Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Kim Dung, Vương Mông, Mạc Ngôn: bạn thích ai?

TÌNH YÊU CUỘC SỐNG. Trong nền văn học Trung Quốc hiện đại, tôi thích nhất Kim Dung, Vương Mông, Lâm Ngữ Đường và Mạc Ngôn.  Kim Dung, Vương Mông, Lâm Ngữ Đường, Mạc Ngôn bạn thích ai? Tôi thích đọc sách  Kim Dung, đó là một trí tuệ lớn.  Kim Dung không chỉ là nhà văn ảnh hưởng nhất đến văn học Trung Quốc đương đại mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến tâm thức nhiều người Việt và các nước, ông cảnh báo nhiều bài học sâu sắc, gợi mật ngữ không dễ thấy.



VÌ SAO TÔI THÍCH SÁCH KIM DUNG?

Những tuyệt phẩm nổi tiếng của Kim Dung như Thiên long bát bộ, Lộc Đỉnh ký, Tuyết Sơn phi hồ, Hiệp khách hành, Tiếu ngạo giang hồ, Anh hùng xạ điêu, Ỷ Thiên Đồ Long ký, Thần Điêu đại hiệp, Thư kiếm ân cừu lục, Bích huyết kiếm …đọc say mê như có ma lực. Những sách này hiện đã được chuyển thể thành phim. Dịch giả Vũ Đức Sao Biển với “Kim Dung giữa đời tôi” đã cung cấp một tầm nhìn khái quát về các tác phẩm trên. Đỗ Long Vân với loạt bài Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung là một chuyên luận sâu sắc.  Một loạt các dịch giả tài năng và nhà văn tên tuổi như  Hàn Giang NhạnVũ Đức Sao Biển,  Cao Tự Thanh,  Lê Khánh Trường, Đông Hải, Huỳnh Ngọc Chiến, Nguyễn Duy Chính, Bùi Giáng, Bửu Ý đã khai mở và giới thiệu sách hay. Đặc biệt là Công ty sách phương Nam đã đưa Kim Dung đến rất gần gũi với người đọc Việt. Bạn Cà phê Sách trong Xóm Lá có viết “Tản mạn chuyện Kim Dung ” tôi rất thích với sự giao hòa và đồng cảm sâu sắc.
Tôi từ trước vốn đã đọc kỹ Kim Dung, từng suy ngẫm những hình tượng của triết học cổ điển Trung Hoa như Nghiêu Thuấn, Lão Trang, Khổng Tử, Khổng Minh, Quan Công đến biểu tượng AQ và “Nhật ký người điên” của đại văn hào Lỗ Tấn đến biểu tượng Hồ Phỉ trong “Tuyết Sơn phi hồ” và  biểu tượng  Vi Tiểu Bảo trong “Lộc Đỉnh Ký” của đại văn hào Kim Dung. Đó là những cảnh báo đặc biệt sâu sắc không dễ thấy !


NHÀ VĂN TQ MỚI BẠN THÍCH AI?

Kim, Vương, Lâm, Mạc bạn thích ai?
Trong nền văn học Trung Quốc hiện đại, tôi thích nhất Kim Dung, kế đến là Vương Mông,  Lâm Ngữ Đường và Mạc Ngôn .


Vương Mông là giáo sư danh dự rất được kính trọng ở Trung Quốc hiện nay. Khối lượng tác phẩm khổng lồ của ông trên 10 triệu chữ gồm tiểu thuyết, bình luận, tản văn, thơ mới và thơ cổ thể, tạp văn được dịch ra hơn 20 thứ tiếng trên khắp thế giới. Vương Mông đã trãi nghiệm thực tiễn đầy sống gió, chông gai của cuộc đời và minh triết cuộc sống đã giúp ông về đích thắng lợi. Ông đúc kết trong tác phẩm tinh hoa nhân loại “Triết lý nhân sinh của tôi” (Phạm Tú Châu dịch, Nhà Xuất bản Hội Nhà Văn, Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam 2009). Đó là cẩm nang về cách sống thung dung phúc hậu.

lamnguduong

Lâm Ngữ Đường, tên chữ Ngọc Đường, là nhà văn nổi tiếng của Trung Quốc. Ông được xem là người có công lớn trong việc giới thiệu văn hóa Trung Quốc ra thế giới qua những tác phẩm viết bằng tiếng Anh, bàn về nghệ thuật, văn hóa và nhân sinh quan của người Trung Quốc. Lâm Ngữ Đường sinh ở vùng rừng núi thị trấn Ban Tử thuộc Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến, đông nam Trung Quốc. Số phận của ông sớm được giáo huấn bằng đức tin Cơ Đốc  sau đó đến với Khổng giáoPhật giáo và cuối đời lại trở về với Kinh Thánh. Ông sang Mỹ học chương trình bán phần tiến sĩ ở Đại học Harvard lấy bằng tiến sĩ ngôn ngữ ở Đức về dạy văn chương Anh ở Bắc Kinh sau năm 1928 sang Mỹ dịch sách viết sách sáng chế, sau đó về làm Viện trưởng Đại học ở Singapo, cuối đời cùng vợ con về sống và viết về văn hóa ẩm thực ở  Đài Loan từ năm 1965 cho đến lúc mất năm 1976. Đời ông là một vòng tròn viên mãn của một trí tuệ lớn biết dồn tâm huyết cả đời người để đưa văn hóa Trung Quốc ra thế giới.




Mạc Ngôn nhà văn Trung Quốc vừa đoạt giải Nobel Văn học năm 2012. Đây là lần đầu tiên văn học Trung Quốc chạm tay tới giải thưởng Văn học danh giá nhất thế giới sau lịch sử 111 năm phát sinh giải thưởng này theo lời bình của báo Đại Đoàn Kết. Dịch giả Trần Đình Hiến cho rằng hai đặc điểm chính giúp tác phẩm Mạc Ngôn giành giải Nobel đó là nội hàm văn hóa bản địa và tính nhân loại cao. Ba tác phẩm nổi bật là Báu vật của đời, Cao lương đỏ và Cây tỏi nổi giận Bài viết của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên “Sự sinh, sự chết và sự sống ” giúp ta tiếp cận “Báu vật của đời”.
Tôi thích văn Mạc Ngôn nhưng Kim Dung và Vương Mông ảnh hưởng sâu đậm hơn.

KIM DUNG ĐỌC LẠI VÀ SUY NGẪM

Tôi viết bài “Bí mật kho báu trên núi Tuyết”, “Bí mật ngoại giao thời Tây Sơn”, “Nguyễn Du 250 năm nhìn lại””Từ Mao Trạch Đông đến Tập Cận Bình”… là có ảnh hưởng bởi học cách nhìn thấu suốt lịch sử văn hóa địa lý của Kim Dung.

Nhà văn TQ mới bạn thích ai? Điều này tùy thuộc “gu” bạn đọc nhưng cũng tùy thuộc điều kiện, mức độ tiếp cận và cách xử lý thông tin. Nên tiếp cận những kiệt tác của nhân loại hơn là “có gì xem nấy” “đụng đâu đọc đó”. Trong bài “Bill Gates học để làm” đã cho thấy việc chọn sách của Bill Gate thật kỹ, sâu sắc và thấm thía. Tôi thích sự học để làm, học vừa làm rất trí tuệ của ông. Câu châm ngôn hay về “sự đọc” vận vào đây thật đúng: “Trong một thế giới có đủ bình tâm, người viết nhỏ hơn người đọc, người đọc nhỏ hơn quyển truyện họ đang đọc, và quyển truyện nhỏ hơn sự đọc. Người viết và người đọc rồi chết, truyện rồi quên. Sự đọc ở lại và làm nên một phần mênh mông trong định nghĩa của việc làm người“.
Mảng sách Trung Hoa mới có nhiều sách hay. Kim Dung, Vương Mông, Lâm Ngữ Đường và Mạc Ngôn là những diện mạo lớn của văn chương và ngôn ngữ văn hóa Trung Quốc đương đại.
Kim Dung đọc lại và suy ngẫm

Hoàng Kim


Những bài viết của Hoàng Kim cùng chủ đề
:
Đêm Yên Tử
Sách Nhàn đọc dấu câu có câu không
Trần Hưng Đạo và chùa Thắng Nghiêm
Phật giáo Khoa học và Việt Nam
Thơ Thiền Thượng Sĩ
Thơ thiền Thích Nhất Hạnh
Đối thoại triết học
Đồng dao cho em

Video yêu thích
KimYouTube

Trở về trang chính
Hoàng Kim  Ngọc Phương Nam  Thung dung  Dạy và học  Cây Lương thực  Dạy và Học  Tình yêu cuộc sống  Kim on LinkedIn  Kim on Facebook



