Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Tự nhiên chạm thấu những câu thần



DẠY VÀ HỌC
. "Chống tham nhũng xem ra chả khó. Chỉ có điều mình có muốn làm thật hay không? Nếu muốn làm thật thì giao cho dân. Dân sẽ làm được ngay. Cán bộ ai thế nào, dân cũng biết hết. Đừng tưởng dân không hiểu gì. Nhầm nghiêm trọng đấy!". Hai bài viết của Trần Đăng Khoa mới đây Lại thêm một sự thật đau lòngĐồng khởi chống tham nhũng đã tự nhiên chạm thấu những câu thần "Lật thuyền mới biết dân như nước" "Khó vạn lần dân liệu cũng xong".

Câu hỏi rất hay và câu trả lời thật thú vị: Việc “giao cho dân chống tham nhũng…” là phải có CƠ CHẾ, QUY CHẾ, QUY TRÌNH. Vậy thì AI ban hành những thứ này? Kẻ tham những thường là người có quyền chức, địa vị, thế lực; cái mà họ “ăn” được là của công, của nhân dân, đất nước; Ekip (hay Nhóm Lợi Ích) muốn “ăn” được lâu dài mà không ai làm gì được thì họ phải bao che nhau để vô hiệu hóa các biện pháp chống tham nhũng; cái tham nhũng khủng khiếp nhất là dựa vào thế lực để ra các chính sách, quy định quản lý kinh doanh, điều hành….đem lại lợi ích cho Nhóm Lợi Ích. Vậy thì giao cho nhân dân, nhân dân liệu có đảm trách được không? Và câu trả lời thật thú vị: "Trao quyền chống tham nhũng cho Dân là trao cho những người đại diện cho Dân. Đại loại như Ủy ban Phòng chống tham nhũng chẳng hạn. Ủy ban này trực thuộc Quốc hội, chịu sự giám sát của Quốc hội, nhưng lại hoạt động hoàn toàn độc lập theo Pháp luật. Có hai cơ quan đặc biệt, cần tồn tại độc lập, hoạt động độc lập theo pháp luật, chịu sự giám sát của Quốc hội: là Tòa án và Ủy ban phòng chống tham nhũng. Nếu chúng ta muốn chống tham nhũng thật để bảo vệ thể chế của chúng ta thì phải “tái cơ cấu” hai cơ quan ấy và tạo ra những quy chế, cơ chế hoạt động như vậy. Và cũng chỉ có làm thế, chúng ta mới hy vọng đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng, còn nếu không, chúng ta chỉ “chống tham nhũng” ở trên diễn đàn, hay trên sân khấu với những miếng trò, diễn đã hết thiêng trước con mắt của nhân dân vốn vẫn rất tỉnh táo, hay nói như các cụ, là “ném bùn sang ao”, chẳng cái gì thành được cái gì!".

Tôi đồng tình với ý kiến của Lão Khoa và chợt thấu hiểu "Cái còn thì hãy còn nguyên/ Cái tan thì tưởng vững bền cũng tan" "Mưa/ Mưa/ Ù ù như xay lúa/ Lộp bộp/ Lộp bộp/ Rơi/ Rơi.../ Đất trời/ Mù trắng nước/ Mưa chéo mặt sân/ Sủi bọt/ Cóc nhảy chồm chồm/ Chó sủa/ Cây lá hả hê/ Bố em đi cày về/ Đội sấm/ Đội chớp/ Đội cả trời mưa"

LẠI THÊM MỘT SỰ THẬT ĐAU LÒNG

Trần Đăng Khoa

Cái “sự thật” đau lòng ấy là chuyện vỡ đập thủy điện Đăk Mek 3 dưới chân núi Ngọc Linh. Dù công trình “thế kỷ” đã sập đổ, người cũng đã chết, mọi thông tin bị bưng bít, nhưng rồi cuối cùng vẫn tóe loe ra. Một việc tày trời, lại phơi ra giữa thanh thiên bạch nhật, giấu sao nổi? Đau xót. Bàng hoàng. Nhưng không ngạc nhiên. Các cụ bảo “nhân nào quả ấy”. Điều gì xảy ra tất sẽ xảy ra. Chỉ có điều sớm hoặc muộn. Ơn giời, may mà không muộn. Nếu muộn hơn, khi con đập đã “khánh thành”, với sức công phá của quả bom nguyên tử nước, sự thiệt hại là kinh hoàng. Số người chết sẽ không thể lường hết được!

Không phải bây giờ, khi đã liên tiếp xảy ra các sự cố, mà lâu rồi, có dễ đã hơn nửa năm, dư luận đã ồn ào xung quanh mấy cái đập thủy điện. Bắt đầu là đập thủy điện Sông Tranh. Con đập rất hoành tráng, kỳ vĩ. Công nhân “tác nghiệp” trên thân đập, trông li ti như những con kiến cỏ. Công trình chưa kịp nghiệm thu, nước đã phun phè phè. Thế rồi lại giải quyết sự cố. Loay hoay đắp chỗ nọ, vá chỗ kia. Có người còn “lấy cả rẻ rách bịt lỗ dò trách nhiệm”, nói theo cách bình phẩm “nghiệm thu công trình” của giới truyền thông. Lỗ thủng chưa bịt được xong thì lại xảy ra động đất. Mà động đất liên miên, lại chỉ xảy ra quanh khu vực thủy điện Bắc Trà My. Rõ là lão Giời hành! Trước đây sao không thấy động đất mà bây giờ cứ động đất liên tục. “Không phải đâu! Không phải tại Giời đâu! – Một già làng lên tiếng – Đừng có đổ vấy cho Giời mà phải tội! Tại Người đấy. Người tính không kỹ. Tại sao lại chọn chốn này làm thủy điện? Chỗ này lòng đất yếu. Địa tầng không vững, làm sao “cõng” nổi hàng triệu triệu khối nước. Nặng quá thì chao đảo, chòng trành. Quá thêm tí nữa thì sập. Mà sập là cái chắc!”.

Tất nhiên, chẳng ai tin ông lão đã gần đất xa trời! Người ta tin là tin các nhà khoa học, có chuyên môn khảo sát thiết kế. Nhưng kết quả công trình thì lại rất đáng ngờ. Và động đất liên tục là điều có thật. Lần sau mạnh hơn lần trước. Bắt đầu là 2 độ Richter, rồi 3,4 độ Richte, 4,2 độ Richter, mới đây nhất là 4,7 độ Richter. Chẳng biết khi nào thì nó mới chịu dừng. Sự bất an nóng cả Nghị trường Quốc Hội. Nhiều ông lớn có liên quan bị các Đại biểu Quốc hội lôi ra chất vấn. Có ông quan chức còn khẳng định: “Bà con cứ yên tâm ở đấy. Không phải đi đâu hết!”. Ở là bà con ở, chứ ông ấy có ở đâu. Liệu có tin được câu nói buông xuôi của ông ta không? Con đập chỉ chịu được động đất 5,5 độ Richter. Trận động đất mới đây đã lên đến 4,7 độ Richter rồi. Những trận tiếp theo sẽ là bao nhiêu nữa? Nếu nó vượt ngưỡng “cực đại” 5,5 độ Richter thì sao? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm? Một đại biểu Quốc hội đề nghị hủy Thủy điện Sông Tranh. Và nói như ký giả Hà Thạch Hãn: “5000 tỷ đồng xây dựng thủy điện là rất lớn. Nhưng có lớn đến mức phải đánh đổi cả tính mạng của 48000 dân sống trong khu vực này không? Người càng ngồi ở ngôi cao chức cả, càng phải biết lo nỗi lo của thiên hạ, trong khi nỗi sợ hãi trong dân mỗi ngày một lớn dần. Bao nhiêu đoàn của bộ ngành này, đơn vị nọ lũ lượt vào ra xem xét, kiểm tra thực địa. Cuối cùng để làm gì? Động đất xảy ra càng dữ dội hơn. Người dân thì hoảng loạn. Chính quyền địa phương thì bất lực. Tất cả cứ rối bời…”.

Cơn ác mộng thủy điện Sông Tranh còn chưa nguôi ngoai thì đã vỡ đập thủy điện Đakrông 3 ở Quảng Trị. Người dân còn chưa kịp hoàn hồn thì lại vỡ tiếp đập thủy điện Đăk Mek, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Lần này, việc vỡ đập kinh hoàng lại không phải động đất, cũng không phải sự cố gì to tát, mà chỉ là chiếc xe ben chở đá va vào thân đập. Thế mà cả con đập đồ sộ đổ nhào. Thật kỳ lạ. Không ai có thể tin được. So với cả công trình dài 80m, cao 20m, chiếc xe Ben chỉ là một con muỗi mắt. Thế mà chỉ một cú va chạm của “con muỗi mắt”, hơn 60m đập đã vỡ vụn như cám. Qua những bức ảnh đã công bố trên các trang báo mạng của phóng viên hiện trường, mới hay chỉ đất đá lổn nhổn, cả phần thượng lưu con đập đã vỡ hoàn toàn, phần thân đập dày hơn 1,5m được kết cấu bằng những khối bê tông trông bề ngoài có vẻ chắc chắn, nhưng lại nứt toác, vỡ vụn. Phía bên trong ruột bê tông vỡ toác chỉ loi thoi vài cọng sắt “gầy nhom”. Có chỗ còn chẳng thấy một thỏi sắt nào. Khu vực đập ở hạ lưu dày 1m, phần ở giữa thân đập được chèn một ít đá tròn, số còn lại là đất cát. Với kết cấu như thế, con đập không vỡ mới là chuyện lạ.
Nhưng có điều còn lạ hơn, con đập đã vỡ đến mấy ngày rồi, mà các cơ quan chức năng vẫn chưa biết gì. Có ông quan chức địa phương còn nói tỉnh queo, rằng sự cố đã xảy ra rồi, nhưng chủ đầu tư còn chưa báo cáo nên ông chưa nắm được.

Thật kỳ lạ! Hóa ra người ta giám sát lãnh đạo bằng…báo cáo. Liệu có anh vô trách nhiệm nào lại bẩm với cấp trên rằng: “Dạ, em đang rút ruột công trình đây ạ”. Ở đây, không phải chỉ có vô trách nhiệm mà còn có cả dấu hiệu khuất tất, gợi ta nhớ đến những công trình bị rút ruột, những cột bê tông bị tráo lõi thép bằng cọc tre như truyền hình đã đưa. Nhiều cung đường vừa thi công xong đã hỏng, nhiều khu nhà chưa kịp bàn giao đã xuống cấp nghiêm trọng. Đem cách làm ăn theo lối du thủ du thực ấy đi xây dựng những con đập thủy điện thì nguy hiểm vô cùng. Một hậu quả không thể lường hết được. May mà bác lái xe Ben, bằng một cú va quệt diệu kỳ, đã chứng minh cho toàn thiên hạ thấy rằng, cái công trình kỳ vĩ ấy chỉ là một trò chơi trẻ con, một lâu đài bằng cát. Nếu không có sự cố “may mắn” ấy, vào đầu năm 2013 này, khi nhà máy đi vào hoạt động, đập sẽ vỡ, chắc chắn sẽ vỡ, vì không thể không vỡ trước áp lực của nước, với sức mạnh còn bằng hàng ngàn chiếc xe ben. Thủy, Hỏa, Đạo, Tặc. Các cụ nói rồi. Chẳng có gì khủng khiếp bằng sự tàn phá của nước, với hàng triệu triệu mét khối đổ xuống thì tài sản và số phận của hàng ngàn người dân sẽ bay đến đâu? Không thể hình dung được hậu quả sẽ thảm khốc của nó.

Điều cuối cùng tôi muốn nói là sự thờ ơ vô trách nhiệm ở các cấp lãnh đạo địa phương, nhìn ở góc độ nào cũng không thể chấp nhận được. Nói như ông Lê Thanh Tâm, với việc xây dựng đập thủy điện này, chính quyền địa phương dứt khoát không thể bỏ mặc cho chủ đầu tư tự tung tự tác, mà không cử người giám sát theo dõi. Nếu có sự giám sát chặt chẽ, sự cố chắc chắn sẽ không bao giờ xảy ra.

Tôi chợt nhớ anh bạn thân của tôi. Một cựu chiến binh từng vào sinh ra tử. Cứ theo lời anh, thì mọi tệ nạn đều từ tham nhũng mà ra. Tham nhũng là nói một cách văn hoa. Nói trắng phớ là ăn cắp. Lớn ăn cắp lớn. Bé ăn cắp bé. Quan lớn đã không nghiêm thì quan bé làm sao tử tế được. Có cậu còn trắng trợn bảo tôi anh: “Các bác đừng có nhặng xị cuội. Nó rút ruột công trình nhưng công trình không đổ được đâu. Nó tính kỹ hết rồi. Nếu công trình phải cần mười tấn thép thì nó tăng lên mười bảy tấn, rồi rút bảy tấn ra để hoàn lại vốn mà nó đã chạy quyền, chạy chức, chạy dự án. Nhưng thói đời, hổ đã vồ được con lợn thì mèo cũng vơ ngay con cá. Thằng chủ thầu đã rút ruột công trình thì thằng quản đốc cũng rút được. Rồi thằng công nhân cuối cùng thực thi cũng lại rút nữa chứ. Nó tha à? Rốt cuộc, công trình vẫn không bảo đảm chất lượng và hậu quả đau lòng đã liên tiếp xảy ra như báo chí đã nêu. Muốn khắc phục được ư? Chỉ có bằng cách giám sát chặt chẽ. Giám sát độc lập. Làng tôi xây mỗi cái cống con mà cũng thất thoát. Mà chưa được một năm, cống đã hỏng. Ông xã trúng thầu. Ông xã lại giám sát. Thế thì tránh sao được nạn trộm cắp. Bởi thế. khi làm con đường lớn của làng, cánh cựu chiến binh chúng tôi tình nguyện làm giám sát viên. Mà làm không lương. Cũng chẳng vất vả gì. Cũng không cần phải có trình độ cao siêu. Mỗi người trực một hôm. Phân công cụ thể như thế. Rất nhàn. Chúng tôi không quan tâm số tiền đầu tư bao nhiêu, chi vào những khoản gì? Đấy là việc của các anh, chúng tôi không hỏi, cũng không tò mò. Chúng tôi chỉ nắm mỗi cái thiết kế. Đường dài bao nhiêu? Bê tông đổ dày bao nhiêu? Có mấy cái cống? Sắt loại gì? Phi bao nhiêu? Xi măng mark gì? Bao nhiêu tấn? Chúng tôi chỉ làm mỗi việc đếm rồi gi lại. Rồi xem người ta làm. Cứ như đi chơi. Thế mà đâu vào đấy. Dân hỉ hả. Con đường mấy chục năm vẫn chắc khừ, bua đập cũng không vỡ!

Chống tham nhũng xem ra chả khó. Chỉ có điều mình có muốn làm thật hay không? Nếu muốn làm thật thì giao cho dân. Dân sẽ làm được ngay. Cán bộ ai thế nào, dân cũng biết hết. Đừng tưởng dân không hiểu gì. Nhầm nghiêm trọng đấy!”

ĐỒNG KHỞI CHỐNG THAM NHŨNG

Trần Đăng Khoa

Trong một lần hầu chuyện bạn đọc, tôi có nói vui rằng, khi nghĩ về hai thành phố lớn của đất nước, tôi cứ hình dung Thủ đô Hà Nội như một cụ già khăn xếp, áo the đủng đỉnh tập dưỡng sinh, còn Thành phố Hồ Chí Minh là một cô gái mặc quần sooc, đang chạy việt dã. Một cơ thể trẻ trung, năng động và rừng rực sức sống. Nếu đất nước có những phát kiến gì mới thì chắc chắn sẽ bắt đầu từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Miền Trung. Bởi vậy, tôi không ngạc nhiên khi Thành phố Hồ Chí Minh vừa có cuộc “đồng khởi” chống nạn trộm cắp, cướp giật. Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã có văn bản yêu cầu giám đốc Công an TP phối hợp với công an các quận, huyện, các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, rà soát, quản lý địa bàn. Theo đó, cần chủ động đấu tranh, phòng chống tội phạm, phối hợp với các địa phương có địa bàn giáp ranh mở đợt cao điểm tấn công truy quét, trấn áp các băng nhóm chuyên trộm cắp, cướp giật tài sản. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật sớm đưa ra xét xử các vụ án nghiêm trọng để răn đe và phòng ngừa loại tội phạm này.
.
Cùng “ra quân” với Thành phố Hồ Chí Minh, ở các tỉnh khu vực Miền Trung, tại một hội nghị của TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cũng có một quyết định hay: Lực lượng CSGT tại 4 trạm thuộc TP này khi làm nhiệm vụ trực tiếp trên đường, ngoài tiền lương, thưởng theo chế độ còn được UBND TP hỗ trợ thêm 5 triệu đồng một tháng cho một người. Đổi lại, nếu phát hiện bất kỳ CSGT nào nhận mãi lộ, dù chỉ một trăm nghìn đồng thì lập tức bị tước quân tịch và đuổi khỏi ngành.

Quả là những sáng kiến rất hay trong chiến dịch chống trộm cắp. Cần phải coi lũ trộm cắp này là loại tội phạm nguy hiểm nhất. Mặc dù, xét cho cùng, những kẻ móc túi, những bọn trấn lột, cướp giật trên đường phố cũng chỉ là bọn ăn cắp vặt. Nguy hiểm hơn là bọn kẻ cắp trong bộ máy công quyền nhà nước. Tôi nói chúng là tội phạm nguy hiểm hơn, bởi ngoài việc làm thất thoát một lượng tài sản lớn đến hàng ngàn ngàn tỷ đồng, chúng còn làm mất niềm tin nghiêm trọng trong đại đa số nhân dân, dẫn đến lung lay cả một thể chế. Điều ấy không thể coi là một chuyện bình thường

Việc làm của Thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Đà Nẵng quả là rất kịp thời. Ước gì, những sáng kiến hay ấy được nhân rộng ra toàn quốc. Chúng ta cũng có thể học Đà Nẵng, hỗ trợ một khoản tiền, có thể nhiều gấp đôi, gấp ba số tiền Đà Nẵng hỗ trợ CSGT – để giành cho các quan chức nhà nước, gọi là tiền “khuyến liêm”, đổi lại, các quan chức nhà nước cũng phải giữ mình trong sạch. Nếu chỉ nhận một đồng hối lộ cũng bị cách chức và đuổi về vườn. Nếu cả nước đều đồng khởi chống giặc nội xâm như thế thì bọn tham nhũng, trộm cắp sẽ không còn chốn nương náu.

Trong lần hầu chuyện bạn đọc tuần trước, tôi có kể về anh bạn thân của tôi. Một cựu chiến binh từng vào sinh ra tử. Cứ theo lời anh, thì mọi tệ nạn đều từ tham nhũng mà ra. Tham nhũng là nói một cách văn hoa. Nói trắng phớ là ăn cắp. Lớn ăn cắp lớn. Bé ăn cắp bé. Quan lớn đã không nghiêm thì quan bé làm sao tử tế được. Cứ theo lời anh, chống tham nhũng xem ra chả khó. Chỉ có điều mình có muốn làm thật hay không? Nếu muốn làm thật thì giao cho dân. Dân sẽ làm được ngay.

Trong thực tế đời sống, đã từng có một bà nông dân, bà Phùng Thị Tùng ở thôn Đình Tổ, huyện Quốc Oai, Hà Nội viết đơn đề nghị mượn ghế Chủ tịch UBND huyện trong vòng 2 tháng để giải quyết những đơn thư khiếu nại của người dân đang còn tồn đọng và không cần nhận bất cứ một đồng lương nào. Sau khi xong việc, bà sẽ trả lại ngay ghế "quan", rồi về nhà tiếp tục cày ruộng, cấy lúa. Bà bảo "Tôi chỉ quen làm ruộng, chẳng có tài cán gì để mà mong có danh nọ phận kia. Đơn giản tôi chỉ nghĩ, Đảng và Nhà nước đã ban hành đủ các loại luật rồi. Cứ mang luật mà chiếu rọi vào các sự việc tiêu cực thì sẽ thấy ngay những sai phạm của những người có chức có quyền mà tự tư tự lợi”. Bà tin bà làm được những việc mà các quan chức khác không thể làm được, vì bà không dính vào các “dây dợ”. Còn đã dính vào cái đống bùng nhùng ấy thì sẽ chẳng bao giờ có thể thoát ra được chứ đừng nói là lại còn có thể chống được tham nhũng.

Khi tôi nói, hãy trao việc chống tham nhũng cho dân, bác Trần Đồng, một bạn đọc của VOV có bức thư ngỏ phản biện khá thú vị. Bác bảo: “Tôi cũng như hàng triệu người dân Việt Nam, (nhất là những người lao động đang đổ mồ hôi sôi nước mắt mưu sinh cho gia đình mình và góp phần đóng thuế cho ngân sách) tán thành hầu hết những ý kiến rất thực tế của nhà thơ TĐK. Nhưng tôi có một ý kiến phản biện. Đó là việc “giao cho dân chống tham nhũng…” là không thể làm được, hoặc nếu có làm thì cũng chẳng mang lại kết quả gì nếu không muốn nói là ngược lại. Ai cũng biết hàng chục triệu người dân Việt căm thù bọn tham nhũng và Nhóm Lợi Ích, nhưng hàng ngày họ phải nai lưng kiếm sống. Anh chị công nhân các khu công nghiệp thì làm tăng ca ngày 12 giờ mong kiếm thêm từng đồng bạc còm mong bù lại giá tăng. Giáo viên, nhân viên hành chính sự nghiệp thì lương ba cọc ba đồng, ai cũng phải bon chen với cuộc sống, làm thêm đủ mọi việc để kiếm thêm đồng dưa đồng mắm. Nông dân thì ruộng đất đâu còn bao nhiêu cho mỗi khẩu (vì các dự án đã lấy mất), cả năm đương đầu với mọi khó khăn thiên tai, lại còn nhân tai, phần lớn trong họ đổ vào thành thị bán sức lao động, rồi nhặt ve chai, bán hàng rong, hay làm osin. Các bác cưu chiến binh thì đã cống hiến hết cả sức khỏe và tuổi trẻ, đổ cả xương máu cho đất nước, sức lực đâu còn lại bao nhiêu. Nhân viên trong doanh nghiệp thì thấp cổ bé họng, nặng gánh gia đình, ai dám hó hé, “mà đấu tranh thì tránh đâu”. Ai trong số họ có quyền, có khả năng kiểm tra được các dự toán, các công trình kỹ thuật vốn rất lằng nhằng, để phát hiện chúng “đểu” (gian dối) như thế nào. Ai vào được công trình để giám sát thi công, vì giám sát thi công, phải có chứng chỉ do Bộ xây dựng cấp, phải giám sát 24/24, vì rất nhiều công trình bị rút ruột khi vắng mặt giám sát. Mặt khác, giả sử chấp nhận để nhân dân giám sát thì cũng không thể cho bất kỳ ai trong nhân dân cũng làm giám sát, lại phải BẦU ra Ban giám sát nhân dân. Vậy thì đến khi bầu, AI ĐÓ lại chỉ đạo bầu ông này, bà kia, nhân dân làm sao biết được. Khi được bầu, có thể họ là người tốt, nhưng khi làm việc, ai dám bảo đảm họ không bị nhóm lợi ích MUA, và biến thành BÙA cho nhóm lợi ích…vân vân và vân vân. Tóm lại, việc “giao cho dân chống tham nhũng…” là phải có CƠ CHẾ, QUY CHẾ, QUY TRÌNH. Vậy thì AI ban hành những thứ này? Kẻ tham những thường là người có quyền chức, địa vị, thế lực; cái mà họ “ăn” được là của công, của nhân dân, đất nước; Ekip (hay Nhóm Lợi Ích) muốn “ăn” được lâu dài mà không ai làm gì được thì họ phải bao che nhau để vô hiệu hóa các biện pháp chống tham nhũng; cái tham nhũng khủng khiếp nhất là dựa vào thế lực để ra các chính sách, quy định quản lý kinh doanh, điều hành….đem lại lợi ích cho Nhóm Lợi Ích. Vậy thì giao cho nhân dân, nhân dân liệu có đảm trách được không?”.

Tất nhiên là không thể đảm trách được. Bác nói quá đúng. Tôi bảo trao quyền chống tham nhũng cho dân cũng là nói trên tinh thần chiến lược, chứ không phải trao cho những con người cụ thể như bác đã cảnh báo. Trao quyền chống tham nhũng cho Dân là trao cho những người đại diện cho Dân. Đại loại như Ủy ban Phòng chống tham nhũng chẳng hạn. Ủy ban này trực thuộc Quốc hội, chịu sự giám sát của Quốc hội, nhưng lại hoạt động hoàn toàn độc lập theo Pháp luật. Có hai cơ quan đặc biệt, cần tồn tại độc lập, hoạt động độc lập theo pháp luật, chịu sự giám sát của Quốc hội: là Tòa án và Ủy ban phòng chống tham nhũng. Nếu chúng ta muốn chống tham nhũng thật để bảo vệ thể chế của chúng ta thì phải “tái cơ cấu” hai cơ quan ấy và tạo ra những quy chế, cơ chế hoạt động như vậy. Và cũng chỉ có làm thế, chúng ta mới hy vọng đẩy lùi được tệ nạn tham nhũng, còn nếu không, chúng ta chỉ “chống tham nhũng” ở trên diễn đàn, hay trên sân khấu với những miếng trò, diễn đã hết thiêng trước con mắt của nhân dân vốn vẫn rất tỉnh táo, hay nói như các cụ, là “ném bùn sang ao”, chẳng cái gì thành được cái gì!

Nguồn: Blog Lão Khoa
ảnh trên: Bình minh trên Yên Tử (ảnh tư liệu của Hoàng Kim)

Bài cùng chđ

1) Bài thơ QUAN HẢI của Nguyễn Trãi
2) Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức , viên chức.
3) Lại thêm một sự thật đau lòng
4) Hãy để cho dân cái lai quần
5) Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang: Không vừa lòng hãy phê phán trực tiếp chúng tôi

6) Quốc Hội chỉ lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm 49 chức danh chủ chốt
7) 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Kiên quyết ngăn chặn lợi ích nhóm
8) Chất lượng cuộc sống và minh triết


Trở về trang chính
HOÀNG KIM
DẠY VÀ HỌC
DAYVAHOC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Em ơi em, can đảm bước chân lên


Nguyễn Khoa Tịnh

Thầy ước mong em
noi gương Quốc Tuấn


Đọc thơ em, tim tôi thắt lại 
Lòng nghẹn ngào, nước mắt chảy rưng rưng 
Nửa xót xa nhưng nửa lại vui mừng 
Xót xa vì đời em còn thơ dại 
Mới tuổi thơ mà cuộc đời đầy khổ ải 
Mới biết cười đã phải sống mồ côi 
Như chiếc thuyền giữa biển tự trôi 
Như chiếc lá bay về nơi vô định 
“Bụng đói” viết ra thơ em vịnh: 

“Cơm ngày một bữa sắn trộn khoai 
Có biết lòng ta bấy hỡi ai? 
Vơi vơi lòng dạ, cồn cào bụng 
Kể chi no đói, mặc ngày dài” 


Phải! 
Kể chi no đói mặc ngày dài 
Rất tự hào là thơ em sung sức 
Rất tự hào là em tôi đầy nghị lực 
Đã hiển lộ mình qua “Cái chảo rang” 

“Trung dũng ai bằng cái chảo rang 
Lửa to mới biết sáp hay vàng 
Xào nấu chiên kho đều vẹn cả 
Chua cay mặn ngọt giữ an toàn 
Ném tung chẳng vỡ như nồi đất 
Quăng bừa xó bếp vẫn nằm ngang 
Tốt đẹp đâu cần danh tiếng hão 
Bạn cùng lửa đỏ, nóng chang chang”


Phải! 
Lửa to mới biết sáp hay vàng! 
Em hãy là vàng, 
Mặc ai chọn sáp! 
Tôi vui sướng cùng em 
Yêu giấc “Ngủ đồng” 
Hiên ngang khí phách: 

“Sách truyền sướng nhất chức Quận công 
Ta sướng khi ra ngủ giữa đồng 
Lồng lộng trời hè muôn làn gió 
Đêm thanh sao sang mát thu không 
Nằm ngữa ung dung như khanh tướng 
Lấy mấy vần thơ tỏ nỗi lòng 
Tinh tú bao quanh hồn thời đại 
Ngủ đồng khoan khoái ngắm gương trong” 


Tôi biết chí em khi "Qua đèo Ngang” 
Ung dung xướng họa với người anh hùng 
Đã làm quân thù khiếp sợ: 

“Ta đi qua đèo Ngang 
Cũng gặp Người trèo qua núi hiểm 
Đỉnh dốc chênh vênh 
Xe mù bụi cuốn 
Có lẽ thiên nhiên đã định bao giờ 
Một dãy Hoành Sơn bát ngát trận đồ 
Điệp điệp núi cao 
Trùng trùng rừng thẳm. 
Người thấy 
Súng gác trời xanh 
Gió lùa biển lớn 
Nông dân rộn rịp đường vui 
Thanh Quan nàng nhẽ có hay 
Cảnh mới đã thay cảnh cũ. 
Ta hay 
Máu chồng đất đỏ 
Mây cuốn dặm khơi 
Nhân công giọt giọt mồ hôi 
Hưng Đạo thầy ơi có biết 
Người nay nối chí người xưa 

Tới đây 
Nước biếc non xanh 
Biển rộng gió đùa khuấy nước 
Đi nữa 
Đèo sâu vực thẳm 
Núi cao mây giỡn chọc trời 

Nhớ thù nhà, luống thẹn làm trai 
Thương dân nước, thà sinh phận gái 
“Hoành Sơn cổ lũy” 
Hỏi đâu dấu tích phân tranh? 
Chỉ thấy non sông 
Lốc cuốn, bốn phương sấm động. 

Người vì việc nước ra đi 
Ta muốn cứu dân nên thăm trận thế 
Điều không hẹn mà xui gặp mặt 
Vô danh lại gặp hữu danh 
Cuộc đời dài ắt còn sẽ gặp nhau 
Nay hội ngộ giữa đỉnh cao trời đất 
Anh em ta ngự trên xe đạp 
Còn Người thì lại đáp com măng 
Đường xuyên sơn 
Anh hùng gặp anh hùng 
Nhìn sóng biển Đông 
Như ao trời dưới núi. 

Xin kính chào 
Bậc anh hùng tiền bối 
Ta ngưỡng mộ Người 
Và tỏ chí với non sông 
Mẹ hiền ơi! 
Tổ Quốc ơi! 
Xin tiếp bước anh hùng!” 


Hãy cố lên em! 
Noi gương danh nhân mà lập chí 
Ta với em 
Mình hãy kết thành đôi tri kỷ! 
Đất Quảng Trạch này đâu kém Nam Dương 
Tôi tự hào bài “Tỏ chí” của em: 

"Quốc Tuấn ngày xưa chí vững bền 
Thù nhà, nợ nước chẳng hề quên 
Đến bữa quên ăn, đêm quên ngủ 
Thương dân, yêu nước quyết báo đền 
Văn hay thu phục muôn người Việt 
Võ giỏi kinh hồn lũ tướng Nguyên 
Mươi năm sau nữa ơi ông Tuấn 
Nối chí ông, nay cháu tiến lên!” 


Tôi thương mến em 
Đã chịu khó luyện rèn 
Biết HỌC LÀM NGƯỜI ! 
Học làm con hiếu thảo. 
Mười lăm tuổi đã “Tập làm thầy giáo” 

Vui gì hơn buổi đầu làm thầy giáo 
Của lớp vở lòng đất mẹ yêu thương 
Trưa nắng luyến các em cùng đến lớp 
Giọng líu lo như chim hót ven đường. 

Đứng trước các em tuổi nhỏ đáng yêu 
Mà đã tưởng tới bao nhiêu người lớn 
Nghe em đọc giọng thanh thanh dễ mến 
Mà đã nghe đất nước xuyến xao mình!


Tổ Quốc đang chờ em phía trước. 
Em ơi em, can đảm bước chân lên!

1970