 2) "Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 9 tháng 9 năm 1969" đúc kết sâu sắc năm cống hiến kiệt xuất nhất của chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đất nước; 3)."Nhân cách lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh " do giáo sư Trần Văn Giàu đúc kết bảy phẩm chất cơ bản của Bác "được con dân nước Việt và thế giới ngợi ca". 4) "Bác Hồ rất ít trích dẫn !" bài của chủ tịch Trường Chinh về phong cách văn chương của chủ tịch Hồ Chí Minh; 5) "Những nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh" của thủ tướng Phạm Văn Đồng nhà lãnh đạo gần gũi nhất bên cạnh Bác; 6) "Búp sen xanh " và cụm 20 tác phẩm của "nhà văn Sơn Tùng - người viết về Bác Hồ thành công nhất " 7) Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi" và chùm 41 bài thơ của nhà thơ Hải Như - người làm thơ về Bác Hồ ấn tượng nhất. Trong bảy tài liệu trên, thơ Hải Như ở vị trí khiêm nhường nhưng làm sáng góc nhìn Con Người Bác Hồ.
   
                                

Hải Như và bài thơ nổi tiếng

Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật lịch sử hiếm có của Việt Nam. Bác được tôn kính và ngưỡng mộ như một vị thánh. Dường như rất ít ai trên thế giới được như Bác có nhiều ngợi ca bằng viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc, huyết họa, điện ảnh, sân khấu, thờ cúng trong gia đình và ngoài xã hội. Thời gian và sự tranh luận thêm bớt thần tượng hóa Bác Hồ không làm xóa nhòa những dấu ấn sâu đậm của Người trong lòng dân. Di sản to lớn nhất của Bác không chỉ là sự nghiệp huyền thoại vô song "anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới" mà cao đẹp hơn hết trong lòng dân là nhân cách Con Người đầy sức cảm hóa mà hiếm có một vị lãnh tụ nào đạt tới. Hải Như là nhà thơ viết về Bác Hồ ấn tượng nhất của lòng tôi trong số những nhà thơ Việt Nam. Dẫu Tố Hữu đã có các bài thơ "Việt Bắc", "Theo chân Bác" viết rất hay về Người, Chế Lan Viên có bài thơ "Người đi tìm hình của nước" thật xúc động; Viễn Phương có bài "Viếng lăng Bác" hay nao lòng, và rất nhiều bài thơ khác nữa. ... Nhưng lạ lùng thay, trên 43 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in lời thơ của Hải  Như "Chúng cháu canh giấc Bác ngủ Bác Hơi!". Bài thơ do thầy Phạm Ngọc Căng, Phó Hiệu trưởng Trường cấp ba Bắc Quảng Trạch đọc trong đêm truy điệu Bác ngay sau khi bài thơ vừa ra đời, lên sóng truyền thanh Đài Tiếng Nói Việt Nam và thầy chép lại. Cả hội trường mênh mông không ai cầm được nước mắt ...
 
CHÚNG CHÁU CANH GIẤC BÁC NGỦ, BÁC HỒ ƠI 

Hải Như


"Trăng vào cửa sổ đòi thơ"
Bác vừa chợp mắt, xin chờ trăng ơi!


Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa
Trăng trăng ơi, hãy yên lặng cúi đầu...
Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu
Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ.

Hỡi ai đó, không được rời đội ngũ
Theo hàng hai, đi lặng lẽ tiến dần
Đừng khóc oà, hãy rón rén bàn chân
Bước nhẹ nữa. Bác Hồ vừa chợp mắt

Bác nằm đó, bộ ka-ki Bác mặc
Chưa kịp thay, Người vừa ngả lưng nằm.
Nếu ta đoán không lầm; Bác mới đi thăm
Một xóm thợ, xem nơi ăn chốn nghỉ...

Nhưng không phải – vì khi ta ngắm kỹ
Trên má Bác Hồ còn in dấu chiếc hôn
Các cháu nhi đồng lớp học đầu thôn
Được Bác ghé thăm, Bác cho bá cổ...

Hỡi ai đó, cắn chặt môi, hãy cố
Đừng để cho tiếng nấc động tai Người.
Bác Hồ vừa chợp mắt ngủ đó thôi
Trước giường Bác, ta nghẹn ngào đứng ngắm

Mái tóc Bác lẫn với mầu gối trắng
Râu Bác thưa cũng bạc trắng một mầu,
Ta muốn làm con nhỏ vuốt chòm râu
Từng sợi bạc dãi dầu sương, nắng, gió.

Đôi dép lốp như cùng ta kể rõ
Người quên Người, dành hết thảy cho ta!
Từ có Bác Hồ, thêm rạng rỡ ông cha
Tên của Bác đẹp thắm trang lịch sử.

Ta đứng lặng trước giấc Người yên Ngủ!
Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa
Trăng trăng ơi, hãy yên lặng cúi đầu...
Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu
Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ.

Hỡi ai đó, đừng gục đầu ủ rũ
Bác dặn ta: nhớ Bác phải vươn mình
Giường Bác nằm chiếu sáng giữa trăng thanh,
Chiếc giường một suốt đời, ta nhớ mãi...

Cạnh nách Bác, đồng chí đi bên ơi, có phải
Ta nhìn như chiếc quạt Bác hay dùng
Chiếc quạt quê nhà, Bác vẫn giắt lưng!
Cùng với khúc ca dao ngọt ngào, Bác thuộc.

Bên gối Bác còn ấm lời non nước
Ánh hào quang sông núi tụ trên mình
Bác chan hoà như biển lớn mông mênh
Hồn dân tộc kết tinh hồn thời đại...

Hỡi ai đó, như trẻ thơ khóc mãi
Hãy lau khô đừng để lệ chảy tràn
Bác không muốn ta chìm trong biển lệ khóc than
Trước khi ngủ, Bác dặn dò tha thiết

Vầng trán Bác in giấc mơ tuyệt đẹp!
Hãy đọc trong mi mắt khép: nụ cười,
Bác Hồ nằm, tay không để buông xuôi
Đặt trước ngực như khi Người dạo mát.

Ôi ta nhơ hai bàn tay của Bác
Vỗ nhịp cho cả nước hát Kết Đoàn.
Ngày mai đây khi giải phóng Miền Nam
Cả nước hát, vắng bàn tay Bác vỗ...

Ta đứng lặng trước giấc Người yên ngủ!
Chúng ta hãy bước nhẹ chân, nhẹ nữa
Trăng trăng ơi, hãy yên lặng cúi đầu...
Trọn cuộc đời Bác có ngủ yên đâu
Nay Bác ngủ, chúng ta canh giấc ngủ.

Hỡi ai đó, từ Cà Mau về đủ
Tạm dừng bên nhường bước bạn bè xa
Hỏi có ai giàu hơn Bác Hồ ta
Người chợp mắt, cả năm châu cùng đến

Trên giường Bác, chúng tôi không thắp nến
Đã có trăng sao ôm ấp quanh Người
Bác yêu trăng như yêu một con người
Trong thơ Bác, trăng với hoa là bạn

Giao thừa tới từ nay đâu tiếng Bác
Chúc đồng bào chiến sĩ, giọng ngân vang
Giọng của Bác Hồ làm ấm cả không gian
Nghìn thế hệ mai đây còn ấp ủ...

Hỡi ai đó, xiết chặt thêm đội ngũ
Người vẫy ta kia, môi Bác mỉm cười
Bác giữa Ba Đình rực rỡ nắng tươi
Trong tim óc chúng ta, Người vẫn sống

Bác dẫu ngủ, kẻ thù đừng hy vọng
Ánh sáng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đời
Bác thức tỉnh ta: giữ lấy kiếp người
Ta thức tỉnh, nguyện bên Người vĩnh viễn

Xin Bác ngủ giữa dòng đời lưu luyến
Với Mác Lênin, giấc ngủ nghìn đời
Chúng cháu canh giấc Bác ngủ, Bác Hồ ơi...

(Chiều 8 tháng 9 năm 1969)


Hải Như nhà thơ về Bác H

Theo đại tá nhà văn Bùi Văn Bồng trong bài "Nhà thơ Hải Như: Hãy cãi lại Bác Hồ" thì "Nhà thơ Hải Như năm nay đã 90 tuổi, sinh năm 1923, tên thật là Vũ Như Hải, quê thành phố Nam Định. Ông tham gia cách mạng trước năm 1945 trong Hội truyền bá Quốc ngữ ở Hà Nội. Năm 1946, ông vào quân đội, tham gia lớp đào tạo báo chí cách mạng đầu tiên mang tên Huỳnh Thúc Kháng ở chiến khu Việt Bắc. Sau đó, ông lần lượt công tác ở các báo Sông Lô, Vệ quốc quân, Cứu quốc và báo Giác Ngộ rồi sau đó dừng viết báo, chỉ lo chung thủy với “Nàng Thơ”. Theo ông: Làm báo là phục vụ cho nhiệm vụ chính trị thời điểm, thời sự, còn làm thơ là sáng tác ra tác phẩm nói lên những vấn đề của con người gắn với thời cuộc, thời đại. Nhà thơ cần tìm ra cái cốt lõi của đời sống xã hội, truy nguyên vào bản chất của nó, đồng thời "nấu cao ngôn ngữ, cắt chữ dựng tượng" để có những bài thơ, câu thơ chắt lọc, lắng đọng. Vì thế nhà thơ cần phải có năng lực dự báo, cánh chim báo bão, là người đi đầu phản biện góp phần cho sự phát triển các giá trị Chân-Thiện-Mỹ trong xã hội; đem hồn thơ làm thắm được hồn người, thơ không nên chỉ lo phục vụ chính trị, mà phải văn dĩ tải đạo.  Ông là nhà thơ thuộc thế hệ đầu của cách mạng. Ông nổi tiếng với đề tài thơ viết về Hồ Chi Minh, trong đó nổi bật khoảng trên 50 bài in sách, đăng báo. Ông làm thơ ít chú ý đến vần-nhịp điệu, không tự khuôn vào các thể loại, mà cốt ở tứ thơ, ý thơ. Vì thế, thơ Hải Như tự nhiên như nói, tự nhiên nói lên suy nghĩ và chính kiến của mình, như lời tâm sự chân tình, lắng đọng. Những bài thơ đề tài Hồ Chí Minh với cách thể hiện riêng không lẫn với nhà thơ nào.".
 
Tôi chưa rõ số bài thơ của Hải Như viết về Bác Hồ thực sự có bao nhiêu nhưng do kính trọng thơ ông nên tôi may mắn tiếp xúc được nhiều thơ ông viết về Bác. Tôi tâm đắc với anh Bùi Văn Bồng là Hải Như viết "những bài thơ đề tài Hồ Chí Minh với cách thể hiện riêng không lẫn với nhà thơ nào". Hầu như bài nào cũng hay. Hầu như bài nào tôi biết cũng đều tâm đắc kỳ lạ. Nhà thơ Hải Như tiếp cận Bác Hồ không phải tiếp cận một lãnh tụ mà tiếp cận Bác với sự kính phục Con Người. Ông không xu nịnh, hoan hô, ngợi ca theo số đông mà thầm phục nhân cách: 

KỸ NIỆM SINH NHẬT NGƯỜI NĂM ẤY


Hải Như

Nếu tôi nhớ không lầm  

Có một nhà phê bình văn học được Bác Hồ mời lên 

Thân tình góp ý:

“Làm nhà yêu nước đủ rồi! (Người cười vui)

Đừng bắt Bác “cõng” thêm nhà thơ,

Bác mệt!” 


Cũng vậy - khi trao đổi với mọi người 

 Hồ Chí Minh không bao giờ 

 tự cho mình đúng hết

Hãy cãi lại Bác Hồ…


(Người đưa tay nghiêm nghị chỉ vào từng chúng ta)

Có lẽ nào

Các chú

lại không cho Bác
có quyền được biết mình sai!                          

(Tháng 5 năm 1980).


Học Bác Hồ qua thơ Hải Như

Những chính khách Việt Nam lỗi lạc Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, ... đều có những cách riêng để học Bác Hồ.


"Dĩ công vi thượng" là nhân cách lớn của đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt lợi ích chung lên trên hết. Đó là lời Bác Hồ nói với Bác Giáp tại hang Pắc Bó trước năm 1945. Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt đời tâm đắc điều này và là tấm gương mẫu mực về Dĩ công vi thượng từ “buổi đầu dựng nước” “chiến đấu trong vòng vây” đến “những năm tháng quyết định”, “ứng xử cuối đời” đều mẫu mực một nhân cách lớn.
 

Giáo sư Trần Văn Giàu thì đúc kết bảy phẩm chất cơ bản của Bác Hồ được con dân nước Việt và thế giới ngợi ca đối với "Nhân cách lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh ": 1) Ưu tiên đạo đức; 2) Tận tụy quên mình; 3) Kiên trì bất khuất; 4) Khiêm tốn giản dị; 5) Hài hòa kết hợp; 6) Thương, quý người, nâng đỡ con người, thấu tình đạt lý; 7) Yêu thiên nhiên hòa hợp với thiên nhiên.

Chủ tịch Trường Chinh thật sâu sắc khi chỉ ra "Bác Hồ rất ít trích dẫn !" Lúc đầu ông cũng cho là ngẫu nhiên. Về sau, hỏi trực tiếp, Bác nói: "Mác, Ang ghen, Lênin nói rất đúng. Nhưng hoàn cảnh Mác, Angghen, Lênin hoàn toàn khác hoàn cảnh của chúng ta. Vậy nên muốn nói gì, trước hết phải hiểu cho thật rõ điều mà các vị ấy muốn nói, nói cho phù hợp với hoàn cảnh của mình, cho dân mình dễ hiểu. Do đó, Bác viết bằng sự suy nghĩ của mình. Bác rất ít trích dẫn”. (Hà Đăng 2002. Trường Chinh, người anh cả trong làng báo. Trong sách: Trường Chinh, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam. Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, trang 320). Chủ tịch Trường Chinh hiểu thực chất ý tứ câu nói của Bác, đó là nắm chắc thực tiễn, coi trọng thực tiễn, nói và làm bất cứ điều gì phải phù hợp với hoàn cảnh. Những đổi mới của Việt Nam gắn liền sâu sắc với bài học đó.

Nhà thơ Hải Như cũng lặng lẽ học Bác nhưng ông đã tinh tế chỉ ra điều cần học nhất ở Bác Hồ là HỌC LÀM NGƯỜI,  Bác Hồ nói: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Nhà thơ Hải Như lặng lẽ học Bác, quan sát
thực tiễn và mạnh dạn đề xướng việc cấp bách nhất trong phong trào Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay là phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân đang bành trướng trong toàn Đảng, làm suy yếu Đảng. Ông viết:

MỘT LỐI ĐI RIÊNG

Chúng ta thích đón đưa
Bác Hồ không thích
Đến thăm chúng ta Bác Hồ thường “đột kích”
Chữ “đột kích” vui này Người nói lại cùng ta
Và đường quen thuộc Bác chẳng đi đâu
Đường quen thuộc thường xa
Bác hiện đến bằng lối tự tìm ra:
Ngắn nhất
Bác không muốn giẫm lên mọi đường mòn có sẵn
Khi đích đã nhắm rồi
Người luôn luôn tạo cho mình:
Một lối đi riêng.
(1 – 1970)


NGƯỜI SAU KHÔNG BỊ KHUẤT

Bác Hồ đứng
Người sau không bị khuất
Ta đứng (thường quên)
Che lấp...
Bạn mình!
(10 – 1970)


CẦN CÓ NHỮNG PHÚT BUỒN

Khác với chúng ta
Bác Hồ đắp chăn đơn – không muốn mình ấm quá
Người trằn trọc canh dài
Vì tiếng trẻ rao đêm
Khi còn những bất công (chưa dễ dàng ta xóa)
Cần có những phút buồn
Nâng chúng ta lên.
(1970)

ÁO THUỞ HÀN VI

Khi tiếp khách người thân
Bác vẫn khoác chiếc áo bông sờn
Hai vai áo này đây hai mụn vá
Đâu phải chỉ thương dân còn vất vả
Ta hiểu Người muốn ngụ ý sâu xa
(Bác Hồ thường không nghĩ hộ cho ta)
Người gợi ý. Ta tự tìm chân lý
Áo thuở hàn vi
Bác Hồ vẫn quý
Nhiều chúng ta lãng phí cả... con người.
(5 – 1971)


ĐÂU CHỈ VÌ GIẢN DỊ

Bác Hồ đi dép lốp cao su
Đâu chỉ vì giản dị
Mà vì lẽ cao hơn
Ta lười nghĩ chẳng tìm thêm
Khi trái đất này còn những trẻ em
Chưa có đủ giày đi
Người không sao sống khác
(1970)


KHÔNG ĐÁNG SỢ KẺ THÙ TRƯỚC MẶT

Ta hãy tự trả lời ta – Bạn hỡi
Khi ta vui
Và cả lúc ta buồn
Tâm hồn ta có trong sáng đẹp hơn
Trước phút đi xa Bác Hồ căn dặn
Không đáng sợ kẻ thù trước mặt
Sợ nhất
Kẻ thù ẩn náu trong ta!
(1970)


TRONG PHÒNG NHỎ MÌNH TA

Ta không muốn chỉ ngắm hoài bức ảnh
Bác Hồ cười trán chẳng rõ nếp nhăn
Trong phòng nhỏ mình ta
Rất nhiều lúc ta cần
Được thấy Bác nghiêm nhìn ta – tư lự
Và được thấy cả lúc Người giận chứ!
Lặng lẽ ngoảnh đi...
(Ta tự hiểu với mình...)
(9 – 1971)


NGÀI QUÁCH

Người tù bị nhốt lao làm thơ – rung động chân thành
Ngợi ca người coi ngục
Mỗi lần đọc bài thơ “Ngài Quách” trong Nhật kỹ trong tù
Ta lại tự hỏi thêm:
Có phải Bác Hồ muốn giúp ta định nghĩa rõ hơn
Thế nào là người cộng sản?
Người biết chắt chiu từng giọt người trong xã hội còn đêm
Người tin vào bản chất người không một ai muốn xấu
Người không cho là đã nhuốm bùn rồi thì hết nảy những mầm sen
(9 – 1978)


ĐỎ MẶT

Đứng trước khó khăn
Bác Hồ dặn ta cười
Và do đó mà ta biết khóc
Khi nghĩ xấu
Ta không còn... đỏ mặt
Ấy là khi ta bỏ mất ta rồi!
(1970)


TRÊN HÈ PHỐ MAI ĐÂY

Trên hè phố chúng ta mai đây
Nếu còn một trẻ nhỏ bị còng ta
Vì lẽ này lẽ nọ
Thì em ơi – đừng sợ
Phải nói thật với mình:
Lỗi đó ở em
Lỗi đó ở anh
Bác Hồ dạy chúng ta điều trước tiên
Nhận lỗi.
(5 – 1972)

Nhà thơ Hải Như với sự ngưỡng mộ chân thành sâu sắc đối với Con Người Bác Hồ đã chỉ ra ba khẩu hiệu mà theo ông do Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra, nhưng chưa viết thành văn bản mà ông đã hiểu được trong quá trình nghiên cứu những tài liệu về hành trình sự nghiệp của Người. Đó là ba Không: Không vinh thân phì gia; Không phân biệt đối xử; Không đặc quyền đặc lợi.

Tại bài phỏng vấn “Thơ ca và những đề tài lớn” ông viết: “Khẩu hiệu thứ nhất là “Không vinh thân phì gia”. Tư tưởng phương Đông, một người làm quan cả họ được nhờ, đã làm quan thì thân được vinh hiển thay đổi cả vị trí xã hội và kinh tế, gia quyến thì được nhờ vả, được kính trọng lây. Hồ Chí Minh không vinh thân phì gia. Bà Thanh – chị ruột ra thăm Người rồi cũng về quê Kim Liên. Bác không có người thân nào ở cạnh để đề bạt cả, cho đến hết đời vẫn như thế. Thứ hai là “Không đặc quyền đặc lợi”. Hồ Chí Minh khi làm Cách mạng hay khi làm Chủ tịch Nước, cụ đều sống như những người dân thường. Cả nước đều biêt, khi có chính sách đề ra hũ gạo tiết kiệm thì hàng ngày Người cũng bớt một nắm gạo, bớt bữa ăn. Bác sống giản dị như người bình dân không nhà lầu, xe sang, ăn uống cũng đơn giản không đòi tiêu chuẩn riêng. Người không hưởng đặc quyền đặc lợi. Cụ vẫn đi dép lốp, đi xe cũ, mặc áo vá... luôn quan hệ gần gũi với người cận vệ, hàng ngày vẫn cho cá ăn, tưới rau. Khẩu hiệu thứ ba xuyên suốt cuộc đời Người. Đó là “Không phân biệt đối xử”. Hồ Chí Minh là người cộng sản nhưng khi thành lập Liên minh Chính phủ, ông đã mời cả những người ở đảng khác vào như Quốc Dân Đảng, Đảng Xã Hội... hay không phải Đảng viên. Cụ cũng mời các thành phần xã hội tham gia lãnh đạo Đất nước, tham gia kháng chiến... Về vấn đề kê khai tài sản, tôi thấy Nghị quyết Đảng đề ra đã lâu nhưng vẫn chưa làm được. Vẫn lúng túng quá. Phải chăng có điều gì khó khăn, khuất tất? Tại sao không học tập Hồ Chí Minh, chúng ta phải thấy rằng đây là một lãnh tụ duy nhất trên thế giới không kê khai tài sản mà công khai tài sản, Người chỉ xách một cái vali và đôi dép lốp về nước, làm Cách mạng đến khi làm Chủ tịch nước vẫn công khai tài sản từng ấy. Người dân tin cậy Hồ Chí Minh vì ông là lãnh tụ sạch cho tới lúc ông ra đi.”

Nhà thơ Hải Như có em ruột và con trai hi sinh cho Tổ Quốc. Liệt sĩ Vũ Như Hà - em ruột nhà thơ Hải Như - sinh năm 1925 là người đã từng cùng ông Lê Đức Nhân (gốc người Đức do Bác Hồ đặt tên Việt) can đảm đóng giả sĩ quan Pháp vào đánh úp thắng lợi đồn giặc ở châu Nguyên Bình, Cao Bằng. Sau này, anh hi sinh năm 1948 ở Việt Bắc. Nhà thơ đã khóc em “Đi 22 tuổi chưa là trẻ/Ở đủ trăm năm chửa hẵn già / Kiêu hãnh ai xưa vào trại giặc/ Nghiêng cười sáng mãi nét tinh hoa”. Liệt sĩ Vũ Bắc Dũng - con trai nhà thơ Hải Như - sinh năm 1949 hi sinh năm 1969 ở chiến trường biên giới Việt Lào, đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Nhà thơ Hải Như trong nỗi đau ấy hẵn thấu hiểu nỗi đau của Bác Hồ khi mất mẹ và em. Ông thấu hiểu, hiểu đúng và đồng cảm vì sao Bác Hồ đi dép lốp, cần có những phút buồn” mặc áo vá, đắp chăn đơn để Người hiểu và thương người lính cùng những người dân đói rách. 

Nhà thơ Hải Như là thi sĩ nổi tiếng của hơn 100 bài thơ tình, quê hương, đất nước được phổ nhạc, trong đó mảng đề tài về Bác Hồ là sâu sắc hơn cả. Nhà sử học Đào Duy Anh nói với ông một câu bằng tiếng Pháp mà nhà thơ Hải Như nhớ mãi: “Anh đã có đề tài chuyên chở tư tưởng của anh rồi” và “Anh cứ tiếp tục làm đi!”. Đọc thơ Hải Như cùng những điều tâm huyết của ông trả lời khi được phỏng vấn đã giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị nhân văn cao cả của Bác. Đó là bài học dấn thân “vì dân phục vụ” mà mỗi chúng ta, và đặc biệt là những vị đang nắm trọng trách của đất nước, chịu trách nhiệm trước lịch sử và nhân dân, cần đọc và suy ngẫm lời giáo sư Trần Văn Giàu: “Người ta không thể trở thành một Cụ Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn.”

TS. Hoàng Kim
Giảng viên chính Cây Lương thực Rau Hoa Quả
Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh
Khu phố 6, Phường Linh Trung, Quận Thủ Đức




Email: hoangkim.vietnam@gmail.com;  hoangkim@hcmuaf.edu.vn; Mob.: 0903 613024
Bài đăng ở: http://dayvahoc.blogtiengviet.net/2012/12/22/bac_ho_trong_tho_hai_nhu
                       http://hoangkimlong.blogspot.com/2012/12/bac-ho-trong-tho-hai-nhu.html   
* Ghi chú: Bài nghiên cứu, học tập đạo đức chủ tịch Hồ Chí Minh. Một số tư liệu đã và đang được tập hợp tại chuyên mục Hồ Chí Minh ở Danh nhân Việt


Xem thêm:

Nhà thơ Hải Như 90 tuổi  (ảnh Minh Anh báo Văn Nghệ số 29 ngày 21.7.2012)

Thơ ca và những đề tài lớn (Minh Anh báo Văn Nghệ số 29 ngày 21.7.2012)
Nhà thơ Hải Như (Tiểu sử và tác phẩm – Trần Mỹ Giống blog ngày 16.12.2012)
Nhà thơ Hải Như: “HÃY CÃI LẠI BÁC HỒ" (Bùi Văn Bồng blog tháng 12/2012)

Trở về trang chính
HOÀNG KIM
DẠY VÀ HỌC
DAYVAHOC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Em ơi em, can đảm bước chân lên


Nguyễn Khoa Tịnh

Thầy ước mong em
noi gương Quốc Tuấn


Đọc thơ em, tim tôi thắt lại 
Lòng nghẹn ngào, nước mắt chảy rưng rưng 
Nửa xót xa nhưng nửa lại vui mừng 
Xót xa vì đời em còn thơ dại 
Mới tuổi thơ mà cuộc đời đầy khổ ải 
Mới biết cười đã phải sống mồ côi 
Như chiếc thuyền giữa biển tự trôi 
Như chiếc lá bay về nơi vô định 
“Bụng đói” viết ra thơ em vịnh: 

“Cơm ngày một bữa sắn trộn khoai 
Có biết lòng ta bấy hỡi ai? 
Vơi vơi lòng dạ, cồn cào bụng 
Kể chi no đói, mặc ngày dài” 


Phải! 
Kể chi no đói mặc ngày dài 
Rất tự hào là thơ em sung sức 
Rất tự hào là em tôi đầy nghị lực 
Đã hiển lộ mình qua “Cái chảo rang” 

“Trung dũng ai bằng cái chảo rang 
Lửa to mới biết sáp hay vàng 
Xào nấu chiên kho đều vẹn cả 
Chua cay mặn ngọt giữ an toàn 
Ném tung chẳng vỡ như nồi đất 
Quăng bừa xó bếp vẫn nằm ngang 
Tốt đẹp đâu cần danh tiếng hão 
Bạn cùng lửa đỏ, nóng chang chang”


Phải! 
Lửa to mới biết sáp hay vàng! 
Em hãy là vàng, 
Mặc ai chọn sáp! 
Tôi vui sướng cùng em 
Yêu giấc “Ngủ đồng” 
Hiên ngang khí phách: 

“Sách truyền sướng nhất chức Quận công 
Ta sướng khi ra ngủ giữa đồng 
Lồng lộng trời hè muôn làn gió 
Đêm thanh sao sang mát thu không 
Nằm ngữa ung dung như khanh tướng 
Lấy mấy vần thơ tỏ nỗi lòng 
Tinh tú bao quanh hồn thời đại 
Ngủ đồng khoan khoái ngắm gương trong” 


Tôi biết chí em khi "Qua đèo Ngang” 
Ung dung xướng họa với người anh hùng 
Đã làm quân thù khiếp sợ: 

“Ta đi qua đèo Ngang 
Cũng gặp Người trèo qua núi hiểm 
Đỉnh dốc chênh vênh 
Xe mù bụi cuốn 
Có lẽ thiên nhiên đã định bao giờ 
Một dãy Hoành Sơn bát ngát trận đồ 
Điệp điệp núi cao 
Trùng trùng rừng thẳm. 
Người thấy 
Súng gác trời xanh 
Gió lùa biển lớn 
Nông dân rộn rịp đường vui 
Thanh Quan nàng nhẽ có hay 
Cảnh mới đã thay cảnh cũ. 
Ta hay 
Máu chồng đất đỏ 
Mây cuốn dặm khơi 
Nhân công giọt giọt mồ hôi 
Hưng Đạo thầy ơi có biết 
Người nay nối chí người xưa 

Tới đây 
Nước biếc non xanh 
Biển rộng gió đùa khuấy nước 
Đi nữa 
Đèo sâu vực thẳm 
Núi cao mây giỡn chọc trời 

Nhớ thù nhà, luống thẹn làm trai 
Thương dân nước, thà sinh phận gái 
“Hoành Sơn cổ lũy” 
Hỏi đâu dấu tích phân tranh? 
Chỉ thấy non sông 
Lốc cuốn, bốn phương sấm động. 

Người vì việc nước ra đi 
Ta muốn cứu dân nên thăm trận thế 
Điều không hẹn mà xui gặp mặt 
Vô danh lại gặp hữu danh 
Cuộc đời dài ắt còn sẽ gặp nhau 
Nay hội ngộ giữa đỉnh cao trời đất 
Anh em ta ngự trên xe đạp 
Còn Người thì lại đáp com măng 
Đường xuyên sơn 
Anh hùng gặp anh hùng 
Nhìn sóng biển Đông 
Như ao trời dưới núi. 

Xin kính chào 
Bậc anh hùng tiền bối 
Ta ngưỡng mộ Người 
Và tỏ chí với non sông 
Mẹ hiền ơi! 
Tổ Quốc ơi! 
Xin tiếp bước anh hùng!” 


Hãy cố lên em! 
Noi gương danh nhân mà lập chí 
Ta với em 
Mình hãy kết thành đôi tri kỷ! 
Đất Quảng Trạch này đâu kém Nam Dương 
Tôi tự hào bài “Tỏ chí” của em: 

"Quốc Tuấn ngày xưa chí vững bền 
Thù nhà, nợ nước chẳng hề quên 
Đến bữa quên ăn, đêm quên ngủ 
Thương dân, yêu nước quyết báo đền 
Văn hay thu phục muôn người Việt 
Võ giỏi kinh hồn lũ tướng Nguyên 
Mươi năm sau nữa ơi ông Tuấn 
Nối chí ông, nay cháu tiến lên!” 


Tôi thương mến em 
Đã chịu khó luyện rèn 
Biết HỌC LÀM NGƯỜI ! 
Học làm con hiếu thảo. 
Mười lăm tuổi đã “Tập làm thầy giáo” 

Vui gì hơn buổi đầu làm thầy giáo 
Của lớp vở lòng đất mẹ yêu thương 
Trưa nắng luyến các em cùng đến lớp 
Giọng líu lo như chim hót ven đường. 

Đứng trước các em tuổi nhỏ đáng yêu 
Mà đã tưởng tới bao nhiêu người lớn 
Nghe em đọc giọng thanh thanh dễ mến 
Mà đã nghe đất nước xuyến xao mình!


Tổ Quốc đang chờ em phía trước. 
Em ơi em, can đảm bước chân lên!

1970