DẠY VÀ HỌC. “Trèo đèo hai mái chân vân. Lòng về Hà Tĩnh, dạ ân Quảng Bình”. Đèo Ngang là con đèo lịch sử đã đi vào ca dao, huyền thoại. Nhiều danh nhân- thi sĩ như Lê Thánh Tông, Nguyễn Thiếp, Vũ Tông Phan, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Bà huyện Thanh Quan ... đã lưu dấu tại đèo Ngang những tuyệt phẩm thơ. Đặc biệt, bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan rất nổi tiếng: "Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà / Cỏ cây chen đá, lá chen hoa / Lom khom dưới núi tiều vài chú / Lác đác bên sông rợ mấy nhà/ Nhớ nước đau lòng con quốc quốc / Thương nhà mỏi miệng cái gia gia / Dừng chân đứng lại trời, non, nước / Một mảnh tình riêng ta với ta." Nguyễn Văn Thích, Lý Văn Hùng đã có hai bản dịch bài thơ này ra chữ Hán. Hoàng Đình Quang có bài họa rất ấn tượng : "Thế sự mông lung lộn chính tà/ Quần hồng ghi dấu bậc tài hoa/ Sáu bài thơ cổ lưu tên phô. Nữa thê kỷ nay đánh số nhà/ Khanh tướng chắc gì nên vọng tộc/ Câu thơ còn đó lập danh gia/Chẳng bia, chẳng tượng, không đền miếu/ Ngẫm sự mất còn khó vậy ta." Trần Đăng Khoa cũng có hai câu cảm khái "Cái còn thì vẫn còn nguyên/ Cái tan dù tưởng vững bền cũng tan" . Còn đó đèo Ngang gánh hai đầu đât nước, niềm thương nhớ khắc khoải của những người con xa xứ. Còn đó Hoành Sơn, Linh Giang nơi ẩn chứa nhiều huyền thoại, lưu dấu những tuyệt phẩm thơ cổ còn mãi với thời gian.
DI LUÂN HẢI TẤN (1)
Lê Thánh Tông
Hoành Sơn tây vọng thị Di Luân
Diễu diễu bình sa tiếp hải tần
Yên thủy sa đầu phân dịch thứ
Phong đào giang thượng kiến quan tân
Tề diêm trường phố yêu thương khách
Lỗ tửu bồi bàn túy thị nhân
Dục phỏng Ma Cô bằng ký ngữ
Nam minh kim dĩ tức dương trần
CỬA ROÒN
Lê Thánh Tông
Tây Hoành Sơn thấy rõ Di Luân
Cát trải mênh mông tiếp biển gần
Sóng nước đá nhô xây trạm dịch
Gió sông sóng dựng lập đồn quan
Muối Tề sân phố mời thương khách
Rượu Lỗ quầy bàn tiếp thị dân
Muốn nhắn Ma Cô 2) nhờ hỏi giúp
Bụi trần Nam Hải có xua tan.
Trần Châu Báu Di Luân cẩn dịch
Ghi chú: Lê Thánh Tông trên đường chinh phục Chiêm Thành năm 1469; Di Luân : Cửa Roòn ngày nay; Ma Cô: Đền Liễu Hạnh công chúa phía nam Đèo Ngang tại xã Quảng Đông. Di tích kiến trúc, nghệ thuật tôn giáo được xếp hạng.
ĐÃ TRÓT LÊN ĐÈO PHẢI XUỐNG ĐÈO (2)
Nguyễn Thiếp
Đã trót lên đèo, phải xuống đèo
Tay không mình tưởng đã cheo leo
Thương thay thiên hạ người gồng gánh
Tháng lọn ngày thâu chỉ những trèo!
Vào khoảng đầu năm 1803, lúc Nguyễn Thiếp 80 tuổi, vua Gia Long đã triệu ông vào Phú Xuân để hỏi việc nước. Trên đường về, khi qua đỉnh đèo Ngang, ông đã cảm khái đọc bài thơ Nôm trên.
QÚA NINH CÔNG LŨY HOÀI CỔ (3)
Vũ Tông Phan
Nhược tương thử địa phân Nam Bắc,
Hà sự kinh niên động giáp bào?
Thiên tạo Hoành Sơn do vị hiểm,
Nhân vi cô lũy diệc đồ lao.
Doanh thâu để sự không di chủng,
Sát phạt dư thanh đái nộ đào.
Vũ trụ như kim quy nhất thống,
Mạc nhiên sơn thủy tự thanh cao.
QUA LUỸ NINH CÔNG NHỚ CHUYỆN XƯA
Vũ Tông Phan
Đất này ví thử phân Nam, Bắc
Hà cớ năm dài động kiếm dao?
Trời tạo Hoành Sơn còn chẳng hiểm,
Người xây chiến lũy tổn công lao.
Thắng, thua rốt cuộc phơi hoang mộ,
Thù hận dư âm rợn sóng đào.
Thiên hạ nay đà quy một mối
Non sông muôn thuở vẫn thanh cao.
Người dịch: Vũ Thế Khôi
ĐĂNG HOÀNH SƠN VỌNG HẢI (4)
Ngô Thì Nhậm
Tạo hóa đương sơ khổ dụng công,
Khước tương hổ huyệt xấn giao cung.
Hoàn vương phong vực qui ô hữu,
Trần đế tinh kì quải thái không.
Tình thụ thê cầm thương dục lão,
Nộ đào hí ngạc bạch thành ông.
Vô cùng kim cổ phù âu sự.
Phân hợp du du hạc mộng trung.
LÊN ĐÈO NGANG NGẮM BIỂN
Ngô Thì Nhậm
Bày đặt khen thay thợ hóa công,
Khéo đem hang cọp áp cung rồng.
Bóng cờ Trần đế dường bay đó,
Cõi đất Hoàn vương thảy biến không.
Chim đậu lùm xanh, xanh đã lão,
Ngạc đùa sóng bạc, bạc nên ông.
Việc đời bọt nổi, xưa nay thế,
Phân họp giành trong giấc hạc nồng
Bản dịch của Nguyễn Sĩ Lâm
Chú thích: Trần đế: Các vua đời Trần; Hoàn vương: Chiêm Thành; Giấc hạc: Giấc mộng hạc. Câu thơ ý nói cuộc tranh giành đất đai giữa Đằng Ngoài và Đằng Trong chẳng qua chỉ là giấc mộng trần thế sẽ tiêu tan.
QUÁ ĐÈO NGANG
Nguyễn Du
Họa Hải Ông Đoàn Nguyễn Tuấn
Hoành Sơn sơn ngoại lĩnh nam trình
Cần kiếm tương thuỳ thướng ngọc kinh
Thỏ tuỷ vị hoàn tân đại dược
Báo bì nhưng luỵ cựu phù danh
Thương minh thuỷ dẫn bôi trung lục
Cố quốc thiềm tuỳ mã hậu minh
Thử khứ gia huynh như kiến vấn
Cùng đồ bạch phát chí tinh tinh
QUA ĐÈO NGANG
Nguyễn Du
Tiến về Nam qua đèo Ngang
Hành trình đầy đủ gươm đàn mang theo
Thuốc thần nào đã tới đâu
Mảnh da beo vẫn mối đầu lụy thân
Ánh mầu nước, chén rượu xanh
Dõi theo vó ngựa một vành trăng quê
Gặp gia huynh hỏi xin thưa
Đường cùng tôi gặp, tóc giờ điểm sương
Nguyễn Tâm Hàn phỏng dịch
Trich Hai Ông Tập: Họa vần bài thơ "năm Giáp Dần (1794), vâng mệnh vào kinh Phú Xuân, lúc lên đường lưu biệt các bạn ở Bắc Thành" của Hải Ông Đoàn Nguyễn Tuấn. Đoàn Nguyễn Tuấn là con Đoàn Nguyễn Thục, đỗ Hương Cống đời Lê, có chiêu mộ người làng giúp Trịnh Bồng đánh Chỉnh, sau ra giúp Tây Sơn, làm đến chức Tả Thị Lang Bộ Lại, tước Hải Phái Bá. Có đi sứ Trung Quốc năm 1790 và có tập thơ nhan đề Hải Ông tập. Ông là anh vợ Nguyễn Du, hơn Nguyễn Du khoảng 15 tuổi.
ĐĂNG HOÀNH SƠN (4)
Cao Bá Quát
Sơn ngại thanh sơn vạn lý Trình,
Sơn biên dã thảo tống nhân hành.
Anh hùng mạc vãn thiên niên quốc,
Chinh chiến không tồn nhất lũy danh.
Bắc lĩnh đoạn vân thu túc vũ,
Nam trang sơ hiểu đái tân tình,
Há sơn phản giác đăng sơn khổ,
Tự thán du du ủy tục tình!
LÊN NÚI HOÀNH SƠN
Cao Bá Quát
Muôn dặm đường đi núi lẫn đồi,
Bên non cỏ nội tiễn đưa người.
Ai tài kéo nước nghìn năm lại ?
Trăm trận còn tên một lũy thôi.
Ải bắc mây tan mưa dứt hạt,
Thôn nam nắng hửng sớm quang trời.
Xuống đèo mới biết lên đèo khổ,
Trần lụy, sao đành để cuốn lôi ?
Người dịch: Nguyễn Quý Liêm
HOÀNH SƠN QUAN
Cao Bá Quát
Địa biểu lập sàn nhan,
Liêu phong đáo hải gian.
Bách niên khan cổ lũy,
Thiên lý nhập trùng quan.
Túc điểu sơ đầu thụ,
Qui vân bán ủng sơn.
Trì trì Tô Quí tử,
Cửu tệ vị tri hoàn.
ẢI HOÀNH SƠN
Cao Bá Quát
Non cao nêu đất nước,
Liền một dẫy ra khơi.
Thành cũ trăm năm vững,
Ải xa nghìn dặm dài.
Chim về rừng lác đác,
Mây bám núi chơi vơi.
Chàng Tô nấn ná mãi,
Tấm áo rách tơi rồi.
Bản dịch của Hóa Dân
QUA ĐÈO NGANG (5)
Bà huyện Thanh Quan
Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông rợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
Dừng chân đứng lại trời, non, nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
BỘ ĐÁO HOÀNH QUAN
Bộ đáo Hoành Quan nhật dĩ tà,
Yên ba gian thạch, thạch gian hoa.
Tiều quy nham hạ, ta ta tiểu,
Thị tập giang biên, cá cá đa.
Đỗ vũ tâm thương, thanh quốc quốc,
Giá cô hồn đoạn, tứ gia gia.
Đình đình trữ vọng: thiên, sơn, hải,
Nhất phiến cô hoài, ta ngã ta.
Bản dịch chữ Hán của Nguyễn Văn Thích
QUÁ HOÀNH SƠN
Quá Hoành Sơn đỉnh tịch dương tà
Thảo mộc tê nham diệp sấn hoa
Kỳ khu lộc tế tiều tung yểu
Thác lạc giang biên điếm ảnh xa
Ưu quốc thương hoài hô quốc quốc
Ái gia quyện khẩu khiếu gia gia
Tiểu đình hồi vọng thiên sơn thuỷ
Nhất phiến ly tình phân ngoại gia
Bản dịch chữ Hán của Lý Văn Hùng
Hoàng Kim
Sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn
Tài liệu tham khảo:
1) Hoàng Kim 2008 < http://thovanhoangkim.blogspot.com/2008/01/o-ngang-v-nhng-tuyt-phm-th-c.html > dẫn liệu từ nguôn Wikimapia
2) Hoàng Kim 2007. Nguyễn Thiếp <http://danhnhanviet.blogspot.com/search/label/Nguy%E1%BB%85n%20Thi%E1%BA%BFp >
3) Hoàng Kim 2008 < http://thovanhoangkim.blogspot.com/2008/01/o-ngang-v-nhng-tuyt-phm-th-c.html > dẫn liệu từ nguồn: http://tranluc.net
4) Nguồn: Lương Sơn Thi Đàn <http://www.luongsonbac.com/. Cao Bá Quát.
5) Nguôn: Đào Trung Kiên (Thi Viện) <http://annonymous.online.fr/Thivien/> Bà huyện Thanh Quan
Đọc thêm
THUNG DUNG
Trở về trang chính
CÂY LƯƠNG THỰC; FOOD CROPS
Dạy và học ĐHNLHCM
Dạy và học BlogtiengViet
Gia đình nông nghiệp
NGỌC PHƯƠNG NAM, DẠY VÀ HỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét