Hoàng Kim
Để chấn hưng giáo dục đại học Việt Nam cấp thiết phải có đội ngũ những người Thầy ưu tú có tâm đức, thiết tha với nghề, có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng giảng dạy tốt. Nâng cao chất lượng người Thầy là yếu tố cần hoàn thiện trước tiên, kế đó là nâng cao chất lượng học viên. Sự đột phá cần nhắm thẳng vào ba việc chính, đồng bộ và đồng thời: 1) tuyển chọn, đào tạo, thu hút và trọng dụng Thầy tốt, rà soát tổ chức, quy hoạch nhân sự, đầu tư đồng bộ và hiệu quả cho một số đơn vị giảng dạy nghiên cứu trọng điểm phù hợp với định hướng chiến lược quốc gia và sát với thị trường lao động, tập trung vào những vấn đề đất nước, vùng miền và cơ sở giảng dạy nghiên cứu có lợi thế so sánh; 2) cải tiến phương pháp dạy và học theo hướng “dạy và học tương tác”“học để làm”(learning by doing) cải tiến chương trình giảng dạy, xây dựng giáo trình chất lượng, sát thực tiễn, ứng dụng công nghệ tin học và E-Learning vào dạy và học, bám sát và giải quyết những yêu cầu thực tiễn cấp bách của sản xuất đời sống; 3) quy hoạch, cải tạo, nâng cấp trọng điểm môi trường dạy và học để giáo dục và khoa học công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu. Nhiệm vụ dạy học là “dạy thái độ, dạy phương pháp, dạy nghề”. Trong đó, dạy phương pháp là quan trọng và cơ bản nhất ở trường đại học để phát triển trí tuệ sinh viên, thúc đẩy tư duy sáng tạo và năng lực hoạt động thực tiễn. Mục đích sau cùng của DẠY và HỌC là thấu suốt bản chất sự vật, có lời giải đúng và LÀM được việc.
1. SỰ CẤP THIẾT CHẤN HƯNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC VIỆT NAM
Giáo dục - đào tạo đóng vai trò chủ yếu trong việc giữ gìn, kế thừa và phát triển những giá trị thành tựu của nền văn minh nhân loại. Trong thời đại cách mạng khoa học công nghệ ngày nay, tri thức trở thành động lực chính của sự tăng tốc phát triển. Giáo dục - đào tạo được coi là nhân tố quyết định sự thành bại của mỗi quốc gia trên trường quốc tế và sự thành đạt của mỗi thành viên trong cuộc sống. Giáo dục đại học là tác nhân hiêụ quả, chủ đạo và trực tiếp giúp Nhà nước hoạch định chính sách phát triển khoa học, kinh tế, xã hội. Chất lượng giáo dục đại học là tấm gương thần kỳ để nhìn vào đó hiểu tương lai dân tộc sẽ đi về đâu. Đất nước phát triển là dựa vào công lớn học tập, lao động sáng tạo của nguồn lao động trẻ. Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu. Vấn đề then chốt trong chính sách quốc gia là chăm lo giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả nguồn lực khoa học công nghệ.
Qua hai mươi lăm năm đổi mới (1986-2011), giáo dục đại học nước ta đã phát triển rõ rệt về quy mô, đa dạng về loại hình và phương thức đào tạo. Bài “Thực trạng giáo dục và những kiến nghị” của giáo sư Nguyễn Lân Dũng đã trích dẫn “Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ Tướng Chính Phủ)”cho thấy:
“Nhìn lại trong10 năm qua (2001 - 2010), quy mô đào tạo nghề đã tăng 3,08 lần, trung cấp chuyên nghiệp tăng 2,69 lần; quy mô giáo dục đại học tăng 2,35 lần. Năm 2010, số sinh viên cao đẳng và đại học trên một vạn dân đạt 227; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 40%, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tăng nhanh về số lượng, nâng dần về chất lượng, từng bước khắc phục một phần bất hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục và phát triển các cấp học và trình độ đào tạo. Trong 10 năm qua, tỷ trọng quy mô đào tạo ngoài công lập trong tổng quy mô đào tạo tăng: sơ cấp nghề tăng từ 28%5 lên 44%, trung cấp và cao đẳng nghề tăng từ 1,5% lên 5,5%, trung cấp chuyên nghiệp tăng từ 5,6% lên 27,2%, cao đẳng tăng từ 7,9% lên 19,9%, đại học tăng từ 12,2% lên 13,2%. Cơ sở vật chất nhà trường được cải thiện. Tỷ lệ phòng học kiên cố tăng từ 52% năm 2006 lên 71% năm 2010. Nhà công vụ cho giáo viên và ký túc xá cho học sinh, sinh viên đã được ưu tiên đầu tư xây dựng và tăng dần trong những năm gần đây. Trong 10 năm qua, những thành tựu của giáo dục nước ta đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, tạo điều kiện cho đất nước tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế.”
