Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

Chuyến tàu xuân




Chào xuân mới nối liền Nam Bắc
Chuyến tàu xuân rộn rã đường vui
Dâng hương Người mừng xuân vĩnh cữu
Xuân yêu thương nối triệu tấm lòng. 

Năm ngoái, du xuân ngày giáp Tết, tôi đã cùng con tôi xuôi Nam về đồng ruộng Long Phú, Sóc Trăng thực hiện đề tài siêu lúa xanh (Green Super Rice- GSR) trên quê hương của người anh hùng nhà khoa học xanh Lương Định Của nơi khởi phát của con đường lúa gạo Việt Nam, nối liền tên tuổi những nhà khoa học lúa gạo Việt Nam và thế giới Tôn Thất Trình, Bùi Bá Bổng, Nguyễn Văn Luật, Võ Tòng Xuân, Bùi Chí Bửu, Trần Văn Đạt, Nguyễn Văn Ngưu, Phạm Trung Nghĩa,...

Xuân này, chuyến tàu xuân nối hai miền Nam Bắc đưa cha con tôi ngày 1 Tết Nguyên đán về dâng hương Tổ tiên, ngưỡng vọng đại tướng Võ Nguyên Giáp vị tướng của lòng dân, gặp gỡ sum họp với những người thân thương tại quê nhà, thăm Linh Giang dòng sông quê hương, Đèo Ngang trường thành trấn quốc, Vũng Chùa mắt thần giữ biển nơi Con nguyện theo Người làm Hoa Lúa, thăm những điểm nhấn uy nghi huyền thoại của quê hương Quảng Bình.

Chúng tôi đăng bài ngay trên chuyến tàu xuân để lưu lại một số hình ảnh và tư liệu của chuyến đi đầu xuân đầy ý nghĩa. Kính chúc Xuân Hạnh Phúc, Tết An Bình đến với những người thân thương và quý bạn đọc.

Hoàng Kim
http://hoangkimlong.blogspot.com

Hãy học thái độ của nước mà đi như dòng sông

Nhà mình gần ngã ba sông

Rào Nan, chợ Mới, nguồn Son, Quảng Bình
Linh Giang sông núi hữu tình
Nơi đây cha mẹ sinh thành ra con

"Chèo thuyền cho khuất bến Son
Để con khỏi chộ nước non thêm buồn "

Câu ru quặn thắt đời con
Mẹ cha mất sớm, con còn trẻ thơ

Ra đi từ bấy đến chừ
Lặn trong sương khói bến đò sông quê
Ngày xuân giữ vẹn lời thề
Non sông mở cõi, tụ về trời Nam.

Trong bài thơ Linh Giang dòng sông quê hương,  tôi đã giới thiệu đôi nét về quê hương và tuồi thơ. Ngày mồng Một đầu xuân mới năm nay, tôi cùng con trai về dâng hương Tổ tiên và thăm quê. Phần mộ Hoàng tộc của hai bậc sinh thành cha tôi và những người thân của Người gồm mười ngôi mộ ở động Ma Ca, đầu hướng Đá Đứng, mắt nhìn ra rào Nan khúc bến Lội nổi tiếng trong lịch sử (1). Cạnh mộ Hoàng tộc có mộ bậc tiên liệt hậu duệ vua Mạc Đăng Dung, chi nhánh họ Hoàng gốc Mạc của cụ Hoàng Bá Chuân, em ruột của bà ngoại tôi.



Mộ Hoàng tộc chi Hoàng Hữu


Hòn Đá Dựng


Mộ vua Mạc và hậu duệ Hoàng tộc gốc Mạc

Chúng tôi sang sông tại cầu Minh Lệ và chèo dọc theo xoáy nước lên bến Lội rào Nan cách cầu khoảng 200 m để sang ngang. Sông xanh ngăn ngắt, sâu thăm thẳm và đang nước lớn. Sương mờ mịt dày đặc, ngoài năm thước không thể trông rõ mặt người. Chiếc nôôc nhỏ và mỏng như  thuyền ba lá Nam Bộ đi trong hơi may lạnh buốt. Cò trắng lợp kín các rặng bần ven sông nơi đồng Ma Ca sớm nay. Quang cảnh thật giống như chuyện "Khổng Minh thuyền nhỏ mượn tên" trong Tam Quốc. Tôi nhớ hai câu đối "Tự sự Khổng Minh, Gia hội hợp lễ" ở đình làng Minh Lệ vốn có từ năm 1464 và câu ca Việt cổ: "Lênh đênh qua cửa Thần Phù / Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm". Tôi rùng mình chợt thấu hiểu Linh Giang, Rào Nan, Bến Lội là đây. Biết bao trận đánh đẫm máu trong lịch sử khi vượt sông  khuya tại nơi này ...

 




Ma Ca nghe nói là nơi vua Trần tử nạn trong cuộc chiến bình Chiêm. Sau trận thảm bại đó, Hồ Quý Ly đã khởi nghiệp triều Hồ. Vợ vua Trần, các phi tần và cung phi trong hành cung theo vua bình Chiêm cũng nghe nói đều tuẫn tiết hoặc ở lại Hạ Trạch Yên mà không về Bắc nữa. Họ Trần vì vậy có quan hệ sâu sắc với vẻ đẹp mặn mà sắc nước hương trời của các cô gái hậu duệ trong dòng họ. Đó là một trong bốn dòng họ thủy tổ của làng Minh Lệ gồm Trương, Nguyễn, Hoàng, Trần là bốn anh em kết nghĩa trên đất Hạ Trạch Yên thuộc vùng di tích lịch sử văn hóa mà cụ Hoàng Hữu Thanh đã giới thiệu trong tập hồi ký Thời lửa đạn.

Mẹ tôi họ Trần, sinh thời rất
phúc hậu và xinh đẹp có tiếng trong làng (2). Ngày giáp Tết, tôi bất ngờ gặp chuyện lạ "Đường Trần ta lại rong chơi/ Vui thêm chút nữa buồn thôi lại về" (3). Đầu xuân mới, chúng tôi thành kính dâng hương cho các bậc sinh thành và những người thân thiết của Người. Tôi thành kính đưa nắm đất lành quê Mẹ cùng trầm hương về Nam vào khu mộ của Cha Mẹ mà anh em chúng tôi đã tạo lập tại Hưng Thịnh, Đồng Nai và trộn vào đất phương Nam dước gốc Bồ Đề nơi nhà tôi có chim về làm tổ

Bốn anh em cùng dòng họ dâng hương trên phần mộ Trần tộc




Chúng tôi đến thắp hương nhà Trần tộc và thăm mự Tân, gặp gỡ sum họp với thầy Hoàng Hữu Thanh, gia đình nhà giáo nhà văn Hoàng Minh Đức, Hoàng Minh Sơn, Trương Minh Đức, thăm lại ngôi nhà tuổi thơ tôi, nay là nhà của gia đình em Ngọ ...


   


...Trước xa, nay lại hóa gần
Cành cây thấp xuống, mảnh sân hẹp vào!
Đường về như thể chiêm bao
Nơi đâu yểng hót, chào mào chuyền cây
Ngập ngừng tay nắm bàn tay
Tìm trong đôi mắt tháng ngày trẻ trung!


(Làng xưa, thơ Hoàng Gia Cương,

rút trong tập Hương sắc quê nhà)




Đường về 

Lối cũ


 
Nhà xưa
 
Bến sông Son
Khúc sông quê
 

Lời nguyền

"Ước hẹn anh em một lời nguyền
Thù nhà đâu sá kể truân chuyên
Bao giờ đền được ơn trung hiếu
Suối vàng nhắm mắt mới nằm yên"


(Viếng mộ cha mẹ, thơ Hoàng Trung Trực rút trong tập Hương sắc quê nhà)
 
Chúng tôi ra thăm  Đèo Ngang trường thành trấn quốc, Vũng Chùa mắt thần giữ biển nơi Con nguyện theo Người làm Hoa Lúa, thăm những điểm nhấn uy nghi huyền thoại của quê hương Quảng Bình. Trong  Qua đèo chợt gặp mai đầu suối tôi đã kể bạn nghe câu chuyện đầu xuân và chuyến đi này là sự tiếp nối. Đó là câu chuyện dài mà tôi trao lại cho các con tôi viết tiếp...

Đường về trên tàu SE5 ngày mồng Một Tết, anh Nguyễn Gia Lượng ân cần tiếp chuyện và tạo điều kiện cho chúng tôi đăng bài này ngay trên tàu Thống Nhất để kịp trao về cho người thân và bạn đọc bài viết và những bức ảnh xuân.  




Nguyễn Gia Lượng nhân viên tàu khách SE5 và khách đi tàu Hoàng Kim ngày 1 Tết.


Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam


Trở về trang chính

Hoàng Kim
, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày,
Danh nhân Việt
, Food Crops News, KimTwitter, KimFaceBookCassavaViet, foodcrops.vn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Em ơi em, can đảm bước chân lên


Nguyễn Khoa Tịnh

Thầy ước mong em
noi gương Quốc Tuấn


Đọc thơ em, tim tôi thắt lại 
Lòng nghẹn ngào, nước mắt chảy rưng rưng 
Nửa xót xa nhưng nửa lại vui mừng 
Xót xa vì đời em còn thơ dại 
Mới tuổi thơ mà cuộc đời đầy khổ ải 
Mới biết cười đã phải sống mồ côi 
Như chiếc thuyền giữa biển tự trôi 
Như chiếc lá bay về nơi vô định 
“Bụng đói” viết ra thơ em vịnh: 

“Cơm ngày một bữa sắn trộn khoai 
Có biết lòng ta bấy hỡi ai? 
Vơi vơi lòng dạ, cồn cào bụng 
Kể chi no đói, mặc ngày dài” 


Phải! 
Kể chi no đói mặc ngày dài 
Rất tự hào là thơ em sung sức 
Rất tự hào là em tôi đầy nghị lực 
Đã hiển lộ mình qua “Cái chảo rang” 

“Trung dũng ai bằng cái chảo rang 
Lửa to mới biết sáp hay vàng 
Xào nấu chiên kho đều vẹn cả 
Chua cay mặn ngọt giữ an toàn 
Ném tung chẳng vỡ như nồi đất 
Quăng bừa xó bếp vẫn nằm ngang 
Tốt đẹp đâu cần danh tiếng hão 
Bạn cùng lửa đỏ, nóng chang chang”


Phải! 
Lửa to mới biết sáp hay vàng! 
Em hãy là vàng, 
Mặc ai chọn sáp! 
Tôi vui sướng cùng em 
Yêu giấc “Ngủ đồng” 
Hiên ngang khí phách: 

“Sách truyền sướng nhất chức Quận công 
Ta sướng khi ra ngủ giữa đồng 
Lồng lộng trời hè muôn làn gió 
Đêm thanh sao sang mát thu không 
Nằm ngữa ung dung như khanh tướng 
Lấy mấy vần thơ tỏ nỗi lòng 
Tinh tú bao quanh hồn thời đại 
Ngủ đồng khoan khoái ngắm gương trong” 


Tôi biết chí em khi "Qua đèo Ngang” 
Ung dung xướng họa với người anh hùng 
Đã làm quân thù khiếp sợ: 

“Ta đi qua đèo Ngang 
Cũng gặp Người trèo qua núi hiểm 
Đỉnh dốc chênh vênh 
Xe mù bụi cuốn 
Có lẽ thiên nhiên đã định bao giờ 
Một dãy Hoành Sơn bát ngát trận đồ 
Điệp điệp núi cao 
Trùng trùng rừng thẳm. 
Người thấy 
Súng gác trời xanh 
Gió lùa biển lớn 
Nông dân rộn rịp đường vui 
Thanh Quan nàng nhẽ có hay 
Cảnh mới đã thay cảnh cũ. 
Ta hay 
Máu chồng đất đỏ 
Mây cuốn dặm khơi 
Nhân công giọt giọt mồ hôi 
Hưng Đạo thầy ơi có biết 
Người nay nối chí người xưa 

Tới đây 
Nước biếc non xanh 
Biển rộng gió đùa khuấy nước 
Đi nữa 
Đèo sâu vực thẳm 
Núi cao mây giỡn chọc trời 

Nhớ thù nhà, luống thẹn làm trai 
Thương dân nước, thà sinh phận gái 
“Hoành Sơn cổ lũy” 
Hỏi đâu dấu tích phân tranh? 
Chỉ thấy non sông 
Lốc cuốn, bốn phương sấm động. 

Người vì việc nước ra đi 
Ta muốn cứu dân nên thăm trận thế 
Điều không hẹn mà xui gặp mặt 
Vô danh lại gặp hữu danh 
Cuộc đời dài ắt còn sẽ gặp nhau 
Nay hội ngộ giữa đỉnh cao trời đất 
Anh em ta ngự trên xe đạp 
Còn Người thì lại đáp com măng 
Đường xuyên sơn 
Anh hùng gặp anh hùng 
Nhìn sóng biển Đông 
Như ao trời dưới núi. 

Xin kính chào 
Bậc anh hùng tiền bối 
Ta ngưỡng mộ Người 
Và tỏ chí với non sông 
Mẹ hiền ơi! 
Tổ Quốc ơi! 
Xin tiếp bước anh hùng!” 


Hãy cố lên em! 
Noi gương danh nhân mà lập chí 
Ta với em 
Mình hãy kết thành đôi tri kỷ! 
Đất Quảng Trạch này đâu kém Nam Dương 
Tôi tự hào bài “Tỏ chí” của em: 

"Quốc Tuấn ngày xưa chí vững bền 
Thù nhà, nợ nước chẳng hề quên 
Đến bữa quên ăn, đêm quên ngủ 
Thương dân, yêu nước quyết báo đền 
Văn hay thu phục muôn người Việt 
Võ giỏi kinh hồn lũ tướng Nguyên 
Mươi năm sau nữa ơi ông Tuấn 
Nối chí ông, nay cháu tiến lên!” 


Tôi thương mến em 
Đã chịu khó luyện rèn 
Biết HỌC LÀM NGƯỜI ! 
Học làm con hiếu thảo. 
Mười lăm tuổi đã “Tập làm thầy giáo” 

Vui gì hơn buổi đầu làm thầy giáo 
Của lớp vở lòng đất mẹ yêu thương 
Trưa nắng luyến các em cùng đến lớp 
Giọng líu lo như chim hót ven đường. 

Đứng trước các em tuổi nhỏ đáng yêu 
Mà đã tưởng tới bao nhiêu người lớn 
Nghe em đọc giọng thanh thanh dễ mến 
Mà đã nghe đất nước xuyến xao mình!


Tổ Quốc đang chờ em phía trước. 
Em ơi em, can đảm bước chân lên!

1970