DẠY VÀ HỌC. Bùi Huy Đáp (1919- 2004) là giáo sư, nhà nghiên cứu nông học, Hiệu trưởng đầu tiên của Học Viện Nông nghiệp Việt Nam , Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam. Ông quê ở Nam Định, là người đi đầu xây dựng nền khoa học nông nghiệp Việt Nam theo đường lối quần chúng. Ông được Nhà nước Việt Nam trao Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1996 với thành tích “Sáng tạo vụ lúa xuân ở miền Bắc”. "Lúa xuân, xuân mãi không già" là lời giáo sư Bùi Huy Đáp. Lúa xuân Việt Nam gắn với GS. Bùi Huy Đáp và những người thầy Hai Lúa của thế hệ đầu tiên Nước Việt Nam Dân chủ Công hòa. Xin trân trọng giới thiệu bài viết "Giáo sư Bùi Huy Đáp" của Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Văn Luật, Anh hùng Lao động, nguyên Viện trưởng Viện Lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long (người đã gửi email bài viết này cho trang Dạy và học). Và hai bài viết "Bùi Huy Đáp và Cây lúa Việt Nam" của Phạm Ngọc Khảnh, trên blog Trần Mỹ Giống; "Về thăm quê người sáng tạo lúa xuân miền Bắc" của Phạm Trọng Thanh, trên báo Tổ Quốc.
GIÁO SƯ BÙI HUY ĐÁP
GSTS. Nguyễn Văn Luật
TƯỞNG NHỚ VÀ TRI ÂN
Thầy Đáp là thủ trưởng đầu tiên của nhiều cơ quan giáo dục, khoa học ngành Nông nghiệp.
Nếu tính từ khi thành lập Học viện Nông Lâm, 1956, tiền thân của Đại học Nông nghiệp và Học Viện Nông nghiệp Việt Nam ngày nay, thì thầy Đáp là một trong những thầy dạy sinh viên đại học nông nghiệp đầu tiên, đồng thời là Hiệu trưởng Đại học Nông Lâm đầu tiên. Cùng dạy khóa 1 với thầy Đáp có nhiều thầy khác, như các cố GSTS Lương Định Của, Lê Duy Thước, Lê Văn Căn, Vũ Công Hậu, Đinh Văn Hớn, Nguyễn Xiển, Lê Khả Kế, Phạm Gia Tu, Nghiêm xuân Tiếp, Hoàng Văn Đức, Trịnh Văn Thịnh.
Nếu kể đến người có công đặt nền móng cho hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp thì Thầy Đáp cũng là người đứng hàng đầu trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược ở Viện Trồng trọt từ 1952, thời kỳ sau hòa bình ở Viện Khảo cứu Nông Lâm từ 1960. Khi Học viên Nông Lâm tách ra thành Đại học Nông nghiệp đóng ở Trâu Qùy, Gia Lâm Hà Nội; Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục ở lại Văn Điển đến ngày nay, thì Thầy Đáp là Viện trưởng đầu tiên. Kế nhiệm thầy Đáp là GS Vũ Công Hậu, GSVS Đào Thế Tuấn, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ và nay là PGS.TS Trịnh Khắc Quang.
Từ hai Viện và Trường về nông nghiệp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước ta thành lập hàng chục Viện và Trường, dựa vào nhân lực chủ chốt của hai cơ sở đào tạo và nghiên cứu trên. Việc đào tạo nhân lực quản lý và nghiên cứu viên khoa học và giảng dạy tất nhiên là có công đóng góp của thầy Đáp. Tôi mới được nghe nói Thầy đã được đúc tượng ở Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Thầy Đáp với sự nghiệp giáo dục và khoa học bằng nghiên cứu thí nghiệm bài bản, xuất phát từ thực tế có ích cho sản xuất, lợi cho nông dân.
Về nghiên cứu khoa học kỹ thuật nông nghiệp
Thầy Đáp đã để lại cả ngàn bài báo, hàng mấy chục cuốn sách. Thầy đã thiết kế, chỉ đạo hướng dẫn thực hiện và trực tiếp tổng kết những kết quả nghiên cứu chu đáo, lập luận chặt chẽ, đã đúc rút ra những kết luận góp phần phát triển sản xuất và có ý nghĩa khoa học.
Trong số nhiều công trình KHCN về NN của Thầy Đáp, tôi xin lấy một ví dụ thuộc phạm vi vi mô: “Mật độ cấy”. Đọc những tư liệu, những bài viết của Thầy, thì thấy Thầy đã thiết kế và trực tiếp hướng dẫn thực hiện khá nhiều thí nghiệm yếu tố về cấy dầy cấy thưa với tuổi mạ khác nhau, trên nền phân bón khác nhau, về sự liên quan với đất đai và giống lúa khác nhau, và ở các vùng miền khí hậu khác nhau. Những ghi chép sự phát triển của từng bộ rễ, của mỗi lá lúa, các yếu tố năng suất hạt thóc mẫy, hạt thóc lép, và năng suất sinh học, năng suất kinh tế; cùng những kết quả phân tích đất, khí hậu ở các vùng nghiên cứu cùng thời tiết diễn biến hàng ngày... đều được Thầy nghiên cứu so sánh, hệ thống, tổng kết và rút ra nhiều điều bổ ích, mang tính khuyến nông hấp dẫn và bổ sung thực tế cho giáo trình giảng dạy, là tài liệu, tư liệu qúy cho nghiên cứu khoa học.
Từ những gì thu lượm được, Thầy Đáp rút ra được những điều chung nhất mang tính chỉ đạo thực thi kỹ thuật cụ thể không chỉ riêng cho mật độ gieo cấy: Về mặt mật độ cấy lúa, Thầy đã chỉ ra mối quan hệ giữa khóm lúa và ruộng lúa, trong ruộng lúa là mối quan hệ biện chứng giữa cá thể và quần thể, thể hiện: nếu gieo cấy dầy thì bông lúa ít hạt và ngược lại, nếu mật độ thưa thì bông dài nhiều hạt hơn. Cho nên, trong mỗi điều kiện cụ thể có một mật độ thích hợp. Sau giải phóng tôi vào Nam công tác thấy vùng U Minh Thượng và Hạ có nơi chỉ cấy có 4 khóm/ 1 m2, vẫn đạt 3 – 4 tấn ha và hơn; cấy dầy hơn bị lốp đổ, không được hạt thóc nào!.
Hồi đó, kể cả sau đó một số năm, nhiều chuyên gia cao cấp đi chỉ đạo sản xuất có tính toán với địa phương và nông dân, với cách tính khô cứng chẳng ai làm theo: cấy thêm bao nhiêu khóm lúa thì sẽ tăng thêm bấy nhiêu bông thóc, do đó tăng năng suất và sản lượng lương thực. Cách tính này tựa như cách tính diệt chim sẻ mổ thóc ăn thì giảm được thất thoát, tăng sản lượng! Cao điểm nhất của trào lưu mơ hồ này là “Cấy dồn” như cố nhà văn Tô Hoài viết trong truyện dài “Ba người khác” thời cải cách ruộng đất: nhổ nhiều ruộng mạ và cả lúa đang trỗ cấy dồn vào một ruộng, là theo thông tin từ một cán bộ cao cấp nào đó đi Trung Quốc mang về, không được nghĩ khác, nói khác và làm khác!.
Học viện Nông Lâm chúng tôi có làm một ruộng mẫu; có nhiều địa phương, đến cả nhiều xã cũng làm. Như tôi biết thì có một số trường hợp dám tỏ ra không tán thành. Ở tỉnh Vĩnh Phú có Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc; ở tỉnh Thái Bình có Bí thư Tỉnh ủy Ngô Duy Đông, Chủ tịch tỉnh Nguyễn Ngọc Trìu không tán thành và không làm theo, nên trong cuộc họp bị nêu là tỉnh “cứng đầu cứng cổ” (Thầy Đáp kể lại). Khá nhiều ô tô, cả ô tô Vôn ga đen từng đoàn về thăm. Đến vài ba ngày sau cấy, và rồi chỉ vài ngày sau nữa thì thưa dần và ngừng hẳn khi cả ruộng lúa chết gục thối nhũn, mặc dù Nhà trường mắc một hệ thống gồm rất nhiều quạt kéo bằng cót, sinh viên chúng tôi phải thay nhau kéo kẽo cà kẽo kẹt suốt ngày suốt đêm!. Bí thư Đảng ủy Quế (tôi quên họ) của Học viện là cán bộ chính trị rất duy lí trí trực tiếp chỉ đạo sinh viên chúng tôi làm một cách có tổ chức: có lí lịch tốt thì được cấy dồn (phần lớn sau này đi Trung Quốc học); có lí lịch trong sạch thì được nhổ lúa; còn chúng tôi, gồm cả nữ sinh viên chỉ được vận chuyển!
Thầy Đáp đứng ngoài cuộc! Tôi còn nhớ, có một đêm trăng Thầy đi ô tô đến, đứng ở đầu ruộng, ngó qua cảnh nhộn nhịp cấy dồn, rồi lên xe đi!.
Về hoạt động giảng dạy
Thầy Đáp cũng để lại nhiều ấn tượng. Giáo trình sinh lý thực vật do Thầy Đáp giảng cho sinh viên khóa Một chúng tôi không chỉ về khoa học kỹ thuật, mà cả chục tiết về triết học từ cổ đại đến hiện đại. Quan niệm của Socrate, của Platon, của Aristote... thời cổ đại, chủ trương hợp tác giai cấp, tựa như Chính phủ đa thành phần của Bác Hồ hồi sau cách mạng Tháng Tám. Khác với đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản của Marx- Lenin. Chúng tôi nhớ mãi bài kiểm tra mà hầu hết chúng tôi được điểm 1, điểm thấp nhất trong hệ thang điểm 10: Thầy cho biết phạm vi kiểm tra là về những học giả triết học từ thời cổ đại đến thời Marx Engel. Chúng tôi tập trung học tủ về chủ nghĩa Marx- Lenin- Stalin, nên chệch hướng thảm hại. Vì Thầy lại hỏi về Lamarck và các nhà triết học cổ đại. Điều này về mặt nào tương tự như giáo trình di truyền học của GS.TS. Anh hùng lao động Thầy Lương Định Của đã dậy cho chúng tôi: có phần học thuyết Menden, Morgan, không nói về Lưxencô ngụy tạo nhưng được Stalin lợi dụng.
Về kỹ năng giảng dạy, Thầy Đáp luôn kết hợp nhuần nhuyễn những lãnh vực mà Thầy đang theo đuổi: nghiên cứu – giảng dậy và khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất. Cộng với trí nhớ tuyệt vời của Thầy, giờ giảng dậy, buổi nói chuyện, và cả khi trò chuyện về nhiều lãnh vực đều có hiệu quả cao, tính hấp dẫn tốt. Thầy rất quan tâm thu thập những kinh nghiệm sản xuất, những ca dao, phương ngôn, tục ngữ chứa đưng, giữ gìn kinh nghiệm và chuyển tải tới những thế hệ sau. Một số ví dụ:
Tua rua thì mặc tua rua.
Nạ dòng mắn đẻ sao anh hững hờ!
Chuồn chuồn bay thấp thì mưa
Bay cao thì nắng, bay vừa thì dâm.
Sim ra hoa cày ngả
Sim có quả cày cấy
Sim được lấy cấy sâu.
Cơn mưa đằng Đông vừa trông vừa chạy;
Cơn mưa đằng Tây chẳng mưa giông cũng chớp giật;
Cơn mưa đằng Nam vừa làm vừa chơi;
Cơn mưa đằng Bắc vác thóc ra phơi.
Lúa Chiêm lấp ló đầu bờ
Nghe thấy tiếng sấm mở cờ mà lên.
Người ta đi cấy lấy công;
Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề.
Trông trời, trông đất, trông mây,
Trông mưa trông nắng trông ngày trông đêm..
"Hỡi em ơi, cha mẹ em đâu,
mà em cứ phải chổng phao câu lên trời!”
"Hỡi anh ơi, đông hạ nhị kỳ,
em mà không chổng thì lấy gì anh xơi!”
Ngày nay cũng xuất hiện những ca dao mới, như
Gió
Gió Đông là chồng lúa chiêm;
Còn như gió Bấc* là duyên lúa mùa.
Bâng quơ bóng gió em đùa,
Nhà anh phải gió sao chưa phải lòng.
Mãi mê gieo gặt gió đồng.
Rỗi hơi giăng gió nói dông nói dài.
(*) gió Bấc là ngôn ngữ ca dao có lẽ chỉ gió Bắc đầu đông.
Để góp phần động viên gieo sạ lúa theo hàng bằng máy của IRRI được Viện Lúa ĐBSCL cải tiến, hiện được sử dụng gần 20% diện tích lúa cả nước, có bài:
Sạ lan như tóc rối đêm
Sạ hàng chải chuốt đường duyên thắm tình.
Lúa thì con gái bình minh
Nụ hôn gió đến lung linh khắp đồng.
TẦM NHÌN LÚA VỤ XUÂN
Bối cảnh và Tầm nhìn
Từ những năm 50 của thế kỷ 20 trở về hàng ngàn năm trước, nông dân ta đã thực hiện thành công một nền nông nghiệp truyền thống với hàng ngàn giống lúa cổ truyền, không dùng trước hết vì không có phân hóa học, thuốc sát trùng, xăng dầu. Khi đó dân ta sống trong môi trường trong lành, có lúa gạo hữu cơ như cách nói ngày nay. Tuy nhiên, dân số tăng nhanh, nhu cầu về lương thực tăng nhanh và tất nhiên yêu cầu về thâm canh tăng năng suất và tăng vụ nhằm tăng sản lượng lúa gạo. Đến những năm 60 và 70 là thời kỳ các giống cổ truyền cao cây thời gian sinh trưởng dài, năng suất thấp (2 – 3 tấn/ha), được bà con nông dân thay thế dần bằng giống lúa thấp cây ngắn ngày có năng suất cao gấp hơn 2 lần.
