Thứ Hai, 4 tháng 2, 2013

Về Việt Bắc đêm lạnh nhớ Bác



ĐƯỜNG XUÂN

Hoàng Kim

Đền thiêng trên Nghĩa Lĩnh. 

Giếng ngọc dưới trời Nam. 
Chén cơm truyền con cháu. 
"Vạn cổ thử giang san"

Năm nay về Việt Bắc, tôi thấm cái lạnh thấu xương của thời giao mùa trong chuyến khảo sát tạo hạt sắn lai tại chợ Đồn Bắc Kạn, Yên Lãng núi Hồng. Năm trước ra Đông Bắc, tôi đã thấm cái rét cắt da của đêm thiêng Yên Tử khi nửa đêm khởi hành từ chùa Hoa Yên đi bộ lên chùa Đồng. Đêm lạnh tôi chứng ngộ được đức lớn của Trần Nhân Tông khi Người dấn thân từ bỏ ngôi vua lúc 35 tuổi lên tu hành thiền Trúc Lâm Yên Tử trãi mười lăm năm để thống nhất các Thiền phái tồn tại trước đó và toàn bộ giáo hội Phật giáo đời Trần về một mối. Tôi cũng thấu hiểu, kính trọng và chứng ngộ nhân cách lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh trãi mười lăm năm gian khổ ở chiến khu Việt Bắc với sáu năm gầy dựng Việt Minh (1941- 1945) và chín năm lãnh đạo chính phủ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946-1954). Những người chưa trải qua tuổi cao dấn thân chịu cực khổ làm việc lớn vậy khó hiểu hết minh triết và sự dấn thân của Người.


Trần Nhân Tông và  Hồ Chí Minh là phúc lớn của dân tộc Việt. Trần Nhân Tông và Hồ Chí Minh đều là biểu tượng của bậc vĩ nhân “bình sinh đầu ngẩng tới trời xanh” của dân tộc Việt trong cuộc đấu tranh "trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" để giành độc lập và thống nhất Tổ Quốc. Hôm nay giữa mênh mang trời đất vào xuân, tôi bồi hồi ngắm dấu xưa núi cao hoang sơ “đầu nguồn” Pác Bó “sớm ra bờ suối tối vào hang/cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng” “xem sách chim rừng vào cửa đậu/ phê văn hoa núi ghé nghiên soi ”. Ký ức thời gian lần lượt trở về trong tôi với những ký sự ảnh và ghi chép cá nhân của những lần về Việt Bắc đến Nghĩa Lĩnh đền Hùng, hồ Ba Bể, Yên Lãng núi Hồng, sông Công núi Cốc,…

Việt Bắc là tuổi trẻ và tình yêu đầu đời của tôi. Nơi đây khi tôi về thăm lại lần này là lúc tôi đã tự mình trãi qua độ tuổi của Đức Nhân Tông và của Bác khi Người dấn thân vào nơi giá rét! Đêm lạnh cắt da, tôi nghĩ đến đức Nhân Tông và Bác về nơi hang lạnh, mà lòng bùi ngùi thương Người tuổi cao dấn thân làm việc chí nhân. Tôi viết VỀ VIỆT BẮC ĐÊM LẠNH NHỚ BÁC tập hợp các ghi chép và suy ngẫm về  "Núi Tản Viên, Tam Đảo, Nham Biền"; "Vó ngựa trời Nam", "Chuyện tình Hồ trên núi"; “Qua đèo chợt gặp mai đầu suối” (bài thơ kỳ lạ Tầm hữu vị ngộ - tìm bạn không gặp - của Bác ); "Hai bài thơ đồng dao của Bác"; "Bỗng nghe vần Thắng vút lên cao"; "Bình sinh Hồ Chí Minh" (quan hệ đến câu chuyện bức trướng của năm vị lão thành cách mạng Nga); "Kẻ phi thường trong thơ Bác Hồ". Nhiều uẩn khúc lịch sử, thật giả chưa tường minh nhưng tôi tin tưởng sâu sắc sẽ tìm tòi và thấu hiểu được sự minh triết sâu sắc kín đáo của Người, những lời dặn còn mãi với thời gian.



QUA ĐÈO CHỢT GẶP MAI ĐẦU SUỐI

“Nghìn dặm tìm anh chẳng gặp anh/ Đường về vó ngựa dẫm mây xanh/ Qua đèo chợt gặp mai đầu suối/ Đóa đóa vàng tươi xuân thắm cành”. Tôi biết bài thơ “Qua đèo chợt gặp mai đầu suối” của Bác Hồ đăng trên báo khoảng năm 1970 do một chuyện ngẫu nhiên tình cờ nên nhớ mãi. Bài thơ kỳ lạ vì ẩn chứa nhiều triết lý sâu sắc không dễ thấy, vì nó là thơ của Bác Hồ mà ít thấy sách báo nào nhắc đến cho đến xuân 2013 đã trãi hơn sáu mươi ba năm.

Thuở ấy, tôi mới mười bảy tuổi, đã cùng người anh trai ra thăm đèo Ngang. Chúng tôi vừa đi xe đạp vừa đi bộ từ chân núi lên đến đỉnh đèo. Gần cột mốc địa giới hai tỉnh trên đỉnh đường xuyên sơn, cạnh khe suối ven đỉnh dốc sườn đèo có cây mai rừng rất đẹp. Chúng tôi đang thưởng ngoạn thì chợt gặp xe của bộ trưởng Xuân Thủy và xe của ông Nguyễn Tư Thoan bí thư tỉnh ủy Quảng Bình vừa tới. Họ đã xuống xe ngắm nhìn trời, biển, hoa, núi và bộ trưởng Xuân Thuỷ bình bài thơ trên.

Bộ trưởng Xuân Thủy là nhà ngoại giao có kiến thức rộng, bạn thơ của Hồ Chí Minh, giỏi dịch thơ chữ Hán. Ông cũng là người đã dịch bài thơ “Nguyên tiêu” nổi tiếng, nên khi tôi tình cờ được nghe lời bình phẩm trực tiếp của ông về bài thơ trên thì tôi đã nhớ rất lâu. Tôi cũng hiểu nghĩa rõ ràng cụm từ “Trung Nam Hải” từ dịp ấy.

Ba mươi năm sau, khi anh Gia Dũng sưu tầm, tuyển chọn và giới thiệu bài thơ “Tìm bạn không gặp” trong tập thơ “Ngàn năm thương nhớ” tuyển thơ một nghìn năm Thăng Long, Hà Nội. Bài thơ “Tầm hữu vị ngộ” của Bác do nhà Hán học nổi tiếng Phan Văn Các diễn nghĩa và dịch thơ. Nội dung tuy vẫn thế nhưng bản dịch mới, lời dịch sát nghĩa chữ Hán hơn so với bản tự dịch thoáng ý của chính Bác lại có khác MỘT chữ so với bài mà tôi được đọc và nghe bình trước đây. Đó là từ “nghìn dặm” được thay bằng từ “trăm dặm” (“bách lý tầm quân vị ngộ quân” thay vì “thiên lý tầm quân vị ngộ quân”). Bản dịch mới có lời ghi chú, nghe nói là của Bác. Bài thơ viết năm 1950 nhưng xuất xứ và cảm xúc thực sự của Người khi thăng hoa bài thơ nổi tiếng này thì nay vẫn còn để ngỏ.

Bác ra nước ngoài từ đầu năm 1950 đến đầu tháng Tư mới về nước theo hồi ức “Chiến đấu trong vòng vây” của đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác lúc đó đã sáu mươi tuổi, bí mật đi đến Bắc Kinh gặp chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông rồi đi luôn sang Matxcơva gặp đồng chí Stalin. Bác cũng đi tìm gặp đại tướng Trần Canh khi chuẩn bị chiến dịch Biên giới. Trong cơn lốc của các sự kiện, Bác khẳng định: “Tổng phản công của ta sẽ là một giai đoạn lâu dài. Rồi đây, có sự chi viện của Liên Xô và Trung Quốc về vật chất, vũ khí, trang bị, ta sẽ đỡ khó khăn hơn, nhưng giành được thắng lợi là phải do sức nỗ lực của chính bản thân ta quyết định”.

“Nghìn dặm” hay “trăm dặm”? “gặp bạn” hay “không gặp”? hoặc “gặp nhưng không gặp về cách làm”? Ngữ nghĩa của câu thơ “Bách lý tầm quân vị ngộ quân” khác hẳn với “thiên lý tầm quân vị ngộ quân”, đó là sự gặp gỡ một minh quân, một minh chủ, một chủ thuyết chứ không đơn giản là “Tìm bạn không gặp”. Dường như Bác đang đề cập một vấn đề rất lớn của định hướng chiến lược đối ngoại “phải biết tranh thủ thời cơ, tận dụng sự ủng hộ và chi viện quốc tế nhưng giành được thắng lợi là phải dựa vào sức mình là chính” . Nhiều sự kiện lịch sử hiện tại đã được giải mã nhưng còn nhiều ẩn ý sâu sắc trong thơ Bác cần được tiếp tục tìm hiểu, khám phá thêm. Những năm tháng khó khăn của cách mạng Việt Nam “chiến đấu trong vòng vây”; Những tổn thất và sai lầm trong cải cách ruộng đất do sự thúc ép từ phía Liên Xô và sự vận dụng không phù hợp kinh nghiệm của Trung Quốc; Quan hệ của nước nhỏ đối với các nước lớn. Nhiều điều tinh tế ẩn chứa trong thơ Bác.

Ý tứ trong bài thơ của Bác rất gần với với một bài thơ cổ của Trung Quốc thời nhà Tống: “Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân/Mang hài đạp phá lãnh đầu vân/ Quy lai khước phá mai hoa hạ/ Xuân tại chi đầu vị thập phân”. Bài thơ tả một ni cô mang hài trèo đèo vượt núi cực khổ tìm xuân suốt ngày mà vẫn chẳng gặp xuân. Đến khi trở về mới thấy xuân đang hiện trên những cành mai trong vườn nhà.


Bác Hồ cũng vượt vòng vây phong tỏa, chịu nhiều gian khổ suốt bốn tháng ròng để tìm sự ủng hộ quốc tế cho cách mạng Việt Nam đang “chiến đấu trong vòng vây”. Trên đường về, qua đèo, Bác chợt gặp cây mai đầu suối và Bác đã ngộ ra được những vấn đề sâu sắc của phương pháp cách mạng. Đối diện với mặt trời đỏ “đông phương hồng, mặt trời lên” là mặt TRĂNG hiền hoà (rằm xuân lồng lộng trăng soi) và gốc MAI vàng cổ thụ bên SUỐI nguồn tươi mát (bên suối một nhành mai). Trăng, suối, hoa mai là những cụm từ quan trọng trong thơ Bác. Nó là triết lý ứng xử tuyệt vời của một nước nhỏ đối với các nước lớn trong quan hệ quốc tế phức tạp. Trời càng sáng, trăng càng trong, nước càng mát, mai càng nở rộ.

Ngày xuân, hiểu sâu thêm một bài thơ hay của Bác và góp thêm một tản văn về trăng, suối nguồn, hoa mai. Học minh triết trong quan điểm chiến lược của Bác “dựa vào sức mình là chính đồng thời tranh thủ thời cơ và sự ủng hộ quốc tế”. Trăng, suối nguồn, hoa mai là biểu tượng và đối sách quốc gia mà Bác nhắn gửi. Đó là phong thái thung dung, điềm tĩnh, bản lĩnh gan góc bất khuất, dám giành độc lập, giữ độc lập tự do để mưu cầu hạnh phúc cho dân, đám đánh và biết đánh thắng.



TÂM HỒN BÌNH DỊ CHÍ ANH MINH

“Bình sinh đầu ngẩng tới trời xanh / Khuất núi hồn THƠM quyện đất lành / Anh hùng HỒ dễ nên nghiệp ấy? / Tâm hồn bình dị CHÍ anh MINH”. Bài thơ tứ tuyệt này được thêu trên bức trướng do năm nhà cách mạng lão thành Nga gửi đến tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Anh Phan Chí Thắng đã gửi cho tôi tư liệu quý trên đây cuối tháng ba năm 2008 với lời nhắn: “Gửi Hoàng Kim. Cách đây mấy ngày, trong một cuộc tiếp xúc nhiều người, tôi vô tình được nói chuyện với anh H. – cháu nội người đỗ đầu khoa Hội cùng năm với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Dì ruột của anh H lấy anh cả của ông Lê Đức Thọ. Anh H. kể là được nghe trực tiếp từ ông Lê Đức Thọ về bài tứ tuyệt được thêu trên trướng do 5 nhà cách mạng lão thành Nga gửi đến tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chỉ nghe một lần mà anh H. thuộc lòng cho đến bây giờ, thật xứng danh cháu nội cụ Hội Nguyên. Tôi xin chép lại vào đây để Hoàng Kim tham khảo. Có vài điểm thắc mắc: 1. Làm sao mà các nhà cách mạng Nga lại làm được thơ tứ tuyệt? Hay là họ nhờ ai đó làm giúp theo ý họ? 2. Các chữ viết hoa trong bài tứ tuyệt được thêu chữ hoa, nghĩa là có dụng ý. Ba chữ là lấy từ trong “Hồ Chí Minh”. Còn chữ “Thơm” có phải đó cũng là tên hoạt động của Bác Hồ trong thời gian công tác cùng với 5 nhà cách mạng Nga kia? Hay là một tên gọi khác của Bác mà rất ít người biết? Sơ bộ như thế đã, các nhà nghiên cứu sẽ tìm câu trả lời.

"Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Hồ Chủ tịch, ngày 9 tháng 9 năm 1969" đã nhận định về Bác: Hồ Chủ Tịch là người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, là người xây dựng nền Cộng hoà Dân chủ Việt Nam và Mặt trận Dân tộc Thống nhất, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người là linh hồn, là ngọn cờ chói lọi, lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết một lòng, chiến đấu anh dũng, viết nên những trang sử vẻ vang nhất của Tổ quốc ta. Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ Tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. “Thế giới còn đổi thay nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ sống mãi” đại tướng Võ Nguyên Giáp tâm đắc. Hồ Chí Minh là con người bình dị và quang minh lỗi lạc với tám chữ tâm niệm Bác đã mẫu mực thực hành suốt đời đó là “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Giáo sư Trần Văn Giàu đúc kết bảy phẩm chất cơ bản của Bác Hồ được con dân nước Việt và thế giới ngợi ca đối với "Nhân cách lớn của chủ tịch Hồ Chí Minh": 1) Ưu tiên đạo đức; 2) Tận tụy quên mình; 3) Kiên trì bất khuất; 4) Khiêm tốn giản dị; 5) Hài hòa kết hợp; 6) Thương, quý người, nâng đỡ con người, thấu tình đạt lý; 7) Yêu thiên nhiên hòa hợp với thiên nhiên. Lệ thần Trần Trọng Kim có tác phẩm Một Cơn Gió Bụi và Lê Mai có bài viết Chủ tịch Nước Hồ Chí Minh góp thêm tư liệu quý chân thực về trí tuệ bậc Thầy “anh hùng hồ dễ nên nghiệp ấy”.

“Tâm hồn bình dị chí anh minh” và “Bình sinh đầu ngẩng tới trời xanh” là hai câu thơ khái quát được nhân cách, bản lĩnh và tầm vóc của chủ tịch Hồ Chí Mính. Người chủ của bài thơ hay này phải là người hiểu được bình sinh của Bác đủ nhân trí dũng dám đánh và biết đánh thắng địch mạnh, dám đối diện mặt trời đỏ, hiểu được bản chất nhân văn của một tâm hồn bình dị chí anh minh và sành văn chương, khéo khái quát được thần thái của Bác trong vỏn vẹn bốn câu thơ. Manh mối đầu tiên trong logic của “thần thám Địch Nhân Kiệt” là vậy. Tôi ngờ rằng đây chỉ có thể là thơ của chính Bác, cũng có thể là thơ của ông Lê Đức Thọ đã khéo léo dàn dựng một cách tài tình. Ông Trường Chinh Sóng Hồng và Xuân Thủy cũng giỏi thơ, ông Phạm Văn Đồng giỏi văn chương nhưng không thể là tác giả. Ông Lê Đức Thọ là có thể vì bình sinh ông ưa làm Trần Thủ Độ, ông có chí lãnh tụ, từng muốn làm tổng bí thư, mưu sâu kế hiểm từng làm liệt vị tướng Giáp, khéo xuất hiện như các vị tướng cầm quân trong các chiến dịch lớn Mậu Thân, Hồ Chí Minh và chiến tranh biên giới Tây Nam, khéo lộ diện trong ngoại giao đánh đàm hai tay trường kỳ với Mỹ Thiệu tại Paris, ông là người sắp xếp nhân sự, cũng thích làm thơ và khéo dựng chuyện sâu xa... Giải mã câu chuyện do chính ông nêu ra kỳ bí như xem phim Võ Tắc Thiên cần đi từ chính những người trong cuộc biết rõ. Ngày xuân lưu lại điều này trong DẠY VÀ HỌC, DANH NHÂN VIỆT để tiếp tục nghiên cứu. Nhiều sự thật lịch sử cần đủ thông tin, đúng người, đúng việc, đúng liều lượng và đúng thời điểm. Tôi đã đưa bài thơ này lên trang đầu xuân mỗi năm suốt sáu năm qua để tìm thêm chỉ dấu của các bậc hiền minh nhằm sáng tỏ câu chuyện.

Bình sinh đầu ngẩng tới trời xanh! Hồ Chí Minh nghe nói cũng có thơ viết ở đền Trần trong đó có câu “Tôi bác xưa nay vẫn anh hùng” tự cho mình nối tiếp công việc tiền nhân của Trần Hưng Đạo. Người cũng đã dùng cụm từ “kẻ phi thường” thay cho cụm từ “bậc phi thường” khi nói về thân thế và sự quyền biến của Nguyễn Huệ và Lý Công Uẩn trong hai câu “Nguyễn Huệ là kẻ phi thường” và “Công Uẩn là kẻ phi thường” tại tác phẩm Lịch sử nước ta (Hồ Chí Minh tuyển tập tập 1, trang 596, 598), mặc dù Bác biết rất rõ cụm từ “bậc phi thường” vì Bác là bậc Thầy về chữ nghĩa và rất cẩn trọng ngôn ngữ nhưng Người vẫn viết vậy. Bác coi trọng lịch sử, đánh giá công bằng mà không rơi vào sự giáo điều mê tín bất cứ ai. Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản ngày 12 tháng 7 năm 1940 do Hồ Chí Minh sọạn thảo là cẩm nang đón trước thời cơ “nghìn năm có một” của Tổng khởi nghĩa tháng 8 và Tuyên ngôn Độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945. Tài liệu tổng hợp, phân tích, đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình, sâu sắc hiếm thấy nhưng cực kỳ súc tích chỉ vắn tắt 12 trang. Đó là một trong số những thí dụ rõ nhất về thiên tài kiệt xuất của Hồ Chí Minh dám chớp thời cơ giành chính quyền và biết thắng. Hãy nghe Hồ Chí Minh phân tích tình thế và đưa ra mưu lược hành động thật quả quyết: “Tóm lại, những điều kiện khách quan cho phép chúng tôi có hi vọng thành công. Song, lực lượng chủ quan- lực lượng của Đảng còn quá yếu. Như trên đã nói, một đảng mới mười tuổi lại trãi qua hai lần khủng bố lớn, số cán bộ có kinh nghiệm đấu tranh hiện còn đang rên xiết trong tù ngục, khiến đảng viên và quần chúng như “rắn mất đầu” không thể tận dụng cơ hội tốt “nghìn năm có một”. Chúng tôi liệu có khả năng làm thay đổi hoàn cảnh đó, khắc phục khó khăn đó, giúp Đảng hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó hay không? Có. Chúng tôi nhất định không thể từ trong đánh ra. Chúng tôi chỉ có cách từ ngoài đánh vào. Nếu chúng tôi có được: 1) Tự do hành động ở biên giới; 2) Một ít súng đạn; 3) Một chút kinh phí; 4) Vài vị cố vấn thì chúng tôi nhất định có thể lập ra và phát triển một căn cứ địa chống Pháp, chống Nhật – đó là hi vọng thấp nhất. Nếu chúng tôi có thể mở rộng Mặt trận thống nhất các dân tộc bị áp bức, có thể lợi dụng mâu thuận giữa các nước đế quốc thì tiền đồ tươi sáng là có thể nhìn thấy được. Tôi rất hi vọng các đồng chí giúp tôi nhanh chóng giải quyết vấn đề này. 12.7.40.” (Hồ Chí Minh Toàn tập t. 3 tr. 162-174).

Bảy mươi năm sau nhìn lại, càng đọc càng thấm thía nhiều điều sâu sắc.

Đầu xuân này chúng ta đang thảo luận bổ sung và điều chỉnh Hiến Pháp, vậy hãy nghe Lê Mai kể lại một trích đoạn trong Chủ tịch Nước Hồ Chí Minh:

Quốc Hội nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, vào ngày 9. 11. 1946, đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên mà sự tiến bộ, mẫu mực, dân chủ của nó cho đến nay – không những làm chúng ta mà còn làm cả thế giới thán phục. Trong bản Hiến pháp dân chủ ấy, ngoài việc thiết kế một thiết chế chính trị mẫu mực, đã quy định quyền hạn của Chủ tịch Nước rất rõ ràng, đó là người thay mặt cho nước, giữ quyền Tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái trong lục quân, hải quân, không quân, ký sắc lệnh bổ nhiệm Thủ tướng, ban bố các đạo luật, đặc xá, ký hiệp ước với các nước, tuyên chiến hay đình chiến …

Hồ Chí Minh là Chủ tịch đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Dĩ nhiên, dấu ấn của Hồ Chí Minh hết sức đậm nét trong bản Hiến pháp đầu tiên. Sự thông minh xuất chúng, hiểu nhiều, biết rộng của Hồ Chí Minh đã làm Võ Nguyên Giáp – một người tài ba, một cộng sự rất gần gũi Hồ Chí Minh kinh ngạc. Ông kể, gần như làm bất cứ việc gì, ông đều thấy Hồ Chí Minh đã tiên liệu, suy nghĩ vấn đề đó từ rất lâu rồi. Bản Tuyên ngôn độc lập, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa chỉ là vài dẫn chứng sinh động.

Đối với những tình huống đột xuất thì sao? Những ứng phó của Chủ tịch nước Cộng hòa non trẻ, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thù trong, giặc ngoài đầy rẫy càng làm chúng ta khâm phục.

Ngay sau cái Tết Bính Tuất năm 1946 – Tết độc lập đầu tiên sau tám mươi năm trời nô lệ, Hồ Chí Minh đã có một cuộc nói chuyện dài với tướng Raun Xalăng. Xalăng – một sỹ quan Pháp, người đã từng ăn cơm lam chấm mắm ngóe miền thượng nguồn, ăn mắm tôm vắt chanh ở miền xuôi của VN. Tướng Xalăng đang rất hung hăng, điều này dễ hiểu, vì bấy giờ, Pháp ỷ vào sức mạnh nên coi thường Chính phủ Hồ Chí Minh. Nhưng, ông ta có vẻ bối rối khi hiện ra trước mắt mình là một nhà hiền triết phương Đông với phong thái ung dung tự tại tỏa ra từ đôi mắt sáng, chòm râu thưa, mái tóc pha sương, nước da dãi dầu mưa nắng, một cốt cách thanh cao khắc khổ ẩn tàng sức mạnh siêu quần được dấu kín trong bộ quần áo kaki cổ đứng không cài cúc.

- Mời tướng quân xơi nước.

Tướng Xalăng nâng chén nước lên theo lời mời của Hồ Chí Minh và nói:

- Thưa ngài Hồ Chí Minh…

Lập tức, Hồ Chí Minh ngắt lời ông ta:

- Tôi đã mời “tướng quân” xơi nước chứ tôi không mời “ngài” Raun Xalăng…

Raun Xalăng mất chủ động, lúng túng xin lỗi, mặc dù dụng ý của ông ta rất rõ ràng: không công nhận chức Chủ tịch của Hồ Chí Minh, cũng tức là không công nhận nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Sau những lời xã giao, thăm hỏi, trao đổi về tình hình chung, bỗng Raun Xalăng chuyển câu chuyện. Ông ta nói:

- Chủ tịch thử nghĩ xem, nên để chúng tôi khôi phục trật tự ở nước này, vì chúng tôi đủ lực lượng và rất nhiều phương tiện. Theo ý tôi, nếu được như vậy đất nước này sẽ biết ơn Chủ tịch, vì Chủ tịch là người đứng đầu Chính phủ có uy tín tuyệt đối với nhân dân. Nếu Chủ tịch để chúng tôi đưa quân vào đây không gặp trở ngại nào thì đó là sự chứng minh trước thế giới Chủ tịch biết kiềm chế quân đội của mình và điều đó thể hiện uy quyền của Chủ tịch là vô song.

Phải công nhận lời nói của Xalăng rất khôn khéo mà hiểm độc. Hồ Chí Minh bình thản chế thêm nước trà vào chén mời Xalăng:

- Tướng quân uống nước đi. Hút tiếp một hơi thuốc lá thơm, giọng nói trầm hùng của Hồ Chí Minh phắt căng lên:

- Tôi không thể làm như lời tướng quân, nếu làm như vậy, tôi sẽ là kẻ phản quốc. Tướng quân nên nhớ rằng, chúng tôi yêu nước Pháp, nhưng không muốn làm nô lệ. Nước Pháp có binh hùng, có nhiều tướng giỏi, nhiều vũ khí tối tân. Một Pháp có thể giết 10 VN, 10 VN có thể chỉ diệt được một Pháp nhưng toàn dân VN đều một lòng kháng chiến chống Pháp.

- Chúng tôi rất mạnh. Cuộc đổ bộ của chúng tôi đã sẵn sàng. Vì sao Chủ tịch không chịu thừa nhận điều hiển nhiên ấy?

Giọng Hồ Chí Minh như có lửa:

- Nếu quân Pháp lại đổ bộ đến đây, chúng tôi không chặn đứng được ngay, nhưng sẽ đổ máu, những người dân Pháp sẽ bị chết. Đó là điều bất hạnh cho cả hai bên. Chúng tôi không bao giờ mong điều đó xảy ra. Nhưng chúng tôi không chịu làm nô lệ một lần nữa.


Câu chuyện trên về Hồ Chí Minh gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ, nhất là trong bối cảnh hiện nay, cuộc tranh chấp chủ quyền ở biển Đông đang diễn ra hết sức phức tạp, vấn đề xử lý mối quan hệ Việt – Trung, các cuộc biểu tình của người dân yêu nước phản đối sự gây hấn của Trung Quốc, sự ngăn cấm của nhà cầm quyền…Hơn ai hết, tấm gương sáng của Chủ tịch Nước Hồ Chí Minh, người lãnh đạo một dân tộc bất khuất đang nhắc nhở chúng ta.

Chữ “THƠM” và chữ “HỒ” trong bài thơ tứ tuyệt giúp ta liên tưởng Nguyễn Huệ (Hồ THƠM) và Nguyễn Ái Quốc (HỒ Chí Minh). Cụ Hồ Sĩ Tạo (ông nội ruột của Hồ Chí Minh) với cụ Hồ Phi Phúc (cha của Nguyễn Huệ) là quan hệ dòng tộc. Có giả thuyết cho rằng tổ tiên nhà Tây Sơn vốn họ Hồ ở làng Hương Cái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Họ theo chân chúa Nguyễn vào lập nghiệp miền Nam khi chúa Nguyễn vượt Lũy Thầy đánh ra đất Lê – Trịnh tới Nghệ An (năm 1655). Ông cố của Nguyễn Huệ tên là Hồ Phi Long (vào giúp việc cho nhà họ Đinh ở thôn Bằng Chân, huyện Tuy Viễn, tức An Nhơn) cưới vợ họ Đinh và sinh được một trai tên là Hồ Phi Tiễn. Hồ Phi Tiễn không theo việc nông mà bỏ đi buôn trầu ở ấp Tây Sơn, cưới vợ và định cư tại đó. Vợ của Hồ Phi Tiễn là Nguyễn Thị Đồng, con gái duy nhất của một phú thương đất Phú Lạc, do đó họ đổi họ của con cái mình từ họ Hồ sang họ Nguyễn của mẹ. Người con là Nguyễn Phi Phúc cũng chuyên nghề buôn trầu và làm ăn phát đạt. Nguyễn Phi Phúc có 8 người con, trong đó có ba người con trai: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ sinh năm 1753 còn có tên là Hồ Thơm hay Quang Bình, Văn Huệ. Cụ Hồ rất coi trọng lịch sử nên sự liên hệ giữa câu chuyện có thật trên đây và bài thơ có thể là một giả thuyết. Chữ “Thơm” cũng có thể là tên hoạt động của Bác Hồ trong thời gian công tác cùng với 5 nhà cách mạng Nga kia, hay là một tên gọi khác của Bác hoặc cũng có thể là người yêu thương của Bác như vĩa than núi Hồng của tình yêu Yên Lãng.

VỀ VIỆT BẮC ĐÊM LẠNH NHỚ BÁC

“Tháng giêng rét đài, tháng hai rét lộc, tháng ba rét nàng Bân”. Rét đài là đợt rét cho cây trổ hoa; rét lộc là đợt rét khi cây nẩy mầm non; rét nàng Bân là đợt rét muộn nàng Bân may áo lạnh cho chồng. Tôi về Việt Bắc tháng giêng rét đài lúc trời rét đậm, vận nước vần vũ với cái lạnh thấm thía đến thấu xương của thời giao mùa. Tôi đi mang mang giữa vùng núi cao mà lòng bâng khuâng nhớ kỹ niệm cũ. Nơi đây là tình yêu đầu đời và tuổi trẻ của tôi. Nay về Việt Bắc khi tôi trạc tuổi Bác của các năm đầu gian khổ kháng chiến, đêm lạnh nhớ Bác và thương sự dấn thân vì nước của Người.

Việt Bắc gồm sáu tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên (gọi tắt là Cao - Bắc – Lạng - Hà- Tuyên Thái). Đó là căn cứ địa đầu não của Đảng Lao Động Việt Nam trong thời trước khởi nghĩa (1941-1945) và là nơi trú đóng của chính phủ Việt Minh thời kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1954).

Cao Bằng có hang Pác Bó (Cốc Bó) tiếng Tày nghĩa là “đầu nguồn” được chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm nơi ở khi Bác về nước lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền. Trước cửa hang có một con suối lớn chảy ngầm từ trong núi đá ra, nguồn của con suối là bên phía Bắc của ngọn núi này và thuộc lãnh thổ Trung Quốc. Bác Hồ đã đặt tên suối Pác Bó là suối Lê Nin và ngọn núi cao kia là núi Các Mác. Cử đầu hồng nhật cận. Đối ngạn nhất chi mai (Ngẩng đầu mặt trời đỏ, Bên suối một nhành mai) là hai câu thơ của Bác Hồ trong bài "Lên núi" làm ở Lũng Dẻ năm 1942, mấy tháng trước khi lên đường đi Trung Quốc với danh nghĩa đại biểu của Việt Nam Độc lập đồng minh và Phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam ẩn chứa nhiều điều sâu sắc.


Trong chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979, quân Trung Quốc đã cho nổ mìn phá hoại hang Cốc Pó định cắt đứt mạch nguồn này nhưng núi cao, suối lớn, mạch vững nên chỉ có thể chặn không có thể hủy. Người đời sau sẽ bàn sâu hơn về đúng sai của mỗi bên nhưng thời Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh rõ ràng là tình bạn hữu nghị tin cậy và không hề xẩy ra sự cố nào. Ngày nay hang Cốc Pó đã được khôi phục một phần để phục vụ khách tham quan. Cao Bằng là đất đầu nguồn của dòng Bách Việt (bộ tẩu) đi về phương Nam “tẩu vi thượng sách”, né địch mạnh để dựng nghiệp lớn. Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491–1585) là nhà tiên tri, nhà giáo, nhà thơ triết lý, nhà văn hoá lớn của thời Lê - Mạc. Lúc nhà Mạc sắp mất sai người đến hỏi ông. Ông khuyên vua tôi nhà Mạc "Cao Bằng tuy thiển, khả diên sổ thể" (Cao Bằng tuy nhỏ, nhưng có thể giữ được). Nhà Mạc theo lời ông và giữ được đất Cao Bằng gần 80 năm nữa.

Bắc Kạn là tỉnh vùng núi cao, có địa hình phức tạp, cơ sở vật chất và kinh tế chưa phát triển, nơi “Việt Bắc cho ta vay địa thế”(1), có hồ Ba Bể một trong 20 hồ nước ngọt đặc biệt của thế giới cần được bảo vệ và nằm trong vườn quốc gia Ba Bể, được công nhận là khu du lịch quốc gia Việt Nam và Vườn di sản ASEAN. Đó cũng là nơi có căn cứ địa cách mạng ATK Chợ Đồn nổi tiếng, một trong những khu căn cứ của Hồ Chí Minh và các cán bộ cấp cao của Đảng Lao Động Việt Nam cùng các nhân sĩ trong chính phủ kháng chiến của cụ Hồ, nơi mà hồn thiêng của cụ Phán Men Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bị giặc Pháp giết hại ở rừng thiêng Việt Bắc đến nay vẫn chưa tìm được xác (2).

Lạng Sơn là cửa ngõ quan trọng bậc nhất của phía Bắc, nơi hiện có hai cửa khẩu quốc tế, bốn cửa khẩu quốc gia và bảy chợ biên giới Việt Trung, nơi đồi núi chiếm hơn 80% diện tích cả tỉnh và có nhiều thắng cảnh nổi tiếng Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh, nơi có nhiều dòng sông, ấn tượng nhất là sông Thương, sông Kỳ Cùng, qua sông Thương gửi về bến nhớ tôi nhiều năm đóng quân với bao kỷ niệm (3).

Tuyên Quang có khu di tích văn hóa, lịch sử và sinh thái Quốc gia Tân Trào, Địa bàn chính tại xã Tân Trào trong thung lũng nhỏ ở Đông Bắc huyện Sơn Dương được bao bọc bởi núi Hồng ở phía Đông, núi Thoa, ngòi Thia ở phía Nam, núi Bòng ở phía Tây. Đây là tâm điểm của thủ đô kháng chiến chín năm, địa chỉ đến của những chuyến du lịch về nguồn. Đất và người Tuyên Quang có rất nhiều điều cần nghiên cứu luận bàn. Thái Nguyên là tỉnh trọng điểm phía Bắc Hà Nội về quốc phòng - kinh tế - xã hội và đào tạo nguồn nhân lực. Đây là vùng đất địa linh của tam giác châu giữa lòng của vòng cung Đông Triều, trường thành chắn Bắc Đây là vùng thiên nhiên trong lành, suối nguồn tươi trẻ, lưu dấu tích anh hùng, mỹ nhân trong vầng trăng, bóng nước giữa rừng Hồ trên núi. nơi có núi Cốc, sông Công, hồ núi Cốc – vịnh Hạ Long, Hồ trên núi – với diện tích mặt hồ khoảng 25 km2. Đền Hồ Chí Minh trên rừng Yên Lãng, đỉnh đèo De dưới là mỏ than núi Hồng giữ ngọn lửa thiêng, vùng huyền thoại chuyện tình yêu thương mà tôi đang hết lòng lưu giữ huyền thoại cũ và mới. Đảo Cái lưu những cổ vật đặc biệt quý hiếm về Chùa Vàng và đền bà chúa Thượng Ngàn nổi tiếng.

Hà Giang là một thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Phía Đông giáp tỉnh Cao Bằng, phía Tây giáp tỉnh Yên Bái và Lào Cai, phía Nam giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Bắc, Hà Giang giáp châu tự trị dân tộc Choang và Miêu Văn Sơn thuộc tỉnh Vân Nam và địa cấp thị Bách Sắc thuộc tỉnh Quảng Tây của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tôi muốn nhấn mạnh điều này để thấy chủ tịch Hồ Chí Minh tinh tế đến ngần nào khi xác định Việt Bắc trong địa giới hành chính với tư cách là một là một cấp hành chính. Hà Giang nằm ở cực Bắc của Việt Nam, tỉnh này có nhiều ngọn núi đá cao và sông suối. Địa hình của tỉnh Hà Giang khá phức tạp, có thể chia làm 3 vùng. Vùng cao núi đá phía bắc nằm sát chí tuyến bắc, có độ dốc khá lớn, thung lũng và sông suối bị chia cắt nhiều. Nằm trong vùng khí hậu cận nhiệt đới ẩm nhưng do địa hình cao nên khí hậu Hà Giang mang nhiều sắc thái ôn đới. Vùng cao núi đất phía tây thuộc khối núi thượng nguồn sông Chảy, sườn núi dốc, đèo cao, thung lũng và lòng suối hẹp.Vùng thấp trong tỉnh gồm vùng đồi núi, thung lũng sông Lô và Thành phố Hà Giang. Hà Giang có nhiều núi non hùng vĩ, có đỉnh Tây Côn Lĩnh (2419 m) là cao nhất làm ta nhớ đến bài thơ của Hồ Chí Minh “Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh/trông lại trời Nam nhớ bạn xưa”.

Sáu tỉnh Cao Bắc Lạng Hà Tuyên Thái là bài học lớn nhưng tiếc chưa có tác phẩm địa chí lịch sử văn hóa Việt Bắc nào xứng tầm với vùng này.

Liên khu Việt Bắc thời kháng chiến chống thực dân Pháp gồm 17 tỉnh : Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phúc Yên, Vĩnh Yên, Phú Thọ, Quảng Yên, Hải Ninh, Đặc khu Hồng Gai và huyện Mai Đà của tỉnh Hòa Bình. Liên khu Việt Bắc là địa thế chiến lược lui có thể thủ, tiến có thể công, là vùng đất địa linh nhân kiệt. Tam giác châu Bắc Bộ tâm điểm Hà Nội được bảo vệ bởi hai dãy núi: Đông Bắc là dải Tam Đảo với 99 ngọn Nham Biền chạy xuống Đông Triều có non thiêng Trúc Lâm Yên Tử oai trấn Đông Bắc; Tây Nam là dải Tản Viên nối 99 ngọn núi hùng vĩ chạy dọc sông Đáy tới Ninh Bình kết nối Trường Sơn xương sống của đất Việt tại vùng Thần Phù- Nga Sơn với câu ca dao cổ nổi tiếng “Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi, vụng tu thì chìm” (4). Việt Bắc là vùng đất đứng chân mở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà với nhãn quan thiên tài, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 127-SL ngày 4-11-1949 thiết lập Liên khu Việt Bắc là cấp hành chính, trên cơ sở hợp nhất Liên khu 1 và Liên khu 10. Từ năm 1949 đến năm 1954, Thượng tướng Chu Văn Tấn làm Khu trưởng, Bí thư khu ủy, Chánh án Tòa án Quân sự, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính. Từ năm 1954 đến cuối năm 1956, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Liên khu Việt Bắc. Khi vùng Tây Bắc được giải phóng, khu tự trị Tây Bắc được thành lập theo Sắc lệnh số 134-SL của Chủ tịch Chính phủ ngày 28-1-1953, gồm bốn tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La tách khỏi Liên khu Việt Bắc và khu tự trị Việt Bắc được thành lập ngày 1-7-1956 gồm sáu tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên. Sau này những nhà địa lý lịch sử văn hóa chắc chắn sẽ còn quay lại nhiều lần với quyết sách của chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng điều rất rõ ràng là khu tự trị Việt Bắc và khu tự trị Tây Bắc là hai khu vực có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, cần có những chính sách đối xử và ưu tiên phát triển riêng phù hợp cho mỗi vùng.

Đêm lạnh ở Việt Bắc tôi thấm thía nhất về Bác ba điều: Thứ nhất là bộ đội cụ Hồ, thứ nhì là trọng dụng hiền tài, thứ ba là tiên liệu và quyền biến. Bác xây dựng được một đội quân cách mạng “bộ đội cụ Hồ” thực sự được dân tin yêu quý trọng. Nhiều câu chuyện cảm động mà anh Phạm Hồng nay 85 tuổi, người có 5 cha con ra trận với bài thơ “Mừng tuổi 80 năm 2008” (3) xúc động giản dị như người lính Nguyên Phong của đức Nhân Tông xưa. Bác Hồ coi trọng hiền tài và hiền tài không phụ Bác. Kẻ sĩ chết cho người tri kỷ . Bao tấm gương sáng nhân sĩ hết lòng vì nước và vì cảm tấm lòng tri ngộ của Bác mà đã ra sức chung tay gánh vác việc nước trong thời buổi gian nan. Cả một trời sao nhân sĩ chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh như Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Giàu, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Văn Tố, Đặng Văn Ngữ, Đặng Thái Mai, Nguyễn Lân,.... Tôi trích bài viết nghĩa cử của cụ Hồ khóc cụ Nguyễn Văn Tố (2) người bị Pháp giết tại Bắc Kạn để thấy Bác đối với trí thức và trí thức đối với Bác. Việc tiên liệu và quyền biến của Bác đã có quá nhiều tư liệu. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự gặp gỡ của chủ nghĩa Mác Lê Nin với sự chắt lọc tinh hoa từ Tôn Dật Tiên qua ba tiêu ngữ ‘Độc lập, Tự do, Hạnh phúc’. Sự vận dụng những nguyên lý phổ quát trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cùng với những vận dụng sáng tạo mưu lược, kế sách dựng nước, giữ nước của Việt Nam phù hợp với điều kiện cụ thể của chính dân tộc mình thể hiện đậm nét nhất qua tên Nước và tên Đảng. Bác rất coi trọng thực tiễn, coi trọng đại đoàn kết dân tộc, giỏi tiên liệu và quyền biến “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Về nhân cách và phẩm chất của người cán bộ cách mạng, Bác là tấm gương thực hành suốt đời của tám chữ: “Cần kiệm liêm chính chí công vô tư” trao lại cho đời sau. Bác viết: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc. Người có bốn đức: Cần, kiệm, liêm, chính. Thiếu một mùa thì không thành trời. Thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người”. “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".

Về Việt Bắc đêm lạnh nhớ Bác. “Nếu nước được độc lập mà nhân dân không được hưởng Hạnh phúc, Tự do thì Độc lập cũng không có nghĩa lý gì” (Hồ Chí Minh). Việt Bắc, Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ là năm vùng đất trấn biên, vừa là phên dậu, vừa là yết hầu của Tổ quốc. Cuộc sống người dân ở đó, sau sáu mươi năm giải phóng Thủ Đô và gần bốn mươi năm sau Việt Nam thống nhất tuy đã đổi mới nhiều nhưng gian khó, tiêu cực vẫn còn nhiều lắm. Chủ tịch Hồ Chí Minh mất năm 1969, di nguyện của Người để lại trong di chúc lịch sử “Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân.” (5)

Năm nay nước ta có những vận hội mới nào? Tùy cơ, tùy vận, tùy thiên mệnh, tùy thời, tùy thế, lại tùy nghi. Dĩ bất biến ứng vạn biến.

Hoàng Kim

Lời cám ơn:

Khi viết tản văn này, tôi được chính ủy Phạm Hồng, sư trưởng Hoàng Trung Trực, đại tá nhà văn Bùi Văn Bồng bổ sung tư liệu, hình ảnh và thẩm định, trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc. Xin chân thành cám ơn. Đại tá Bùi Văn Bồng đã dẫn bài viết tại trang http://bvbong.blogspot.com/2013/02/suy-ngam-cuoi-ong-o-viet-bac.html với tựa đề được hiệu đính mới SUY NGẪM CUỐI ĐÔNG Ở VIỆT BẮC.

Tài liệu dẫn:

1) BÀI THƠ VIỆT BẮC

Ở đây ta dấy nghiệp nhọc nhằn
Hai tay trắng mưu cơ tần tảo
Mới làm nên đất nước bây giờ.

Ở đây muối mặn ta kiêng
thương xót đời con khát nước
Tương lai ta thắt bụng vì mày!

(chương 1)

Đây
Việt Bắc!
Sông Lô
nước xanh
tròng trành
mảnh nguyệt
Bình Ca
sương xuống
lạc
con đò
Đáy dạ thời gian
còn đọng
những tên
Như
Nà Phạc
Phủ Thông
Đèo Thùng
Khau Vác
Tôi nhớ
đồn Róm khi xưa
Nơi ta
ngã xuống
Trời sao ấp ủ …
Đây
khe suối cạn
nơi bạn ta nằm
Chắc hẵn
khu ATK
beo gầm cỏ rậm
Bản xưa
chim chóc
phục hồi chưa?
Người khách đến!
thuyền lên
bến lạ
Mãi vui
sương núi
trăng ghềnh
Tìm đâu
dấu vết ngày xưa?
Đâu
bom đạn tội tình
thuở ấy?
Rừng chẳng nói
lá rơi
vàng võ!
Thác bạc phơ đầu
mài gọt
đá xanh!
Nhưng hãy tin
nhiều đêm
bên bếp lửa,
Lũ trẻ đầu xanh
nghe
chuyện người xưa,
Cũng
mê mãi
như ta
nghe cổ tích …
Ở đâu
ta đã long đong
chín mùa xuân xạm lửa
Đạn
như ruồi
bâu kín
gót chân đi!
Ở đâu
lên Bắc
lại
về Đông
Vò võ
chân trời
khẩu súng.
Mỗi đêm
từ biệt
một quê hương!
Ở đây
ta dấy nghiệp
nhọc nhằn
Hai tay trắng
mưu cơ
tần tảo
Mới làm nên
đất nước bây giờ
Chính
chiếc nôi Việt Bắc
bế bồng ta
Qua
tất cả
tháng năm đầy lửa
Nuôi ta
nuôi cách mạng
lớn khôn
Ta bầu bạn
củ khoai môn
nương sắn
Bạn
con chim mất ngủ
rừng già
Bạn
sông Đà
sông Mã
chở đầy sao
Bạn hang núi
lá vàng rơi
khắc khoải
Ở đây
muối mặn ta kiêng
thương xót
đời con khát nước
Tương lai
ta thắt bụng
vì mày!
Ta đã nhịn
như
người lính nhịn.
Nhịn mủa xuân
lại đến
nhịn mùa đông
Nhịn điếu thuốc
nhịn từng vuông vải
Nhịn no
nhịn ấm
nhịn tình yêu!
Ở đây
mây sớm
quẩn
sương chiều
Đầu bản
hùm kêu
khản giọng
Đạn bom
chầu chực
bốn bên nhà
Ta sống
giữa
bản hùng ca nguy hiểm.
Ở đây
manh áo vải
chung nhau.
Giấc ngủ
cùng chung
chiếu đất
Hành quân
chung
khói bụi đường trường
Con muỗi độc
chung nhau cơn sốt.
Chiến trường
chung
dầu dãi đạn bom
Tới khi ngã
lại chung nhau
đất mẹ
Hãy chia sẻ cho nhau
gió bấc!
Chia
mưa phùn
nước lũ
cơm thiu
Để đến lúc
mắc trùng vây địch
Lại chia nhau
những thỏi đạn
cuối cùng
Ở đây
ta mắc nợ núi rừng
Một món nợ
khó bề trang trãi
Việt Bắc
cho ta vay
địa thế !
Vay từ
bó của
nắm tên
Vay từ
những hang sâu
núi hiểm
Cả
trám bùi
măng đắng
đã nuôi ta
Ta mắc nợ
những rừng sim bát ngát
Nợ
bản Mường heo hút
chiều sương
Nợ
củ khoai môn
Nợ
chim muông
nương rẫy
Nợ
tre vầu
bưng bít
rừng sâu.
Nợ
con suối
dù trong
dù đục
Nợ
những người
đã ngã
không tên
Ôi
thế kỷ
muôn quên
ngàn nhớ!
Nợ này
đâu dễ trả
mà quên!
Đi !
Tất cả!
Dù quen tay vỗ nợ
Cũng chớ bao giờ
vỗ nợ
NHÂN DÂN!

Trần Dần
Thơ Việt Nam 1945-2000, Gia Dũng sưu tầm biên soạn tuyển chọn Nhà Xuất bản Lao Động 2001, trang 233-243

2) CỤ PHÁN MEN ỨNG HÒE NGUYỄN VĂN TỐ
...
“Cách mạng tháng 8 mới thành công, bộn bề khó khăn, thù trong giặc ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Nguyễn Văn Tố mới có dịp gặp nhau. Mến vì đức, trọng vì tài, Bác Hồ mời cụ Tố ra giúp nước. 2 triệu người chết đói năm Ất Dậu đang đè nặng lên xã hội.

