Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009
Núi sông và biển
Em cao thượng
Anh bồi hồi trước biển
Sóng vỗ bờ
Âu yếm
Núi và sông.
Sông và suối
Nghìn đời đi về biển
Sóng yêu thương
Vỗ mãi
Đến vô cùng
Hoàng Kim
17 6 2009
(Ảnh: Núi và biển đèo Ngang, Hải Vân, Quy Nhơn và Hà Tiên)
Nhớ Sóc Trăng
DAYVAHOC. Hoàng Kim. Đi miền Tây, tôi mang theo cuốn “Bằng đôi chân trần” của nhà văn Nguyên Ngọc để đọc. Những trang văn của ông về “Du lịch bền vững”“Đến miền Tây với một tấm lòng”,“Bằng đôi chân trần”,“Không gian của Nguyễn Ngọc Tư” đã ám ảnh và gợi cho tôi nhiều điều. Hành trình xuôi phương Nam, qua Cần Thơ, chúng tôi đến Sóc Trăng, một tỉnh của vùng Tây Nam Bộ. Đây là nơi giao thoa của những cộng đồng văn hóa Khơ me, Việt, Hoa. Một nhà dân tộc học có nói: "Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc là những điểm nhấn văn hóa khi nghiên cứu người Việt, đất Việt và văn hóa Việt". Thật may mắn cho tôi là đã có gần trọn tuần ở cái nôi văn hóa ấy để khi về luôn ... nhớ Sóc Trăng (ảnh chùa Dơi Sóc Trăng, hình internet).
VÀI NÉT VỀ ĐẤT ĐAI, SÔNG NƯỚC VÀ CON NGƯỜI SÓC TRĂNG
Tỉnh Sóc Trăng, theo trang thông tin điện tử của Ủy ban Nhân dân Tỉnh , là vùng tiềm năng kinh tế xuất khẩu gạo, hàng thủy sản và nông sản thực phẩm chế biến của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Diện tích đất tự nhiên của tỉnh có 3.310,03 km2 gồm 8 huyện và 1 thành phố với 105 xã, phường, thị trấn với thành phố Sóc Trăng là trung tâm hành chính cách thành phố Cần Thơ 62 km và cách thành phố Hồ Chí Minh 231 km.
Đất đai Sóc Trăng chủ yếu là đất phù sa bồi có độ màu mỡ cao được hình thành qua nhiều năm lấn biển, thích hợp cho việc phát triển cây lúa nước, cây công nghiệp ngắn ngày như mía, đậu nành, bắp, các loại rau màu như hành, tỏi và các loại cây ăn trái như bưởi, xoài, sầu riêng. Hiện đất sử dụng cho nông nghiệp chiếm 84,03%, đất lâm nghiệp 4,40%, đất chuyên dùng và các loại đất khác 11,57%. Trong tổng số 278.154 ha đất nông nghiệp có 160.910 ha sử dụng cho canh tác lúa, 18.319 ha dùng trồng màu và cây công nghiệp ngắn ngày, 40.911 ha dùng trồng cây lâu năm và cây ăn trái.
Địa hình phần lớn là đất bằng, xen kẽ những vùng trũng với các giồng cát với cao trình phổ biến ở mức 0,5-1,0 m so với mặt biển, nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Những giồng cát hình cánh cung đồng phương với bờ biển từ Sóc Trăng đến Vĩnh Châu. Vùng trũng phía nam tỉnh với độ cao 0-0,5 m, thường bị ngập úng dài ngày trong mùa lũ. Sử dụng đất ở Sóc Trăng khá đa dạng trong phát triển nông, ngư nghiệp và hiện tại đã hình thành nhiều khu du lịch sinh thái phong phú.
Khí hậu tỉnh Sóc Trăng được chia làm 2 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình hằng năm khoảng 27oC, độ ẩm trung bình là 83%.
Tài nguyên sông biển của Sóc Trăng có 72 km bờ biển với ba cửa sông lớn Định An, Trần Đề và Mỹ Thanh hình thành lưu vực rộng lớn thuận lợi cho giao thông, nuôi trồng thủy hải sản, làm muối. Hệ thống kinh rạch của tỉnh chịu ảnh hưởng của chế độ thủy triều ngày lên xuống 2 lần, mực triều dao động trung bình từ 0,4 m đến 1 m. Thủy triều vùng biển không những gắn liền với các hoạt động sản xuất, sinh hoạt của cư dân địa phương, mà còn mang lại nhiều điều kỳ thú cho du khách khi đến tham quan, du lịch và tìm hiểu hệ sinh thái rừng tự nhiên.
(Tôm là nguồn lợi thủy sản của vùng Tây Nam Bộ- ảnh internet)
Tài nguyên rừng có diện tích 12.172 ha với các loại cây tràm, bần, giá, vẹt, dừa nước phân bố chủ yếu ở 2 huyện Vĩnh Châu và Long Phú. Rừng Sóc Trăng thuộc hệ rừng ngập mặn ven biển và rừng tràm ở khu vực đất nhiễm phèn. Sóc Trăng còn có dải cù lao thuộc huyện Kế Sách và Long Phú chạy dài ra tận cửa biển với nhiều cây trái nhiệt đới, không khí trong lành như cồn Mỹ Phước, cù lao Dung.
Dân số toàn tỉnh, theo thống kê năm 2007, có 1.302.562 người, trong đó thành thị chiếm 18,44%, nông thôn 81,56%.. Ở Sóc Trăng, ngoài người Kinh chiếm tỷ lệ khoảng 65,2% dân số còn có nhiều dân tộc khác cùng chung sống, trong đó người Khmer chiếm 28,9%, người Hoa chiếm 5,9%. Thêm vào đó còn có người Nùng, Thái, Chăm... nên đời sống và sinh hoạt văn hóa của người dân Sóc Trăng rất đa dạng và phong phú. Mật độ dân số trung bình hiện nay của tỉnh là 394 người/ km2, thấp hơn mức trung bình ở Đồng bằng sông Cửu Long (434 người/ km2). Dân số phân bổ không đều, tập trung đông ở vùng ven sông Hậu và các giồng đất cao.
Con người Sóc Trăng nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung là “một trong những xứ đất và người kỳ thú nhất ở nước ta” theo cách nói của nhà văn Nguyên Ngọc: “Tôi yêu và mê miền Tây như vậy, nhưng chưa bao giờ dám nghĩ và viết về miền đất và người ở đấy, trừ đôi bút ký nhỏ và rụt rè, bởi tôi biết tôi sẽ không bao giờ có thể nắm bắt được cho thật đúng cái hơi thở nồng đậm có một không hai, không bao giờ nói được cho thấu về đất đai, sông nước và con người ở đây, từ hình dáng tâm tình, suy nghĩ, tính cách ... cho đến ngôn ngữ giàu có đến kỳ lạ của họ”
Đến Sóc Trăng là đến với vùng đất đa văn hóa, sông trăng, đạo Phật, đền chùa, thú ẩm thực và những điều sâu sắc cốt lõi văn hóa nằm sâu trong dân gian... Chợt dưng tôi nhớ đến đất nước Lào và bài thơ tôi làm năm ngoái khi tham dự Hội nghị Nghiên cứu Sắn Quốc tế lần thứ Tám tổ chức tại Viên Chăn, ngày 20 - 24 / 10/ 2008
THÁP VÀNG, HOA TRẮNG, NẮNG MEKONG
Tháp vàng, hoa trắng, nắng Mekong
Ấn tượng Viên Chăn thật lạ lùng
Nơi đâu hối hả, đây trầm lắng
Một vùng đất Phật ở ven sông.
Nhớ thuở Nguyễn công gây nghiệp lớn
Ai Lao thường mở lối đi về
Trung Hưng thành tựu nhờ chung sức
Núi thẳm, lòng dân đã chở che
Dân Việt ngàn năm xuôi lấn biển
Tựa lưng vào núi hướng về Nam
Thoáng chốc nghìn năm nhìn trở lại
Tháp vàng, hoa trắng, nắng Mekong
"That Luang", "Champa", "golden light in Mekong River" là những ấn tượng khó quên về đất nước Lào. That Luang (tháp vàng) là biểu tượng quốc gia. Cham pa (hoa trắng) là sắc hoa sứ thanh khiết mà người Lào rất mến chuộng. Nắng vàng rực rỡ trên sông Mekong tạo nên vẻ đẹp kỳ ảo của Viên Chăn. Uống bia Lào, ăn mực và nhâm nhi cà phê Việt, ngắm nắng chiều dát vàng trên sông xanh mà bờ sông bên kia là Thái Lan, để lắng nghe nhịp sống chậm rãi và yên bình.
Đến Sóc Trăng vẻ đẹp kỳ ảo miền Tây thật giống đất nước Lào: Thiên nhiên còn hoang sơ với nhịp sống chậm rãi và yên bình. Sông trăng lộng lộng xuôi về biển lúc bình minh hừng sáng. Nét đẹp dung dị phúc hậu của cô gái miền Tây. Các đặc sản ẩm thực tuyệt diệu vùng sông nước. Những ngôi chùa cổ và nét đẹp văn hóa tinh tế của đất phương Nam. Những vùng đất thuở sơ khai và tên người có công với Nước. Bước chân trần lấn biển. Hành trình mở cõi đất phương Nam. Sự giao thoa của những nền văn hóa lớn. Mỗi dòng trên đây là cả một cuốn sách rộng mở cần nghiên cứu, tìm tòi, khám phá như sông trăng lồng lộng xuôi về biển rộng lúc hừng đông
(còn nữa)
Sóc Trăng nơi sông về tới biển
DẠY VÀ HỌC. Dòng sông quê hương, dòng sông tuổi thơ, dòng sông tình yêu suốt đời thao thiết chảy. Sóc Trăng là nơi sông về tới biển. Tiếng Khmer, Sóc Trăng gọi là Srok Kh'leang nghĩa là cõi báu (Srok là cõi, Kh'leang là kho báu). Srok Kh'leang là cõi Phật, là chốn Bồng Lai. Nghĩa khác của Sóc Trăng là Sông Trăng. Dưới triều Minh Mạng, Sóc Trăng có tên là Nguyệt Giang (Sông Trăng). Đối diện với mặt trời nóng ấm là sông trăng hiền hòa, lồng lộng đi về biển lớn (Sông Mekong ngã Năm, Sóc Trăng).
Tôi sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình, một tỉnh nghèo ven biển miền Trung. Ký ức tuổi thơ gắn với sông Giang (Linh Giang) huyền thoại. Cha mẹ làm nghề nông nhưng cha cũng làm thêm nghề chèo đò. Ông đã từng cứu người chết đuối và được đền ơn bằng lời khuyên đổi tên tuổi thơ cho tôi từ Hoàng Minh Kim thành Hoàng Kim mà tôi sẽ kể vào một dịp khác.
(Sông Gianh, nguồn Son lối vào động Phong Nha, Quảng Bình)
Nhà tôi ở ngã ba sông của rào Nan và nguồn Son. Đường sông lối nguồn Son vào động Phong Nha khá gần. Thuở nhỏ đi hái củi tôi vẫn thường qua lại hang động. Sau này động Phong Nha đã trở thành danh thắng nổi tiếng thế giới gắn với sông Gianh, đèo Ngang của tuổi thơ và biển Quảng Bình.
Biển
Anh yêu biển tự khi nào chẳng rõ
Bởi lớn lên đã có biển quanh rồi
Gió biển thổi nồng nàn hương biển gọi
Để xa rồi thương nhớ chẳng hề nguôi
Nơi quê mẹ mặt trời lên từ biển
Mỗi sớm mai gió biển nhẹ lay màn
Ráng biển đỏ hồng lên như chuỗi ngọc
Nghiêng bóng dừa soi biếc những dòng sông
Qua đất lạ ngóng xa vời Tổ Quốc
Lại dịu hiền gặp biển ở kề bên
Khi mỗi tối điện bừng bờ biển sáng
Bỗng nhớ nhà những lúc mặt trăng lên
Theo ngọn sóng trông mù xa tít tắp
Nơi mặt trời sà xuống biển mênh mông
Ở nơi đó là bến bờ Tổ Quốc
Sóng yêu thương vỗ mãi đến vô cùng …
Lớn lên, tôi ra học Đại Học Nông nghiệp 2 ở Đồn Lương, Việt Yên, Hà Bắc và nhập ngũ năm 1971 cùng đợt với Nguyễn Văn Thạc. Ngày lên đường có sự thầm yêu thương của người bạn gái cùng lớp mà mãi sau này trong sổ tay chiến sĩ tôi còn trân trọng giữ gìn hai bài thơ thuở đó:
Tình em
Em trao duyên cho anh
Anh nén lòng
Dành
Đợi
Em lấy chồng rồi
Anh nợ mãi
Tình em
Qua sông Thương gửi về bến nhớ
Ta lại hành quân qua sông Thương
Một đêm vào trận tuyến
Nghe Tổ Quốc gọi lên đường!
Mà lòng ta xao xuyến
Và hồn ta căng gió reo vui
Như dòng sông Thương chảy mãi về xuôi
Hôm nay ta ra đi
Súng thép trên vai nóng bỏng
Không qua nhịp cầu ngày xưa soi bóng
Phà đưa ta sang sông
Rạo rực trời khuya, thao thức trong lòng
Rầm rập dòng sông sóng nhạc
Như tình thân yêu muôn vàn của Bác
Tiễn đàn con ra đi
Tầu cập bến rầm rì tiếng máy
Tiếng động cơ sục dưới khoang tàu
Hay sôi ở trong lòng đất cháy
Hay giữa tim ta thúc giục lên đường
Chào bờ Bắc thân yêu hẹn ngày trở lại!
Ôi những con thuyền đèn trôi suốt canh khuya
Có khua nhẹ mái chèo qua bến cũ
Nhắn cho ai ngày đêm không ngủ
Rằng ta đi chưa kịp báo tin vui
Đêm nay bên dòng nước nghiêng trôi
Sông vẫn thức canh trời Tổ Quốc
Rạo rực lòng ta bồi hồi tiếng hát
Đổ về bến lạ xa xôi
Với biển reo ca rộng mở chân trời
Dòng sông tuổi xuân thao thiết chảy. Năm 1972, tại Tây Nguyên tôi có kỷ niệm không thể quên về những ngày đói gạo, ăn rau rừng và câu cá ven sông Srêpok gần Buôn Đôn. Nhớ buổi câu cho bữa cơm người bạn sốt rừng ốm nặng thèm ăn cá.Đây là bài thơ khóc bạn.
Câu cá bên dòng Srêpok
Bạn chèo thuyền trên sông Vôn ga
Có biết nơi này mình câu cá?
Srêpok giữa mùa mưa lũ
Sốt rừng, muỗi vắt, đói cơm
Suốt dọc đường hành quân
Máy bay,
pháo bầy,
thám báo,
mưa bom
Chốt binh trạm giữa rừng
Người bạn thân
Lả người
Vì cơn rét đậm
Thèm một chút cá tươi
Mình câu cá
Cho bữa cơm cuối cùng của người thân
mà nước mắt
đời người
rơi, rơi...
mặn đắng
Bạn ơi
Con cá nhỏ trên dòng Srêpok
Nay đã theo dòng thác lũ cuốn đi rồi
Đất nước nghìn năm
Trọn một lời thề
Sống chết thủy chung
với dân tộc mình
Muôn suối nhỏ
Đều đi về biển lớn.
Sau ngày đất nước thống nhất đến năm 1977, tôi về lại mái trường thân yêu học tiếp Đại học Nông nghiệp. Tốt nghiệp ra trường, trên một phần tư thế kỹ liên tục gắn bó với những nghiên cứu chọn giống và thâm canh cây trồng ở Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và trên ruộng nông dân tại Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Trung, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên...Tôi đã đi qua hầu hết các tỉnh thành trong cả nước và hầu hết các châu lục trên thế giới, được ngắm nhìn nhiều dòng sông ở nhiều vùng văn hóa khác nhau.
(Chùa Đất Sét, Sóc Trăng)
Tới nơi đây, về Sóc Trăng, mảnh đất Tổ Quốc thiêng liêng nơi gần cực Nam đất nước, được đón bình minh nơi cửa biển, lòng tôi trào dâng niềm xúc động bồi hồi. Dòng sông quê hương, dòng sông tuổi thơ, dòng sông tình yêu suốt đời thao thiết chảy. Tôi đã ra đi từ dòng sông quê hương miền Trung, tới phương Bắc, về phương Nam và nay chọn đất phương Nam làm quê hương thứ hai. ‘‘Dân Việt nghìn năm xuôi lấn biển/Tựa lưng vào núi hướng về Nam/ Thoáng chốc nghìn năm nhìn trở lại/ Tháp vàng, hoa trắng, nắng Mekong”. Cửu Long là sông lớn nhất của đất phương Nam. Sóc Trăng là nơi sông về tới biển. Sóc Trăng là Srok Kh'leang là cõi báu, là đất Phật, chốn Bồng Lai. Sóc Trăng có sông trăng hiền hòa, lồng lộng đi ra biển lớn. Tôi thích đọc những chấm phá về người và đất phương Nam có trong các trang văn của Nguyên Ngọc, Sơn Nam, Nguyễn Ngọc Tư, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng, Trang Thế Hy, Nguyễn Một .... và bất giác nhớ đến bài thơ:
Điểm hẹn
Anh như chim ưng quay về tổ ấm
Vẫn khát bầu trời ước vọng bay lên
Ơi Bồng Lai cồn cào nỗi nhớ
Anh về bên này lại nhớ bên em.
Chủ Nhật 14.9.2009
(Còn nữa: Bài 3 Sóc Trăng những tên đất tên người )
Thứ Tư, 3 tháng 6, 2009
Chút Huế cho em
Hoàng Kim
Ngan ngát dòng Hương thoang thoảng thơm
Đâu rồi chốn cũ bến yêu thương
Sông xanh sáu nhịp cầu mong đợi
Nghiêng một vầng trăng sáng phố phường
Anh ra cầu Huế đêm trăng sáng
Hằng hà sao mọc giữa dòng sông
Tình anh như nước càng ra biển
Càng chứa đầy em ở giữa lòng
Anh chọn cho em một chút này
Như tình âu yếm một vòng tay
Đây là chút Huế, đây tình nghĩa
Men ngọt chung tình mãi đắm say.
(ảnh sông Hương của Nguyên Hùng)
Nước mắt chảy vào trong
Hoàng Kim
Có cắn hạt muối với củ khoai
Mới hiểu hết mặn nồng
Cái sâu nặng của tình người cày ruộng
Nhát cuốc lật lên
Tháng năm vùi xuống (1)
Khoai sắn có lúc chẳng đủ nuôi người,
Dù em tưới đẫm mồ hôi
Hạt muối của biển mặn môi người
Hạt muối của người mặn trên lưng áo
Hạt muối lặn vào trong hạt gạo.
Có một lần
Cha, Anh Cả, Chị gái và Em trai
Nhường nhau một chén cơm gạo đỏ
Cha khóc,
Anh khóc,
Chị và Em đều khóc
Nay Mẹ Cha và Anh đều đã khuất!
Chị vẫn nhớ
Em vẫn nhớ
Lòng ngườì đâu dễ nguôi quên?
Kỷ niệm theo tháng năm
Rưng rưng cảm xúc
Biết ơn hạt lúa, củ khoai
Biết ơn đọi trà lá vằng đắng chát
Thương đọt rau sam,
Thương củ sắn lùi chưa kịp lớn
Biết ơn Thầy
Những lon khoai bè bạn
Quả mướp, nắm rau dền
Nhờ mảnh đất cằn nuôi ta khôn lớn
Nay bưng bát cơm đầy
Vẫn còn nhiều cuộc đời bất hạnh
Nhìn những học trò nghèo
Vươn lên từ nghị lực
Lòng bồi hồi
Nước mắt chảy vào trong.
Biết ơn những ai ...
Cần lắm những tấm lòng.(2).
Bài họa thơ Lâm Cúc 1) và PhuongPhuongsg 2)
Có cắn hạt muối với củ khoai
Mới hiểu hết mặn nồng
Cái sâu nặng của tình người cày ruộng
Nhát cuốc lật lên
Tháng năm vùi xuống (1)
Khoai sắn có lúc chẳng đủ nuôi người,
Dù em tưới đẫm mồ hôi
Hạt muối của biển mặn môi người
Hạt muối của người mặn trên lưng áo
Hạt muối lặn vào trong hạt gạo.
Có một lần
Cha, Anh Cả, Chị gái và Em trai
Nhường nhau một chén cơm gạo đỏ
Cha khóc,
Anh khóc,
Chị và Em đều khóc
Nay Mẹ Cha và Anh đều đã khuất!
Chị vẫn nhớ
Em vẫn nhớ
Lòng ngườì đâu dễ nguôi quên?
Kỷ niệm theo tháng năm
Rưng rưng cảm xúc
Biết ơn hạt lúa, củ khoai
Biết ơn đọi trà lá vằng đắng chát
Thương đọt rau sam,
Thương củ sắn lùi chưa kịp lớn
Biết ơn Thầy
Những lon khoai bè bạn
Quả mướp, nắm rau dền
Nhờ mảnh đất cằn nuôi ta khôn lớn
Nay bưng bát cơm đầy
Vẫn còn nhiều cuộc đời bất hạnh
Nhìn những học trò nghèo
Vươn lên từ nghị lực
Lòng bồi hồi
Nước mắt chảy vào trong.
Biết ơn những ai ...
Cần lắm những tấm lòng.(2).
Bài họa thơ Lâm Cúc 1) và PhuongPhuongsg 2)
Thứ Ba, 2 tháng 6, 2009
Nhớ miền Đông
Hoàng Kim
Giữa ngày vui nhớ miền Đông
Nôn nao lòng lại giục lòng nhớ thương
Chân đi muôn dặm nẽo đường
Phải đâu cứ đất quê hương mới là
Đêm nằm nghe gió thoảng qua
Nồng thơm hương lúa, đậm đà tình quê
Chợt dưng lòng lại gọi về
Vùng quê xa với gió hè miền Đông
Vục đầu uống ngụm nước trong
Nhớ sao Vàm Cỏ ngọt dòng sông xanh
Nhớ từ xóm Giữa xa em
Nhớ lên Bù Đốp, Lộc Ninh, xóm Chùa
Xa em từ bấy đến chừ
Một vầng trăng sáng, xẽ chia đôi miền
Em về Châu Đốc, Long Xuyên
Anh lên Srêpốc với niềm nhớ thương
Nằm đêm lưng chẳng tới giường
Nghe chao cánh võng giữa rừng đêm khuya
Chăm chăm theo nét bản đồ
Cùng anh, cùng bạn tiến vô Sài Gòn
Giữa ngày vui nhớ miền Đông
Nhớ em, nhớ bạn, thuỷ chung vẹn toàn
Phải vì vất vả gian nan
Của bao năm đặm nhớ thương đến rày …
Non sông những tháng năm này
Lọc muôn sắc đỏ cho ngày hội vui
Nhớ em trong dạ bùi ngùi …
Trông trời hoa, nhớ đất trời miền Đông.
Nhớ anh
Hoàng Kim
Trăng xưa cùng anh cuốc đất
Trăng nay mình em làm thơ
Thinh không một vầng trăng tỏ
Trăng ơi, rọi đến bao giờ?
Trăng xưa cùng anh cuốc đất
Trăng nay mình em làm thơ
Thinh không một vầng trăng tỏ
Trăng ơi, rọi đến bao giờ?
Nhớ em
Đêm nay là đêm nao
Ta lại ngắm trăng và cùng em hò hẹn
Trăng ơi từ đâu đến
Sao đằm thắm, ngọc ngà nửa thực nửa hư
Rọi xuống trăm năm một cõi đi về (*)
Hoàng Kim
Video yêu thích
(*) Trịnh Công Sơn - Một cõi đi về.
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Anh đưa em vào vườn cổ tích
Trở về trang chính
Hoàng Kim
Ngọc Phương Nam
Thung dung
Dạy và học
Cây Lương thực
Học mỗi ngày
Danh nhân Việt
Kim on Twitter
Kim on Facebook
Food Crops News
Cassava in Vietnam
Food Crops
Điểm hẹn
Hoàng Kim
Anh như chim ưng quay về tổ ấm
Vẫn khát bầu trời ước vọng bay lên
Ôi Bồng Lai cồn cào nỗi nhớ
Anh về bên này lại nhớ bên em.
Video yêu thích
http://www.youtube.com/user/hoangkimvietnam
Trở về trang chính
Hoàng Kim, Ngọc Phương Nam, Thung dung, Dạy và học, Cây Lương thực, Học mỗi ngày, Danh nhân Việt, Food Crops News, CassavaViet, foodcrops.vn
Sương tan
Hoàng Kim
Em đừng e sương giá
Nắng lên là sương tan
Hãy làm cây thông đứng
Thung dung trên đỉnh ngàn
Em đừng e sương giá
Nắng lên là sương tan
Hãy làm cây thông đứng
Thung dung trên đỉnh ngàn
Ta hẹn em uống rượu ngắm trăng
Thân tặng Lâm Cúc
Ta hẹn em uống rượu ngắm trăng
Mấy khi đời có một người tri kỷ?
Nâng chén nhé!
Trăng vàng như giọt lệ
Buồn ư em?
Trăng vằng vặc trên đầu!
Ta nhớ Anh ta xưa mưa nắng dãi dầu
Khi biệt thế gian chọn trăng làm bạn
“Trăng tán trời mưa, trăng quầng trời hạn”
Dâu bể cuộc đời đâu chỉ trăm năm?
"Mười lăm trăng qủa thật tròn
Anh hùng thời vận hãy còn gian nan
Đêm trăng nhát cuốc xới vàng
Trăng dòm, ta hẹn, trăng càng dòm thêm
Đất vàng, vàng ánh trăng đêm
Đêm khuya, ta với nàng quên nhọc nhằn” (1)
Ta mời em uống rượu ngắm trăng
Mấy khi đời có một người tri kỷ?
Nâng chén nhé!
Trăng vàng như giọt lệ
Vui ư em?
Trăng lồng lộng trên đầu!
Ta nhớ Bạn ta vào tận vùng sâu
Để kiếm tìm ta, người thanh xứ núi
Cởi bỏ cân đai xênh xang áo mũ
Rượu đế, thưởng trăng, chân đất, đũa tre.
“Hoa mận chờ trăng nhạt bóng đêm
Trăng lên vời vợi vẫn êm đềm
Trăng qua vườn mận, trăng thêm sáng
Mận đón trăng về, hoa trắng thêm” (2)
Ta cùng em uống rượu ngắm trăng
Ta có một tình yêu lặng lẽ
Hãy uống đi em!
Mặc đời dâu bể.
Trăng khuyết lại tròn
Mấy kẻ tri âm?
“Trăng sáng lung linh, trăng sáng quá!
Đất trời lồng lộng một màu trăng
Dẫu đêm khuya vắng người quên ngắm
Trăng vẫn là trăng, trăng vẫn rằm” (3)
Hoàng Kim
(Trăng rằm, ảnh PCT)
KHÔNG HẸN HÒ ĐỜI HÓA HOANG VU
Nguyễn Lâm Cúc
Hôm nay buồn lại bày tiệc gọi trăng
Lại mời rượu
Lại bưng sông ra uống
Đặt lên mâm những quả tình nẫu chín
Hái từ vườn ấp ủ trăm năm
Nào,
Cạn ly nhé trăng!
Chớ có chau mày mà xôn xao vằng vặc
Mây bạc đầu còn lang thang như hành khách
Dưới vòm trời nơi nao chẳng cô đơn?
Chốn ồn ào chắc gì đã vui luôn?
Nói nhiều, cười nhiều. Mấy câu là thật
Đâu hay gì khi khoe sầu chất ngất
Nhưng ít ra đó là nỗi lòng ta
Nào,
Nghiêng sông, rót nữa trăng ha!
Muôn thuở tràn trên chén đầy dâu bể
Trăng ơi!
Ta có một tình yêu lặng lẽ
Không hẹn hò đời hóa hoang vu.
ĐÃI TRĂNG
Nguyễn Lâm Cúc
Hôm nay nhàn ta mở tiệc mời trăng
Để thỏa thích bưng dòng sông ra uống
Bày lên mâm là dạt dào cảm hứng
Bạn tri âm, bạn có vui cùng?
Này trăng, trăng chớ ngại ngần
Cạn ly nhé. Sông có vơi cũng mặc.
Say thì say nhưng đừng khóc!
Trần gian…cứ mặc kệ trần gian.
HÁT VU VƠ
Nguyễn Lâm Cúc
Trần gian một chuyến rong chơi
Thấy trăng giữa chợ, đông người vỗ tay
Mua vui một cuộc rõ hài
Gọi trăng, trăng khẽ chau mày rồi thôi...
Gõ sênh, vỗ phách, tôi cười
Nghêu ngao cất giọng hát lời bốn phương
Đó đường, đây đường, kia đường
Mà sao phải cứ đoạn trường bước đi
Buốt làm sao câu trở về
Có bằng ngồi tạm vĩa hè...mà chơi
Tình ơi! Nghĩa ơi! Thương ơi!
Bao lần ngoảnh lại gọi người khản khô
Tưởng sông rồi lại tưởng đò
Những lất phất ấy...chỉ bờ lau thưa
Thắp đèn lên đi em
Thắp đèn lên đi em! Hoàng Kim. Em đã đọc nhiều gương sáng danh nhân / Hãy biết nhục, biết hèn mà lập chí/ Thắp đèn lên đi em, ngọn đèn dầu bền bỉ/ Sáng giữa đời lấp lánh một niềm tin. Trang thơ cũ, nay đọc lại vẫn nóng hổi ...Cuộc sống đã biết bao đổi thay nhưng những vùng quê nghèo, những cuộc đời bất hạnh, những đói nghèo, cơ cực vẫn còn đó.... (phóng sự ảnh: sống dưới ánh đèn dầu trên vietbao.vn) Hãy cố gắng lên các em, những học sinh nghèo hiếu học!
Thắp đèn lên đi em!
Xua tăm tối, giữa đêm trường ta học
Vũ trụ bao la đèn em là hạt ngọc
Cùng sao khuya soi sáng mảnh đất này
Dù sớm chiều em đã học hăng say
Dù ngày mệt chưa một hồi thanh thản
Đèn hãy thắp sáng niềm tin chiến thắng
Em thắp đèn lên cho trang sách soi mình.
Thắp đèn lên đi em!
Xua tăm tối giữa đêm trường ta học
Em đâu chỉ học bằng ánh mắt
Mà bằng cả lòng mình, cả khối óc hờn căm
Thù giặc giết cha, bom cày sập tung hầm
Nhà tan nát, sân trường đầy miệng hố
Hãy học em ơi, dù ngày có khổ
Lao động suốt ngày em cần giấc ngủ ngon
Nhưng đói nghèo đâu có để ta yên
Và nghị lực nhắc em đừng ngon giấc
Nợ nước thù nhà ngày đêm réo dục
Dậy đi em, Tổ quốc gọi anh hùng.
Thắp đèn lên đi em!
Xua tăm tối giữa đêm trường ta học
Mặc cho gió đêm nay lạnh về tê buốt
Tấm áo sờn không đủ ấm người em
Vùng dậy khỏi mền, em thắp ngọn đèn lên
Để ánh sáng xua đêm trường lạnh cóng
Qua khổ cực càng yêu người lao động
Trãi đói nghèo càng rèn đức kiên trung
Em đã đọc nhiều gương sáng danh nhân
Hãy biết nhục, biết hèn mà lập chí
Thắp đèn lên đi em, ngọn đèn dầu bền bỉ
Sáng giữa đời láp lánh một niềm tin.
Thắp đèn lên đi em!
1971
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
Em ơi em, can đảm bước chân lên
Nguyễn Khoa Tịnh
Thầy ước mong em
noi gương Quốc Tuấn
Đọc thơ em, tim tôi thắt lại
Lòng nghẹn ngào, nước mắt chảy rưng rưng
Nửa xót xa nhưng nửa lại vui mừng
Xót xa vì đời em còn thơ dại
Mới tuổi thơ mà cuộc đời đầy khổ ải
Mới biết cười đã phải sống mồ côi
Như chiếc thuyền giữa biển tự trôi
Như chiếc lá bay về nơi vô định
“Bụng đói” viết ra thơ em vịnh:
“Cơm ngày một bữa sắn trộn khoai
Có biết lòng ta bấy hỡi ai?
Vơi vơi lòng dạ, cồn cào bụng
Kể chi no đói, mặc ngày dài”
Phải!
Kể chi no đói mặc ngày dài
Rất tự hào là thơ em sung sức
Rất tự hào là em tôi đầy nghị lực
Đã hiển lộ mình qua “Cái chảo rang”
“Trung dũng ai bằng cái chảo rang
Lửa to mới biết sáp hay vàng
Xào nấu chiên kho đều vẹn cả
Chua cay mặn ngọt giữ an toàn
Ném tung chẳng vỡ như nồi đất
Quăng bừa xó bếp vẫn nằm ngang
Tốt đẹp đâu cần danh tiếng hão
Bạn cùng lửa đỏ, nóng chang chang”
Phải!
Lửa to mới biết sáp hay vàng!
Em hãy là vàng,
Mặc ai chọn sáp!
Tôi vui sướng cùng em
Yêu giấc “Ngủ đồng”
Hiên ngang khí phách:
“Sách truyền sướng nhất chức Quận công
Ta sướng khi ra ngủ giữa đồng
Lồng lộng trời hè muôn làn gió
Đêm thanh sao sang mát thu không
Nằm ngữa ung dung như khanh tướng
Lấy mấy vần thơ tỏ nỗi lòng
Tinh tú bao quanh hồn thời đại
Ngủ đồng khoan khoái ngắm gương trong”
Tôi biết chí em khi "Qua đèo Ngang”
Ung dung xướng họa với người anh hùng
Đã làm quân thù khiếp sợ:
“Ta đi qua đèo Ngang
Cũng gặp Người trèo qua núi hiểm
Đỉnh dốc chênh vênh
Xe mù bụi cuốn
Có lẽ thiên nhiên đã định bao giờ
Một dãy Hoành Sơn bát ngát trận đồ
Điệp điệp núi cao
Trùng trùng rừng thẳm.
Người thấy
Súng gác trời xanh
Gió lùa biển lớn
Nông dân rộn rịp đường vui
Thanh Quan nàng nhẽ có hay
Cảnh mới đã thay cảnh cũ.
Ta hay
Máu chồng đất đỏ
Mây cuốn dặm khơi
Nhân công giọt giọt mồ hôi
Hưng Đạo thầy ơi có biết
Người nay nối chí người xưa
Tới đây
Nước biếc non xanh
Biển rộng gió đùa khuấy nước
Đi nữa
Đèo sâu vực thẳm
Núi cao mây giỡn chọc trời
Nhớ thù nhà, luống thẹn làm trai
Thương dân nước, thà sinh phận gái
“Hoành Sơn cổ lũy”
Hỏi đâu dấu tích phân tranh?
Chỉ thấy non sông
Lốc cuốn, bốn phương sấm động.
Người vì việc nước ra đi
Ta muốn cứu dân nên thăm trận thế
Điều không hẹn mà xui gặp mặt
Vô danh lại gặp hữu danh
Cuộc đời dài ắt còn sẽ gặp nhau
Nay hội ngộ giữa đỉnh cao trời đất
Anh em ta ngự trên xe đạp
Còn Người thì lại đáp com măng
Đường xuyên sơn
Anh hùng gặp anh hùng
Nhìn sóng biển Đông
Như ao trời dưới núi.
Xin kính chào
Bậc anh hùng tiền bối
Ta ngưỡng mộ Người
Và tỏ chí với non sông
Mẹ hiền ơi!
Tổ Quốc ơi!
Xin tiếp bước anh hùng!”
Hãy cố lên em!
Noi gương danh nhân mà lập chí
Ta với em
Mình hãy kết thành đôi tri kỷ!
Đất Quảng Trạch này đâu kém Nam Dương
Tôi tự hào bài “Tỏ chí” của em:
"Quốc Tuấn ngày xưa chí vững bền
Thù nhà, nợ nước chẳng hề quên
Đến bữa quên ăn, đêm quên ngủ
Thương dân, yêu nước quyết báo đền
Văn hay thu phục muôn người Việt
Võ giỏi kinh hồn lũ tướng Nguyên
Mươi năm sau nữa ơi ông Tuấn
Nối chí ông, nay cháu tiến lên!”
Tôi thương mến em
Đã chịu khó luyện rèn
Biết HỌC LÀM NGƯỜI !
Học làm con hiếu thảo.
Mười lăm tuổi đã “Tập làm thầy giáo”
Vui gì hơn buổi đầu làm thầy giáo
Của lớp vở lòng đất mẹ yêu thương
Trưa nắng luyến các em cùng đến lớp
Giọng líu lo như chim hót ven đường.
Đứng trước các em tuổi nhỏ đáng yêu
Mà đã tưởng tới bao nhiêu người lớn
Nghe em đọc giọng thanh thanh dễ mến
Mà đã nghe đất nước xuyến xao mình!
Tổ Quốc đang chờ em phía trước.
Em ơi em, can đảm bước chân lên!
1970