Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

Mao Trạch Đông và Biển Đông Việt Nam

ĐIỂM CHÍNH. Mao Trạch Đông với thuyết “biển lịch sử” thời đế quốc La Mã  đã khoanh vùng Hoàng Sa. Trường Sa là những “tọa độ vàng” của Bắc Kinh trên bản đồ “Biển lịch sử” ...  

Biển Đông Việt Nam từ nhiều năm trước, Nguyễn Trãi đã đề núi Yên Tử, chùa Hoa Yên "Vũ trụ mắt soi ngoài biển cả. Nói cười lồng lộng giữa không trung" và Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết "Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vũng trị bình". Hồ Chí Minh trong thơ đồng dao năm 1895 đã nói "Biển là ao lớn. Thuyền là con bò. Bò ăn gió no. Lội trên mặt nước. Em trông thấy trước. Anh trông thấy sau. Chúng ta lớn mau. Vượt qua ao lớn" . Lời đồng dao thuở nhỏ của Nguyễn Tất Thành (Bác Hồ sau này) được cụ Nguyễn Tất Đạt ghi lại trong "Tất Đạt tự ngôn" đưa cho Sơn Tùng tháng 6 năm 1950, và đã được công bố trên báo Văn Nghệ số Tết năm 1980 cũng như in tại Búp sen xanh sau đó; "tiếu đàm- cười nói" tình và lý còn dài...


MAO TRẠCH ĐÔNG VỚI THUYẾT "BIỂN LỊCH SỬ" THỜI ĐẾ QUỐC LA MÃ

Nhằm “lập thuyết” mưu chiếm 80% hải phận của vùng Đông Nam Á (theo đường Lưỡi Bò) - Mao Trạch Đông đã dựng dậy thuyết “Biển lịch sử” do đế quốc La Mã tuyên ngôn cách đây 2000 năm trước.

Đế quốc La Mã mở rộng quyền lực của mình dọc bờ biển Địa Trung Hải đến tận các Kim Tự Tháp, qua biên giới Palestine và đặt chân lên lãnh thổ Iran ngày nay…

Họ nắm chặt nguồn lợi nhờ “kiểm soát toàn bộ lúa mì tại Ai Cập cùng nhiều sản phẩm khác như nước hoa, gạch ngói và bia lúa mạch”, khai thác “thiếc (từ Anh) hoặc đồng (từ Iberia - tên cổ của bán đảo Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha)”, thâu tóm “vải, thảm, nước hoa, đồ thủy tinh và đồ gốm” của các vùng đất phía Đông.
Hải sản và đặc sản khắp nơi: “sò Colchester và trứng cá muối từ biển Baltic, mận khô từ Damascus (thủ đô của Syrie) hoặc từ Tây Ban Nha, nấm mối tại Syrie và một loại sản phẩm gọi là Auvergne tại Pháp” có mặt trên bàn ăn của các quý tộc La Mã.
Gia vị quý hiếm: quế, hạt nhục đậu khấu, hành tỏi “quý như vàng” - được chuyển về La Mã phong phú đến mức bạo chúa Nero “hỏa thiêu bà vợ Poppaea của mình bằng cách đốt gia vị với số lượng bằng cả sản lượng của Ả Rập trong một năm” gom lại (René Poirier - Những công trình vĩ đại của nhân loại, Phạm Quý Điềm biên dịch, NXB Trẻ 2001, tr. 75 và 96).
La Mã tiếp nhận những nguồn lợi trên không chỉ theo 56.000 dặm đường bộ do họ thiết lập, mà còn bằng đường biển qua các hải cảng quan trọng như Thessalonica, Brindisi, Ostia, Smyrna, Marseilles, Cadiz với tàu thuyền tấp nập tới lui để chuyển “hàng hóa tràn ngập về đường phố thành La Mã”. Do lợi ích lớn lao từ hoạt động ở các cảng quốc tế và xuất phát từ quyền lực thực tế của mình trên biển nên “người La Mã gọi Địa Trung Hải là Mare Nostrum tức là biển của chúng ta” (René Poirier - sđd tr. 95). Hai mươi thế kỷ sau, Mao Trạch Đông lập lại tuyên ngôn trên của La Mã vì lợi ích riêng:

“Hồi thế kỷ thứ nhất đế quốc La Mã cũng đòi chủ quyền lãnh thổ toàn vùng biển Địa Trung Hải mà họ gọi là “Biển lịch sử của chúng tôi” (Mare Nostrum: Notre Mer/ Our Sea). Địa Trung Hải là vùng biển bao la chạy từ bờ biển Tây Ban Nha qua Pháp, Ý, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ đến các bờ biển Trung Đông và Bắc Phi. Đó là một quan niệm bá quyền lỗi thời từ 2000 năm trước.
“Mặc dầu vậy, từ 1955 - để phục hồi chủ nghĩa bá quyền, Mao Trạch Đông lại nêu lên thuyết Biển Lịch Sử để đòi chủ quyền lãnh thổ tại vùng biển và các hải đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Theo ngoa ngôn của Bắc Kinh, đường Lưỡi Rồng (dân gian gọi là Lưỡi Bò) rộng bằng phân nửa lục địa Trung Hoa. Họ cho đó là một vấn đề “bất khả tranh nghị”.
“Về điểm này chúng ta nhắn nhủ nhà cầm quyền Bắc Kinh rằng: Trong thế kỷ này và dưới vòm trời này, không có điều gì, việc gì, hay vấn đề gì là bất khả tranh nghị. Về mặt tinh thần, văn hóa và đạo lý, Trung Quốc không thể nói một đàng, làm một nẻo. Họ phải tôn trọng danh dự quốc gia và chữ ký của họ trong công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (…) Nếu không đưa ra sự giải thích hợp lý và các cơ sở pháp lý  thì Trung Quốc chỉ là kẻ sử dụng “luật rừng xanh” theo chủ trương “mạnh được yếu thua” và “cá lớn nuốt cá bé” để tước đoạt 4/5 thềm lục địa pháp lý của Việt Nam, đồng thời tước đoạt 7/8 thềm lục địa pháp lý của Phi Luật Tân và Mã Lai”
Tài liệu của luật sư Nguyễn Hữu Thống “Hoàng Sa - Trường Sa theo Trung Quốc sử” đã viết như vậy và chỉ rõ :
“Tất cả lý lẽ và lập trường của Trung Quốc thu gọn trong câu: “Biển Nam Hoa là Biển Lịch Sử của Trung Quốc” (…) Theo các luật gia và chuyên viên hải học trên thế giới, thuyết Biển Lịch Sử của đế quốc La Mã và đế quốc Đại Hán đã lỗi thời và lạc hậu. Kể từ 1982, vấn đề Biển Lịch Sử hay Nội Hải đã được giải quyết chung thẩm bởi Điều 8 Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Tòa án Quốc tế định nghĩa:

Biển Lịch Sử là Nội Hải, nghĩa là vùng biển tọa lạc trên đất liền về phía bên trong đường cơ sở của Biển Lãnh Thổ. Theo Tòa Án Tối Cao: “Ngoại trừ trường hợp các quốc gia quần đảo (như Phi Luật Tân hay Nhật Bản), Biển Lịch Sử hay nội hải của một quốc gia nằm bên trong đất liền về phía bên trong đường cơ sở của biển lãnh thổ. Trong khi đó, Biển Nam Hoa chỉ là ngoại hải chạy từ bờ biển Trung Hoa đến bờ biển Nam Dương, và rộng tới 2000 cây số” (LS Nguyễn Hữu Thống).
Trung Quốc không chỉ xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa ở phía Nam Việt Nam, họ còn dòm ngó vùng biển phía Bắc và đòi Việt Nam: “không được tiến hành việc thăm dò trong một khu vực rộng 20.000km2 trong vịnh Bắc Bộ do họ tự ý định ra. Họ còn đòi “không để một nước thứ ba vào thăm dò vịnh Bắc Bộ”.
Lấy cớ “đưa nước thứ ba vào thăm dò không có lợi cho sự phát triển kinh tế chung của hai nước và an ninh quân sự của hai nước”. Đó chỉ là một lý do để che đậy ý đồ đen tối của họ. Cũng vì vậy cuộc đàm phán về đường biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc trong vịnh Bắc Bộ từ tháng 8 đến tháng 11.1974 đã không đi đến kết quả tích cực nào” (Công bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam 4.10.1979). Để rồi, Trung Quốc nổ súng (14.3.1988) đánh chiếm các nhóm đảo và đá ngầm: Chữ Thập, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa, Gạc Ma, Xubi ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tập tài liệu “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” 360 trang, biên soạn bởi: Ủy ban Biên giới quốc gia và các nhà nghiên cứu: Nguyễn Nhã, Nguyễn Đình Đầu, André Menras Hồ Cương Quyết, Trần Doãn Trang và Nam Tuân, Ông bà Trần Đăng Đại, Phạm Hân, Phạm Hoàng Quân, Hồ Bạch Thảo, Nguyễn Hồng Thao, Hoàng Việt, Quốc Pháp, Lưu Văn Lợi, Hải Biên (NXB Trẻ, quý IV - 2013, tr. 99) thông tin phía Trung Quốc sau ngày đánh chiếm trái phép đã tiến hành điều tra liên tục về lợi ích chiến lược vùng biển Trường Sa:
“Theo ước tính của Bộ Địa chất và Tài nguyên Khoáng sản Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vùng quần đảo Trường Sa có trữ lượng dầu và khí đốt tự nhiên rất lớn lên đến 17,7 tỷ tấn (1,60 x 1010 kg), so với 13 tỷ tấn (1,17 x 1010 kg) của Kuwait  và được xếp vào danh sách một trong bốn vùng có trữ lượng dầu khí lớn nhất thế giới. Năm 1988, biển Đông chiếm 8% tổng số lượng đánh bắt cá và hải sản của thế giới, một con số chắc chắn còn có thể tăng lên. Trung Quốc đã dự đoán rằng biển Đông chứa lượng cá và các nguồn dầu mỏ, khí gas tự nhiên có giá trị lên đến một nghìn tỷ đô la”.
Mật độ hàng hải qua Trường Sa đứng vào hàng đông đúc nhất trên thế giới. “Trong thập niên 1980, mỗi ngày có ít nhất 270 lượt tàu đi qua quần đảo Trường Sa và hiện tại hơn một nửa số tàu chở dầu siêu cấp của thế giới chạy qua vùng biển này hàng năm. Lượng tài chở dầu chạy qua biển Đông lớn gấp ba lần lượng tàu chạy qua kênh Suez và gấp năm lần lượng tàu qua kênh đào Panama; gần 20% lượng dầu thô trên thế giới được chuyên chở ngang qua biển Đông”.
Quần đảo Trường Sa còn giữ vị trí quan trọng đối với việc giám sát các hoạt động trên biển Đông: “Ví dụ, đá Vành Khăn là một điểm lý tưởng để quan sát các tàu của Hải quân Mỹ chạy qua vùng biển phía Tây Philippines; quần đảo Trường Sa nằm ngang vùng biển thiết yếu để đến Đài Loan”.
Do sức hấp dẫn ấy, nên Trường Sa hiện vẫn là một trong những “tọa độ vàng” của Bắc Kinh trên bản đồ “Biển lịch sử ” do Mao Trạch Đông khoanh vùng, để lại... (còn nữa).

Giao Hưởng
Nguồn: Một Thế Giới

YÊN TỬ




 

YÊN TỬ

Nguyễn Trãi
Đề Yên Tử sơn, Hoa Yên tự

Yên Sơn sơn thượng tối cao phong
Tài ngũ canh sơ nhật chính hồng
Vũ trụ nhãn cùng thương hải ngoại
Tiếu đàm nhân tại bích vân trung
Ủng môn ngọc sóc sâm thiên mẫu
Quải thạch châu lưu lạc bán không
Nhân miếu đương niên di tích tại,
Bạch hào quang lý đổ trùng đồng.

YÊN TỬ

Nguyễn Trãi
Đề núi Yên Tử, chùa Hoa Yên

Non thiêng Yên Tử đỉnh kỳ phong
Trời mới ban mai đã rạng hồng
Vũ trụ mắt soi ngoài biển cả
Nói cười lồng lộng giữa không trung
Giáo trúc quanh nhà giăng vạn khoảnh
Cỏ cây chen đá rũ tầng không
Nhân Tông bảo tháp còn lưu dấu
Mắt sáng hào quang tỏa ánh đồng
Hoàng Kim cẩn dịch tại Yên Tử 



BIỂN ĐÔNG VẠN DẶM DANG TAY GIỮ

VIỆT NAM TỔ QUỐC TÔI. Biển Đông vạn dặm dang tay giữ. Đất Việt muôn năm vững trị bình. Đó là hai câu thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) tại bài thơ chữ Hán Cự Ngao Đới Sơn trong Bạch Vân Am Thi Tập. Bản dịch thơ của nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc trung tâm minh triết Hà Nội - viết thư pháp tặng những người dân Việt đang hành động vì chủ quyền biển đảo Việt Nam. Sấm ký Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chỉ ra thông điệp ngoại giao của cụ Trạng Trình nhắn gửi con cháu về lý lẽ giữ nước: " Muốn bình sao chẳng lấy nhân / Muốn yên sao lại bắt dân ghê mình". 


Điều lạ trong câu thơ là dịch lý, ẩn ngữ, chiết tự của cách ứng xử hiện thời. Bình là hòa bình nhưng bình cũng là Tập Cận Bình. Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là sự thật hiển nhiên, khó ai có thể lấy mạnh hiếp yếu, cưỡng tình đoạt lý để mưu toan giành giật, cho dù cuộc đấu thời vận và pháp lý trãi hàng trăm, hàng ngàn năm, là "kê cân - gân gà" mà bậc hiền minh cần sáng suốt. "Cổ lai nhân giả tri vô địch, Hà tất khu khu sự chiến tranh" Từ xưa đến nay, điều nhân là vô địch, Cần gì phải khư khư theo đuổi chiến tranh. "Quân vương như hữu quang minh chúc, ủng chiếu cùng lư bộ ốc dân" Nếu nhà vua có bó đuốc sáng thì nên soi đến dân ở nơi nhà nát xóm nghèo."Trời sinh ra dân chúng, sự ấm no, ai cũng có lòng mong muốn cả"; "Xưa nay nước phải lấy dân làm gốc, nên biết rằng muốn giữ được nước, cốt phải được lòng dân". Đạo lý, Dịch lý, Chiết tự và Ẩn ngữ Việt thật sâu sắc thay !

Trung Hoa có câu chuyện phong thủy.  Núi Cảnh Sơn. Jǐngshān, 景山, "Núi Cảnh", địa chỉ tại 44 Jingshan W St, Xicheng, Beijing là linh địa đế đô. Cảnh Sơn là Núi Xanh, Green Mount, ngọn núi nhân tạo linh ứng đất trời, phong thủy tuyệt đẹp tọa lạc ở quận Tây Thành, chính bắc của Tử Cấm Thành Bắc Kinh, trục trung tâm của Bắc Kinh, thẳng hướng Cố Cung, Thiên An Môn. Trục khác nối Thiên Đàn (天坛; 天壇; Tiāntán, Abkai mukdehun) một quần thể các tòa nhà ở nội thành Đông Nam Bắc Kinh, tại quận Xuanwu. Trục khác nối Di Hòa Viên (颐和园/頤和園; Yíhé Yuán, cung điện mùa hè) - là "vườn nuôi dưỡng sự ôn hòa" một cung điện được xây dựng từ thời nhà Thanh, nằm cách Bắc Kinh 15 km về hướng Tây Bắc.  

Một hướng khác nối Hải Nam tại thành phố hải đảo Tam Sa, nơi có pho tượng Phật thuộc loại bề thế nhất châu Á. Tam Sa là thành phố có diện tích đất liền nhỏ nhất, tổng diện tích lớn nhất và có dân số ít nhất tại Trung Quốc.  Theo phân định của chính phủ Trung Quốc, Tam Sa bao gồm khoảng 260 đảo, đá, đá ngầm,  bãi cát trên biển Đông với tổng diện tích đất liền là 13 km². Địa giới thành phố trải dài 900 km theo chiều đông-tây, 1800 km theo chiều bắc-nam, diện tích vùng biển khoảng 2 triệu km². Đó là đường lưỡi bò huyền bí. Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam nằm trên trục chính của sự thèm muốn này. 


Ngày xuân đọc Trạng Trình. Lạ lùng thay hơn 500 trước Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dự báo điều này và  sứ giả Thanh triều là Chu Xán khi nói đến nhân vật Lĩnh Nam cũng có câu “An Nam lý học hữu Trình Tuyền” (về môn lý học nước Nam có ông Trình Tuyền) rồi chép vào sách để truyền lại bên Tàu. 

                                                 CỰ NGAO ĐỚI SƠN


                                              Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm
Bích tầm tiên sơn triệt đế thanh
Cự ngao đới đắc ngọc hồ sinh
Đáo đầu thạch hữu bổ thiên lực
Trước cước trào vô quyển địa thanh
Vạn lý Đông minh quy bá ác
Ức niên Nam cực điện long bình
Ngã kim dục triển phù nguy lực
Vãn khước quan hà cựu đế thành
                                                                  Dịch nghĩa:
CON RÙA LỚN ĐỘI NÚI
Nước biếc ngâm núi tiên trong tận đáy
Con rùa lớn đội được bầu ngọc mà sinh ra
Ngoi đầu lên, đá có sức vá trời
Bấm chân xuống, sóng cuồn cuộn không dội tiếng vào đất
Biển Đông vạn dặm đưa về nắm trong bàn tay
Muôn năm cõi Nam đặt vững cảnh trị bình
Ta nay muốn thi thổ sức phù nguy
Lấy lại quan hà, thành xưa của Tổ tiên.

                                                                     Dịch thơ:
CON RÙA LỚN ĐỘI NÚI
Núi tiên biển biếc nước trong xanh
Rùa lớn đội lên non nước thành
Đầu ngẩng trời dư sức vá đá
Dầm chân đất sóng vỗ an lành
Biển Đông vạn dặm dang tay giữ
Đất Việt muôn năm vững trị bình
Chí những phù nguy xin gắng sức
Cõi bờ xưa cũ Tổ tiên mình.
Nguyễn Khắc Mai
dịch nghĩa và dịch thơ



CHÚNG TA LỚN MAU VƯỢT QUA AO LỚN 
Nhà văn Sơn Tùng: "Hai bài thơ niên thiếu của Bác Hồ" bài nói chuyện ngày 11 tháng 4 năm 2001 tại trường Cán bộ quản lý giáo dục nghành Giáo dục Đào tạo (Mũi Rồng, vũng Chùa nơi yên nghĩ của đại tướng Võ Nguyên Giáp ở gần đèo Ngang Quảng Bình, ảnh Hoàng Kim)
Nguyễn Tất Thành 5 tuổi đi theo cha mẹ vào Huế.

…Khi ông Nguyễn Sinh Khiêm đưa cho tôi cuốn “Tất Đạt tự ngôn” vào tháng 6 – 1950, cụ có ghi hai bài thơ về thời niên thiếu của em trai mình, tức Bác Hồ. Sau đó ít tháng cụ qua đời.

Cụ Khiêm kể lại:

– Hôm đó cả nhà Bác chuẩn bị đi vào Huế, Bác ngủ với bà ngoại, em Thành ngủ với mẹ, còn chị Thanh thì ngủ với dì An. Đêm đêm Bác thấy bà khóc, ngày bà vui, đêm nào cũng nghe thấy bà khóc. Sáng hôm sau thấy bà đi xin mo cau cả làng (xưa dân ta lấy mo cau làm gàu múc nước). Bác với chú Thành lấy mo cau cắt thành chiếc thuyền đem thả vào ao trước nhà, bà không cho, bà bảo đây là dép của các cháu và cha mẹ cháu để đi vào kinh đô, thời đó chưa có nhiều giày dép như bây giờ. Bác thấy bà ngoại đo chân cha mẹ Bác, đo chân cho hai anh em Bác.

Bác nói: – Mẹ, sao đêm bà khóc?

Về sau mới biết tâm sự của bà là thế này:

– Lúc đầu cha mẹ bác tưởng bà khóc vì bán ruộng cho con rể vào kinh đi học, bán mất 5 sào. Bà ngoại đêm nằm buồn mà khóc. Không phải tiếc bán 5 sào ruộng cho con rể vào kinh đi học vì “chữ nó sẽ đẻ ra ruộng, chứ ruộng nó không đẻ ra chữ”, bán ruộng cho con đi học, có chữ về thì cái chữ đẻ ra ruộng. Còn cái ruộng, bán đi đánh bạc mới mất, nên không có gì là khóc cả. Khóc là vì bà không có con trai. Ông Tú mất rồi, con rể coi như là con trai, con gái là chỗ dựa, bây giờ cả nhà kéo vào Huế, bà ở nhà cô đơn một mình, hai cháu trai và cháu gái cũng đi. (Vì thế nên cha mẹ bác chỉ cho hai anh em cùng đi vào Huế, còn chị Thanh phải ở lại quê với bà để sớm hôm, có bà, có cháu).

Như vậy cha mẹ Bác quyết định vào Huế không phải là để làm ăn sinh sống trở thành người Huế đâu, mà muốn cho anh em Bác vào Huế để học. Cha Bác vào Huế để làm bạn với các nhà khoa bảng ở kinh đô. Các ông quan thời đó đều là Tiến sĩ, là Hoàng Giáp, là Đình Nguyên, ít ra là cử nhân. Đúng là cha của Bác vào Huế đã tạo ra được một cái “chiếu văn”, các ông quan trong triều thường đến đó bình văn, bình thơ cùng với các cụ đồ ở kinh đô.

Ông Khiêm kể tiếp:

– Khi đi dép mo cau, mỗi lần rách thì phải thay cái khác, còn chú Thành thì được cha cõng trên lưng. Trên cao chú ấy quan sát hỏi hết chuyện này đến chuyện khác, ví dụ như:

– Núi này là núi gì mà cao thế?

Bà Ngoại hay ví “Trèo truông mới biết truông cao” là nghĩa làm sao?
Có bao nhiêu nước để được gọi là biển? vân vân và vân vân.

Chú ấy hỏi nhiều chuyện, còn chân Bác thì nó đau vì đi mấy ngày liền, có khi Bác khóc. Mẹ Bác lại động viên:

Em nó vui vẻ hỏi chuyện này chuyện khác, con là anh mà chẳng vui chi cả. Chú được cha cõng trên lưng, đến đồng bằng thì chạy tung tăng, hỏi nhiều thứ đến cha còn lạ mắt nên mẹ Bác nói em thông minh hơn anh.

Rồi cụ Khiêm kể tiếp:
– Mà chú ấy thông minh hơn Bác thật…! Lúc đến đèo Ngang, đường có đoạn sát với biển, không như đường ô tô bây giờ. Ở chân Đèo Ngang có bãi cỏ rất bằng, mẹ Bác mới đặt gánh xuống, cha Bác xếp ô lại, bảo:

– Chỗ này phẳng, nghỉ lại đây ta ăn cơm nắm để rồi leo đèo. Bác ngồi xuống ôm bàn chân rộp, còn chú Thành thì nhảy chơi rồi hỏi cha:

– Thưa cha, cái gì ở trên cao mà đỏ lại ngoằn nghoèo như rứa?

Cha Bác nói:
Đó là con đường mòn vắt qua đèo, tí nữa ta phải đi leo trèo lên trên đó, lên cái con đường mòn đó. Nghe xong , chú ứng khẩu đọc luôn một bài thơ. Sau này Bác ghi lại trong cuốn “Tất Đạt tự ngôn” này.

Núi cõng con đường mòn
Cha thì cõng con theo
Núi nằm ì một chỗ
Cha đi cúi lom khom
Đường bám lì lưng núi
Con tập chạy lon ton
Cha siêng hơn hòn núi
Con đường lười hơn con.


Năm 1950, tôi là anh thanh niên được tiếp xúc với bài thơ này trong cuốn “Tất Đạt tự ngôn” của người anh ruột Bác Hồ, thấy Bác làm thơ từ lúc 5 tuổi thì hơi sững sờ.

Ông Khiêm kể tiếp:
– Lúc đó cha mở cái túi vải lấy lá số tử vi của con ra xem thì Bác mới được biết, cha Bác đã lấy số tử vi cho các con hết rồi. Cha Bác nói với mẹ: – Với thiên tư này, thằng bé sẽ khó nuôi, có lẽ, quan Đào Tấn và ông ngoại đã nói như thế không nhầm.

Rồi Bác Khiêm lại kể tiếp:
– Lúc đó Bác cũng chẳng có bụng dạ nào vì chân bỏng rộp, rất đau. Ăn cơm nắm, uống nước đựng trong quả bầu khô xong, cả nhà lại leo núi, chú Thành lại được cha cõng trên lưng. Anh em Bác ở làng Sen chỉ biết ao, biết sông, biết hồ, biết núi chứ biển thì chưa thấy. Hôm đó, đến đỉnh đèo, cả nhà dừng lại nghỉ, Bác ngồi ôm chân, chú Thành lại chạy nhảy rồi nói:

– Cha ơi, cái ao ở đây sao lại lớn thế?
Cha Bác nói: – Không phải ao đâu con ơi, đó là biển đấy chứ.

Lúc đó, đang đứng trên đỉnh đèo Ngang, nhìn thấy biển, ở đây đi xuống là đến Ròn, tức Cảnh Dương của Quảng Bình. Lần đầu tiên thấy biển lại cứ gọi là ao, cha Bác phải giải thích là biển.

Chú ấy lại hỏi:
– Cha ơi, tại sao bò nó lại lội trên biển? Cha Bác cười bảo:

– Không phải là bò đâu con, đó là cánh buồm nâu, thuyền nó chạy trên biển đó. Nghe xong, chú Thành liền ứng khẩu đọc ngay một bài thơ:

Biển là ao lớn
Thuyền là con bò
Bò ăn gió no
Lội trên mặt nước
Em nhìn thấy trước
Anh trông thấy sau
Ta lớn mau mau
Vượt qua ao lớn.


Cụ Khiêm nói một câu tâm sự mà cũng là tâm trạng:
– Con người ta có số mệnh. Số mệnh có khi nó xuất ra thành ý. Cái thông thường, cái lẽ thường anh là phải nhìn thấy trước em chứ, vì anh ra đời trước, khôn hơn . Nhưng đây lại nói là: “em nhìn thấy trước, anh nhìn thấy sau, ta lớn mau mau, vượt qua ao lớn”. Cái khẩu khí ấy là cái ứng mệnh, Bác là anh, Bác đau chân, Bác không còn nhìn thấy những gì ở xung quanh, nhưng chú ấy quan sát, chú ấy lại ứng khẩu được cái đó “Ta lớn mau mau, vượt qua ao lớn”.Có lẽ cũng vì cái khẩu khí ấy nên suốt cuộc đời của chú Thành phải đi hết nơi này đến nơi khác thì phải, (năm châu bốn biển) ….

Cụ Khiêm nói với tôi điều đó vào năm 1950. Sau này tôi công bố hai bài thơ ấy trên báo Văn Nghệ số Tết năm 1980, lúc đó là chuẩn bị đại hội V (1981).
Khi cuốn “Búp Sen Xanh” chưa ra, tôi đưa hai bài thơ này và viết cái đoạn gặp cụ Nguyễn Sinh Khiêm. Nhà văn Nguyễn Văn Bổng là Tổng biên tập báo Văn Nghệ, trước khi đăng đến hỏi tôi:
– Có chính xác không anh? mới 5 tuổi mà làm hai bài thơ này, trẻ con thì trẻ con thật nhưng rất trí tuệ.

Tôi nói, anh cứ đăng, có gì tôi chịu trách nhiệm ….


Nguồn : Ngọc Phương Nam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Em ơi em, can đảm bước chân lên


Nguyễn Khoa Tịnh

Thầy ước mong em
noi gương Quốc Tuấn


Đọc thơ em, tim tôi thắt lại 
Lòng nghẹn ngào, nước mắt chảy rưng rưng 
Nửa xót xa nhưng nửa lại vui mừng 
Xót xa vì đời em còn thơ dại 
Mới tuổi thơ mà cuộc đời đầy khổ ải 
Mới biết cười đã phải sống mồ côi 
Như chiếc thuyền giữa biển tự trôi 
Như chiếc lá bay về nơi vô định 
“Bụng đói” viết ra thơ em vịnh: 

“Cơm ngày một bữa sắn trộn khoai 
Có biết lòng ta bấy hỡi ai? 
Vơi vơi lòng dạ, cồn cào bụng 
Kể chi no đói, mặc ngày dài” 


Phải! 
Kể chi no đói mặc ngày dài 
Rất tự hào là thơ em sung sức 
Rất tự hào là em tôi đầy nghị lực 
Đã hiển lộ mình qua “Cái chảo rang” 

“Trung dũng ai bằng cái chảo rang 
Lửa to mới biết sáp hay vàng 
Xào nấu chiên kho đều vẹn cả 
Chua cay mặn ngọt giữ an toàn 
Ném tung chẳng vỡ như nồi đất 
Quăng bừa xó bếp vẫn nằm ngang 
Tốt đẹp đâu cần danh tiếng hão 
Bạn cùng lửa đỏ, nóng chang chang”


Phải! 
Lửa to mới biết sáp hay vàng! 
Em hãy là vàng, 
Mặc ai chọn sáp! 
Tôi vui sướng cùng em 
Yêu giấc “Ngủ đồng” 
Hiên ngang khí phách: 

“Sách truyền sướng nhất chức Quận công 
Ta sướng khi ra ngủ giữa đồng 
Lồng lộng trời hè muôn làn gió 
Đêm thanh sao sang mát thu không 
Nằm ngữa ung dung như khanh tướng 
Lấy mấy vần thơ tỏ nỗi lòng 
Tinh tú bao quanh hồn thời đại 
Ngủ đồng khoan khoái ngắm gương trong” 


Tôi biết chí em khi "Qua đèo Ngang” 
Ung dung xướng họa với người anh hùng 
Đã làm quân thù khiếp sợ: 

“Ta đi qua đèo Ngang 
Cũng gặp Người trèo qua núi hiểm 
Đỉnh dốc chênh vênh 
Xe mù bụi cuốn 
Có lẽ thiên nhiên đã định bao giờ 
Một dãy Hoành Sơn bát ngát trận đồ 
Điệp điệp núi cao 
Trùng trùng rừng thẳm. 
Người thấy 
Súng gác trời xanh 
Gió lùa biển lớn 
Nông dân rộn rịp đường vui 
Thanh Quan nàng nhẽ có hay 
Cảnh mới đã thay cảnh cũ. 
Ta hay 
Máu chồng đất đỏ 
Mây cuốn dặm khơi 
Nhân công giọt giọt mồ hôi 
Hưng Đạo thầy ơi có biết 
Người nay nối chí người xưa 

Tới đây 
Nước biếc non xanh 
Biển rộng gió đùa khuấy nước 
Đi nữa 
Đèo sâu vực thẳm 
Núi cao mây giỡn chọc trời 

Nhớ thù nhà, luống thẹn làm trai 
Thương dân nước, thà sinh phận gái 
“Hoành Sơn cổ lũy” 
Hỏi đâu dấu tích phân tranh? 
Chỉ thấy non sông 
Lốc cuốn, bốn phương sấm động. 

Người vì việc nước ra đi 
Ta muốn cứu dân nên thăm trận thế 
Điều không hẹn mà xui gặp mặt 
Vô danh lại gặp hữu danh 
Cuộc đời dài ắt còn sẽ gặp nhau 
Nay hội ngộ giữa đỉnh cao trời đất 
Anh em ta ngự trên xe đạp 
Còn Người thì lại đáp com măng 
Đường xuyên sơn 
Anh hùng gặp anh hùng 
Nhìn sóng biển Đông 
Như ao trời dưới núi. 

Xin kính chào 
Bậc anh hùng tiền bối 
Ta ngưỡng mộ Người 
Và tỏ chí với non sông 
Mẹ hiền ơi! 
Tổ Quốc ơi! 
Xin tiếp bước anh hùng!” 


Hãy cố lên em! 
Noi gương danh nhân mà lập chí 
Ta với em 
Mình hãy kết thành đôi tri kỷ! 
Đất Quảng Trạch này đâu kém Nam Dương 
Tôi tự hào bài “Tỏ chí” của em: 

"Quốc Tuấn ngày xưa chí vững bền 
Thù nhà, nợ nước chẳng hề quên 
Đến bữa quên ăn, đêm quên ngủ 
Thương dân, yêu nước quyết báo đền 
Văn hay thu phục muôn người Việt 
Võ giỏi kinh hồn lũ tướng Nguyên 
Mươi năm sau nữa ơi ông Tuấn 
Nối chí ông, nay cháu tiến lên!” 


Tôi thương mến em 
Đã chịu khó luyện rèn 
Biết HỌC LÀM NGƯỜI ! 
Học làm con hiếu thảo. 
Mười lăm tuổi đã “Tập làm thầy giáo” 

Vui gì hơn buổi đầu làm thầy giáo 
Của lớp vở lòng đất mẹ yêu thương 
Trưa nắng luyến các em cùng đến lớp 
Giọng líu lo như chim hót ven đường. 

Đứng trước các em tuổi nhỏ đáng yêu 
Mà đã tưởng tới bao nhiêu người lớn 
Nghe em đọc giọng thanh thanh dễ mến 
Mà đã nghe đất nước xuyến xao mình!


Tổ Quốc đang chờ em phía trước. 
Em ơi em, can đảm bước chân lên!

1970