Được Bác Hồ phân công, cụ Tố sẵn lòng nhận nhiệm vụ là Bộ trưởng Bộ Cứu tế - xã hội (nay là Bộ LĐ-TB-XH) trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Sau tổng tuyển cử đầu tiên, cụ trúng cử đại biểu Quốc hội với tư cách là đại biểu tỉnh Nam Định. Trong cuộc họp Quốc hội sau đó, cụ đươc bầu là Trưởng ban thường trực Quốc hội (ngày nay là Chủ tịch Quốc hội) khóa 1 và cho đến ngày 8/11/1946, cụ Bùi Bằng Đoàn thay thế. Ngày 3/11/1946, cụ lại giữ chức Bộ trưởng không bộ trong Chính phủ.

Giặc Pháp trở lại xâm lược nước ta, ngày 7/10/1947, chúng cho quân nhảy dù xuống Bắc Kạn âm mưu tiêu diệt đầu não kháng chiến, cụ bị chúng bắt và giết: ” Thấy cụ là người chững chạc, nói tiếng Pháp yêu cầu chấm dứt chiến tranh xâm lược. Lúc biết đó không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng đã bắn chết khi ông già tìm cách chạy thoát. Đó là cụ Trưởng ban thường trực quốc hội, nhân sĩ yêu nước tâm huyết và có uy tín. Cụ Nguyễn Văn Tố hy sinh là một tổn thất lớn cho ta” ( Hồi ký “Chiến đấu trong vòng vây” - Võ Nguyên Giáp).

Sang năm 1948, sau khi đánh tan âm mưu tấn công của thực dân Pháp Nhà nước ta đã tổ chức lễ truy điệu cụ Tố. Trong bài truy điệu, Hồ Chủ tịch đã dành những lời trân trọng, thống thiết: "…Nhớ cụ xưa/ Văn chương thuần túy, học vấn cao sâu/ Thái độ hiền từ, tính tình thanh khiết/ Mở mang văn hóa, cụ dốc một lòng/ Phú quý công danh, cụ nào có thiết”… "Chúng tra tấn cực kỳ dã man, tàn khốc/ Cụ trả lời chúng bằng một nụ cười oanh liệt/ Chúng làm hại cụ, lịch sử Pháp muôn đời thêm một vết xấu xa…/Cụ dù hy sinh,tinh thần cụ ngàn thu sẽ vẻ vang bất diệt/ "Chính phủ khôn xiết buồn rầu, đồng bào khôn xiết nỗi lòng thương tiếc".

Nói đến nhà trí thức lớn của đất nước, nhà bác học “thông kim bác cổ” (lời Giáo sư Nguyên Xuân), “nhà sử học anh hùng” (GS Hà Văn Tấn), nói đến vị liệt sỹ Bộ trưởng đầu tiên đã ngã xuống vì nền độc lập còn non trẻ của nước nhà, ai cũng thấy cuộc đời và sự nghiệp của cụ thật đáng khâm phục.

Tuy nhiên, đến ngày nay, ai cũng xót thương cho linh hồn của cụ, vẫn còn lang thang nơi rừng thiêng của tỉnh Bắc Kạn, cám cảnh không có nơi cho đồng bào cả nước đến cắm nén nhang thơm viếng cụ.


(Nguồn:Bee.net)

3) QUA SÔNG THƯƠNG GỬI VỀ BẾN NHỚ

Tôi về Việt Bắc nhiều lần. Lần đầu là đợt tuyển quân ở Cao Bằng, Lạng Sơn năm 1972. Đơn vị chúng tôi là trung đoàn 568 đóng tại Lục Ngạn, Hà Bắc chuyên đào tạo quân tăng cường tiền thân của sư đoàn 325 B đóng ở Tiên Yên, Quảng Ninh. Trước đó, tôi gia nhập quân đội tháng 9 năm 1971 ở Trường Đại học Nông nghiệp 2 Hà Bắc cấp tốc huấn luyện ba tháng và hành quân ngay vào Nam qua sông Thương gửi về bến nhớ tham gia chiến dịch Quảng Trị:“Ta lại hành quân qua sông Thương/ Một đêm vào trận tuyến/ Nghe Tổ Quốc gọi lên đường! Mà lòng ta xao xuyến / …” xem tiếp

Anh Phạm Hồng năm 2013 là 85 tuổi, nguyên chính ủy trung đoàn 568 sau làm chính ủy sư đoàn 325B đã nhớ lại trong THƯ CỦA ANH PHẠM HỒNG 80 TUỔI NĂM 2008:

... “Xa em, càng nhớ những ngày này 35 năm trước, theo lệnh tổng động viên của Chủ tịch Nước, hàng chục vạn sinh viên của các trường đại học, cao đẳng trong cả nước đã xếp bút nghiên lên đường cùng cả nước “đánh cho Mỹ cút” như lời Bác Hồ dặn. Anh cùng đơn vị được đón em từ Trường Đại học Nông nghiệp cùng hàng ngàn anh em về huấn luyện chi viện chiến trường.

Biết em là con út, mới lớn lên đã sớm mồ côi cha mẹ, ngày chỉ được ăn một bữa, áo chỉ mặc một manh … mà đã có chí học hành thành sinh viên đại học, tình nguyện vào chiến trường đánh Mỹ! Anh và đồng đội để em cùng đơn vị vào miền Nam đánh vài trận rồi gọi ra ngay để có kinh nghiệm về đội huấn luyện, góp sức đào tạo hàng vạn tiểu đội trưởng "khuôn vàng thước ngọc” của phân đội nhỏ nhất trong quân đội ta. Hàng vạn tiểu đội trưởng từ đoàn 568 anh hùng đã phụ trách hàng vạn tiểu đội với hơn mười vạn quân đi khắp chiến trường chống Mỹ xâm lược…

Cùng lúc ấy, trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước năm 1972, đã có nhiều bạn sinh viên của em trong 81 đại đội vượt sông Thạch Hãn vào đánh giặc ở thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm… Sau này, cả nước và thế giới đều biết những người con “tiền trí thức” yêu quý của dân tộc và quân đội ta từ trường đại học hiên ngang đi thẳng ra chiến trường đánh Mỹ, trở thành những anh hùng bất tử với dòng Thạch Hãn:“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ / Đáy sông còn đó bạn tôi nằm / Có tuổi thanh xuân thành sóng nước /Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm”.

Em cùng với những bạn trí thức ngày ấy đã xứng đáng với lòng tin yêu và truyền thống của đoàn 568 làm tốt nhiệm vụ đào tạo tiểu đội trưởng cho chiến trường, rồi học tiếp đại học, lấy bằng tiến sĩ, về làm giám đốc trung tâm nghiên cứu khoa học nông nghiệp, ngày đêm gắn bó với Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Nay em lại làm giảng viên đại học, góp phần đào tạo những kỹ sư, thạc sỹ, tiến sỹ của hơn 45 triệu nông dân đã đang nuôi sống cả xã hội và đi lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

Nhân năm mới, mừng hai em không ngừng tiến bộ và thành đạt trên con đường khoa học của mình, mừng hai cháu Nguyên Long nối tiếp truyền thống gia đình, luôn tiến bộ trưởng thành. Mong được đón các em và các cháu. Gửi các em những dòng tâm tình của anh trong trang thơ kèm đây nhân 80 mùa xuân”.


MỪNG TUỔI TÁM MƯƠI

Thấm thoát thoi đưa vừa ngoảnh lại
Xuân nay mình đã tám mươi tròn
Bốn tư năm lẻ đi đánh giặc
Hưu về tóc bạc vẫn lòng son

Nhớ buổi đầu vào Vệ quốc quân
Dối nhà đi họp đã hơn tuần
Kiểm tra sức khoẻ năm phòng huyện
Suýt bị trả về: chưa đủ cân!

Trận đầu bố trí ở Cầu Bây
Giáo búp đa sắc lẹm trong tay
Đợi địch tràn sang là xốc tới
“Đánh giáp lá cà” với giặc Tây.

Trận hai chặn Pháp ở cầu Ghềnh
Quê hương Bãi Sậy giáp Như Quỳnh
Với khẩu súng trường, viên đạn thép
Quần với thằng Tây cao lênh khênh

Trận ba được nhận khẩu tiểu liên
Với mười viên đạn một băng liền
Chặn giặc từ đầu đường “ba chín”
Thôn nghèo Yên Lịch dạ trung kiên!

Vừa đánh Tây vừa cõng thương binh
Vượt sông giá lạnh lúc bình minh
Máu đồng đội thấm đầy quân phục
Vẫn chẳng rời nhau nghĩa tử sinh!

Thế rồi hơn bốn chục mùa xuân
Chiến trường giục giã chẳng dừng chân
Theo anh Văn, ngọn cờ Quyết thắng
Bác Hồ cùng chúng cháu hành quân!

Cả đời mãi miết cuộc trường chinh
Ơn vợ, quê hương vẹn nghĩa tình
Tần tảo nuôi con, chăm cha mẹ
Vượt ngàn gian khó, giỏi mưu sinh!

Pháp Mỹ chạy rồi, nước chửa yên
Hai đầu biên giới lửa triền miên
Năm cha con lại cùng thắng giặc
Trên biên phía Bắc bảy năm liền.

Trở về đội ngũ cựu chiến binh
Cháu con đều tiến bộ, trưởng thành
Cùng anh em tiếp vun truyền thống
Chung tay làm rạng rỡ quê mình…

Sức mạnh nhân dân và đồng đội
Dựng làng văn hoá thật kiên trung
Vượt bao thử thách hai thời đại
Quê hương Tán Thuật xã anh hùng.

Tám chục tuổi đời vẫn thanh xuân
Sáu hai tuổi Đảng vẫn kiệm, cần
Liêm chính làm theo lời Bác day
Vinh nào bằng “công bộc nhân dân”

Mười tám năm qua hưu chẳng nghỉ
Đồng đội luôn về sum họp vui
Mọi việc làm đều cùng suy nghĩ
Đơm hoa, kết trái đẹp cho đời

Vui thay mình đang tới tám hai
Phía trước đường xuân vẫn rộng dài
Nước mạnh, dân giàu, nhà hạnh phúc
Ngẩng đầu thẳng bước tới tương lai.

Phạm Hồng
CCB nhà 8/17 Bạch Đằng Thành phố Hải Dương
Nguồn: Thư anh Phạm Hồng 80 tuổi năm 2008 http://yume.vn/hoangkimvietnam/article/thu-cua-anh-pham-hong-80-tuoi.35AD9DA7.html

4) Trần Quốc Vượng 2004. Lời tựa trong sách Trương Đình Tưởng chủ biên 2004. Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình. Nhà Xuất bản Thế Giới trang 7-10

5) Hồ Chí Minh 1969. Di chúc của chủ tịch Hồ Chí Minh Bản “Tuyệt đối bí mật” – Di chúc Bác sửa chữa năm 1968 Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam.

Trở về trang chính
Hoàng Kim
DẠY VÀ HỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Em ơi em, can đảm bước chân lên


Nguyễn Khoa Tịnh

Thầy ước mong em
noi gương Quốc Tuấn


Đọc thơ em, tim tôi thắt lại 
Lòng nghẹn ngào, nước mắt chảy rưng rưng 
Nửa xót xa nhưng nửa lại vui mừng 
Xót xa vì đời em còn thơ dại 
Mới tuổi thơ mà cuộc đời đầy khổ ải 
Mới biết cười đã phải sống mồ côi 
Như chiếc thuyền giữa biển tự trôi 
Như chiếc lá bay về nơi vô định 
“Bụng đói” viết ra thơ em vịnh: 

“Cơm ngày một bữa sắn trộn khoai 
Có biết lòng ta bấy hỡi ai? 
Vơi vơi lòng dạ, cồn cào bụng 
Kể chi no đói, mặc ngày dài” 


Phải! 
Kể chi no đói mặc ngày dài 
Rất tự hào là thơ em sung sức 
Rất tự hào là em tôi đầy nghị lực 
Đã hiển lộ mình qua “Cái chảo rang” 

“Trung dũng ai bằng cái chảo rang 
Lửa to mới biết sáp hay vàng 
Xào nấu chiên kho đều vẹn cả 
Chua cay mặn ngọt giữ an toàn 
Ném tung chẳng vỡ như nồi đất 
Quăng bừa xó bếp vẫn nằm ngang 
Tốt đẹp đâu cần danh tiếng hão 
Bạn cùng lửa đỏ, nóng chang chang”


Phải! 
Lửa to mới biết sáp hay vàng! 
Em hãy là vàng, 
Mặc ai chọn sáp! 
Tôi vui sướng cùng em 
Yêu giấc “Ngủ đồng” 
Hiên ngang khí phách: 

“Sách truyền sướng nhất chức Quận công 
Ta sướng khi ra ngủ giữa đồng 
Lồng lộng trời hè muôn làn gió 
Đêm thanh sao sang mát thu không 
Nằm ngữa ung dung như khanh tướng 
Lấy mấy vần thơ tỏ nỗi lòng 
Tinh tú bao quanh hồn thời đại 
Ngủ đồng khoan khoái ngắm gương trong” 


Tôi biết chí em khi "Qua đèo Ngang” 
Ung dung xướng họa với người anh hùng 
Đã làm quân thù khiếp sợ: 

“Ta đi qua đèo Ngang 
Cũng gặp Người trèo qua núi hiểm 
Đỉnh dốc chênh vênh 
Xe mù bụi cuốn 
Có lẽ thiên nhiên đã định bao giờ 
Một dãy Hoành Sơn bát ngát trận đồ 
Điệp điệp núi cao 
Trùng trùng rừng thẳm. 
Người thấy 
Súng gác trời xanh 
Gió lùa biển lớn 
Nông dân rộn rịp đường vui 
Thanh Quan nàng nhẽ có hay 
Cảnh mới đã thay cảnh cũ. 
Ta hay 
Máu chồng đất đỏ 
Mây cuốn dặm khơi 
Nhân công giọt giọt mồ hôi 
Hưng Đạo thầy ơi có biết 
Người nay nối chí người xưa 

Tới đây 
Nước biếc non xanh 
Biển rộng gió đùa khuấy nước 
Đi nữa 
Đèo sâu vực thẳm 
Núi cao mây giỡn chọc trời 

Nhớ thù nhà, luống thẹn làm trai 
Thương dân nước, thà sinh phận gái 
“Hoành Sơn cổ lũy” 
Hỏi đâu dấu tích phân tranh? 
Chỉ thấy non sông 
Lốc cuốn, bốn phương sấm động. 

Người vì việc nước ra đi 
Ta muốn cứu dân nên thăm trận thế 
Điều không hẹn mà xui gặp mặt 
Vô danh lại gặp hữu danh 
Cuộc đời dài ắt còn sẽ gặp nhau 
Nay hội ngộ giữa đỉnh cao trời đất 
Anh em ta ngự trên xe đạp 
Còn Người thì lại đáp com măng 
Đường xuyên sơn 
Anh hùng gặp anh hùng 
Nhìn sóng biển Đông 
Như ao trời dưới núi. 

Xin kính chào 
Bậc anh hùng tiền bối 
Ta ngưỡng mộ Người 
Và tỏ chí với non sông 
Mẹ hiền ơi! 
Tổ Quốc ơi! 
Xin tiếp bước anh hùng!” 


Hãy cố lên em! 
Noi gương danh nhân mà lập chí 
Ta với em 
Mình hãy kết thành đôi tri kỷ! 
Đất Quảng Trạch này đâu kém Nam Dương 
Tôi tự hào bài “Tỏ chí” của em: 

"Quốc Tuấn ngày xưa chí vững bền 
Thù nhà, nợ nước chẳng hề quên 
Đến bữa quên ăn, đêm quên ngủ 
Thương dân, yêu nước quyết báo đền 
Văn hay thu phục muôn người Việt 
Võ giỏi kinh hồn lũ tướng Nguyên 
Mươi năm sau nữa ơi ông Tuấn 
Nối chí ông, nay cháu tiến lên!” 


Tôi thương mến em 
Đã chịu khó luyện rèn 
Biết HỌC LÀM NGƯỜI ! 
Học làm con hiếu thảo. 
Mười lăm tuổi đã “Tập làm thầy giáo” 

Vui gì hơn buổi đầu làm thầy giáo 
Của lớp vở lòng đất mẹ yêu thương 
Trưa nắng luyến các em cùng đến lớp 
Giọng líu lo như chim hót ven đường. 

Đứng trước các em tuổi nhỏ đáng yêu 
Mà đã tưởng tới bao nhiêu người lớn 
Nghe em đọc giọng thanh thanh dễ mến 
Mà đã nghe đất nước xuyến xao mình!


Tổ Quốc đang chờ em phía trước. 
Em ơi em, can đảm bước chân lên!

1970