Trong bối cảnh đó, GS Bùi Huy Đáp có “Tầm nhìn vụ lúa xuân”. Ở miền Bắc hồi đó là một tầm nhìn tái cơ cấu sản xuất mùa vụ lúa như cách nói hiện nay. Bởi vì, với những giống lúa ngắn ngày, thời vụ một vụ lúa rút ngắn thời gian chiếm ruộng hơn, tạo ra “Qũy thời gian và không gian” để tăng vào đó thêm một vụ mầu (ngô, khoai, rau đậu..) hoặc tăng thêm cả một vụ lúa nữa. Hiệu quả sử dụng ruộng đất sẽ tăng, trong điều kiện lương thực còn rất thiếu, mà lao động thì lại rất dư thừa.
Rào cản và giải pháp hóa giải
Có hai rào cản kỹ thuật làm cho tầm nhìn trên của Thầy Đáp thì rất hay, nhưng khó đưa vào thực tế sản xuất:
a. Rào cản về giống lúa. Hồi đó chỉ mới có giống ngắn ngày thuộc loại yếu cây: năng suất thấp, dễ đổ ngã, như giống Nông nghiệp 1, Sớm cu.. của Bác Của; giống Trà Trung Tử, Thượng Hải 2 nhập từ Trung Quốc, và các giống truyền thống như Nam Ninh, Ba giăng, lúa Lốc...
b. Rào cản kỹ thuật trồng trọt thích hợp, nhất là kỹ thuật làm mạ và cấy lúa vào lúc rét nhất, tháng vào 12 và tháng giêng năm sau. Cho nên, ngay từ ngâm ủ hạt giống, làm mạ, cấy lúa đã gặp khó khăn hơn vụ chiêm tập quán rất nhiều; lúc đầu áp dụng kỹ thuật như với lúa Chiêm thường thất bại. Một số nơi, như KS Lê Thanh Long ở Hải Dương, Bạch Trung Hưng ở làng Tó Hà Đông đã nỗ lực vượt hai rào cản trên, đã gặp nhiều khó khăn, nhưng cũng thu được một số kinh nghiệm.
Hai rào cản trên dần được dỡ bỏ làm cho ý tưởng hay của Thầy Đáp dần thành hiện thực. Về giống lúa, nhiều giống lúa khắc phục được nhược điểm yếu cây, năng suất thấp, lúc đầu nhập từ Viện Lúa Quốc tế, từ Trung Quốc, và ngày một nhiều giống tạo chọn bởi các nhà khoa học Việt Nam.
Về kỹ thuật sản xuất lúa xuân, ta không thể nhập được kỹ thuật thích hợp nào cho ta. Thầy Đáp đã lập Tổ công tác “Tân Hưng Hòa” (tên HTX) về nằm ở xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, hồi đó ông Ngô Duy Đông là Bí thư, Nguyễn Ngọc Trìu là Chủ tịch. Tôi tự nguyên rời bục giảng dạy ở Trường Đại học Nông nghiệp về Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Hà Nội, được Thầy Đáp cử làm Tổ trưởng, cùng với một số cán bộ kỹ thuật, nay còn là những nhân chứng sống, như Bạch Trung Hưng, Nguyễn Đức Triều, Yến Mai, Lê An Ninh... Chúng tôi đã “ba cùng” với dân xã Tán Thuật 6 năm, góp phần xây dựng được mô hình 100 ha lúa xuân ở HTX Tân Hưng Hòa thành công đầu tiên ở các tỉnh phía Bắc.
Chủ nhiệm HTX Tân Hưng Hòa Trương An Điềm được phong tăng Anh hùng Lao động vì có thành tích về vụ lúa xuân. Tỉnh Thái Bình trở thành “ngọn cờ đầu ” đạt 5 tấn thóc/năm thì vụ lúa xuân đóng góp tích cực! Xuất hiện “Chị Hai 5 tấn quê ở Thái Bình”.Thầy Đáp được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh là xứng đáng. Trước đó, vào năm 1974, những người có công về vụ lúa xuân được thưởng tiền: Thầy Đáp được thưởng 1000 đồng; đơn vị Viện: 1000 đ; tôi: 500 đ, anh Đào Thế Tuấn và anh Đinh Văn Lữ mỗi người: 250 đ. Là món tiền to lúc đó.
Nguyễn Đức Triều được Thầy Đáp chuyển về Hải Hậu, Nam Định để xây dựng mô hình lúa xuân. Anh Triều sau chuyển công tác từ Viện về Hải Hậu, được đề bạt dần dần lên Bí thư huyện ủy, rồi vào Trung Ương Đảng, làm Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam. Thầy Đáp định điều tôi lên Hà Giang nghiên cứu cây thuốc phiện; Thầy Đăng về Thái Bình dụ tôi trở về Đại học Nông nghiệp. Tôi còn lưu luyến với lúa xuân, nên lên Vĩnh Phú xin gặp Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc sau khi đi Thanh Ba và Vĩnh Tường khảo sát, có anh Huy ở Bình Đà là cán bộ phòng quản lý khoa học cùng đi. Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc đã được anh Đông, anh Chất ở Thái Bình giới thiệu, rất hoan nghênh vụ xuân. Sau khi nghe tôi trình bày, bèn về Viện ngay gặp Thầy Đáp đề nghi giúp. Chỉ sau một vụ, tỷ lệ vụ lúa xuân tăng từ vài phần trăm vọt lên 40% diện tích lúa. Hạt giống mua từ Thái Bình và Nam Định. Nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Huy Ngọ làm kế hoạch của tỉnh tham gia phong trào này. Một kỷ niệm khó quên: Tỉnh Vĩnh Phú đã tổ chức một cuộc giới thiệu vụ lúa xuân với tầm cỡ một cuộc mit tinh lớn. Cuộc mít tinh vào ban đêm trăng để phòng máy bay Mỹ đánh. Người phủ kín một quả đồi miền trung du Phú Thọ. Thầy Đáp nói về ý nghĩa vụ xuân, tôi trình bầy về kỹ thuật. Bí thư Kim Ngọc kết luận, nói: ai đéo làm lúa xuân là đéo tin tưởng Đảng. Mọi người cười ran ran..!
Giải pháp kỹ thuật và vụ xuân thành vụ chính
Giải pháp kỹ thuật ngâm ủ hạt giống
Dùng phương pháp do Tổ công tác đề xuất ủ đống. Sau khi hạt giống hút no nước, ủ thành đống thóc, tưới, đảo, nhiết độ của bản thân hạt giống tỏa ra trong quá trình nẩy mầm để tự thúc nẩy mầm, không giới hạn lượng hạt giống. Kỹ thuật ủ đống đã thay hẳn lò thúc mầm tốn kém và thường hỏng giống.và vụ xuấn thất bại, thất thu. Chỉ sau một thời gian ngắn phương pháp ủ đống thay toàn bộ lò thúc mầm nhập thiết kế Trung Quốc ở toàn miền Bắc, nên tiết kiệm rất nhiều lúa giống, nhất là đảm bảo thực hiện được vụ lúa.
Giải pháp kỹ thuật làm mạ, cấy lúa
Tính tuổi mạ theo lá chứ không như tập quán theo ngày, như với lúa chiêm tới 60 – 90 ngày, lúa Mùa 45 ngày. Mật độ gieo mạ cho 1 sào Bắc bộ dầy gấp hai ba lần mạ chiêm; cấy dầy hơn lúa chiêm.
Kỹ thuật làm vụ lúa xuân mới được chuyển giao vào sản xuất rất nhanh sau khi 100 ha mô hình thành công ở Thái Bình do:
(i)Tổ chức hợp tác xã nông nghiệp và cách chỉ đạo sản xuất ở các địa phương;
(ii) Sự năng động giúp nông dân và địa phương làm vụ xuân của Thầy Đáp và cán bộ kỹ thuật của Viện và của các địa phương.
Nhiều hội nghị, hội thảo đầu bờ được tổ chức tại huyện Kiến Xương, nhiều đoàn đến tham quan rút kinh nghiệm, trong đó có đoàn Bí thư tỉnh Trần Xuân Bách từ Nam Định. Do có phong trào làm lúa xuân mà Thầy Đáp đã ra sức góp phần khởi động, tổ công tác chúng tôi được “thơm lây”: thường xuyên chia nhau đi báo cáo với các đoàn đến từ Nghệ An, Quảng Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phú... đến tham quan; báo cáo ở các nơi mời; và trước nhiều loại hội nghị về sản xuất lúa. Ngoài ra, tôi còn làm quen được với nhiều tòa soạn, nhà xuất bản, nhất là các phóng viên “gạo cội’ như Hữu Thọ, Phan Quang... Theo yêu cầu, tôi viết được cả trăm bài báo phổ thông cho báo Nhân dân và các báo ngành và địa phương; trên chục bài cho tạp chí khoa học; và vài cuốn cuốn sách về LÚA XUÂN
Một số ví dụ:
1. Nguyễn Văn Luật... 1967 Lúa xuân trong cơ cấu cây trồng vùng lúa Số 71 tr 18-21 Tạp chí KHKTNN Hà Nội
2. Nguyễn Văn Luật... 1967 Thâm canh mạ xuân. Số 72, Số 71 tr 22-26 Tạp chí KHKTNN Hà Nội
3. Nguyễn Văn Luật... 1967 Một số nhận xét về sinh lý lúa xuân. Số 77 tr 27-31 Tạp chí KHKTNN Hà Nội
4. Nguyễn Văn Luật... 1971 Hỏi đáp về Thâm canh lúa xuân 96 tr. NXB Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội.
GSTS. Nguyễn Văn Luật
Anh hùng lao động, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL
Hoàng Kim nhận bài đăng theo email ngày 9/1/2015
GS. Nguyễn Văn Luật (người thứ nhất bên phải) và TS. Nguyễn Xuân Lai thăm
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân tại nhà riêng, ảnh tư liệu Hoàng Kim.
BÙI HUY ĐÁP VÀ CÂY LÚA VIỆT NAM
Phạm Ngọc Khảnh
Bùi Huy Đáp (1919 – 2004), sinh ra từ làng Bách Cốc – Xã Thành Lợi – Huyện Vụ Bản – Tỉnh Nam Định. Bách Cốc mang đặc trưng của văn minh làng xã vùng Châu thổ sông Hồng, cái nôi của văn minh lúa nước từ thời tiền sử (Sakurai). Giáo sư Bùi Huy Đáp thuộc dòng họ có truyền thống học hành, nhiều người đỗ đạt. Sự gìn giữ “Nối nghiệp Nho sư” đã thấm vào dòng huyết thống của ông. Bùi Huy Đáp học giỏi có tiếng, 12 tuổi đã đậu sơ học, thi vào Thành chung trường Bưởi – Hà Nội ông đỗ đầu khoa thi có 900 thí sinh, 16 tuổi đỗ Đip-lôm được học bổng toàn phần của Phủ thống sứ Bắc kỳ suốt ba nặm học Tú tài qua phần I đến tú tài phần II - đề thi từ Pháp gửi sang, Bùi Huy Đáp lại đỗ đầu. Ông nộp đơn vào trường Nông lâm Đông Dương, có 500 tú tài dự thi nhà trường chỉ tuyển 15. Trường có nhiều Kỹ sư, Tiến sĩ người Pháp giảng dạy. Sau 3 năm học hành đỗ đạt “vinh quy” gia đình vui mừng khôn tả. Về quê, ông thấy vẫn còn là một thư sinh “chân trắng” kiến thức đã tu nghiệp một phần nhưng thực tiễn thao tác chưa có là bao. Ở lại quê nhà ông tìm đến ông Xướng, một lão nông lực điền thuần thục chuyên cày thuê, để học. Tôi còn nhớ có lần ông dặn: Làm khoa học Nông nghiệp là phải biết hỏi nông dân và cây cỏ -sắc lá là ngôn ngữ của cây. Thật sâu sắc!
Vào đời ông trải qua nhiều chức sắc. Sau CMT8 – 1945, Bùi Huy Đáp được cử làm Giám đốc Nha Nông mục thủy lâm ở Hà Nội; Tổng thư ký – trợ lý cho Bộ trưởng Cù Huy Cận; năm 1952 Viện Trồng Trọt được thành lập ông được cử làm Viện trưởng; đến năm 1956, Nhà nước ta mở 5 trường Đại học đầu tiên – Tổng hợp, Sư phạm, Y dược, Bách khoa và Nông lâm, các quyết định do Hồ Chủ Tịch ký. Bùi Huy Đáp được cử làm Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm (sau này là Đại học Nông nghiệp), khi ông mới 37 tuổi. Giữ chức vụ Hiệu trưởng suốt 5 năm (1956 – 1961). Ông là người đặt nền móng đào tạo hàng nghìn cán bộ, trí thức có chất lượng cho nền nông nghiệp Việt Nam. Từ năm 1963 giữ chức Viện trưởng - Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam đến năm 1978 ông được cử làm Phó chủ nhiệm – UBKH và KT nhà nước cho tới lúc nghỉ hưu, 1985.
Với nông dân và cây lúa ông luôn canh cánh bên lòng… Sinh ra và lớn lên từ mảnh đất đồng chiêm, sống giữa những người nông dân chân lấm tay bùn, hai sương một nắng. Với kỹ thuật trồng cấy còn thô sơ, thời tiết thì khắc nghiệt. Nông dân vùng này có câu: “Đi cấy cắn răng, đi gặt lè lưỡi” vì cái rét mùa đông và nắng lửa mùa hè, nhưng chẳng được là bao nhất là những năm 60 – 70 thế kỷ trước lao vào lúa xuân còn nghèo nàn kinh nghiệm nhiều năm lúa, mạ chết trắng đồng.
Từ những năm làm Viện trưởng – Viện trồng trọt ở chiến khu Việt Bắc ông thường nghiên cứu chỉ đạo đưa thử lúa xuân vào sản xuất ở miền núi bằng các giống ngắn ngày: Nam Ninh, Trà Trung Tử do Đào Văn Kính và Đinh Văn Lữ được phân công chỉ đạo ở Kim Thắng và Ỷ Lan huyện Yên Sơn tỉnh Tuyên Quang. Đến những năm 60 việc nghiên cứu thực nghiệm được mở rộng xuống nhiều tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và cử những cán bộ có kinh nghiệm của Viện Khoa học nông nghiệp phụ trách ở các tỉnh như Tân Hưng Hòa (Thái bình) do Nguyễn Xuân Luật, ở Hải Quang (Hải Hậu, Nam Định) do Nguyễn Đức Triều chỉ đạo, cùng một số tỉnh khác như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Tây, Hà Nội… Việc cho ra đời vụ lúa xuân ở miền bắc Việt Nam các nhà khoa học bấy giờ như Lương Định Của, Bùi Huy Đáp… đều thống nhất quan điểm phải loại bỏ vụ lúa chiêm thay bằng vụ lúa xuân nhưng bằng các nào? Cái khó là làm sao có mạ non, đúng tuổi, trong điều kiện thời tiết mùa đông rất thất thường chi phối. Năm rét sớm, mạ chết; rét muộn, lúa chết; năm ấm mạ già, thất thu. Ông đã chọn phương pháp chờ cho bớt rét, ấm ổn định mới gieo mạ quanh tiết Lập xuân (5-2) không dùng cách gieo mạ thưa dưới dược nữa mà bằng cách gieo dày, gieo sân, gieo nền cứng bằng những giống ngắn ngày như: Trân châu lùn, Trà Trung tử, Ba giăng. Sau này có bổ sung bộ giống ngắn ngày năng suất cao kết hợp kỹ thuật che phủ. Vụ Lúa xuân đã thực sự ổn định trở thành vụ chính như ngày nay.
Có thể nói, với lúa xuân ông là người đầu tiên khai phá. Vừa nghiên cứu vừa thực nghiệm luôn. Người ta coi ông là tác giả lúa xuân.
Sau ngày miền Nam giải phóng, Bùi Huy Đáp dành nhiều thời gian tổng kết nông nghiệp cả nước, ông có công lớn đóng góp chuyển đổi cơ cấu chỉ một vụ mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long bằng cách tuyên truyền đưa giống ngắn ngày của Viện nghiên cứu lúa quốc tế (IRI) và của Ấn Độ làm thêm vụ xuân hè như hiện nay.
Ở tuổi 84 ông viết “Cuộc đời khoa học nông nghiệp của tôi” đã ghi lại những kỷ niệm này.
Vậy là: miền Nam từ 1 vụ lúa mùa nay thành 2 vụ, miền Bắc từ lúa vụ chiêm nay thành vụ lúa xuân cùng với lúa mùa và có thêm rau màu vụ đông hàng hóa nhiều nơi như “hái ra tiền”. Lúa xuân phơi phới vào nhạc vào thơ “Miền Bắc chuyển mùa phơi phới lúa xuân” (tố Hữu); “Em xinh là xinh như cây lúa” góp phần đưa nền nông nghiệp nước ta từ nghèo nàn lạc hậu nay dư thừa thóc gạo, xuất khẩu đúng đầu thế giới…
Trong qúa trình nghiên cứu, chỉ đạo, tổng kết Bùi Huy Đáp đã để lại cho đời một kho tàng lý luận đồ sộ với 62 trước tác lưu vào thư mục về sinh học, triết học và sinh vật học…, trong đó 3 cuốn sách dịch, trên 120 bài khoa học lý luận, trên các tạp chí trong nước, 15 bài tạp chí nước ngoài và gần 1000 bài khoa học lý luận trên các báo. Đặc biệt 2 cuốn sách kinh điển “Cây lúa miền bắc Việt Nam” (1964) và “Cây lúa Việt Nam” (1981) là sách gối đầu giường cho những người làm công tác nghiên cứu, giảng dậy và chỉ đạo nông nghiệp.
Ông xứng đáng được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I về thành tích “Sáng tạo vụ lúa xuân ở miền Bắc”.
Giáo sư Bùi Huy Đáp mất ngày 4 tháng 7 năm 2004 (7 tháng 5 năm Giáp Thân).
Nghĩ và nhớ về người thầy năm xưa, thầy Bùi Huy Đáp đẹp lắm, đẹp một cách đạo mạo vừa mang dáng vẻ nền nã Á Đông vừa pha trộn phong cách phương Tây đĩnh đạc. Giọng nói không bóng bẩy mà rành rẽ, sang trọng, dư ba… nhớ sau có khi cả mấy ngày “hội thảo khoa học” về cây lúa toàn số liệu khô khốc, chỉ chăm chú nghe, không mấy khi thấy thầy ghi chép gì cuối cùng chỉ qua mấy dòng tổng kết mà khúc triết đâu ra đấy. Tôi nhớ mãi câu nói như thơ của thầy “Lúa xuân xuân mãi không già” thì ra thầy nói cái sức xuân, sức trẻ trường tồn của cây lúa xuân vậy.
Bây giờ ai đến thăm trường Đại học Nông nghiệp ở thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội còn được chiêm ngưỡng vẫn nguyên dáng vẻ trầm tư, phong độ năm nào, bức tượng đồng Giáo sư Bùi Huy Đáp sừng sững dưới bầu trời lồng lộng cao xanh. Cho thế hệ hôm nay và mai sau nhớ mãi về người Thầy, người cán bộ canh nông mẫu mực. Nghe đâu đây sóng lúa hát rì rầm…
Phạm Ngọc Khảnh
Điện thoại: 01655 324 769
Email: phamlinhnd@yahoo.com.vn
Địa chỉ: Thôn Vệ - Nam Hồng – Đông Anh – Hà Nội.
Nguồn: Blog Trần Mỹ Giống
VỀ THĂM QUÊ NGƯỜI SÁNG TẠO LÚA XUÂN MIỀN BẮC
Phạm Trọng Thanh
(Toquoc)- Qua những đoạn đường qui hoạch nông thôn trải nhựa, những hàng cây, xe chúng tôi bắt vào những uốn lượn "đường đi lối lại như hình con long" của làng cổ Bách Cốc. Kỹ sư Phạm Ngọc Khảnh dừng xe, hỏi đường đến nhà thầy. Ngõ vào có hàng giậu ruối thản nhiên xanh trước cánh cổng sắt ken thưa, ríu rít tiếng chim chuyền cành đây đó.
Làng Bách Cốc, quê giáo sư Bùi Huy Đáp, chỉ cách thành phố Nam Định khoảng 7 km về phía tây, cách huyện lỵ Vụ Bản chừng 4 km về phía đông. Làng xưa thuộc tổng Trình Xuyên, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng. Nay Bách Cốc thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.Theo thần phả, vào thời Hùng Vương, mười hai vị gia tiên của 12 dòng họ từ Bạch Hạc xuôi thuyền về cửa biển Côi Sơn, khai khẩn dải bãi bồi hoang sơ bên dòng sông Cốc, lập nên làng Bách Cốc, truyền đến ngày nay đã bao nhiêu đời. Nhiều danh thần tài kiêm văn võ, những trí thức yêu nước sinh ra ở đây. Tinh anh, thần thái của các vị tiên liệt làng Bách Cốc còn toả rạng trên những hàng bài vị nơi từ đường 12 dòng họ, nơi đền, chùa Bách Cốc, văn chỉ của làng; trên những hoành phi, câu đối và 28 bia đá soạn lập qua nhiều thế kỷ, tỏ mờ dấu vết thời gian.
Giáo sư Bùi Huy Đáp sinh năm 1919, tại Bách Cốc. Thân phụ ông, cụ Bùi Long Đống đậu tam trường Trường thi Nam Định. Nhà nghèo, cụ ngồi dạy học ở xã bên. Do học thêm Quốc ngữ, cụ được bổ dụng làm Tổng sư (thày giáo hàng tổng) tổng Trình Xuyên, huyện Vụ Bản. Mọi việc trong nhà trông vào bà vợ đảm đang lo liệu. Được mẹ hết lòng lo cho ăn học, hai anh em ông đều chăm học và học giỏi bởi vì "biết phận mình con nhà nghèo, phải cố học". Ông anh năm mười tám tuổi đã đậu 3 bằng thành chung ở Nam Định: bằng thành chung ta (đíp-lôm), bằng thành chung tây (Brevet élémentaire) và bằng "có khả năng sư phạm". Còn Bùi Huy Đáp năm mười hai tuổi đã đậu sơ học, có tiếng học giỏi. Thi vào học bậc thành chung trường Bưởi Hà Nội, ông đỗ đầu khoa thi có 900 thí sinh dự thi, được hưởng học bổng. Mười sáu tuổi đỗ đíp-lôm, được hưởng học bổng toàn phần của Phủ Thống sứ Bắc Kỳ trong ba năm học tú tài. Qua phần I, đến khoa thi tú tài phần II, đề thi từ Paris gửi sang, Bùi Huy Đáp lại đỗ đầu. Khi Nha thanh tra Nông Lâm mở trường Đại học Nông Lâm đào tạo kỹ sư Đông Dương (sau đổi tên là kỹ sư Nông nghiệp nhiệt đới), ông nộp đơn dự tuyển với hơn 500 tú tài dự thi. Nhà trường chỉ tuyển 15 học sinh, Bùi Huy Đáp trúng tuyển. Sau những học phần khoa học cơ bản, sinh viên học các chuyên môn với nhiều thầy là kỹ sư, tiến sĩ người Pháp phụ trách các bộ môn của Viện Khảo cứu Nông Lâm (IRAFI), sau đó là Viện Khảo cứu Nông học (IRAI). Bùi Huy Đáp được các thầy khen. Năm thứ ba, ông được gửi đi tập sự ở Phủ Liễn, ở Tây Nguyên rồi Sở Nông nghiệp Trung Kỳ ở Huế. Tổng kết ba năm học, ông được xếp thứ 5 trong 15 sinh viên tốt nghiệp. Trong cuốn sách hồi tưởng "Cuộc đời khoa học Nông nghiệp của tôi" (NXB Thanh Niên, 2003) Bùi Huy Đáp kể: Lần đầu tiên phát bằng kỹ sư ở Đông Dương, để tuyên truyền, chính quyền thuộc địa đã tổ chức lễ phát bằng tại giảng đường Đại học do Toàn quyền Đông Dương chủ trì và phát bằng. Buổi lễ được cử hành trọng thể, theo nghi thức của Nhà nước Bảo hộ, có nhiều quan chức cao cấp đến dự.Toàn quyền Đông Dương phát biểu ngắn, nhắc lại lời của Thống chế Pétain bên Pháp: "Đất đai không biết nói dối, nó trả lại hậu hĩnh những công sức đã bỏ vào nó". Ngày "vinh quy", kỹ sư Bùi Huy Đáp đáp tàu về Nam Định. Trong niềm vui của gia đình, ông bố mừng hơn cả con trai: "Con đã đỗ tú tài nay lại đỗ kỹ sư, hơn tú tài, cũng là cử nhân, mấy đời nhà ta mới được! Còn bố, mấy lần thi hương, chỉ qua được cái tam trường". Bà mẹ chậm rãi nói với con: "Thế là cái nghề tầm thường của mẹ, con đã mất ba năm mới học được! Mà cày bừa, cấy hái con có biết gì đâu? Con phải năng đi nông thôn, gặp gỡ nông dân, chớ ngồi lì ở phòng giấy để trở thành anh kỹ sư canh nông đường nhựa"! Và anh kỹ sư tân khoa phải tìm đến nhà ông xã Xướng, một người cày thuê cho cả xóm để vật nài xin học cày học bừa, khiến ông thợ cày tròn mắt: "Cậu đã đỗ kỹ sư, sao còn đi học cày". Kỹ sư Bùi Huy Đáp đã học những bài học nghề nông từ đồng ruộng quê nhà. Sau này, khi đã đứng trên bục giảng ở nhiều giảng đường, ông nói với sinh viên điều tâm đắc của mình: "Làm khoa học nông nghiệp là phải biết hỏi nông dân và cây cỏ. Hỏi nông dân thì phải biết cách hỏi và cách nghe những câu đơn giản về đời sống, công việc và kinh nghiệm sản xuất làm ăn của họ; chú ý nghe họ trả lời và nắm những điểm chính. Hỏi cây thì phải quan sát cẩn thận, phân tích những đặc điểm đặc thù, không chủ quan lắp vào những định kiến có sẵn". Ông trân trọng những bậc "lão nông tri điền" ở làng quê, coi họ như những người thầy.
Bùi Huy Đáp lên đường vào Huế làm kỹ sư công nhật rồi phó kỹ sư nông nghiệp Sở Canh nông Trung Kỳ. Ông viết báo cáo chuyên đề "Nghề trồng cây ăn quả ở Trung Kỳ", được Phủ Toàn quyền xuất bản bằng tiếng Pháp, khởi đầu cho hơn 100 cuốn sách khoa học và hơn 1000 bài báo về nông nghiệp vùng nhiệt đới Đông Dương -Việt Nam trong suốt cuộc đời làm khoa học nông nghiệp của ông. Cách mạng tháng 8-1945 thành công, kỹ sư Bùi Huy Đáp được cử làm Phó Giám đốc Nha Nông Mục Thuỷ Lâm ở Hà Nội. Khi Bộ Canh nông trong Chính phủ Kháng chiến được thành lập, nhà thơ - kỹ sư canh nông Cù Huy Cận được cử làm Bộ trưởng. Bùi Huy Đáp được Bộ trưởng Cù Huy Cận giữ lại làm Tổng thư ký (tương đương trợ lý Bộ trưởng hiện nay). Công tác đào tạo cán bộ được triển khai ngay trong thời chiến do ông đề xuất, các lớp trung cấp nông nghiệp mở ở Huế (1946), khu IV, khu V (1947) rồi Trường Trung học Canh nông Việt Bắc cũng mở vào đầu năm 1948, ngay sau Chiến dịch Thu Đông địch tấn công lên Việt Bắc. Năm 1952, Viện Trồng trọt được thành lập ở căn cứ địa Việt Bắc, ông được cử làm Viện trưởng. Đây cũng là Viện nghiên cứu khoa học đầu tiên ở nước ta, lúc đầu chỉ có ba kỹ sư, ba tham tá và phần đông là cán bộ trung cấp mới được đào tạo, những người "không thiếu nhiệt tình công tác nhưng có những lỗ hổng về kiến thức. Làm công tác khuyến nông, hướng dẫn nông dân cải tiến kỹ thuật, một số anh em có kinh nghiệm ít nhiều đã hoạt động có hiệu quả trong quần chúng, do chưa nghiên cứu khoa học nên anh em có không ít những lúng túng khi thực hiện" (Bùi Huy Đáp-Sđd tr.34). Viện trưởng Bùi Huy Đáp đã mở lớp học dài hạn cho tất cả cán bộ kỹ thuật, cung cấp những thông tin mới, những tài liệu mới từ Pháp, Liên Xô (cũ), từ Trung Quốc và một số nước XHCN. Học viên được ông giảng giải các vấn đề: Sinh vật và ngoại cảnh tiến hoá của sinh vật; Đồng hoá và dị hoá; Thay cũ đổi mới; Di truyền và biến dị; Đấu tranh sinh tồn; Loài sinh vật và sự hình thành loài; Đấu tranh và tương trợ trong loài và giữa loài; Chọn lọc tự nhiên và chọn lọc nhân tạo; Chủ nghĩa Đác-uyn Xô-viết... Đây là thời kỳ phát triển của Viện Trồng trọt, lớp học được duy trì trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đào tạo thật bài bản một đội ngũ cán bộ kỹ thuật, đáp ứng được yêu cầu công tác của Viện.
Đến năm 1956, Nhà nước ta cho mở 5 Trường Đại học đầu tiên: Tổng hợp, Sư phạm, Y-Dược, Bách khoa, Nông Lâm, các quyết định đều do Hồ Chủ tịch ký. Bùi Huy Đáp được cử làm Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (sau là Đại học Nông nghiệp) khi ông 37 tuổi - Một Hiệu trưởng trẻ trung, giàu nhiệt tình cống hiến. Qua 15 năm phụ trách trường Đại học Nông nghiệp (5 năm là Hiệu trưởng) và nhiều năm trực tiếp giảng dạy, ông đã góp công đào tạo, bồi dưỡng nhiều kỹ sư giỏi, những chuyên gia khoa học nông nghiệp tận tuỵ, yêu nghề, được đồng nghiệp tin cậy, được nông dân quý trọng.
Năm 1996, Giáo sư Bùi Huy Đáp được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I) với công trình khoa học Lúa xuân, đánh dấu một thành công lớn trong sự nghiệp của ông. Cây lúa Việt Nam, trong con mắt các nhà khoa học, còn được gọi là Lúa châu Á (Dryza satival) vì nó được thuần hoá từ lúa dại thành lúa trồng ở 3 trung tâm đầu tiên: Assam (Ấn Độ), biên giới Thái Lan - Myanma và trung du Tây Bắc Việt Nam, vào thời đồ đá giữa, trong lòng văn hoá Hoà Bình, cách đây khoảng 12000-16000 năm. Với hình thái lúa cao cây và kỹ thuật trồng lúa thô sơ, năng suất lúa ở đồng bằng sông Hồng vào đầu Công nguyên chỉ là 4 tạ/ha (tính theo sách Cổ Kim Chí của nhà bác học Lê Quý Đôn). Đến giữa thế kỷ XX (theo Niên giám thống kê Đông Dương) năm 1942, năng suất lúa ở Bắc Kỳ là 13 tạ/ha với dân số 9,3 triệu người, tỉ lệ thóc/đầu người là 1,9 tạ. Ở Trung Kỳ năng suất lúa là 10 tạ/ha,với dân số 6,1 triệu người, tỉ lệ thóc/đầu người là 1,6 tạ. Còn ở Nam Kỳ, với năng suất lúa 14 tạ/ha, dân số 5,4 triệu người, đạt tỉ lệ thóc/đầu người là 5,9 tạ. Miền Bắc thường có đói, riêng trận đói khủng khiếp năm 1945 đã cướp đi 2 triệu người.
Trên thế giới, có những nền văn minh nông nghiệp nhiệt đới khác sớm lụi tàn ngay sau thời kỳ phát triển rực rỡ. Chứng minh sự trường tồn của cây lúa nước Việt Nam, giáo sư Bùi Huy Đáp viết: "Hai cơ sở chủ yếu của nền văn minh lúa nước Việt Nam là ruộng trồng lúa nước và quần cư của nông dân trồng lúa nước. Ruộng lúa nước có tính ổn định cao, được khai thác từ mấy nghìn năm trước để trồng lúa. Châu thổ sông Hồng nay vẫn là vựa lúa quan trọng của nước ta... Châu thổ sông Hồng thời kỳ đầu Công nguyên có năng suất 4 tạ/ha, nay đã cho năng suất gấp 15-25 lần và ở ngưỡng cửa 100 tạ/ha với những địa bàn từng tỉnh đã đạt 60-70 tạ/ha. Cây lúa không cần luân canh. Có những trà ruộng được trồng lúa liên tục từ hàng nghìn năm nay ở châu thổ sông Hồng, vẫn cho năng suất khá, và khi được bón đủ đã cho năng suất 120 tạ/ha/năm (Nam Định,Thái Bình)" (Sđd, tr.79,80,91).
Trong cuốn sách viết ở tuổi 84: "Cuộc đời Khoa học Nông nghiệp của tôi", giáo sư Bùi Huy Đáp dành cho cây lúa xuân hơn một chương với rất nhiều kỷ niệm trong suốt hành trình khảo sát, nghiên cứu, thực nghiệm. Lúa xuân khởi đầu từ Hà Tây về Thái Bình, Nam Định, sang Hưng Yên, lên Vĩnh Phú... Lúa xuân bắt đầu được cấy thí điểm trên diện tích ruộng bị bỏ hoá 10% ở những vùng cấy lúa chiêm những năm thiếu sức kéo, thiếu lao động , những năm còn bom đạn chiến tranh. Từ những thất bại buổi đầu do làm chơi chơi, do chưa nắm chắc qui trình mùa vụ... đến những mùa đại trà thắng lợi, lúa xuân quần bông trĩu hạt sau ngày đất nước thống nhất, sau những chuyển đổi khoán quản từ chỉ thị 100 của Trung ương...
Và "Người sáng tạo lúa xuân miền Bắc" có bao nhiêu cộng sự từ Viện nghiên cứu cây trồng đến Trại lúa giống, từ văn phòng Thủ tướng đến trụ sở UBND xã, từ những khay mạ, ô mạ trên nền sân xướng trải nilông đến "hội nghị đầu bờ" các hợp tác xã nông nghiệp.
Lúa xuân bước lên sân khấu dưới ánh đèn măng-xông. Lúa xuân xanh biếc các trang thơ và hát lên thành nhạc: "Em xinh là xinh như cây lúa" ! Vậy là cả họ hàng làng nước chân quê của ta sau bao nhiêu nhìn ngắm, đo đắn thiệt hơn đã rước lúa xuân vào nền nếp đồng ruộng nhà mình. Những câu ca vận vào cây lúa chiêm nghìn xưa như "Lúa trỗ cốc vũ, no đủ mọi bề", "Lúa trỗ thanh minh thì vinh cả xã", "Lúa trỗ lập hạ, buồn bã cả làng"... đối với cây lúa xuân xem ra không còn phù hợp!
Từ một nước phải nhập khẩu lương thực, với công cuộc "chuyển mùa lúa ở miền Bắc thành lúa xuân và lúa xuân muộn"; "đổi vụ lúa miền Nam thành lúa đông xuân và lúa hè thu", cả nước làm ba vụ lúa chính: lúa đông xuân, lúa hè thu và lúa mùa, năm 1989, Việt Nam đã xuất khẩu 1,4 triệu tấn gạo và liên tục tăng dần doanh số. Đến nay Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Thật là kỳ diệu!
Với giáo sư Bùi Huy Đáp, cuối thế kỷ vừa qua ông còn có thêm niềm vui từ quê nhà. Năm 1994, các nhà khoa học trong đoàn công tác khảo cổ học Việt - Nhật đã về Bách Cốc hạ trại. Trong mấy năm thám sát, nghiên cứu, họ tìm thấy ở Bách Cốc những hiện vật, dấu vết của những tầng văn hoá đặc trưng của nền văn minh lúa nước châu thổ sông Hồng. Giáo sư -Tiến sĩ Sakurai (Chủ tịch Hội Nghiên cứu làng xã Việt Nam của Nhật Bản) trước đây đã từng viết luận văn tốt nghiệp Đại học Quốc gia Tôkyô trên những dữ liệu khảo sát, nghiên cứu từ làng Bách Cốc và hợp tác xã nông nghiệp Cốc Thành, trong báo cáo khoa học"Mục đích và kết quả khảo sát xã hội nông thôn tại hợp tác xã Cốc Thành huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định", xác định: "Bách Cốc có đủ điều kiện thuận lợi để thực hiện đề tài nghiên cứu nông thôn, nông nghiệp Việt Nam".
Gia đình giáo sư Bùi Huy Đáp đã chuyển về Hà Nội*. Ông Bùi Trọng Đang, người cháu của giáo sư, thỉnh chuông hướng dẫn chúng tôi làm lễ dâng hương trước liệt vị gia tiên dòng họ Bùi Huy tại từ đường. Kỹ sư Phạm Ngọc Khảnh dừng lại lâu hơn bên ban thờ có chân dung nhà giáo quá cố, cụ thân sinh giáo sư Bùi Huy Đáp. Ông Đang cho biết, nền nếp gia phong, lệ khen thưởng con cháu học giỏi, việc khuyến học trong gia tộc vẫn được giữ gìn như xưa.
Về thăm quê "Người sáng tạo lúa xuân miền Bắc", chúng tôi cảm nhận được điều dân làng ở đây tâm đắc.Tên làng Bách Cốc từ bao đời nay đã mang ước vọng mùa màng "phong đăng hoà cốc" thóc gạo đầy nhà. Cả bức hoành phi ở từ đường dòng họ Nguyễn Đình trong làng cũng một ý nguyện "Hữu Cốc Di" - lấy ý từ sách Mạnh Tử "Quân tử hữu cốc di tử tôn" (Người quân tử có lúa gạo (của cải) để lại cho con cháu).
Vinh quang thuộc về những người biết làm giàu cho quê hương đất nước. Người thầy - nhà khoa học Việt Nam, giáo sư Nông học Bùi Huy Đáp đã làm được điều kỳ diệu ấy. Tại thành phố Nam Định, trước ngày nâng cấp thành đô thị loại I, một đường phố mới mang tên ông. Ở Hà Nội, trong khuôn viên trường Đại học Nông nghiệp, năm 2013, tượng chân dung Giáo sư Bùi Huy Đáp đã khánh thành, tôn vinh người thầy mẫu mực, vị Hiệu trưởng đầu tiên đã góp công sức và tâm huyết vào việc sáng lập ngôi trường đại học của nền nông nghiệp Việt Nam vượt qua những khó khăn thử thách, trở thành điểm sáng tin yêu từ thuở ban đầu gây dựng chưa dễ gì quên.
-------
* Giáo sư Bùi Huy Đáp mất ngày 4-7-2004, tại Hà Nội.
Nguồn: Báo Tổ Quốc
Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, hoangkim, hoangkimvietnam, Ngọc Phương Nam, Chào ngày mới Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Tin Nông nghiệp Việt Nam, Food Crops, Cassava in Vietnam, Cassava News, Khát khao xanh, Dayvahoc,Học mỗi ngày, Danh nhân Việt , Food Crops News, Điểm chính, CNM365, Kim LinkedIn, KimTwitter, KimFaceBook Đọc lại và suy ngẫm, Việt Nam tổ quốc tôi, Tình yêu cuộc sống, Thơ cho con
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét