Thứ Ba, 7 tháng 10, 2014

Đến chốn thung dung





Hoàng Kim

Tặng thầy Thích Giác Tâm



Người rất muốn đi về trong tịch lặng
Quẳng lại sau lưng nhân thế muộn phiền
Ta đến chốn thung dung tìm hoa lúa
Rong chơi đường trần sống giữa thiên nhiên.

Tâm thanh thản buồn vui cùng nhân thế
Đời Đạo thịnh suy sương sớm đầu cành
Lòng hiền dịu và trái tim nhẹ nhõm
Kho báu chính mình phúc hậu an nhiên.

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt (**)

Trăng rằm xuân
lồng lộng bóng tri âm
Người tri kỷ cùng ta và năm tháng.
Giác Tâm: Ta về còn trọn niềm tin.


Đồng Nai 09-10-2014

Bạch Ngọc


Về nơi tịch lặng




HỌC MỖI NGÀY. Thầy Thích Giác Tâm là vị cao tăng trụ trì ở chùa Bửu Minh, Biển Hồ 'mắt ngọc Tây Nguyên" Pleiku - Gia Lai, nơi điểm nhấn của dòng sông Sê San huyền thoại, một trong các chi lưu chính của sông Mekong bắt nguồn từ núi Ngọc Linh và Chư Yang Sin nổi tiếng Tây Nguyên, Việt Nam. Bửu Minh là ngôi chùa cổ (www.chuabuuminh.vn), một trong những địa chỉ văn hóa gốc của Tây Nguyên. Về nơi tịch lặng trích dẫn từ nguồn "Đạo Phật ngày nay"

Về nơi tịch lặng

Thích Giác Tâm


Kính tặng quý thiện hữu cùng một trăn trở, ưu tư cho Đạo Pháp .


Ta rất muốn đi về trong tịch lặng.
Quẳng lại sau lưng nhân thế muộn phiền.

Lòng thao thức Đạo Đời luôn vướng nặng.
Mũ ni che tai, tâm lại hóa bình yên.


Đời chộn rộn sao còn  theo chộn rộn?

Đạo hưng suy ta mất ngủ bao lần.
Đời giả huyễn thịnh suy luôn bề bộn.

Đạo mất còn ta cứ mãi trầm ngâm.


Vai này gánh  cho vai kia nhẹ bớt.
Tìm tri âm ta nặng bước âm thầm.

Sợi tóc bạc trên đầu còn non nớt.
Tháng năm nào ta thấy lại nguồn tâm ?


Gia Lai 10-09-2014







Cùng tác giả

Dòng sông Sê San ơi !

 Thích Giác Tâm (1)

Đầu năm đứng trên dòng sông Sê San, tôi đã ngắm nhìn sông và tôi đã thấy như thế. Rừng đại ngàn đã ngã gục xuống, dòng sông mênh mang đẹp như một dải lụa trắng của các đại sư Tây Tạng, Ấn Độ quấn choàng cổ, bắt nguồn từ các đỉnh núi cao của núi rừng Ngọc Linh tỉnh Kon Tum băng qua đồi núi chập chùng của hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai để rồi chảy qua biên giới Campuchia.

Sông ơi !

Chảy đi sông ơi ! Là lời của một bài hát. Đó là tiếng kêu thảng  thốt của con người khi đứng trên bờ của dòng sông. Sông đã không sống đời của sông nữa, mà sông đã sống theo cách mà con người muốn nó sống. Ngày xưa sông vô tư , hồn nhiên sống, khi lên ghềnh, khi xuống thác, khi buông thư chầm chậm nhởn nhơ như người vô sự ngắm mây bay, xem hoa nở, lắng nghe tiếng chim hót. Nhưng rồi con người đã can thiệp vào, bắt sông phục vụ con người, mà nhu cầu của con người ở trong cõi người ta này thì vô hạn, vô chừng, không biết bao nhiêu là đủ. Thủy hỏa tương khắc, nhưng với trí tuệ con người biến nước thành hỏa, thành điện năng. Biến bao nhiêu cũng không đủ cung cấp, bởi con người không khác gì con khỉ Tôn Ngộ Không trong Tây Du Ký. Đào tiên quý là vậy mà hái trong thoáng chốc đã sạch vườn đào của Tây Vương Mẫu, mỗi trái chỉ cắn một miếng rồi quẳng đi, vứt bỏ. Quẳng đi không hề nuối tiếc, mà đào tiên mấy ngàn năm mới ra trái một lần ( điện rất quý có khác gì trái đào tiên đâu !).

Đầu năm đứng trên dòng sông Sê San, tôi đã ngắm nhìn sông và tôi đã thấy như thế. Rừng đại ngàn đã ngã gục xuống, dòng sông mênh mang đẹp như một dải lụa trắng của các đại sư Tây Tạng, Ấn Độ quấn choàng cổ, bắt nguồn từ các đỉnh núi cao của núi rừng Ngọc Linh tỉnh Kon Tum băng qua đồi núi chập chùng của hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai để rồi chảy qua biên giới Campuchia. Ngăn chặn dòng chảy, nhiều nhà máy thủy điện đã mọc lên, mọc lên để cung cấp năng lượng điện cho con người. Bên này nhà máy thủy điện nước mênh mang, bến bờ rộng thoáng vì nước tích tụ, đổ dồn nước về ba cái cống chạy tua bin phát điện. Bên kia nhà máy giòng sông khô cạn lởm chởm vô số đá, như những bãi đá ở  bãi biển Quy Nhơn gần ngôi mộ Hàn Mặc Tử, so sánh cho dễ hình dung vậy thôi. Bãi đá ở biển Quy Nhơn, là đá sống, bởi có con người lân mẫn chăm sóc, cùng vui chơi ca hát quây phim chụp hình. Còn bãi đá ở giòng sông Sê San là bãi đá chết, đá chết bởi vì sông đã chết. Trong kinh Phật thường dùng từ:” Bên này bờ, bên kia bờ “. Bờ bên này là bờ sinh tử, vô minh, khổ đau. Bờ bên kia là giải thoát, an lạc, Niết Bàn. Đứng bên bờ sông Sê San tôi đã ngộ ra không có bờ bên này thì cũng không có bờ bên kia. Để tạo ra năng lượng điện con người phải trả giá cho cái được và cái mất. Được cho nhu cầu tiêu thụ của con người và mất cho môi trường sinh thái không còn cân đối, đảo lộn

Câu kinh, tiếng chuông, tiếng mõ

Sáu năm qua mùa xuân nào thầy trò chúng tôi cũng có mặt, có mặt theo lời mời của các vị  lãnh đạo ban điều hành dự án thủy điện Sê San 4. Chúng tôi không có huyền thuật ấn chú gì cao siêu, chỉ có tấm lòng đến với các vị lãnh đạo, với anh em công nhân  đang treo mình trên ghềnh đá cheo leo, trên công trường hiểm nguy, mà tánh mạng  như sợi chỉ mành treo chuông, sơ sẩy một chút là rơi xuống vực thẳm. Chiếc y vàng, câu kinh tiếng kệ trong những ngày đầu năm đã động viên an ủi anh chị em công nhân, đã đỡ nâng họ phần nào trong những ngày phơi nắng gió sương, hiểm nguy rình rập.

Tâm người lãnh đạo


Nhớ lại thời gian mới bắt đầu làm thủy điện, Thầy trò chúng tôi cùng với các vị trong ban quản lý làm một cái lán giữa rừng để cúng cầu an, và cúng cô hồn. Lán được làm bằng cây rừng và phủ bạt, cúng nửa chừng bỗng có một trận gió lớn nổi lên, tăng bạt bị gió thổi tung lên, một cây đòn tay trên cao rớt xuống, phóng xuống in tựa như phóng lao., hơn mười con người đang ngồi tụng kinh, vậy mà không trúng người nào, hú hồn hú vía. Đầu xuân năm nay thì vì vị chủ tịch HĐQT thủy điện từ Hà Nội vô cúng, cùng ngồi tụng kinh với thầy trò chúng tôi để cầu nguyện cho nhân viên công nhân xây dựng thủy điện một năm mới an lành, cúng xong tức tốc ra Hà Nội liền vì công việc quá bộn bề.


Cùng xây dựng, cùng hoàn thành

Nhà máy thủy điện Sê San  xây dựng đúng sáu năm. Ngày 26 tháng 11 năm 2004 lễ khởi công, dự kiến ngày 30 tháng 06 năm 2010 là khánh thành. Kinh phí  5.600.000.000.000 đồng ( năm nghìn sáu trăm tỷ đồng ). Công suất 360 MW.

Nhà máy tọa lạc  tại xã Iao, Huyện Iagrai, tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 70km.

Chùa Bửu Minh đặt đá xây dựng trùng tu năm 2004, đến hôm nay cũng tròn 6 năm, mái ngói chưa có điều kiện để sơn, nhưng cũng tạm hoàn thành. Trong nước chưa có ngôi chùa nào đặt tên là chùa Nhân Dân, hay có lẽ đã là của Nhân Dân rồi đặt thêm thừa . Thực sự chùa là của Nhân Dân, không của riêng ai . Chùa Bửu Minh xây dựng kinh phí rất lớn,  tuy vậy không có một nguồn tiền nào khác, ngoài đồng tiền mồ hôi nước mắt của thập phương phật tử. Cứ mỗi đầu năm chúng tôi đem tấm lòng thành cầu nguyện cho công trường đang thi công, và sau đó các vị lãnh đạo ban quản lý dự án công đức lại năm mười tấn xi măng, cũng chỉ chừng đó thôi, không gì hơn nữa. Nửa bên kia trái đất bà con Phật tử, cũng hướng về quê hương đạo pháp, cũng nhín chút tịnh tài gởi về khi 20 khi 50 khi 100 đồng USD  để chúng tôi mua xi măng. Người đi xa kẻ ở gần luôn nghĩ đến vài trò văn hóa của ngôi chùa trong nền văn hóa chung của dân tộc. Ngôi chùa mà ai đó cúng xây dựng trọn, ngôi chùa đó sẽ không vững bền với thời gian.



Người nằm xuống
Mỗi người một nghiệp khác nhau, nghề nghiệp có khi ta chọn, có khi cha mẹ chọn, có khi con Vua thì được làm Vua, con Sãi ở chùa thì quét lá đa. Nghề nào cũng có những khó nhọc khác nhau, nhưng tôi thấy nghề xây dựng thủy điện quả là nguy hiểm, chết chóc trong gang tất, sơ xẩy là mất mạng ngay. Nhiều năm qua thầy trò chúng tôi lúc nào cũng nghĩ đến Sông Đà, nghĩ đến ân tình kỷ niệm cưu mang nhau trong những giai đoạn khó khăn nhất, nghĩ đến anh chị em công nhân xây dựng thủy điện, luôn cầu nguyện mỗi khi có dịp. Nhưng rồi sinh tử vô thường, khó ai tránh khỏi. Sáu năm xây dựng bảy công nhân bị tai nạn lao động tại công trường thủy điện Sê San 4 đã ra đi. Đó là Kim văn Việt, sinh 1960. Nguyễn thị Thúy, sinh 1978. Lại thị Hà, sinh 1983, khi bị tại nạn mất đi, con gái của Hà  mới biết đi lẩm đẩm. Lý Công Kim, sinh 1982, Hoàng văn Thôn sinh, sinh 1984. Dương văn Thực, sinh 1985, Bùi văn Cường sinh năm 1991. Bốn người công nhân này chưa lập gia đình. . Riêng trường hợp anh Bùi văn Cường, sáu năm xây dựng gian khổ hiểm nguy thì không sao, đến khi công trình sắp hoàn thành chuẩn bị bàn giao thì bị tử nạn tại công trường. Mỗi lần khấn nguyện cầu siêu cho các anh các chị lòng chúng tôi ngậm ngùi thương tiếc.  Muốn có tiện nghi, nhu yếu cho đồng bào, cho cộng đồng, người công nhân ngành xây dựng thủy điện phải trả giá thật đắt, trả bằng sinh mạng của chính mình.

Chia tay


Mỗi năm thầy trò chúng tôi gặp các anh các chị ngành xây dựng thủy điện ở Sê San một đôi lần. Và đầu xuân năm Canh Dần – 2010 các anh đã hoàn thành phần việc xây dựng của mình, giao lại cho đơn vị quản lý nhà máy và phát điện. Các anh lại tiếp tục ra đi:  Ngành  xây dựng thủy điện có câu:” Rừng xanh thì đến, đỏ ngói thì đi”  Nơi nào có nhà máy thủy điện thì nơi đó có điện có đường ,có trường, có chợ và nhà cửa lợp ngói mọc lên san sát như nấm  mọc lên trong những tháng mưa .




Buổi chia tay với mâm cơm chay còn lại rất nhiều, vì không khí oi bức, vì tình cảm sắp chia xa. Anh A, anh Quỹnh đại diện ban quản lý dự án thủy điện Sê San 4 với lời lẽ chúc tụng cảm ơn, nhà chùa Bửu Minh sáu năm qua đã đến với Sông Đà, đến với Sê San bằng tấm lòng, bằng câu kinh tiếng kệ cầu nguyện cho anh chị em công nhân đang thi công, giờ lại phải chia tay không biết bao giờ gặp lại. Chúng tôi cũng đứng lên đáp tạ:” Sáu năm chúng ta gặp nhau như những  người bạn cùng đi chung một chuyến tàu, và tàu đã tới sân ga mọi người lại đi về mỗi hướng khác nhau. Mỗi người mỗi nghiệp khác nhau, nên hướng về đích đến cũng khác nhau, chúng tôi cũng chỉ biết nói lời cảm ơn, và trong cuộc sống hằng ngày mỗi khi dùng cái gì liên quan  đến điện là chúng tôi luôn nhớ đến các anh, các chị, những con người đã đem tiện nghi cần thiết đến với tất cả chúng tôi. Khi dùng điện chúng tôi sẽ không hoang phí như Tề Thiên Đại Thánh ăn phá vườn đào tiên của Tây Vương Mẫu.



Pleiku, đầu năm 2010


(*): Thích Giác Tâm 2012.
Dòng sông Sê San ơi , trang 56-64. Trong sách: Con về còn trọn niềm tin. Tạp văn.  Nhà xuất bản Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh,  364 trang

(**) Trịnh Công Sơn. 
Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt .... Một cõi đi về

Vi
deo yêu thích 
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam


Trở về trang chính 
hoangkim vietnam, hoangkim, hoangkimvietnam, Hoàng Kim, Ngọc Phương NamChào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, VietnamAfricaCassavaRice, Khát khao xanh, DayvahocHọc mỗi ngày,  Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook  Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sốngThơ cho con
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Em ơi em, can đảm bước chân lên


Nguyễn Khoa Tịnh

Thầy ước mong em
noi gương Quốc Tuấn


Đọc thơ em, tim tôi thắt lại 
Lòng nghẹn ngào, nước mắt chảy rưng rưng 
Nửa xót xa nhưng nửa lại vui mừng 
Xót xa vì đời em còn thơ dại 
Mới tuổi thơ mà cuộc đời đầy khổ ải 
Mới biết cười đã phải sống mồ côi 
Như chiếc thuyền giữa biển tự trôi 
Như chiếc lá bay về nơi vô định 
“Bụng đói” viết ra thơ em vịnh: 

“Cơm ngày một bữa sắn trộn khoai 
Có biết lòng ta bấy hỡi ai? 
Vơi vơi lòng dạ, cồn cào bụng 
Kể chi no đói, mặc ngày dài” 


Phải! 
Kể chi no đói mặc ngày dài 
Rất tự hào là thơ em sung sức 
Rất tự hào là em tôi đầy nghị lực 
Đã hiển lộ mình qua “Cái chảo rang” 

“Trung dũng ai bằng cái chảo rang 
Lửa to mới biết sáp hay vàng 
Xào nấu chiên kho đều vẹn cả 
Chua cay mặn ngọt giữ an toàn 
Ném tung chẳng vỡ như nồi đất 
Quăng bừa xó bếp vẫn nằm ngang 
Tốt đẹp đâu cần danh tiếng hão 
Bạn cùng lửa đỏ, nóng chang chang”


Phải! 
Lửa to mới biết sáp hay vàng! 
Em hãy là vàng, 
Mặc ai chọn sáp! 
Tôi vui sướng cùng em 
Yêu giấc “Ngủ đồng” 
Hiên ngang khí phách: 

“Sách truyền sướng nhất chức Quận công 
Ta sướng khi ra ngủ giữa đồng 
Lồng lộng trời hè muôn làn gió 
Đêm thanh sao sang mát thu không 
Nằm ngữa ung dung như khanh tướng 
Lấy mấy vần thơ tỏ nỗi lòng 
Tinh tú bao quanh hồn thời đại 
Ngủ đồng khoan khoái ngắm gương trong” 


Tôi biết chí em khi "Qua đèo Ngang” 
Ung dung xướng họa với người anh hùng 
Đã làm quân thù khiếp sợ: 

“Ta đi qua đèo Ngang 
Cũng gặp Người trèo qua núi hiểm 
Đỉnh dốc chênh vênh 
Xe mù bụi cuốn 
Có lẽ thiên nhiên đã định bao giờ 
Một dãy Hoành Sơn bát ngát trận đồ 
Điệp điệp núi cao 
Trùng trùng rừng thẳm. 
Người thấy 
Súng gác trời xanh 
Gió lùa biển lớn 
Nông dân rộn rịp đường vui 
Thanh Quan nàng nhẽ có hay 
Cảnh mới đã thay cảnh cũ. 
Ta hay 
Máu chồng đất đỏ 
Mây cuốn dặm khơi 
Nhân công giọt giọt mồ hôi 
Hưng Đạo thầy ơi có biết 
Người nay nối chí người xưa 

Tới đây 
Nước biếc non xanh 
Biển rộng gió đùa khuấy nước 
Đi nữa 
Đèo sâu vực thẳm 
Núi cao mây giỡn chọc trời 

Nhớ thù nhà, luống thẹn làm trai 
Thương dân nước, thà sinh phận gái 
“Hoành Sơn cổ lũy” 
Hỏi đâu dấu tích phân tranh? 
Chỉ thấy non sông 
Lốc cuốn, bốn phương sấm động. 

Người vì việc nước ra đi 
Ta muốn cứu dân nên thăm trận thế 
Điều không hẹn mà xui gặp mặt 
Vô danh lại gặp hữu danh 
Cuộc đời dài ắt còn sẽ gặp nhau 
Nay hội ngộ giữa đỉnh cao trời đất 
Anh em ta ngự trên xe đạp 
Còn Người thì lại đáp com măng 
Đường xuyên sơn 
Anh hùng gặp anh hùng 
Nhìn sóng biển Đông 
Như ao trời dưới núi. 

Xin kính chào 
Bậc anh hùng tiền bối 
Ta ngưỡng mộ Người 
Và tỏ chí với non sông 
Mẹ hiền ơi! 
Tổ Quốc ơi! 
Xin tiếp bước anh hùng!” 


Hãy cố lên em! 
Noi gương danh nhân mà lập chí 
Ta với em 
Mình hãy kết thành đôi tri kỷ! 
Đất Quảng Trạch này đâu kém Nam Dương 
Tôi tự hào bài “Tỏ chí” của em: 

"Quốc Tuấn ngày xưa chí vững bền 
Thù nhà, nợ nước chẳng hề quên 
Đến bữa quên ăn, đêm quên ngủ 
Thương dân, yêu nước quyết báo đền 
Văn hay thu phục muôn người Việt 
Võ giỏi kinh hồn lũ tướng Nguyên 
Mươi năm sau nữa ơi ông Tuấn 
Nối chí ông, nay cháu tiến lên!” 


Tôi thương mến em 
Đã chịu khó luyện rèn 
Biết HỌC LÀM NGƯỜI ! 
Học làm con hiếu thảo. 
Mười lăm tuổi đã “Tập làm thầy giáo” 

Vui gì hơn buổi đầu làm thầy giáo 
Của lớp vở lòng đất mẹ yêu thương 
Trưa nắng luyến các em cùng đến lớp 
Giọng líu lo như chim hót ven đường. 

Đứng trước các em tuổi nhỏ đáng yêu 
Mà đã tưởng tới bao nhiêu người lớn 
Nghe em đọc giọng thanh thanh dễ mến 
Mà đã nghe đất nước xuyến xao mình!


Tổ Quốc đang chờ em phía trước. 
Em ơi em, can đảm bước chân lên!

1970