Đọc thêm:

SỰ SINH , SỰ CHẾT VÀ SỰ SỐNG

Đọc “Báu Vật Của Đời” của Mạc Ngôn

Phạm Xuân Nguyên

1

Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Trung Quốc dày 860 trang chữ Việt kể cuộc đời một phụ nữ nhà quê Trung Hoa tên là Lỗ Toàn Nhi, năm 16 tuổi bỏ tục bó chân, lấy chồng là Thượng Quan Thọ Hỷ; chồng bất lực – không có khả năng truyền giống – mẹ chồng khát cháu trai nối dõi tông đường, Toàn Nhi lấy giống đàn ông thiên hạ, sinh cho nhà Thượng Quan một đàn con chín đứa, gồm tám gái, một trai. Trong số đó, Lai Đệ và Chiêu Đệ là giống của ông chú dượng chỉ biết đánh bạc, bắn chim. Vu Bàn và Lãnh Đệ của một anh chàng bán vịt dạo; Tưởng Đệ, của một thầy lang bán thuốc rong; Phán Đệ, của Lão Béo bán thịt chó; Niệm Đệ, giống hòa thượng Trí Thông chùa Thiên Tề; Cầu Đệ, giống của bốn tên lính thất trận; sau chót, cặp sinh đôi Ngọc Nữ và Kim Đồng, của mục sư Malôa.

"Mẹ nhận ra một chân lý nghiệt ngã: là đàn bà không lấy chồng không được, lấy chồng mà không sinh con không được, sinh con toàn con gái cũng không được. Muốn có địa vị trong gia đình, dứt khoát phải sinh con trai." (tr.783).

Nhưng Kim Đồng, đứa con trai duy nhất sau chuỗi sinh nở dằng dặc một đời người của Lỗ thị lại suốt đời bám vú mẹ trong khi các cô gái nhà Thượng Quan đều quyết liệt dấn thân vào đời. "Phong nhũ phì đồn" (mông to, vú nẩy ) trước hết là nói cái sự sinh ấy. Lỗ thị trước hết, là số phận người phụ nữ Trung Quốc trong một xã hội phong kiến coi rẻ giá trị, phẩm giá của người phụ nữ. Chuyện ăn nằm, thụ thai, và sinh nở của Lỗ thị trước hết, là sự tung hê, thách thức cái xã hội ấy. Chỉ nội mặt này – cứ tạm gọi là về phương diện phong tục, tập quán – Lỗ thị xứng đáng là một bà mẹ vĩ đại.

2

Đàn con của Lỗ thị có đủ mọi thành phần xã hội, nói rộng ra, có đủ mọi giống người. Họ được bà mẹ vĩ đại sinh ra đúng vào lúc đất nước Trung Quốc cũng đang trong cơn quặn đau quặn đẻ. Giặc ngoại xâm, các thế lực chính trị thay nhau đến rồi đi, bao biến thiên, bao bi kịch xảy đến với vùng đất Cao Mật, với gia đình Thượng Quan. Mỗi đứa con chọn một con đường, một cách sống, và một cách chết trên con đường đời đầy gian truân khổ ải. Họ thậm chí còn xung khắc, thù ghét nhau theo sự chọn lựa chính kiến, lý tưởng, nhưng điểm tựa duy nhất, nguồn an ủi duy nhất của họ, là người mẹ Lỗ thị. Đất nước cũng vật vã thăng trầm như đời mẹ. Lỗ thị càng là một bà mẹ vĩ đại. Đó không còn là thân phận người phụ nữ nữa. Đó là thân phận đất nước Trung Hoa vĩ đại và đau thương. Đau thương và vĩ đại như cơn lốc tràn qua lục địa Trung Hoa mênh mông, xoáy quật thân phận một người phụ nữ như Lỗ thị đến chết vẫn chưa được yên.

Mở đầu truyện, người mẹ sinh Kim Đồng trong cơn ngất lịm. Kết thúc truyện, Kim Đồng thức chong đêm canh mộ mẹ, sợ "ông Chính Phủ" bắt đào lên dù chôn tại một bãi đất hoang. "Anh trông thấy phía sau mộ mẹ, nơi không bị giẵm nát, có rất nhiều hoa đang nở, những bông hoa mầu nhợt nhạt, chỉ một bông giữa là màu đỏ nhờ nhờ. Loại hoa này có mùi thơm. Anh bò lên mấy bước, giơ tay ngắt lấy bông hoa rồi đưa vào miệng. Cánh hoa rất giòn, như thịt tôm sống, nhưng khi nhai thì xộc lên mũi toàn một mùi máu. Vì sao hoa nở có máu? Vì trên mảnh đất này thấm đẫm máu người." (tr. 859).

3

Xét trên phương diện văn học, Lỗ thị là một nhân vật ghê gớm – một phụ nữ tượng trưng của một đất nước ở cái khả năng thiên phú mà dù con người có chà đạp tiêu diệt đến đâu thì vẫn trường tồn, bởi vì nếu nó mất đi thì mất luôn cả sự sống. Đêm nằm bên mộ mẹ, ngước mắt nhìn lên trời sao, ngẫm về cả cuộc đời đau khổ chất chồng của mẹ mình, Kim Đồng chỉ thấy hiện ra những bầu vú. "Báu vật trên trời là mặt trời mặt trăng và những vì sao. Báu vật của đời là vú to mông nẩy!". Cả lịch sử của đất nước nhà văn tóm lại ở bốn chữ ấy: phong nhũ đồn phì. Mạc Ngôn, do đó, ở phương diện này, là một nhà văn ghê gớm.

Mạc Ngôn là ai? Đọc tiểu sử của ông, qua lời giới thiệu của bản Việt ngữ, chúng ta được biết, ông sinh năm 1935, hiện là sáng tác viên bậc một của Cục Chính Trị, Bộ Tổng Tham Mưu, Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc, cuốn "Phong nhũ phì đồn", in năm 1995, và được trao giải thưởng cao nhất về truyện cùng trong năm. Trước đó, ông đã nổi tiếng với cuốn "Cao Lương Đỏ" , và trở thành nổi tiếng trên thế giới cùng với sự xuất hiện của cuốn phim dựa theo tác phẩm do đạo diễn lừng danh Trung Quốc, Trương Nghệ Mưu, chuyển thể; cuốn phim đoạt giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim ở Cannes (Pháp) năm 1994.

Những chi tiết trên có gì đáng nói, với độc giả người Việt? Thứ nhất, Mạc Ngôn thuộc lớp nhà văn trẻ ở Trung Quốc. Tiếp đó, ông dám viết về cái hiện thực bề sau, bề sâu, của lịch sử hiện đại nước ông. Thứ nữa, cái viết của ông được chấp nhận, và đón nhận.

4

Tác phẩm trên của Mạc Ngôn, xét về nghệ thuật viết tiểu thuyết, không hẳn là xuất sắc. Trong chừng mực nào đó, nó vẫn thuộc truyền thống của lối kể chuyện mang tính cổ truyền của Trung Quốc. Người đọc có cảm tưởng, ở phần cuối, tác giả có vẻ lan man, khi tản mạn về vùng đất Cao Mật bước vào thời kỳ mở cửa. Có vẻ như tác giả hơi tham nữa. Nhưng tôi thích ở đây, là cái nhìn nghệ thuật-lịch sử tỉnh táo và sắc sảo của nhà văn. Ông không nương nhẹ, không xuê xoa quá khứ. Mạch văn của ông cũng gây ấn tượng đối với tôi ở chỗ, nó cho thấy được dòng chảy của cuộc đời như vốn dĩ thể, không đứt đoạn, không tách bạch, dù các sự kiện rất khác nhau xoay vần cuộc đời nhân vật theo các nẻo số phận khác nhau. Tính liên tục lịch sử – đây là điều theo tôi, ở dạng truyện như thế này, các nhà văn ta thường bị gãy. Ví như ở hai thời điểm hai đội quân của Tư Mã Khố và của Lỗ Lập Nhân thế nhau về lại Cao Mật, nhà văn ta trong trường hợp này dễ phết lên bức tranh hiện thực hai màu tương phản theo chủ quan, còn Mạc Ngôn vững tay để chỉ có một màu phủ lên cuộc đời của mẹ con Lỗ Thị, như khách quan nó phải như thế.

5

Đọc Mạc Ngôn ở Phong nhũ phì đồn tôi nghĩ nhiều đến Lỗ Tấn. Có lẽ, bởi cả hai nhà văn Trung Quốc này, một đầu và một ở cuối thế kỷ 20, đã có sự gặp nhau trong suy nghĩ về đất nước mình. Nhân vật người điên của Lỗ Tấn thấy ai cũng muốn ăn thịt mình; nhân vật người không rời vú mẹ của Mạc Ngôn thấy bông hoa bốc mùi máu; hai hoàn cảnh lịch sử, hai chế độ chính trị khác nhau giữa hai thời kỳ sống của hai nhà văn. Nhưng có một cái không khác, đó là tình yêu nước, và trách nhiệm nhà văn của hai người, và không chỉ của riêng họ. Nhà văn, cũng như người phụ nữ vậy, phải có niềm vui và nỗi đau của sự mang thai và sinh nở những giá trị mới, nhận thức mới cho người đọc. Và xã hội phải có tinh thần làm bà đỡ mát tay cho những cuộc sinh nhọc nhằn và không ít nguy hiểm đó.

2001

Phạm Xuân Nguyên
Nguồn: viet-studies ngày 12-10-12





TẢN MẠN TRUYỆN KIM DUNG

Cà phê và Sách

"Đọc truyện vũ hiệp là một trong những phép tu dưỡng kí ức và khơi dẫn nguồn vui ẩn mật trong mình. Đọc theo lối hồn nhiên, hoặc vừa đọc vừa suy gẫm.”- Bùi Giáng-
(Đoàn Dự gặp Mộc Uyển Thanh - Ảnh minh họa từ nguyên tác Thiên Long bát bộ – Tam Liên thư điếm, Bắc Kinh 1997)

Tôi yêu truyện Kim Dung từ đâu đó xa lắc xa lơ trong tiềm thức, yêu theo kiểu “cha truyền con nối”! Tôi biết đến thế giới võ hiệp của Kim Dung trước khi biết chữ, và thuộc các “tuồng tích” trong truyện còn nhanh hơn thuộc bảng cửu chương. Ấy là vì ba mẹ tôi - cũng như rất nhiều người miền Nam của thập niên 60 và 70 - mê đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung. Cho nên ngay từ lúc còn là một cô bé tí ti, tôi đã được nghe kể về thế giới võ lâm tươi đẹp, kỳ ảo, chính trực và đầy ắp ân tình mà Kim Dung mô tả. Đến khi biết tự cầm được cuốn sách thì tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung đương nhiên trở thành lựa chọn số một mỗi khi tôi muốn tìm “một cái gì đó cho riêng mình”. Sau này tôi có đọc thêm vài ba bộ truyện võ hiệp của các tác giả khác nhưng chưa có bộ truyện nào mang lại cho tôi sự say mê, rung động, khao khát hướng thiện như truyện của Kim Dung. Tôi biết nhìn nhận như thế là hơi phiến diện nhưng tình cảm dành cho tiểu thuyết Kim Dung đã trở thành duy nhất, vĩnh viễn, không thay thế được! Thậm chí, không bao giờ tôi dùng cụm từ “fan hâm mộ” để mô tả tình cảm đặc biệt của mình bởi từ “fan” gần đây xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt trên các diễn đàn với một hiệu ứng không mấy thiện cảm. Mà trong tôi, Kim Dung và tiểu thuyết của ông là một nỗi niềm riêng, bất biến, đẹp lung linh, dễ rung động nhưng cũng dễ tổn thương.

Những độc giả yêu mến thể loại tiểu thuyết võ hiệp tìm đến các tác phẩm của Kim Dung với nhiều lý do, và có nhiều cách thể hiện tình cảm: cổ suý, bảo vệ, lập hội, lập ban, lên diễn đàn bình luận, tham gia nghiên cứu … Còn tôi hướng về Kim Dung như hướng về sự hoài niệm: một không gian xa xưa có tuổi thơ, có gia đình, có hạnh phúc và sự sum vầy. Những độc giả trung thành của Kim Dung thường nhớ vanh vách tên các tác phẩm, các nhân vật, các trường đoạn đấu trí, các chiêu thức võ công, thậm chí nhớ đến từng lời thoại trong truyện của ông, còn tôi thì khác. Cứ nhớ về Kim Dung là tôi nhớ về những đêm cuối tháng 12, trời Đà Lạt bốn bề sương mù mờ mịt, lạnh như cắt. Trong nhà tôi luôn ủ một lò than hồng rực, trên bếp, khi thì có nồi ngô khoai nóng, lúc thì tí tách nướng mấy cái bánh mì bơ kiểu Pháp thơm lừng. Mấy chị em tôi ngoan ngoãn ngồi khoanh tròn bên bếp như lũ mèo con, lắng tai nghe ba kể truyện Kim Dung, thả sự mơ mộng, tưởng tượng của mình bay lên tận đỉnh Hoa Sơn nào đó quanh năm mây trắng phiêu bồng. Cũng đôi khi, chúng tôi im lặng thấm thía nghe ba tôi bình Kim Dung hoặc giảng giải đạo lý làm người qua từng chương sách nhỏ.

Người đọc có thể say mê đọc truyện Kim Dung hết đêm này qua đêm khác, hết tháng này qua tháng khác, đọc nhanh, đọc chậm, đọc đi đọc lại. Đọc hết rồi buông sách. Nhớ nhiều hay ít tuỳ thích, tuỳ người; quên đi cũng không sao. Nhưng tôi thì khác. Có thể trong nhiều năm ròng tôi không một lần nào đọc lại truyện Kim Dung, nhưng một hôm nào đó đang đi trên đường hay đang ngồi trong quán nước … bất chợt nghe ai đó dùng những cụm từ quen thuộc trong truyện Kim Dung, tôi hay mỉm cười thú vị bởi cảm giác thấy người đó tự nhiên thân thiết lạ lùng. Có một thời gian, tôi buồn vô cùng khi thấy tiểu thuyết võ hiệp tự nhiên bị người đọc quay lưng, bị cấm đoán, bị phán xét và “hắt hủi”. Những giá trị đích thực trong từng tác phẩm của Kim Dung bị xem thường, bị coi là một thứ văn chương ba xu chỉ đáng để mua vui. Những ai từng yêu thích Kim Dung hay bị chỉ trích sống trong ảo mộng, xa rời thực tế nên đôi khi thấy mình lạc lõng vì “nhỡ lời” bàn luận đôi câu về sự Chính –Tà.

Vẫn biết ban đầu, tiểu thuyết võ hiệp được viết ra với mục đích giải trí nên gọi tiểu thuyết võ hiệp là “cơm bình dân” có cái lý của nó. Tôi không phủ nhận tính giải trí của loại truyện này, nhưng sự xét nét, áp đặt một phía (giống kiểu có một dòng nhạc luôn bị gọi là nhạc “sến”!) mà quên đi những giá trị tinh thần to lớn từ tiểu thuyết Kim Dung làm tôi tổn thương kinh khủng. Mỗi khi phải “lén” mang truyện Kim Dung ra đọc, tôi không khỏi xót xa, chạnh lòng. Vậy đề cao cái hay, cái đẹp trong võ thuật chỉ đáng mua vui ư? Sự thuỷ chung, nhân nghĩa, tình thầy trò, huynh đệ, tình yêu son sắt cũng chỉ để giải trí thôi ư? Đâu phải cứ truyện kiếm hiệp là đấm đá, chém giết, tranh giành. Nếu nhìn từ một hướng khác, sẽ thấy phía sau những pha tung quyền, phóng chưởng thần kỳ, sau những cuộc đời được vinh danh hay thất bại, cuối cùng con người ta giữ lại cho mình những gì. Những mối tình diễm lệ giữa các nhân vật trong thế giới võ lâm mà tác giả dựng lên đâu chỉ là ảo mộng, tất cả đều ẩn chứa những thân phận rất đời, rất trần ai.

Gần đây, tôi thấy truyện võ hiệp của Kim Dung đang dần hồi sinh. Cứ thử dạo chơi một vòng trên Internet, sẽ dễ dàng nhận thấy hàng loạt diễn đàn bàn luận về truyện kiếm hiệp như vietkiem.com, maihoatrang.com, tangthuvien.com, luongsonbac.com, kiếp hiệp cốc của Diễn đàn Trái tim Việt Nam hay kimdung.chungta.com với hàng triệu thành viên từ Bắc chí Nam say sưa trao đổi, bình luận. Việc tác giả Kim Dung được đưa vào danh sách 10 đại tác gia của thế kỷ 20, tác phẩm của ông được đưa vào sách giáo khoa Trung văn đã khiến người ta có cái nhìn bình đẳng hơn về dòng văn học này. Người đọc cũng có cơ hội được hiểu sâu thêm về các giá trị văn hóa, triết học, lịch sử, y học, địa lý… trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung qua các chuyên luận, bài viết và bản dịch của các tác giả tâm huyết như Ông Văn Tùng, Cao Tự Thanh, Phạm Tú Châu, Vũ Đức Sao Biển, Lê Khánh Trường, Huỳnh Ngọc Chiến, Nguyễn Thị Bích Hải. Trong đó tiểu luận “Ngoài trời lại có trời” của tác giả Vương Trí Nhàn gợi mở "một cách nhìn khác xưa" rất sâu rộng về tiểu thuyết Kim Dung.

Song, bên niềm vui tìm lại một dòng văn học mến yêu xưa, tôi vẫn bực bội ít nhiều mỗi khi lật xem một bản dịch mới thường bắt gặp những lỗi sai rất buồn cười. Kế đến là phim bộ tràn lan cũng góp phần làm sai lệch giá trị thẩm mỹ của dòng văn chương kiếm hiệp. Các bạn trẻ bây giờ làm quen với thế giới võ hiệp qua những bộ phim thuần chất giải trí nhiều hơn cầm sách đọc. Mà giữa sách và phim là cả một khoảng cách rất dài, chưa kể nội dung bị thay đổi chóng cả mặt, khi cắt bớt, lúc thêm vào theo kiểu “điện ảnh” nhằm thu hút người xem. Phim nào cũng đầy những diễn viên đẹp, quần áo đẹp, kỹ xảo đẹp, nhưng cái cốt lõi, cái tinh tế của thế giới võ hiệp là đề cao sự nhân ái, hướng thiện, tôn vinh sự khổ luyện, phải không ngừng học hỏi để thành danh thì mờ nhạt quá, thậm chí còn gây phản cảm và ngộ nhận cho người xem. Và đôi khi thấy hụt hẫng, tiếc nuối khi trên diễn đàn còn một số bạn trẻ mang việc bình Kim Dung để thoá mạ nhau. Tất cả những hành động đó làm giảm tinh thần trân trọng, yêu mến cái đẹp trong truyện Kim Dung nhiều lắm. Thế nên tôi vẫn luôn buồn vui theo sự thăng trầm của từng trang sách Kim Dung. Tôi cố gìn giữ từng phần nhỏ cảm xúc như gìn giữ một góc tâm hồn mình. Mỗi khi mang sách của Kim Dung ra phủi bụi, tôi hay bâng khuâng nghĩ chuyện xa gần. Ước mong một lúc nào đó thế giới võ hiệp của Kim Dung sẽ lại được đọc bằng những tấm lòng rộng mở yêu thương, bằng những cái tâm lắng đọng và thật sự chân thành.

- CF&S -

Nguồn: Cà phê và Sách



Trở về trang chính:

FOODCROPS.VN
DẠY VÀ HỌC TRÊN BLOGTIENGVIET
DẠY VÀ HỌC ĐH NÔNG LÂM HCM
DẠY VÀ HỌC TRÊN BLOGSPOT
TÌNH YÊU CUỘC SỐNG CÂY LƯƠNG THỰC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Em ơi em, can đảm bước chân lên


Nguyễn Khoa Tịnh

Thầy ước mong em
noi gương Quốc Tuấn


Đọc thơ em, tim tôi thắt lại 
Lòng nghẹn ngào, nước mắt chảy rưng rưng 
Nửa xót xa nhưng nửa lại vui mừng 
Xót xa vì đời em còn thơ dại 
Mới tuổi thơ mà cuộc đời đầy khổ ải 
Mới biết cười đã phải sống mồ côi 
Như chiếc thuyền giữa biển tự trôi 
Như chiếc lá bay về nơi vô định 
“Bụng đói” viết ra thơ em vịnh: 

“Cơm ngày một bữa sắn trộn khoai 
Có biết lòng ta bấy hỡi ai? 
Vơi vơi lòng dạ, cồn cào bụng 
Kể chi no đói, mặc ngày dài” 


Phải! 
Kể chi no đói mặc ngày dài 
Rất tự hào là thơ em sung sức 
Rất tự hào là em tôi đầy nghị lực 
Đã hiển lộ mình qua “Cái chảo rang” 

“Trung dũng ai bằng cái chảo rang 
Lửa to mới biết sáp hay vàng 
Xào nấu chiên kho đều vẹn cả 
Chua cay mặn ngọt giữ an toàn 
Ném tung chẳng vỡ như nồi đất 
Quăng bừa xó bếp vẫn nằm ngang 
Tốt đẹp đâu cần danh tiếng hão 
Bạn cùng lửa đỏ, nóng chang chang”


Phải! 
Lửa to mới biết sáp hay vàng! 
Em hãy là vàng, 
Mặc ai chọn sáp! 
Tôi vui sướng cùng em 
Yêu giấc “Ngủ đồng” 
Hiên ngang khí phách: 

“Sách truyền sướng nhất chức Quận công 
Ta sướng khi ra ngủ giữa đồng 
Lồng lộng trời hè muôn làn gió 
Đêm thanh sao sang mát thu không 
Nằm ngữa ung dung như khanh tướng 
Lấy mấy vần thơ tỏ nỗi lòng 
Tinh tú bao quanh hồn thời đại 
Ngủ đồng khoan khoái ngắm gương trong” 


Tôi biết chí em khi "Qua đèo Ngang” 
Ung dung xướng họa với người anh hùng 
Đã làm quân thù khiếp sợ: 

“Ta đi qua đèo Ngang 
Cũng gặp Người trèo qua núi hiểm 
Đỉnh dốc chênh vênh 
Xe mù bụi cuốn 
Có lẽ thiên nhiên đã định bao giờ 
Một dãy Hoành Sơn bát ngát trận đồ 
Điệp điệp núi cao 
Trùng trùng rừng thẳm. 
Người thấy 
Súng gác trời xanh 
Gió lùa biển lớn 
Nông dân rộn rịp đường vui 
Thanh Quan nàng nhẽ có hay 
Cảnh mới đã thay cảnh cũ. 
Ta hay 
Máu chồng đất đỏ 
Mây cuốn dặm khơi 
Nhân công giọt giọt mồ hôi 
Hưng Đạo thầy ơi có biết 
Người nay nối chí người xưa 

Tới đây 
Nước biếc non xanh 
Biển rộng gió đùa khuấy nước 
Đi nữa 
Đèo sâu vực thẳm 
Núi cao mây giỡn chọc trời 

Nhớ thù nhà, luống thẹn làm trai 
Thương dân nước, thà sinh phận gái 
“Hoành Sơn cổ lũy” 
Hỏi đâu dấu tích phân tranh? 
Chỉ thấy non sông 
Lốc cuốn, bốn phương sấm động. 

Người vì việc nước ra đi 
Ta muốn cứu dân nên thăm trận thế 
Điều không hẹn mà xui gặp mặt 
Vô danh lại gặp hữu danh 
Cuộc đời dài ắt còn sẽ gặp nhau 
Nay hội ngộ giữa đỉnh cao trời đất 
Anh em ta ngự trên xe đạp 
Còn Người thì lại đáp com măng 
Đường xuyên sơn 
Anh hùng gặp anh hùng 
Nhìn sóng biển Đông 
Như ao trời dưới núi. 

Xin kính chào 
Bậc anh hùng tiền bối 
Ta ngưỡng mộ Người 
Và tỏ chí với non sông 
Mẹ hiền ơi! 
Tổ Quốc ơi! 
Xin tiếp bước anh hùng!” 


Hãy cố lên em! 
Noi gương danh nhân mà lập chí 
Ta với em 
Mình hãy kết thành đôi tri kỷ! 
Đất Quảng Trạch này đâu kém Nam Dương 
Tôi tự hào bài “Tỏ chí” của em: 

"Quốc Tuấn ngày xưa chí vững bền 
Thù nhà, nợ nước chẳng hề quên 
Đến bữa quên ăn, đêm quên ngủ 
Thương dân, yêu nước quyết báo đền 
Văn hay thu phục muôn người Việt 
Võ giỏi kinh hồn lũ tướng Nguyên 
Mươi năm sau nữa ơi ông Tuấn 
Nối chí ông, nay cháu tiến lên!” 


Tôi thương mến em 
Đã chịu khó luyện rèn 
Biết HỌC LÀM NGƯỜI ! 
Học làm con hiếu thảo. 
Mười lăm tuổi đã “Tập làm thầy giáo” 

Vui gì hơn buổi đầu làm thầy giáo 
Của lớp vở lòng đất mẹ yêu thương 
Trưa nắng luyến các em cùng đến lớp 
Giọng líu lo như chim hót ven đường. 

Đứng trước các em tuổi nhỏ đáng yêu 
Mà đã tưởng tới bao nhiêu người lớn 
Nghe em đọc giọng thanh thanh dễ mến 
Mà đã nghe đất nước xuyến xao mình!


Tổ Quốc đang chờ em phía trước. 
Em ơi em, can đảm bước chân lên!

1970