Tuy vậy, những thành tựu nói trên của giáo dục đại học Việt Nam là chưa vững chắc, chưa mang tính hệ thống và cơ bản, chưa đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hoá đất nước và nhu cầu học tập của nhân dân. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu: "giáo dục và đào tạo nước ta vẫn còn những bất cập, yếu kém, chất lượng giáo dục chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thực sự gắn với nhu cầu của xã hội. Giáo dục kiến thức về xã hội, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng thực hành còn kém, chưa phát huy khả năng tự học, tính chủ động, sáng tạo của người học; việc tham gia vào các hoạt động xã hội của học sinh, sinh viên còn nhiều hạn chế…" Nhiều trí thức tâm huyết đã cảnh báo rằng, nếu tới đây giáo dục tiếp tục không thành công thì đó sẽ là điều bất hạnh lớn cho dân tộc, vì không ai lường hết được hậu quả của nó đối với mọi mặt đời sống của đất nước khi hội nhập.
Chấn hưng giáo dục là mệnh lệnh của cuộc sống. Sự đảm bảo nguồn nhân lực khoa học công nghệ có cơ cấu và chất lượng phù hợp với yêu cầu thị trường lao động và đủ khả năng tiếp cận với nền khoa học và công nghệ tiên tiến có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong xu thế toàn cầu hoá, mối quan hệ kinh tế ngày càng gia tăng, nhiều công ty đa quốc gia ra đời, hình thành một nền kinh tế không biên giới, tạo áp lực hợp tác và cạnh tranh toàn cầu. Mối giao lưu văn hoá tăng rất nhanh, các phương tiện truyền thông, mạng viễn thông, internet đã cải biến xã hội một cách sâu sắc, “đưa thế giới vào mỗi gia đình”. Mối liên hệ hợp tác về đào tạo, nghiên cứu đã phá vỡ các phương thức giảng dạy truyền thống để thay thế bằng những phương pháp giáo dục – đào tạo kiểu mới theo tư duy năng động hơn và hiệu qủa hơn gấp bội.
“Đổi mới cơ bản và toàn diện Giáo dục Đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020” là mối quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Lý do vì: “giáo dục đại học là hệ thống máy cái của khoa học công nghệ và nền kinh tế quốc dân, là nhân tố quyết định sự thành bại của mỗi quốc gia”; “sự tụt hậu của đại học nước ta so với thế giới là nghiêm trọng hơn nhiều so với giáo dục phổ thông” Nền giáo dục của chúng ta không chỉ lạc hậu mà còn nhiều điểm hạn chế thiên về dạy kiến thức , nhẹ về giáo dục bồi dưỡng nhân cách” “cần cấp bách chuyển giáo dục đại học theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” (giáo sư Hoàng Tụy, 2006, 2012 ).“ khi có được cách giảng dạy và học mới thì có thể đào tạo cấp tốc nhân sự cho đại học kiểu mới theo một giáo trình mới”; “cần phải thay đổi ngay từ cách đào tạo giáo viên ở các trường sư phạm vì nếu không làm được việc đó thì mọi sửa đổi ở các đại học chuyên môn khác đều không có tác dụng (Giáo sư Võ Tòng Xuân, 2006); Chưa bao giờ nhiệm vụ chấn hưng giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục đại học cần thiết và cấp bách như hiện nay (Nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình 2012, Nhà văn Nguyên Ngọc 2012, giáo sư Chu Hảo 2012)
2. GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY VÀ HỌC.
2.1. Những biến đổi lớn về giáo dục của nước ta
Thế kỷ 20 đã chứng kiến những biến đổi sâu sắc, to lớn của giáo dục đại học Việt Nam. Năm 1919 với khoa thi cuối cùng thời phong kiến Việt Nam đã khép lại Cựu học, khởi đầu Tân học, hướng về chân trời tri thức phương Tây. Mẫu trí thức cũ của các chế độ phong kiến trước đây ở Việt Nam là “học để làm quan”. Thi cử là để chọn người vào làm quan trong bộ máy hành chính. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là trường đại học đầu tiên của nước ta được xây dựng năm 1070, đời vua Lý Thánh Tông, đến đời nhà Nguyễn, Quốc Tử giám lập tại Huế. Đây là cơ sở đào tạo và giáo dục cao cấp của triều đình. Việc dạy và học trọng tâm là kinh sách “thánh hiền”, kế sách “trị quốc, an dân”, “dạy làm người, dạy đối nhân xử thế” mà xem nhẹ việc học khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Mẫu trí thức mới của nửa đầu thế kỷ 20 ở nước ta đã đào tạo chuyên ngành hành chính, bác sĩ, canh nông, kỹ sư, họa sĩ, kiến trúc sư để làm lực lượng lao động tự do, tuy hình thành nhưng chưa cố kết bền chắc. Những năm cuối của thế kỷ 20 đến những năm đầu thế kỷ 21, xã hội Việt Nam và giáo dục đại học Việt Nam đứng trước những biến động sâu sắc chưa từng thấy của phong trào Duy Tân, cách mạng tháng Tám, 30 năm chiến tranh giải phóng, 10 năm khôi phục kinh tế sau chiến tranh, 20 năm đổi mới. Đây là những biến đổi sâu sắc, to lớn tác động toàn diện đến nền giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục đại học nói riêng.
Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh là cầu nối gia đình nông nghiệp trước và sau giải phóng Việt Nam hoàn toàn thống nhất. Trường là một trong hai trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn lực nông nghiệp cho cả nước cùng với Đại học Nông nghiệp Hà Nội. Trên nửa thế kỷ thành lập (1955-2012), Trường đã trãi qua bảy lần thay tên, nhưng tên Trường vẫn luôn giữ cái cội nguồn lúc mới thành lập, đó là cái gốc nông nghiệp trong danh xưng. Tư liệu lịch sử “Trường tôi và lòng thương yêu gửi lại của thầy Lưu Trọng Hiếu” là bài học rất quý của Trường giúp ta xâu chuỗi những biến đổi lớn lao về giáo dục đại học trước và sau ngày Việt Nam thống nhất để soi sáng những giải pháp chính cho sự hội nhập và phát triển.
Nghề nông làm gốc “Dĩ nông vi bản” là biểu tượng của ngôi trường chữ U. Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cho rằng bốn giải pháp chính chấn hưng nước Việt: đầu tiên phải tác động trực tiếp vào đội ngũ lãnh đạo cao nhất của đất nước với biểu tượng chữ T của Dinh Độc Lập, kế đến phải là chú trọng kinh tế “phi thương bất phú” không buôn bán thì chẳng thể làm giàu với biểu tượng chữ H của Chợ Đà Lạt, tiếp theo phải là quan tâm nông nghiệp với biểu tượng chữ U của Trường Canh Nông, nối kết với chỉnh đốn pháp luật biểu tượng bằng con dấu pháp lý của kiến trúc Hồ Con Rùa. Theo ông Thụ, đó là vương đạo Quốc gia.
Giáo sư Tôn Thất Trình tuy bận trọng trách hai lần giữ chức Tổng Trưởng Bộ Canh Nông và Cải Cách Điền Địa của chính phủ Sài Gòn năm 1967 và 1973 nhưng thầy vẫn làm Giảng sư và Hiệu trưởng của Trường. Sau ngày Việt Nam thống nhất, thầy Tôn Thất Trình làm chánh chuyên viên, tổng thư ký Ủy Ban Lúa Gạo Quốc Tế của FAO (Rome) tiếp tục đóng góp hiệu quả cho nông nghiệp Việt Nam. Bài viết “Thầy bạn là lộc xuận cuộc đời” đã ghi lại. Việc ghi chép tỷ mỷ quá trình thành lập Trường, cách tổ chức ban giảng huấn và sự phát triển nguồn nhân lực Đại Học Nông Lâm trong hai mươi năm đầu và hơn ba mươi năm sau ở “Trường tôi và lòng thương yêu gửi lại của thầy Lưu Trọng Hiếu” là bài học lịch sử cho sự nghiên cứu phát triển.
2.2 Chất lượng dạy học đại học ở Việt Nam
Đánh giá chất lượng dạy học đại học Việt Nam hiện có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Một cách khái quát là giáo dục đại học Việt Nam đã làm đươc nhiều việc nhưng chưa theo kịp được so với yêu cầu như đã đề cập ở phần đầu. Đánh giá chất lượng dạy học đại học Việt Nam phải đặt lại câu hỏi sản phẩm chúng ta cần đào tạo ra là gì? Những thanh niên đó cần đáp ứng những yêu cầu như thế nào? Bà Tôn Nữ Thị Ninh đã lấy một ví dụ quan sát sinh viên Học viện Quan hệ Quốc tế là nơi mà bà có quen biết nhiều, khi họ chỉ cầm hai, ba cuốn sách trong tay phải đọc trong vòng mấy ngày là họ cảm thấy rất mệt mỏi và hoảng hốt, trong khi sinh viên ở Mỹ thì người ta giao cho mấy chục quyển sách trong một tuần là chuyện rất bình thường. Bà cho rằng, vấn đề đặt ra là đọc như thế nào chứ đâu phải là đọc từng trang một của mấy chục quyển sách đó. Sinh viên của chúng ta ít biết cần phải học như thế nào, đáp ứng những tiêu chuẩn gì mà chỉ tập trung hoàn thành một số kiến thức rất cố định. Đây là vấn đề bức xúc vì cải cách giáo dục đại học nước ta đang diễn ra trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hoá và sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học và công nghệ vật liệu mới. Thị trường lao động chuyển biến rất lớn. Cần một cuộc cách mạng đau đớn, quyết liệt trong đào tạo và sử dụng trí thức. Trí thức thực là trí thức - cán bộ thực là cán bộ, ai vào việc nấy, độc lập sáng tạo mới mong kinh tế, văn hóa nước nhà thực sự cất cánh bền vững. Vấn đề cấp bách của giáo dục đại học hiện nay là chất lượng sinh viên sau khi ra trường chưa đáp ứng kịp nhu cầu thị trường công việc trong nước và cạnh tranh quốc tế. Nhà trường chúng ta đang dạy những cái mà giáo viên có, xây dựng những chương trình giảng dạy nghiên cứu trên căn bản những điều mà thầy cô đã được đào tạo và có kinh nghiệm. Lực lượng giảng viên đại học chưa theo kịp với yêu cầu cấp bách của sản xuất đời sống.
2.3 Giải pháp nâng cao chất lượng dạy học đại học
Theo ý kiến của TS. Huỳnh Công Minh 2012, sự cấp thiết phải đổi mới toàn diện, đồng thời và đồng bộ: mục tiêu giáo dục, nội dung chương trình, phương pháp dạy học, phương thức đánh giá, cơ chế quản lý và thiết chế tổ chức nhà trường.
Mục tiêu giáo dục phải đổi mới mạnh mẽ từ con người khoa bảng thành con người thực tế; từ mục tiêu nhồi nhét kiến thức hàn lâm chuyển thành năng lực làm chủ cuộc sống; từ cơ chế độc quyền với từng hoạt động đơn lẻ chuyển sang phục vụ xã hội đa dạng, cạnh tranh với tinh thần hợp tác, thân thiện.
Nội dung chương trình phải đổi mới từ phân hóa theo môn học thành tích hợp theo mục tiêu đào tạo; giảm lý thuyết từ chương, tăng cường thực tế; đổi mới mạnh mẽ từ nhà trường khép kín, gò bó sang giáo dục xã hội, mở rộng cửa trường đưa nhà trường thâm nhập vào cuộc sống.
Phương pháp dạy học phải đổi mới từ dạy số đông sang dạy cá thể, dạy cách học; đổi mới từ dạy áp đặt một chiều của người dạy sang tương tác đa chiều của người học với thầy cô, bạn bè, sách vở, trong gia đình và ngoài xã hội; không dừng lại ở lý thuyết, minh họa mà vươn tới hoạt động thực hành, trải nghiệm, làm sinh động và hiệu quả hơn nội dung giáo dục để đạt yêu cầu mục tiêu giáo dục tốt nhất; làm cho học sinh thích thú, chủ động và tích cực tự tìm tòi, nâng cao năng lực tự học, học suốt đời, học mọi lúc mọi nơi.
Đánh giá quá trình dạy học vừa mang tính công nhận nhưng quan trọng hơn còn có tác dụng định hướng giáo dục rất hữu hiệu – “Thi cử thế nào, thầy và trò dạy và học như thế ấy!” Phải đổi mới mạnh mẽ hoạt động đánh giá, coi trọng đánh giá của giáo viên ngay trong quá trình dạy học, đây là hoạt động chủ yếu thay vì tập trung thi cử cuối khóa nặng nề, đối phó, hình thức, thiếu thực chất thoát ly mục tiêu đào tạo. Phải tạo điều kiện cho người học tự đánh giá để tự hoàn thiện mình, phải phối hợp với phụ huynh đánh giá học sinh để tạo sự thống nhất hệ thống giá trị giữa nhà trường, gia đình và xã hội.
Cơ chế tổ chức quản lý, phải đổi mới mạnh mẽ từ quan liêu bao cấp sang cơ chế tự chủ nhà trường, không chờ đợi, ỷ lại vào cấp trên mà phải tạo điều kiện cho từng giáo viên sáng tạo, tự giác chấp hành luật pháp, thực hiện quy chế với ý thức tổ chức kỷ luật cao, đồng thời chủ động thể hiện từng động tác giáo dục phù hợp và hiệu quả với từng học sinh trong quá trình dạy học như những nhà giáo dục thực thụ.
Thiết chế tổ chức nhà trường phải đổi mới phù hợp với quan điểm đổi mới, giảm sỉ số trong lớp từ 35, 45 học sinh xuống còn 20, 30 học sinh; học sinh học tập và hoạt động cả ngày trong trường (2 buổi/ngày); giáo viên phải có chế độ làm việc cả ngày (8 giờ) theo đúng quy trình lao động của ngành nghề, nghiên cứu tài liệu, tiếp cận học sinh, nắm chắc tâm sinh lý lứa tuổi, hoàn cảnh, soạn bài, giảng bài, ra bài tập kiểm tra, chấm bài, chữa bài, đánh giá nhận xét từng học sinh chu đáo, đúng mực…thay vì chỉ đến trường theo giờ dạy, vì lao động của nhà giáo là lao động cao cấp, phức tạp, khác với các ngành nghề lao động giản đơn.
3. NGƯỜI THẦY VỚI VIỆC DẠY VÀ HỌC
3.1 Vinh quang nghề Thầy và sự dấn thân
Người Thầy luôn ở vị trí trung tâm trong lịch sử văn hoá dân tộc Việt. Nước ta là một nước văn hiến “tôn sư, trọng đạo”. Người Việt hiếu học và có nhiều người Thầy tiêu biểu như Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp, Phan Chu Trinh, Nguyễn Hiến Lê, … Đó là những nhà giáo, nhà văn hoá bản lĩnh, tiết tháo “giàu sang không ham muốn, nghèo đói không thay lòng, uy vũ không khuất phục”, những gương danh nhân soi sáng muôn đời. Trong thời đại ngày nay và điều kiện Việt Nam, việc nhận thức sâu sắc vinh quang nghề Thầy và chấp nhận sự dấn thân “học không biết mệt, dạy không biết mỏi” để xứng đáng với danh xưng người Thầy là đặc biệt quan trong cho sự nghiệp đào tạo nhân tài và chấn hưng giáo dục.
Thầy tốt “lương sư hưng quốc” là nhân tố quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục trong nhà trường hiện đại. Ngày nay, một số ý kiến cho rằng vai trò người Thầy đã thay đổi, vì : 1) Vai trò của người học ngày càng chủ động, sáng tạo hơn, không còn phụ thuộc vào một chương trình học, kiến thức cố định, giáo trình, giáo án có sẵn. 2) Hàng loạt phương tiện kỹ thuật công nghệ thông tin ra đời hỗ trợ đắc lực cho việc học; 3) Một số người dạy không đạt chuẩn vì phải lo việc mưu sinh trong thời kinh tế thị trường. 4) Danh xưng “người Thầy” đã bị lạm dụng, không chỉ là người “đức cao, học rộng, trực tiếp giảng dạy” như trước đây (mà phạm vi sử dụng của từ “Thầy” nay đã mở rộng đến giới chức quản lý, giới chức văn hoá, văn nghệ sỹ, nhiếp ảnh, hoạ sĩ, nhạc sỹ, báo chí, phát thanh, truyền hình, người chủ trì hội chợ triển lãm, giám đốc phòng tranh,…). Trong bối cảnh đó, J. Hattie, chuyên gia giáo dục, đã dựa trên những dữ liệu nghiên cứu của hơn 50 triệu học sinh thuộc mọi lứa tuổi và nhiều lĩnh vực với mục đích nhằm xác định nhân tố chính quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục trong nhà trường hiện đại. Bà đã đi đến kết luận là: Ngay cả trong nhà trường hiện đại, với sự hỗ trợ mạnh mẽ của công nghệ thông tin, thì vai trò quyết định nhất đối với chất lượng giáo dục vẫn thuộc về các yếu tố liên quan trực tiếp tới người Thầy (J.Hattie, 2005, 2006). Nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả khác ở trên thế giới (trích dẫn bởi Christopher D. Sessums, 2006) và Việt Nam (TS. Nguyễn Thị Bích Hạnh, 2006) đều thống nhất với nhận định trên.
3.2. Chất lượng người Thầy trong tình hình mới
Để chấn hưng giáo dục đại học Việt Nam cấp thiết phải có đội ngũ những người thầy giáo ưu tú có tâm đức, thiết tha với nghề, có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng giảng dạy tốt. Nâng cao chất lượng người Thầy là yếu tố cần hoàn thiện trước tiên kế đó là nâng cao chất lượng học viên. Sự đột phá cần nhắm thẳng vào ba việc chính, đồng bộ và liên hoàn: 1) tuyển chọn, đào tạo, thu hút và trọng dụng thầy tốt, rà soát tổ chức, quy hoạch nhân sự, đầu tư đồng bộ và hiệu quả cho một số đơn vị giảng dạy nghiên cứu trọng điểm phù hợp với định hướng chiến lược quốc gia và sâu sát với thị trường lao động, tập trung vào những vấn đề đất nước, vùng miền và cơ sở giảng dạy nghiên cứu có lợi thế so sánh; 2) cải tiến phương pháp dạy và học theo hướng “dạy và học tương tác” “học để làm” (learning by doing) cải tiến chương trình giảng dạy, xây dựng giáo trình chất lượng, sát thực tiễn, ứng dụng công nghệ tin học và E-Learning vào dạy và học, bám sát và giải quyết những yêu cầu thực tiễn cấp bách của sản xuất đời sống; 3) quy hoạch, cải tạo, nâng cấp trọng điểm môi trường dạy và học để giáo dục và khoa học công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu. Rèn nhân cách, nâng chuyên môn, luyện kỹ năng là ba khâu thiết yếu của người Thầy.
Nhiệm vụ dạy học là “dạy thái độ, dạy phương pháp, dạy nghề”. Trong đó, dạy phương pháp là quan trọng và cơ bản nhất ở trường đại học để phát triển trí tuệ của sinh viên, thúc đẩy việc giáo dục tư duy sáng tạo và năng lực hoạt động thực tiễn. Trường đại học là nơi đào tạo tập trung nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhu cầu xã hội. Trong điều kiện bùng nổ thông tin, khoa học công nghệ phát triển thì kiến thức sinh viên tự học được từ gia đình, xã hội và truyền thông phong phú hơn những tri thức họ tiếp thu được từ bài giảng. Cho nên việc dạy thái độ ứng xử, phương pháp tìm tòi, cách hệ thống hóa tri thức, năng lực tư duy sáng tạo và hoạt động thực tiễn là rất quan trọng và cơ bản nhất trong dạy và học đại học. Chừng nào mỗi chúng ta chưa ứa nước mắt thấm hiểu sự nhọc nhằn của người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt gạo. Chừng nào những giá trị lao động khoa học cao quý, liên tục, âm thầm chưa mang lại đủ niềm vui cho bữa ăn của người dân nghèo. Chừng đó chúng ta sẽ còn phải DẠY VÀ HỌC. Cái gốc của sự học là HỌC LÀM NGƯỜI. Học ở đâu? Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở dân. Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Thước đo lòng trung thành đối với tổ quốc và nhân cách của người trí thức là sự cống hiến đối với sản xuất đời sống và cộng đồng.
3.3 Nâng cao kỹ năng dạy và học
Theo quan điểm sư phạm học tương tác thì hoạt động dạy học đại học là một hệ thống tương tác giữa bốn yếu tố: Thầy (Dạy) - Trò (Học) - Nội dung khoa học - Môi trường dạy học. Thầy và Trò là hai yếu tố động, là quan hệ cơ bản nhất tạo nên chất lượng của hệ thống dạy và học. Nội dung khoa học và môi trường dạy học là hai yếu tố tĩnh chi phối sâu sắc chất lượng và hiệu qủa của dạy và học. Muốn đạt được sự biến đổi về chất lượng và hiệu qủa giảng dạy đại học đòi hỏi phải tác động đồng bộ vào bốn yếu tố cấu trúc cơ bản này.
Hoạt động dạy của thầy và học của trò là hai thành tố trung tâm trong sự tương tác dạy và học. Thầy dạy tốt là yếu tố chủ đạo thúc đẩy cho việc trò học tốt. Thầy là người thiết kế và lựa chọn nội dung dạy, giới thiệu các nguồn tài nguyên phục vụ cho hoạt động học. Thầy cũng là người tạo nên động cơ, hứng thú của người học, mở đầu và kết thúc cho một quy trình dạy học. Trò học giỏi đến lượt mình lại đặt người Thầy vào trong mối quan hệ dạy và học tương tác, thúc đẩy người Thầy tiếp tục cải tiến phương pháp để phát huy cao độ tính chủ động và sáng tạo của người học, phát triển tư duy sáng tạo và năng lực hoạt động thực tiễn của sinh viên.
Hoạt động dạy của thầy và học của trò là hai thành tố trung tâm trong sự tương tác dạy và học. Thầy dạy tốt là yếu tố chủ đạo thúc đẩy cho việc trò học tốt. Thầy là người thiết kế và lựa chọn nội dung dạy, giới thiệu các nguồn tài nguyên phục vụ cho hoạt động học. Thầy cũng là người tạo nên động cơ, hứng thú của người học, mở đầu và kết thúc cho một quy trình dạy học. Trò học giỏi đến lượt mình lại đặt người Thầy vào trong mối quan hệ dạy và học tương tác, thúc đẩy người Thầy tiếp tục cải tiến phương pháp để phát huy cao độ tính chủ động và sáng tạo của người học, phát triển tư duy sáng tạo và năng lực hoạt động thực tiễn của sinh viên.
Người Thầy và phương pháp dạy học đại học là nhân tố đặc biệt quan trọng để hướng dẫn sinh viên tự học và tự nghiên cứu: 1) Hướng dẫn nhu cầu, động cơ học tập của sinh viên để thực hiện việc học một cách tự giác, làm phong phú thêm sự hiểu biết và hoàn thiện nhân cách bản thân; 2) Khích lệ sinh viên tích cực, độc lập, sáng tạo cao trong tổ chức và tự điều khiển hoạt động tự học phù hợp với khả năng và điều kiện của người học, đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ học tập do hoạt động dạy học đặt ra; 3) Biểu dương sự nỗ lực ý chí cao của sinh viên biểu lộ trong việc kiên trì khắc phục mọi khó khăn để đạt đến đích sau cùng của việc học; 4) Thường xuyên đánh giá kiểm tra, điều chỉnh hoạt động tự học và nghiên cứu của sinh viên để đạt được việc học một cách tự giác, tích cực, độc lập và sáng tạo; 5) Khơi dậy và phát triển khả năng học và tự học của sinh viên, phát huy cả bốn yếu tố tạo thành hoạt động tự học (TS. Nguyễn Thị Bích Hạnh 2006). Nổ lực ứng dụng hiệu quả phương pháp dạy và học mới: 1) Nâng cao năng lực tự học tự nghiên cứu của sinh viên, kỹ năng thực hành, làm việc nhóm, tìm kiếm và xử lý thông tin, trình bày, thảo luận, phát triển tư duy sáng tạo; 2) Tăng cường vai trò giảng viên đối với tự học, rèn luyện kỹ năng và phát triển tư duy sáng tạo của sinh viên; 3) Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và đào tạo, tăng cường mối liên kết giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học; 4) Triển khai hiệu quả phương thức đào tạo theo tín chỉ.
Người Thầy với đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, sự tâm huyết và phong cách của mình đã ảnh hưởng trực tiếp và nêu gương sáng cho người học. Sức cảm hoá của người Thầy vượt lên nhiều điều muốn nói. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Không Thầy đố mầy làm nên!” Câu nói này là sự trãi nghiệm lâu dài của một dân tộc, của một nền văn hoá lớn.
4. KẾT LUẬN
Bốn yếu tố cần nâng cao chất lượng trong dạy và học đại học là: Thầy (Dạy) - Trò (Học) - Nội dung khoa học - Môi trường dạy học. Hệ thống giải pháp đồng bộ, toàn diện, đồng thời để nâng cao chất lượng người Thầy và đổi mới phương pháp giảng dạy là yếu tố cần hoàn thiện đầu tiên. Học và tự học của sinh viên có mối quan hệ rất chặt chẽ tạo nên chất lượng của hệ thống dạy và học; môi trường dạy học và nội dung khoa học là hai yếu tố chi phối sâu sắc đến chất lượng và hiệu qủa của dạy và học.
Để chấn hưng giáo dục đại học Việt Nam cấp thiết phải có đội ngũ những người thầy giáo ưu tú có tâm đức, thiết tha với nghề, có trình độ chuyên môn cao và kỹ năng giảng dạy tốt. Nhiệm vụ dạy học là dạy thái độ, dạy phương pháp, dạy nghề, trong đó nhiệm vụ quan trọng và cơ bản nhất của người Thầy là dạy phương pháp phát triển trí tuệ cho sinh viên, giáo dục tư duy sáng tạo và năng lực hoạt động thực tiễn. Mục đích sau cùng của DẠY và HỌC là thấu suốt bản chất sự vật, có lời giải đúng và LÀM được việc.
Ba giải pháp chính để nâng cao chất lượng dạy học đại học là: 1) tuyển chọn, đào tạo, thu hút và trọng dụng thầy tốt, rà soát tổ chức, quy hoạch nhân sự, đầu tư đồng bộ và hiệu quả cho một số đơn vị giảng dạy nghiên cứu trọng điểm phù hợp với định hướng chiến lược quốc gia và sâu sát với thị trường lao động, tập trung vào những vấn đề đất nước, vùng miền và cơ sở giảng dạy nghiên cứu có lợi thế so sánh; 2) cải tiến phương pháp dạy và học theo hướng “dạy và học tương tác” “học để làm” (learning by doing) cải tiến chương trình giảng dạy, xây dựng giáo trình chất lượng, sát thực tiễn, ứng dụng công nghệ tin học và E-Learning vào dạy và học, bám sát và giải quyết những yêu cầu thực tiễn cấp bách của sản xuất đời sống; 3) quy hoạch, cải tạo, nâng cấp trọng điểm môi trường dạy và học để giáo dục và khoa học công nghệ thực sự trở thành quốc sách hàng đầu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1) Ban Quản lý Dự án Giáo dục Việt Nam Hà Lan, 2011. Giáo dục đại học theo định hướng chuyên ngành tại các trường đại học của Việt Nam, Tài liệu dự án được xuất bản với sự hổ trợ từ Chính phủ Hà Lan, 24 trang.
2) Nguyễn Thị Bình 2012: Giáo dục Việt Nam đi ngược quy luật Báo Điện tử Giáo dục.net 29/09/2012 http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Nguyen-PCT-nuoc-Nguyen-Thi-Binh-Giao-duc- Viet-Nam-di-nguoc-quy-luat/231324.gd
3) Chính Phủ 2012. Chiến lược phát triển giáo dục 2011- 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ)
4) Chính phủ 2003: Điều lệ trường Đại học. Ban hành theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ. 28 trang.
5) Nguyễn Lân Dũng 2012. Thực trạng giáo dục và những kiến nghị, blog HỌC MỖI NGÀY http://hocmoingay.blogspot.com/2012/10/thuc-trang-giao-duc-va-nhung-kien-nghi.html
6) Chu Hảo 2012. Chúng ta đang ở đâu trong thế giới này? Báo Điện tử Lifetv.vn 19/11/2012 http://lifetv.vn/news-view/gs-chu-hao-chung-ta-dang-o-dau-trong-the-gioi-nay
7) Hoàng Kim 2009. Trường tôi và lòng thương yêu gửi lại của thầy Lưu Trọng Hiếu
8) Hoàng Kim 2010. Thầy, bạn là lộc xuân của cuộc đời Blog Hoàng Kim http://hoangkimlong.blogspot.com/2010/11/thay-ban-la-loc-xuan-cua-cuoc-oi.html
9) Huỳnh Công Minh 2012. Kỳ vọng và thất vọng về giáo dục. Báo Điện tử Giáo dục.net 2.10.2012 http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Ky-vong-va-that-vong-ve-giao-duc-Nguyen-GD-so-GD-TPHCM-len-tieng/232257.gd
10) Nguyên Ngọc 2012: Cần phản tư về nguyên nhân gốc của sự suy thoái văn hóa và giáo dục. Báo Điện tử Văn hóa Nghệ An 3.9.2012 http://vanhoanghean.vn/nhung-goc-nhin-van-hoa/goc-nhin-van-hoa/4991-nha-van-nguyen-ngoc-can-phan-tu-ve-nguyen-nhan-goc-cua-su-suy-thoai-van-hoa-va-giao-duc-.html
11) Hoàng Tụy 2012. “Căn bệnh" tàn phá giáo dục Việt Nam. Báo Điện tử Giáo dục.net 12.11.2012 http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/GS-Hoang-Tuy-chi-dich-danh-can-benh-tan-pha-giao-duc-Viet-Nam/248803.gd
12) Hoàng Tụy 2012. Giáo dục đang đứng ở ngã ba đường Báo Điện tử Giáo dục.net 21.10.2012 http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/GS-Hoang-Tuy-Giao-duc-dang-dung-o-nga-ba-duong/239846.gd
13) Hoàng Tụy 2012: Nền giáo dục còn nhiều hạn chế Báo Điện tử Dân Trí http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/gs-hoang-tuy-nen-giao-duc-con-nhieu-han-che-646183.htm
14) Hoàng Tụy 2012: Thay đổi tư duy giáo dục Báo Điện tử Viet-Studies.info http://www.viet-studies.info/HoangTuy_TuDuyGiaoDuc.htm
15) Văn kiện Đảng Cộng sản Việt Nam 1996. Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000; Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Ngày 23/12/2003.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét