Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Nguyễn Ngọc Tư sầu riêng Nam Bộ


DẠY VÀ HỌC. Nguyễn Ngọc Tư là niềm quý trọng và yêu mến trong lòng tôi. Văn của cô thật đằm thắm, giản dị và nhân hậu từ Ngọn đèn không tắt tới Cánh đồng bất tận đến những trang viết mới.Nhà văn Nguyên Ngọc đã viết về Không gian Nguyễn Ngọc Tư, giáo sư Trần Hữu Dũng lập chuyên trang về cô. Anh Nguyễn Trọng Bình mới đây đã có bài viết rất hay Nguyễn Ngọc Tư từ góc nhìn văn hóa. Tôi tâm đắc nhất chất người Nam Bộ trong văn Nguyễn Ngọc Tư. Đọc văn của cô, tôi nhớ thầy Lương Định Của, Võ Tòng Xuân và những bạn Nam Bộ thân thiết Bùi Chí Bửu, Mai Thành Phụng ...

Đọc Bé lên ba... tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, tôi ngồi lặng đi. Tôi mang ơn cô đã thôi thúc tôi cầm bút để viết về "một cái gì đó" âm thầm như vậy, lặng lẽ như vậy của đồng bào, đồng đội đã ngã xuống cho Tổ Quốc sống mãi; để viết về những con người dâng hiến lặng lẽ mà hiệu quả, những công việc chân lấm tay bùn và những lớp học, lớp người trong 45 triệu nông dân đang làm giá đỡ cho nền kinh tế Việt.

Suy ngẫm về Chậm từng giọt chữ của Tư, bạn rùng mình chợt thấm thía bệnh sống nhanh sống gấp dường như đã di căn đến thú nhàn nhã cuối cùng của mình, xộc vào thành lũy cuối cùng. Và chỉ khi gặp Già, ngồi giữa căn nhà lấp ló trong vườn dừa của Già nghe Già đọc một đoạn văn của Hemingway, Lỗ Tấn, Lev Tolstoi… thì mới cảm thấy thật rõ ràng. Chỗ Già gì cũng chậm, nước trà rót chậm, điếu thuốc cháy chậm, tiếng nước mương vườn chậm rãi chảy, và giọng Già nhẩn nha mà nghiêm cẩn, "Hằng năm, tôi đợi mùa thu tới, để buồn…" (*). Tôi thật may mắn khi chiều cuối tuần có được niềm vui lặng lẽ trò chuyện với Tư để cảm nhận thấm thía ... Chậm từng giọt chữ , Chậm từng giọt chữ. Chậm từng giọt chữ....

Bình phẩm về chất người Nam Bộ trong văn Nguyễn Ngọc Tư theo tôi diễn đạt rõ nhất có lẽ là trong bài viết "Nhậu" Nguyễn Ngọc Tư của Văn Công Hùng. Đọc "Nhậu" Nguyễn Ngọc Tư lại nhớ Nhậu với Văn Công Hùng ở phố núi quá! Đúng là tiết xuân. Đúng là Nam Bộ. Mừng Văn Công Hùng. Tôi rất tâm đắc với lời đánh giá của Phạm Đức Long: Văn Công Hùng viết bài này thật hay. Nguyễn Ngọc Tư có duyên thầm như sầu riêng Nam Bộ vậy. Đúng là đặc sản! Nguyễn Ngọc Tư sầu riêng Nam Bộ.

Tôi đã tuyển chọn và giới thiệu Nguyễn Ngọc Tư bốn bài. Nay xin chép chung vào đây để bạn đọc tiện theo dõi.


Hoàng Kim

Tài liệu dẫn

BÉ LÊN BA...

Nguyễn Ngọc Tư

... Bé không đi mẫu giáo như lời hát trẻ con hay hát.

Em đi chợ chơi với mẹ. Đó là một bữa sáng đầu tháng Tư năm 1972, cùng đi chuyến đó còn có bốn người đồng đội khác của mẹ em. Thì lâu lâu cũng đi chợ một lần, chuyện đó bình thường với những biệt động quân, buổi chợ này cũng bình thường, chỉ là tấn công... Ty cảnh sát thị xã Cà Mau.

Để bảo đảm bí mật, bất ngờ, để kịch bản áp sát hoàn hảo, tiếp cận mục tiêu an toàn, mẹ đưa em theo. Một bà mẹ nghèo, lam lũ ẳm đứa con gái nhỏ, gầy gò, nhà quê ngơ ngác giữa xa hoa. Bâng quơ đi đằng sau là một người con gái 21 tuổi xách cái giỏ cũ kỹ đựng khối mìn nặng gần 10kg, nhập nhòa trong đám đông đằng xa nữa là một tổ khác gồm hai người, họ sẽ chi viện khi có tín hiệu. Nhưng những người đi sau chưa qua khỏi khúc đường thì tiếng nổ đã làm rung chuyển thị xã Cà Mau, lẫn trong những thi thể kẻ thù, có mẹ, đồng đội của mẹ và em. Kế hoạch rời đi đã gặp trục trặc vì những sơ suất nhỏ, và họ chọn cho mình sự hy sinh.

Người đồng đội đó, được phong tặng danh hiệu anh hùng, mẹ em được công nhận liệt sĩ, được truy tặng huân chương chiến công hạng Nhì. Bé bị quên lãng trong nấm mồ chung, mang tên mẹ.

Nhưng không có sự lãng quên nào là mãi mãi, một ngày đẹp trời, người ta nhớ tới em. Người ta tự hỏi tại sao không công nhận em là liệt sỹ, người ta này hỏi người ta khác, tại sao và tại sao?

Rốt cuộc người ta cãi nhau, vài người bảo em vẫn còn nhỏ quá, em không ý thức, em đã đủ mười tám tuổi đâu, có lý tưởng gì đâu. Em có phân biệt được kẻ thù đâu mà đánh giặc, may lắm, thì em chỉ biết chạy trốn xuống hầm mỗi khi có máy bay. Em chết, chỉ vì em phải theo mẹ, trẻ con thì theo mẹ chứ theo ai? Buổi sáng hôm đó, em đâu có nghĩ mình đi chiến đấu, mà Tổ quốc là gì, độc lập tự do là gì với đứa trẻ lên ba? Em chỉ biết má với mình đi chợ, vì lúc thay đồ mới cho em má nói, mình đi chợ chơi nghen, út cưng của má.

Nhưng những người kia không chịu, với họ, em là một sinh mạng, chúng ta mang một sinh mạng vào trận đánh chứ không mang theo con búp bê, thú nhồi bông, hay con chó con. Không có bé, tổ công tác đó chưa chắc tiếp cận sâu vào hang ổ kẻ thù, chiến công đó chưa chắc lẫy lừng như vậy. Nếu chúng ta chỉ xem em như là nạn nhân chiến tranh như bao đứa trẻ khác, liệu có thỏa đáng không khi em cùng mẹ đi vào trận đánh có kế hoạch tác chiến hẳn hoi.

Cuộc tranh cãi không kết thúc được vì những cái lý của những người ta. Ai đó đùa, hay là gọi hồn bé lên, hỏi coi bé thích gì. Ừ, cũng hay, chúng ta sẽ gọi bé bằng cái tên đã quên lãng lâu rồi, và trịnh trọng hỏi, bé thích là liệt sỹ hay chỉ thích làm nắm tro bụi tan rồi, phiêu lãng trong lòng đất.

Và bé cười mà rằng, kon hít ăn chẹo dùa(*) .

(*)Con thích ăn kẹo dừa

Viet-Studies
Dùng bản Tư gởi
Nguồn: http://dayvahoc.blogtiengviet.net/?cat=302191


CHẬM TỪNG GIỌT CHỮ ...

Nguyễn Ngọc Tư

Có lần ngồi nói chuyện văn chương với Già, ông nói bây giờ người ta đọc nhiều nhưng không đọc kỹ… Bạn thấy nhột ran, thấy trong hai chữ "người ta" đó có mình. Những lần Già nhắc tới cuốn sách nào đó bạn hớn hở kêu đọc rồi, nhưng nhắc một đoạn trong đó thì bạn không nhớ. Những lần bạn ngắc ngứ không gọi được tên một nhân vật. Những lần bạn quên tên tác giả hoặc nhớ tác giả thì quên tên sách. Những lần bạn khen cuốn sách X đó hay những hay làm sao thì bạn không diễn tả được. Giống như lướt đi trên những mối tình hờ hững, đã từng yêu nhưng có lẽ thiếu đậm sâu, đến nỗi chả nhớ nốt ruồi cô ấy nằm ở đâu.

Già thì khác. Tám mươi sáu tuổi Già vẫn giữ cách đọc sách kỳ lạ. Mỗi chữ trong sách với Già là thưởng hớp trà, ngụm rượu. Nên còn gì sướng bằng trà rượu ngon. Già xướng một câu, chắc lưỡi hít hà một cái, gật gù khen quá đã. Có những đoạn văn bạn đã từng lướt qua trên trang sách giờ qua ngữ điệu duyên dáng của Già bạn thấy ngỡ ngàng, tươi mới bao nhiêu. Và bạn thấy lạ lùng bao nhiêu khi ngó Già đọc lại một câu văn tâm đắc, dù Già dùng hai chữ "thấy ghê", sau khi rướn cái cổ gầy gò nhăn nhúm nuốt nước bọt.

Già nói thấy ghê, nhưng không phải chê, mà nghe trong đó sự ngưỡng mộ, nể nang, thán phục. Già hay thảng thốt "thấy ghê" sau mỗi câu văn hay ho mà Già đã đồng cảm đến mức thuộc nằm lòng. Mà Già thì thuộc nhiều câu dài lắm, kinh điển lắm, phức tạp lắm… đến Sông Đông êm đềm chữ như rừng vậy nhưng Già vẫn có thể tỉnh bơ đọc một đoạn nào đó, bằng trí nhớ mẫn tiệp, bằng tình yêu văn chương, bằng sự trân trọng sách, bằng cách đọc thật chậm, nâng niu từng câu chữ.

Chống chế rằng cái thời Già sống sách hiếm hoi, nên người ta quý sách, người yêu sách coi sách như miếng ăn, hơi thở. Nhưng cái thời cầm sách đọc mà sợ hết qua rồi, giờ sách đầy rẫy, đẹp, sang… không đọc nhanh thì tiếc. Và đọc sách như một công việc, không phải thú chơi. Trong bạn bè của bạn, có nhiều người đọc sách để điểm tin trên báo, đọc sách để khoe (rằng đã đọc), đọc sách để học viết, đọc để… kể lại. Nên ai cũng mau mau cho đến trang cuối cùng. Lâu lắm rồi bạn không còn nhấm nháp từng trang sách, như bụi lục bình trôi nhẩn nha trên sông, lúc tấp bờ này khi dạt vào bụi nọ. Bạn cũng đam mê, cũng nghiến ngấu mà như là nghiến ngấu bánh mì kẹp thịt, tô phở… không phải ngồi nhẩn nha vừa thổi vừa gỡ lớp vỏ cháy khét của củ khoai lùi.

Bạn cảm thấy bệnh sống nhanh sống gấp dường như đã di căn đến thú nhàn nhã cuối cùng của mình, xộc vào thành lũy cuối cùng. Và chỉ khi gặp Già, ngồi giữa căn nhà lấp ló trong vườn dừa của Già nghe Già đọc một đoạn văn của Hemingway, Lỗ Tấn, Lev Tolstoi… thì mới cảm thấy thật rõ ràng. Chỗ Già gì cũng chậm, nước trà rót chậm, điếu thuốc cháy chậm, tiếng nước mương vườn chậm rãi chảy, và giọng Già nhẩn nha mà nghiêm cẩn, "Hằng năm, tôi đợi mùa thu tới, để buồn…" (*).

Văn chương va vào Già thì sống dẳng dai. Những vẻ đẹp của trang sách vẫn tồn tại ngay khi không còn tồn tại trên những tờ giấy úa. Ngó bộ chắc phải dạy sắp nhỏ lại, nên có bữa Già khẽ khàng lôi ra một tờ báo cũ in một truyện cũng cũ của Già, biểu bạn đọc. Mà không được đọc thầm đâu, phải thành tiếng thành câu. Chữ nào bạn đọc sai Già nhắc chừng chừng trong lúc khói thuốc bảng lảng vờn trên mặt. Bạn quen đọc thầm, giờ giọng cứ vấp dúi dụi trên trang báo dày những chữ, đến truyện ngắn thứ hai đã cảm thấy mệt đứt hơi, muốn nhanh cũng không nhanh được.

Kết quả của buổi chiều làm bài tập đọc đó là bạn nhớ dẳng dai một câu trong cái truyện ngắn xa xưa của Già, "Viết thơ cho nhau và tìm thăm nhau là việc làm của những kẻ yêu nhau quá ít còn đang sợ hãi chuyện quên nhau. Tình yêu của tôi không hời hợt thế"

Vậy nên, thưa Già, nếu lâu lắm thưa vắng tin nhau, cũng không có nghĩa bạn nhỏ này đã quên Già rồi…

(*) Ernest Hemingway

Viet studies , chuyên trang Nguyễn Ngọc Tư

Nguồn: http://dayvahoc.blogspot.com/2010/08/cham-tung-giot-chu.html
http://foodcrops.vn/index.php?option=com_content&view=article&id=1730:chm-tng-git-ch&catid=77:day-va-hoc&Itemid=411


TRUYỆN NGẮN NGUYỄN NGỌC TƯ TỪ GÓC NHÌN VĂN HÓA

Nguyễn Trọng Bình.

Xuất hiện trên văn đàn lần đầu tiên vào năm 2000 (với truyện ngắn Ngọn đèn không tắt – giải nhất cuộc vận động sáng tác Văn học tuổi 20 lần II) đến nay Nguyễn Ngọc Tư là một trong số ít nhà văn trẻ được độc giả nhắc đến nhiều nhất. Với sở trường là những truyện ngắn viết về con người và vùng đất nơi miền cực Nam của Tổ quốc, Nguyễn Ngọc Tư đã dần chinh phục được tình cảm của đông đảo bạn đọc không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Có thể nói, một trong những điều đọng lại trong lòng độc giả khi đọc Nguyễn Ngọc Tư chính là nhờ chị biết thổi vào tác phẩm của mình những giá trị văn hóa của cha ông, cụ thể là những đặc trưng văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long! Qua những sáng tác của chị, độc giả không những được thưởng thức câu chuyện thắm đượm tinh thần nhân văn mà còn được cung cấp thêm những cứ liệu văn hóa về vùng quê sông nước đồng bằng sông Cửu Long rất bổ ích.


1. Văn hóa và làng quê Nam bộ - tiền đề hình thành quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo ở Cà Mau – vùng đất phương Nam cuối cùng của tổ quốc; vì thế, một trong những tiền đề quan trọng góp phần hình thành nên quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư có nguồn gốc và cơ sở sâu xa là những yếu tố văn hóa mang đặc trưng riêng của vùng đất và con người nơi đây.

So với Trung bộ và Bắc bộ thì Nam bộ là vùng đất còn rất “trẻ” cả về vị trí địa lí lẫn lịch sử văn hoá (ở đây chúng tôi nhìn nhận ở góc độ tương quan giữa ba miền trên toàn vẹn lãnh thổ từ khi bắt đầu có cư dân người Việt sinh sống). Tuy nhiên, với khoảng trên 300 năm hình thành và phát triển, Nam bộ đã dần tạo nên một hình ảnh đẹp cả về đời sống xã hội lẫn đời sống văn hoá.

Trước hết, nói về tính cách cũng như cách đối nhân xử thế của con người, có thể thấy điểm nổi trội nhất của người Nam bộ là cách suy nghĩ bộc trực, phóng khoáng; lối sống “xả láng sáng về sớm” và luôn “chơi hết mình” vì người khác. (Thật ra về những những nét tính cách này của người Nam bộ, không phải người Việt Nam sống trên các vùng, miền khác không có. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến những nét nổi trội và ưu thế nhất góp phần làm nên cá tính riêng của con người ở mỗi vùng, miền…trên lãnh thổ ta mà thôi). Bên cạnh đó, người Nam bộ trong suy nghĩ và lời nói cũng thể hiện một cái gì đó rất bộc trực và thẳng thắng. Nói như nhà văn Sơn Nam đó là “tinh thần phóng khoáng thực tế, ghét những lí luận quanh co. Cứ nói thẳng để xem chuyện đó ra sao. Muốn gì thì nói phứt nó ra. Họ ghét những cuộc tranh luận về lí thuyết chính trị hoặc lí thuyết siêu hình, và có thành kiến cho rằng kẻ dùng quá nhiều lí luận là “lẻo mép”, gian xảo. Họ thích nói chuyện vui, chuyện có đầu có đuôi, những giai thoại khôi hài. Nói “lí luận” là “buồn ngủ”. Nói chuyện quanh co là kém thành thật” [4]. Người Nam bộ, vì thế, trong giao tiếp ứng xử có người cho rằng họ nói chuyện có khi “bụm miệng không kịp” vì chuyện gì cũng “huỵt tẹt” cũng “bốp chát”, “rổn rảng”, “có sao nói vậy”… điều này đã góp phần hình thành nên một thứ ngôn ngữ rất đặc trưng trong giao tiếp, nói năng của người Nam bộ. Ngôn ngữ ca dao dân ca Nam bộ thể hiện rất rõ điều này:

- Gió đưa bụi chuối tùm lum
Má dữ như hùm ai dám làm dâu.
- Dao phai kề cổ, máu đổ tui không màng
Chết tui, tui chịu chứ buông nàng tui hổng buông!
- Anh về em nắm vạt áo la làng
Anh phải bỏ chữ thương, chữ nhớ giữa đàng cho em!
- Má ơi con má hư rồi
Má lo trang điểm phấn dồi nó cũng hư.
- Nước ròng trong ngọn chảy ra
Nghe chồng em chết anh bôn ba qua liền!

Ngoài ra, đọc truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu chúng ta sẽ thấy những nét đẹp và đặc trưng của người Nam bộ cũng được nhà thơ miêu tả rất sâu sắc qua hàng loạt nhân vật đầy dũng khí và đầy nghĩa tình như: Lục Vân Tiên, Hớn Minh, Vương Tử Trực… Có thể thấy, người Nam bộ trong sinh hoạt còn có chút “quê mùa”, “thô kệch” tuy nhiên họ cũng rất biết thế nào là “kiến nghĩa bất vi vô dõng dã, lâm nguy bất cứu mạc anh hùng.” Phải chăng vì thế, mỗi khi nhắc đến người dân Nam bộ, có một điều rất thú vị là không biết tự lúc nào người ta lại ưu ái và trìu mến gọi đó là người “rất Nam bộ” hay “Nam bộ rặt” rất ngộ nghĩnh và đáng yêu.

Về mặt tự nhiên, Nam bộ là vùng đất với những sông ngòi chằng chịt, những ao hồ và ruộng đồng mênh mông… Do cấu tạo tự nhiên có tính đặc thù như thế nên có thể thấy trong sinh hoạt đi lại của người dân người Nam bộ, nhất là ở những vùng quê nông thôn chủ yếu là ghe, xuồng, vỏ lãi, tắc ráng… Những yếu tố này đã tác động trực tiếp đến cách xây dựng và miêu tả hiện thực và con người trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư. Người đọc dễ dàng bắt gặp trong cách thể hiện của chị mọi sinh hoạt và đời sống của con người đều mang dấu ấn của vùng đất phù sa sông nước như: ruộng đồng, kinh rạch, dòng sông, con đò, ghe xuồng, chợ nổi…

Một vấn đề nữa, nói đến Nam bộ cũng là nói đến cái nôi của bộ môn nghệ thuật cải lương. Người Nam bộ vốn rất mê cải lương, rất hay hát những bài vọng cổ cũng như rất quý trọng những người nghệ sĩ ở những đoàn, gánh hát đã đem lời ca tiếng hát của mình để phục vụ bà con sau một ngày lao động vất vả. Cuộc sống sinh hoạt của họ thường gắn liền với những cuộc hát hò vui chơi mà họ gọi là “đờn ca tài tử” thắm đượm tình làng nghĩa xóm… Có thể nói, tất cả những yếu tố trên là kho cứ liệu văn hóa dồi dào, là nguồn cảm hứng mãnh liệt giúp Nguyễn Ngọc Tư xây dựng và khắc họa hình tượng con người Nam bộ mang đậm chất văn hóa Nam bộ: mê đờn ca tài tử, thích hát vọng cổ và đặc biệt là rất thích trở thành nghệ sĩ cải lương…

Cuối cùng, hiện nay, khi đất nước đã thật sự bước vào quỹ đạo chung của xu thế hội nhập và toàn cầu hóa; nhắc đến vùng đất Nam bộ đặc biệt là các tỉnh thuộc miền Tây Nam bộ (trong đó có Cà Mau) có một sự thật làm mọi người phải xót xa, đó là: tuy vùng đất này là vựa lúa, vựa lương thực lớn nhất nước nhưng về mặt bằng dân trí và trình độ học vấn của người dân thì lại thấp nhất nước. Theo đánh giá của các cơ quan quản lý về giáo dục và văn hóa thì đồng bằng sông Cửu Long là “vùng trũng” về giáo dục của cả nước. Đây có thể nói là một thực trạng đau lòng. Chính thực trạng đau lòng này làm nảy sinh nhiều vấn nạn, gây ra nhiều bi kịch của con người nơi đây. Và đó cũng là một trong những đặc điểm quan trọng góp phần tạo nên cách nhìn và thể hiện con người với những ước mơ và khát vọng đời thường, nhỏ nhoi trong hàng loạt truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư. Những con người vì thất học nên cái nghèo, cái đói nghèo cứ mãi đeo đuổi. Để sinh tồn họ phải lăn lộn, phải bươn chải quanh năm trên ruộng đồng, sông nước thậm chí phải đánh đổi cả thân xác…

Như vậy, có thể nói do được sống và lớn lên trên mảnh đất Nam bộ, những nét tính cách trong văn hóa ứng xử cũng như ngôn ngữ của cha ông đã ăn sâu vào tiềm thức của Nguyễn Ngọc Tư. Vì thế, khi sáng tác, những nét văn hóa “rặt Nam Bộ” ấy đã đi vào trang viết của chị một cách tự nhiên như một điều tất yếu không thể nào khác được.

2. Truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư – ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc

Bao trùm các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư là hiện thực cuộc sống con người trên mảnh đất Nam bộ với cánh đồng lúa mênh mông, những con sông uốn lượn hay những bờ kinh, con mương và vô số những đầm, đìa, rạch, xẻo...; những chợ nổi với ghe xuồng, sóng nước tấp nập…; những câu hò, điệu hát lên xuống theo từng con nước lớn, ròng; hay những bài vọng cổ buồn được cất lên từ những đoàn ca múa cải lương đang len lỏi mưu sinh tận trong những chợ quê nghèo… Sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư bao giờ cũng được triển khai trên cái nền của “bức tranh” sinh hoạt văn hóa ở làng quê Nam bộ độc đáo ấy, nói như nhà văn Nguyên Ngọc đó chính là “không gian… của Nguyễn Ngọc Tư”. Ở phương diện nào đó, đây là những lời quãng bá và “tiếp thị” bằng văn chương rất độc đáo Nguyễn Ngọc Tư về những nét đẹp của văn hóa làng quê đồng bằng sông Cửu Long. Điều này đã lí giải vì sao những ai đọc văn Nguyễn Ngọc Tư cảm thấy rất thích thú, yêu mến và xúc động khi đọc đến những dòng, những câu chị miêu tả về cảnh sinh hoạt “đời thường” của người dân quê ở xứ sở ruộng đồng, sông nước miền Tây Nam bộ. Đọc truyện của chị, như tác giả Huỳnh Công Tín đã nhận xét thì: “người đọc sẽ cảm nhận được chất Nam Bộ thể hiện khái quát ở nhiều phương diện của tác phẩm… Trong tác phẩm của chị có một không gian Nam Bộ với những loại cây, tên gọi nghe quen, dân dã: “mắm, đước, sú, vẹt, bần, tra, tràm, choại, quao, ô rô, dừa nước...”, với những vàm, kinh, rạch, xẻo, tắt chằng chịt, mà tên gọi cũng gợi trí tò mò, tìm hiểu ở người đọc: “vàm Cỏ Xước, Vàm Mắm, kinh Cỏ Chác, kinh Mười Hai, kinh Thợ Rèn, Rạch Mũi, Rạch Ráng, Rạch Ruộng, Xẻo Mê, Xẻo Rô, Lung Lớn, Gò Cây Quao...”, hay những tên ấp, tên làng, tên chợ nhiều chất Nam Bộ: “xóm Xẻo, xóm Rạch, xóm Kinh Cụt, xóm Miễu, chợ Ba Bảy Chín, Cái Nước, Trảng Cò, Đất Cháy, Mút Cà Tha …” [6].

Vì vậy có thể nói, ý thức trân trọng, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư trước hết được thể hiện ở sự khẳng định và niềm tự hào của nhà văn về những phẩm chất và giá trị văn hóa vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đọc truyện Nguyễn Ngọc Tư vì thế người đọc không những được thưởng thức những câu chuyện thắm đượm tình người mà còn được cung cấp cấp thêm nhiều cứ liệu văn hóa rất bổ ích về vùng đất cực Nam của Tổ quốc. Ví như người đọc sẽ hiểu thêm về chợ nổi ở Nam bộ; hay hiểu thêm về những gia đình, những con người cả đời phải bươn chảy, mưu sinh trên những chiếc ghe theo từng con nước lớn, ròng được chị tái hiện rất chân thật, sinh động nhưng cũng không kém phần mượt mà và duyên dáng.

“Giang nói không có con kinh con rạch nào mà ghe chưa đi qua, không có đường ngang ngõ tắt nào mà ông Chín không biết. Xuôi dòng, ngược dòng, con nước kém, con nước rong… Lúc đó con Thủy còn mềm xèo nhỏ xíu như con mèo mướp. Hệt như Giang, nó lớn lên trên ghe. Lúc buôn bán, lúc nấu cơm, ông Chín không bồng được, Giang buộc sợi dây dù vô chân nó, đầu kia Giang buộc vô mui ghe. Con Thủy bò chán bò chê rồi nằm ngửa ra, ngó những trái cà, trái khóm, trái bí, bầu ông Chín treo lúc lỉu trên nhánh chà đằng mui ghe.” (Nhớ sông)

Hay đọc Nguyễn Ngọc Tư người đọc phần nào sẽ hiểu thêm về nghề “nuôi vịt chạy đồng” trên những cánh đồng mênh mông, bạt ngàn, “cò bay thẳng cánh” rất đặc trưng ở vùng sông nước Nam bộ:

“Mùa gặt năm nào anh cũng xuôi ghe chở bầy vịt chạy đồng về xóm gạch giồng này. Rồi cất cái chòi bằng lá chuối, quây lưới cầm vịt trên khúc đê trồng so đũa. Từ chỗ này, mỗi ngày anh lang thang lùa vịt đi ăn khắp cả vạt đồng, qua tới vườn xóm lung. Tới khi người ta bừa đất chuẩn bị sạ vụ mới, Sáng lại ra đi…” (Một dòng xuôi mải miết)

Người đọc cũng sẽ bắt gặp trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư những cứ liệu văn hóa về vùng đất Nam Bộ với “cái nôi” của môn nghệ thuật cải lương; hay về những người dân quê Nam bộ vì mê hát cải lương, mê ca vọng cổ đã không ngần ngại bỏ cửa, bỏ nhà, bỏ giàu sang vinh hiển để đi theo những đoàn gánh hát cho thỏa niềm đam mê ca hát:

“Hôm sau khi gánh hát Kim Tiêu trở lại Sài Gòn, có công tử bỏ nhà bỏ phú quí đi theo”. (Cuối mùa nhan sắc)

Ngoài ra, Nam bộ trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư đôi khi chỉ hiện lên một cách giản dị, dân dã qua một món ăn “canh chua bông súng và cá sặc kho khô” rất quen thuộc trong mâm cơm của người dân quê nghèo khó, lam lũ. Món ăn tuy dân dã, bình dị nhưng chứa đựng cả một giá trị lịch sử và văn hóa khẩn hoang của cha ông thời trước được dân gian lưu truyền qua câu ca dao quen thuộc:

Muốn ăn bông súng cá (mắm ) kho
Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm

(Ca dao Nam bộ)

Ý thức trân trọng và giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc trong truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư còn thể hiện ở điểm nhìn tiếp cận hiện thực đời sống với thái độ ngợi ca và trân trọng những giá trị văn hóa đã ăn sâu vào tiềm thức qua bao thế hệ của người dân thôn quê. Điều này nếu so với các nhà văn cùng thời và cùng trang lứa hiện nay như Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Đỗ Hoàng Diệu,… thì đây chính là cái nhìn thể hiện cá tính sáng tạo rất độc đáo của Nguyễn Ngọc Tư. Có thể thấy, hiện thực trong tác phẩm của các nhà văn vừa kể trên chủ yếu được nhìn từ điểm nhìn và chỗ đứng của những con người thành thị đang cố chống chọi với cuộc sống công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất sôi động và nóng bỏng. Đây là cái nhìn của Phong Điệp trong truyện ngắn “Thế là vừa hết một đêm”:

“Hai thằng héo hon tính đã đến hơn chục năm để bon chen chốn thị thành. Cuối cùng một thằng khá hơn, cũng mua được căn nhà xa tít tắp, ở cạnh sông, nước quanh năm đen quánh như mực. Trời hơi dậy nắng là mùi thum thủm từ sông dội lên. Rồi giống như tên kẻ trộm tinh ranh và lành nghề, cái mùi thum thủm ấy, thoắt cái đã chui tọt vào nhà rồi trốn vào một ngóc ngách nào đó mà gia chủ không hề hay biết. Chỉ đến khi nó ăn cắp hết bầu không khí trong lành ở khắp các gian phòng thì chủ nhà mới té ngửa. Nhưng chả làm sao khác được. Coi như cùng chung sống, có chăng cẩn thận hơn bằng việc ra vào khép cửa. Nước lau nhà Sunday hương nắng mới gì gì đó cũng chịu chết, chả tẩy uế được cái mùi thum thủm, nhức cả đầu ấy. “Tên kẻ trộm” đã quyết tâm bám riết lấy “nơi trú ngụ” mới”.

Còn với Đỗ Hoàng Diệu, hiện thực trong tác phẩm của chị thậm chí có lúc còn được nhìn với một thái độ phủ nhận, báng bổ rất quyết liệt những vấn đề liên quan đến làng quê, thôn xóm. Bóng đè là tác phẩm tiêu biểu cho cách nhìn này của Đỗ Hoàng Diệu khi chị nhìn về làng quê và những nếp sinh hoạt của người dân quê (Bắc bộ). Đó là một thái độ lạnh nhạt, được nhìn với ánh mắt “đẩy đưa” của một “tiểu thư” thành thị cảm thấy rất khổ sở mỗi khi phải theo chồng về thăm quê:

“Quê Thụ cách thành phố khoảng ba giờ tàu hỏa. Tôi không ngờ đồng quê khác biệt đến thế… Lần về trước bận bịu khách tôi đã chẳng có thời gian đẩy đưa con mắt.”

Hay: “Tưởng tượng ra viễn cảnh mỗi năm phải còng lưng làm cơm cúng mười bảy đám giỗ cho đến ngày Thụ qua đời, tôi không khỏi ngao ngán”.

Hay: “Vợ tôi thoát nạn nhà quê rồi, tiểu thư thôi không nằm phản mồ hôi nhễ nhại như đêm qua! Sướng nhé!”

Không giống như những nhà văn trên, hiện thực trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư chủ yếu được nhìn từ chỗ đứng thể hiện niềm tự hào của những người dân quê. Tự hào vì trong “bức tranh” hiện thực ấy là những giá trị văn hóa bao đời của cha ông. Với Nguyễn Ngọc Tư làng quê nông thôn tuy nghèo khó nhưng rất thân tình và ấm áp. Trong lời đề từ cho truyện ngắn Nhớ sông, Nguyễn Ngọc Tư tái hiện cảnh sinh hoạt của chợ nổi - một nét văn hóa rất đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rất hay như sau:

“Tôi thường đứng trên cầu Gành Hào, nhìn về chợ nổi, ở đó có thể trông thấy một dãy ghe rập rờn xao động cả mặt sóng, những cái chân vịt gác chỏng lên loang loáng dưới mặt trời. Mỗi chiếc ghe là một ngôi nhà nhỏ, ngang hai mét, dài năm bảy mét. Nhỏ bé, chật hẹp. Nhưng có một cái gì đó thật khác thường, thế giới đó hẹp đến nỗi chỉ vừa xoay lưng, để nằm co, để cúi người…mà cũng dài cũng rộng vô phương bởi cuộc sống rày đây mai đó, lênh đênh cuối bãi đầu ghềnh. Những chiều tà chợ nổi đìu hiu bập bềnh đâu hết một vạt áo nắng vàng hoe hoe, đỏ hoe hoe. Những người đàn bà cúi đầu chăm chăm xới nồi cơm dào dạt khói, những người đàn ông xếp bằng trên mui ghe vấn những điếu thuốc to đùng bằng đầu ngón chân cái, phì phà nhả khói lên trời. Những đứa trẻ con ngồi tênh hênh trên mũi ghe câu cá chốt, cá mè. Những cô gái sau một ngày bán hàng mệt mỏi soi mình xuống sông, chải tóc.”

Còn đây là nét sinh hoạt chuẩn bị cho một đám cưới quê cũng rất đặc trưng ở vùng sông nước Cửu Long:

“Vẫn còn tiếng lụp cụp rộn ràng của mấy cây dao chặt vào mặt thớt mù u. Vẫn tiếng nói cười xao động từng chòm nhóm của các chị các dì trong nhà bếp. Tiếng máy đèn chạy tạch rè. Đằng trước rạp, nhóm ca cải lương dạo đàn lửng ta lửng tửng rồi ai đó vô câu vọng cổ ngọt xớt. Không biết vô tình hay cố ý, anh chàng nọ kê micrô gần miệng mà uống rượu nghe đánh cái chóc giòn thiệt giòn rồi khà ra tuồng như cay đắng lắm, chua xót lắm, bắt thèm. (Huệ lấy chồng)

Hay trong truyện ngắn Nhà cổ, Nguyễn Ngọc Tư nói rất chân thành và xúc động về nguyên nhân hai anh em nhân vật Tứ Hải không chịu bán căn nhà cổ xiêu quẹo, mục nát:

“Nhân Phủ” của anh cách nhà tôi một hàng rào cặm bằng cây bình bát, đó là ngôi nhà cũ kỹ, già nua nhất làng cổ Phương Điền. Nghe kể, ông tổ nhà anh Tứ Hải đã đứng dưới cây dông nem trước nhà, bảo tốp thợ ông muốn làm một ngôi nhà đẹp nhất, rộng nhất xứ này, một ngôi nhà thật lớn cho tất cả con cháu ông khi sinh ra đều có chỗ cho mình. Ròng rã hơn ba mươi năm, những người thợ xứ Quãng đã làm nên một kiệt tác nhà rường Nam bộ nghiêm cẩn, công phu chạm trổ từng chi tiết nhỏ, từ cây cột cái tới ngạch cửa, từ cánh cửa tới mấy cái bậc tam cấp lối vào… Nghe kể, khi làm “Nhân Phủ”, người ta đã cúng đủ mười lễ, nên nó điềm nhiên đi qua hai cuộc chiến tranh mà không có một vết tích nào”.

Tương tự vậy, trong truyện Một mối tình, người đọc cũng bắt gặp một không gian kỉ niệm mang đậm chất văn hóa truyền thống của cha ông. Nhân vật Trọng trong truyện - một thanh niên còn trẻ nhưng rất có ý thức trong việc nâng niu, gìn giữ nếp văn hóa bao đời của gia đình mình qua bao thế hệ:

Nhà Trọng có một cái lạ nữa là trên bàn thờ lúc nào cũng chong đèn, ngày tháng này qua ngày tháng khác, năm này qua năm khác, ngọn đèn truyền từ đời cố Trọng, nội rồi tới Trọng, không bao giờ được phép tắt. Chiều nào chị em tôi đi ngang qua cũng thấy Trọng lọ mọ ngồi lau cái bóng đèn hột vịt ám khói, châm dầu bằng cái vẻ thành kính, nâng niu.”

Những vấn đề trên một lần nữa cho thấy tác giả là một người am tường và gắn bó sâu đậm với những giá trị văn hóa của cha ông. Trong thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, một nhà văn với tuổi đời còn khá trẻ như Nguyễn Ngọc Tư nhưng biết, hiểu và quan tâm đến “cái bóng đèn hột vịt ám khói” – có thể nói là một kỷ niệm, một kỷ vật chứng nhân cho một thời, một giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc - là rất đáng trân trọng. Phải là người gắn bó sâu nặng và có ý thức giữ gìn những giá trị truyền thống của cha ông mới có thể viết hay và thiết tha như vậy.

Tóm lại, có thể nói, từ những sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư cho thấy ở chị một điểm nhìn, một cái nhìn, một cách tiếp cận hiện thực đời sống thể hiện sự hiểu biết khá sâu sắc về văn hóa và con người Nam bộ. Tất cả những vấn đề trên cho thấy ở Nguyễn Ngọc Tư cái tâm thế luôn tìm về với những giá trị văn hóa, đạo đức truyền thống của cha ông. Đây phải chăng cũng là quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư – quan niệm: khẳng định vẻ đẹp và ý nghĩa của cuộc sống con người không thể tách rời tâm thức và cội nguồn văn hóa dân tộc; là cách Nguyễn Ngọc Tư tiếp cận hiện thực đời sống xã hội - một sự kế thừa và tiếp nối về một khuynh hướng tiếp cận hiện thực từ góc nhìn văn hóa trong sáng tạo văn chương nghệ thuật từ các thế hệ cha ông?
3. Thay lời kết

Có thể nói, việc tái hiện đồng thời khẳng định những giá trị văn hóa của cha ông vào trong tác phẩm là một việc làm có chủ ý của Nguyễn Ngọc Tư trong quá trình phản ánh hiện thực cuộc sống. Sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư đã chuyển tải được những giá trị văn hóa độc đáo của cha ông đến với người đọc bằng một sự cảm nhận rất “đời thường”. Đây có thể xem là khuynh hướng thẩm mỹ trong sáng tạo nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Tư - khuynh hướng thổi vào tác phẩm những phẩm chất và giá trị văn hóa của dân tộc, của quê hương (cụ thể ở đây là những nét đẹp văn hóa nơi vùng đất cực Nam của tổ quốc). Điều này cũng góp phần lý giải vì sao sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư nói chung luôn được đông đảo bạn đọc ủng hộ; được các nghệ sĩ, sân khấu và điện ảnh tìm đến với một sự đồng cảm sâu sắc với mong muốn được chuyển tải lại bằng ngôn ngữ nghệ thuật của riêng họ (các tác phẩm Cánh đồng bất tận, Dòng nhớ, Chiều vắng… của Nguyễn Ngọc Tư được các nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh mua bản quyền chuyển thành kịch bản sân khấu và kịch bản điện ảnh). Thành công của Nguyễn Ngọc Tư một lần nữa cho thấy bản lĩnh của Nguyễn Ngọc Tư khi đã dũng cảm chọn cho mình một hướng đi riêng đó là: không “chạy theo đám đông”, không chạy theo xu hướng “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” cả trong cách nghĩ và cách sống (nhiều khi rất tầm thường và “lệch chuẩn”) mà khá nhiều nhà văn trẻ hiện nay đang xem là “mốt” thời thượng khi sáng tác. Tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư vì thế, thoạt nhìn bề ngoài có gì đó rất “xù xì”, “thô mộc” nhưng khi ngắm kĩ, nhìn kĩ lại thì lại sẽ thấy rất thùy mỵ, rất dịu dàng và “nết na” phản ánh đúng cái chất truyền thống - cái tâm hồn Việt Nam nghìn đời. Đọc Nguyễn Ngọc Tư vì vậy, nếu là người đang sống trên mảnh đất này sẽ cảm thấy rất tự hào vì quê hương Nam bộ khi đi vào trang viết của Nguyễn Ngọc Tư sao mà đáng yêu, đáng quý đến thế. Nếu là người có một thời sống ở mảnh đất này nhưng vì cuộc sống phải tha hương cầu thực thì những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư không chỉ cho họ thêm niềm tự hào mà còn gợi lên trong lòng một cảm giác cồn cào nhớ quê đến quay quắt cháy bỏng, thầm mong một ngày nào đó được trở về. Còn nếu là người chưa một lần đặt chân đến đây, những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư chính là lời giới thiệu giúp họ hiểu thêm về con người và vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước rất đáng yêu và đáng tự hào của tổ quốc.

MỘT SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

1. Nguyễn Văn Hạnh - Văn hóa như là nguồn lạch sáng tạo và khám phá văn chương. Tạp chí văn học, số 1, năm 2007

2. Hoàng Ngọc Hiến - Văn học gần và xa. Nhà xuất bản Giáo dục, 2006

3. Nguyễn Đăng Mạnh - Nhà văn tư tưởng và phong cách. Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2001

4. Sơn Nam - Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa và văn minh miệt vườn. Nhà xuất bản Trẻ, 2004

5. Lê Ngọc Trà - Lý luận và văn học. Nhà xuất bản Trẻ, 2005

6. Website http://www.viet-studies.info/NNTu/ (chuyên trang về Nguyễn Ngọc Tư do Trần Hữu Dũng thiết kế và quản lý).

Nguồn: Chất người Nam Bộ trong văn Nguyễn Ngọc Tư
http://dayvahoc.blogspot.com/2010/10/chat-nguoi-nam-bo-trong-van-nguyen-ngoc.html



"NHẬU" NGUYỄN NGỌC TƯ

Văn Công Hùng

Mình đang trên xe từ Hà Nội xuống Quảng Ninh, em Nguyễn Phan Quế Mai ngồi hàng dưới khen bài "Nhậu NNT" viết công phu in trên NTM hôm qua Nguyễn Quang Thiều đã mang đến chỗ Phan Hoàng giới thiệu sách mới. Báo 2 màu mà sang và có gu lắm. Bài này ém mãi, giờ báo ra mới mang mời bạn đọc.

Thú thật là trước khi bay từ Sài Gòn xuống Cà Mau, tôi không có ý định và cũng không nghĩ mình sẽ gặp Nguyễn Ngọc Tư. Phần vì biết Tư dạo này làm báo rất bận, chắc gì đang ở Cà Mau, phần vì vẫn cấn cái cái vụ phỏng vấn Tư cho tờ Văn học và Tuổi trẻ mà... 6 tháng Tư mới trả lời email. Thêm nữa lịch duýt duỵt, mà lại còn bao nhiêu bạn văn tụ tập về vùng đất này, chỉ nguyên việc bắt tay, làm với nhau 1 ly là đã đủ hết ngày và đứ đừ rồi.

Ấy thế mà lại lòi ra một tối rỗi. Tôi ngồi với nhà thơ Lê Huy Mậu, Đàm Chu Văn và mấy người nữa ngay ở cái xe đẩy trước cửa khách sạn và uống... nước rau má. Thế này thì phí thật, phí nguyên cái buổi tối tuyệt vời ở cái thành phố tận cùng đất nước mà ai cũng một lần mong đến này, phí cả cái ly nước rau má và cái ghế ngồi trông ra trước cái đại lộ gì quên mất tên... Tôi rút điện thoại gọi Nguyễn Ngọc Tư, mới tút hai nhịp đã thấy cái tiếng đơn đớt hơi lặp của Tư: Anh đang ngồi đâu, em biết anh ở Cà Mau rồi, đến đây cà phê với tụi em đi, em đang ngồi với... Tôi nói anh ngồi cũng đông người, muốn cà phê với em ngay tại cửa khách sạn cho có không khí, vì có mấy nhà thơ già (tôi nhìn Mậu cười) không đi nổi. Tư bảo thế ngồi đấy đi, tí em tới... Nhưng rồi chính tôi lại chủ động gọi lại nói Tư thôi cứ ngồi với bạn ở đấy đi, mai mình gặp nhau, người chứ có phải cái bánh xe đâu mà lăn qua lăn lại mãi thế. Mình cũng chỉ là một trong những fan hâm mộ mà thôi, phải biết... nhường cơm xẻ áo cho kẻ hâm mộ khác.

Tối sau Tư chủ động gọi, hẹn sau tiệc chiêu đãi của ủy ban anh em mình gặp nhau hén. Có một chuyện ngoài lề nữa, là vô tình vợ chồng tôi lại gặp nhau ở Cà Mau. Vợ tôi đi công tác với cơ quan bằng ô tô qua nhiều tỉnh, đi trước tôi cả tuần và đến Cà Mau trước tôi một hôm. Tư biết nên hẹn em sẽ đến đón chị. Lại còn ngoặc thêm: Vẫn chị bữa trước hả. Là có đận Tư đã vào nhà tôi ở Pleiku. Vào lần đầu tiên mà rất hiên ngang, tự nhiên đi thẳng xuống bếp như đã quen lâu lắm với một câu chào mà bất cứ bà chủ nhà nào cũng... mát ruột: Em chào chị dâu.

Chúng tôi đi ô tô, ngoài vợ chồng tôi còn có nhà thơ Lê Huy Mậu, Lê Thanh My, nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Huỳnh Văn Quốc... Tư xe máy dẫn đường. Tôi đề xuất là đến đâu đó vỉa hè uống với nhau chai bia nữa thôi, chứ còn lúc nãy đã uống rượu ủy ban rồi, tê tê cả rồi, nói huyên thuyên rồi. Tư bảo cứ theo em. Giản dị giày vải, quần jean áo thun với cái túi ký giả, cứ chạy một đoạn đến ngã tư lại hạ chân ngoảnh đầu đứng chờ, cái mũ bảo hiểm như cái nấm ngúc ngoắc trông rất ngộ. Một cái nhà hàng khá xịn với không gian rất đẹp, rất rộng, có sân vườn và những ngôi nhà cổ toàn bằng gỗ tuyệt đẹp với đội ngũ nhân viên đồng phục rất chuyên nghiệp. Chúng tôi chọn một cái bàn ngoài sân, khá biệt lập, bên cạnh một hồ nước nhân tạo có hòn non bộ để tận dụng hơi nước cho mát và thoáng, có thể nói chuyện thoải mái.

Tư là người rất ghét chụp ảnh và rất sợ bị đưa ảnh lên mạng dù ở blog Sầu Riêng của chị cái ảnh avatar là một cô Tư đang lấy tay che mặt khá teen và duyên. Với tôi đã 2 lần Tư đề nghị điều ấy. Lần thứ nhất là hồi chị lên Pleiku, tôi đi theo làm hướng dẫn viên, tiện tay chụp một mớ ảnh, sau đó tối post lên blog. Khuya khuya nhận được một tin nhắn tửng tửng: làm ơn gỡ giùm mấy tấm ảnh hộ đi, trông muốn... ói quá. A té ra là cô nàng có đọc blog của mình. Lần sau là ở Bến Tre, sáng tôi đi bộ bên bờ sông Hàm Luông, gặp cô nàng huỳnh huỵch chạy, sẵn máy ảnh đang giương chụp bình minh Bến Tre tôi lia sang phát, nhưng cô nàng rất tinh, một tay che mặt, chân bước chéo về trái nơi có cái cây khiến cho bức ảnh chỉ nhòe một bóng con gái không rõ hình hài, như là một nhân vật của bức ảnh thôi. Tôi đưa lên blog trong entry chung về Bến Tre, thế mà cũng nhận được ngay tin nhắn: Đổi hen, anh hạ ảnh em xuống, em gửi truyện ngắn cho anh. Chả là một tờ báo nhờ tôi xin một cái truyện của Tư in số tết. Anh hạ xuống cái em mail truyện ngay, còn không thì...

Thế nên tối ấy tôi đã rất ngạc nhiên khi tôi đề nghị trước khi nhậu tất cả chúng ta chụp chung một bức ảnh và Tư đã chấp nhận ngay.

Bây giờ thì Tư đã là... đặc sản Cà Mau. Dân viết lách, mà chả cứ chỉ dân viết lách nữa, bạn đọc thôi, đã về Cà Mau là đều muốn gặp Nguyễn Ngọc Tư. Chả thế mà mới đây, nhà báo Mai Thanh Hải tự nhiên điện cho tôi: Em sắp Cà Mau, anh giúp em làm quen với Nguyễn Ngọc Tư với. Tôi hơi ngại, bởi ngoài chuyện làm báo khá bận, thì tôi biết tính Tư khá lành, có phần e dè tiếp xúc. Đến chụp ảnh còn ngại nữa là. Mà lại còn chồng còn con. Tuy thế tôi vẫn giới thiệu với Tư là anh có thằng bạn nhà báo như thế như thế, fan hâm mộ em, nó về Cà Mau chỉ để thăm 2 nơi, một là địa đầu đất Mũi, và 2 là... em, em chịu khó gặp nó nhé. Tư hỏi lại tôi một chút về Hải rồi bảo anh cứ cho số điện thoại đi. Hải về Cà Mau, ngày đầu không gặp được, gọi máy không thưa, tôi phải "đền đạn" bằng một anh bạn nghệ sĩ nhiếp ảnh, quan chức văn nghệ Cà Mau và một cây bút trẻ ở đấy. Tưởng Tư tránh thì tối sau chị chủ động gọi lại cho Hải và hẹn nhau ngồi ở một quán nhậu nào đấy. Cũng tưng bừng và tất nhiên là Hải chụp ảnh búa xua đúng với tư chất một fan hâm mộ. Nhưng cuộc nhậu nó hay ở chỗ là nhậu... đổi ca. Tôi chơi với Tư lâu nhưng chưa một lần biết mặt ông xã Tư, kể cũng tệ. Lẽ ra hôm nhậu cả hai vợ chồng với Tư phải đề nghị Tư mời ông xã ra. Thế mà hôm Hải ngồi với Tư nửa chừng thì Tư về trông con thay ông xã, điều chồng ra ngồi tiếp với Hải. Khuya thấy Hải gọi điện kể giọng đầy mãn nguyện. Chứ lại chả không, ước về gặp và thăm 2 đặc sản, giờ hóa 3. Chồng Tư làm nghề thợ bạc, nhưng ngoài ra anh còn là một chỗ dựa để Tư có thể tung tẩy viết văn. Nguyên cái việc cứ ở nhà trông con cho vợ đi công tác, và cả đi ngồi với fan hâm mộ là oách rồi, hiếm có anh chồng nào làm được rồi...

Cách đây gần hai chục năm, tôi cùng Nguyễn Ngọc Tư dự một trại sáng tác văn học tổ chức tại trường phụ nữ trung ương ở Láng Trung. Hồi ấy Tư đang là nhân viên thủ quỹ của hội Văn học Nghệ thuật Cà Mau. Trong trại tôi thấy Tư có hai việc hay làm, một là kêu một tay xe ôm chở ra bờ hồ chơi, nhiều khi tha thẩn cả ngày ở đấy, đến nỗi tay xe ôm quen mặt, có lần... không lấy tiền. Hai là thi thoảng lôi cuốn sổ ra cộng cộng nhân nhân. Thì ra đấy là sổ... nợ của cơ quan. Tôi thấy trong cuốn sổ ấy có tên cả mấy nhà văn tôi quen như Nguyễn Thanh, Lê Đình Trường. Cái thời ấy vui và trong sáng đáo để...

Đến giờ, gặp được Tư quả là khó vì chị thoắt ẩn thoắt hiện như chim. Đại hội nhà văn lần thứ 7, cứ cậy mình quen, ào xông vào rủ Tư đi đám này đám kia, té ra có nhiều người... quen hơn mình cũng ào ào xông vô. Nhưng tính Tư vốn lặng lẽ, xong cơn ào ào ấy, Tư lại ở một mình trong phòng, còn cái đám ào ào kia thì đi nhậu.

Đại hội nhà văn 8 vừa rồi, gặp nhau nhoáng một cái. Thấy Tư vẫn lặng lẽ tránh các đám đông dù rất nhiều người kéo Tư vào chụp ảnh. Tôi phát hiện thấy nếu né không được thì Tư mới đứng vào chụp chứ không có vẻ hào hứng một tẹo nào thế nên cũng không... bằng mọi giá xông vào chụp ảnh với chị.

Một lần Tư hẹn, anh với em thi thoảng chat nhé. Bảo biết lúc nào em lên mạng mà chat. Trả lời tỉnh bơ: Cứ thấy em đỏ đèn thì là... em đang online. Thế mà có bao giờ thấy email của Tư đỏ đèn đâu, mail thì cả tháng chưa thấy trả lời. Đây là một cuộc chat hiếm hoi giữa tôi và Nguyễn Ngọc Tư:

VCH- Từ "Ngọn đèn không tắt" đến "Cánh đồng bất tận" là một sự thay đổi rất lớn của Nguyễn Ngọc Tư cả về bút pháp và cách nhìn đời sống. Em công nhận không?

NNT: Từ "ngọn đèn" tới "cánh đồng" mình gói vào một câu nhưng là khoảng cách 5 năm. Lẽ tự nhiên, em lớn lên, chững chạc thêm chút già đi thêm chút. Văn phong cũng vì vậy mà thay đổi, nói chung thì càng ngày càng… phức tạp. Em thường nghĩ trời đất ơi mình phức tạp quá, liệu hai mươi năm nữa thì sự phức tạp đó đậm đặc tới mức nào. Cũng may ông trời sáng suốt, thấy nhiều ông bạn già của mình giờ đơn giản lắm, hồn nhiên như trẻ con vậy. Cứ nhìn họ là mình lại thấy hy vọng…

VCH- Anh khâm phục "Cánh đồng bất tận" nhưng lại thích thú và yêu mến "Ngọn đèn không tắt" hơn. "Ngọn đèn không tắt" tài hoa và đằm sâu nhân hậu. "Cánh đồng bất tận" khốc liệt và thông minh. Tất nhiên nó vẫn là một Nguyễn Ngọc Tư của đồng bằng Nam Bộ, của Cà Mau, nơi mà mình thấy Nam Bộ với nền văn hóa độc đáo khu biệt đã làm nên tên tuổi Nguyễn Ngọc Tư và ngược lại Nguyễn Ngọc Tư đã làm cho vùng đất này trở nên phổ biến không chỉ trong nước, mà cả ở nước ngoài, bằng những trang văn tài hoa và tình yêu ngộp thở với nó...

NNT: Tư cũng yêu "Ngọn đèn không tắt". Dạo ấy còn ngây ngô, viết câu văn cũng ngây ngô, ý tưởng càng ngây ngô. Mà trong trẻo, giản dị. Em vẫn thường nói đó là cuốn hay nhất, bởi vì mình không thể viết lại giống như vậy. Những va chạm, những trải nghiệm mới đã làm em vẫn yêu vùng đất này, nhưng yêu kiểu khác, riết róng và thực tế. Em nhận ra rằng chỉ cần mình yêu và gắn bó thật lòng, thì yêu kiểu nào cũng truyền dẫn tình yêu đó đến với người đọc, dù ít hay nhiều. Đọc "Cánh đồng bất tận" không làm người ta sợ Nam Bộ đâu, em tin vậy…

VCH- Nếu có một thành phố nào đó, chiêu hiền đãi sĩ, mời thì em có chuyển nhà về đấy không?

NNT: Không, cho đến giây phút này, em chẳng mảy may nghĩ mình sẽ bỏ xứ mà đi đâu đó. Để bứng mình đi hẳn phải có cú sốc nào đó ghê gớm lắm. Nhưng nó chưa xuất hiện mà em thì cũng chẳng mong đâu (hình icon mặt cười xuất hiện).

VCH- Em đang đọc gì? Có cuốn nào của tác giả trong nước không?

NNT: Ôi, nhiều loại lắm, biết kể sao cho xiết. Sách cũng tùy tâm trạng, buồn thì tìm đọc thứ nhẹ nhàng, vui lại tìm những cuốn sách nặng đô, những cuốn có vấn đề đọc để… buồn. Nhưng văn học dịch thiếu nhi bao giờ cũng thích, con nít trong đó mới đúng là con nít. Đọc bao giờ cũng thấy mình bớt phức tạp hẳn.

VCH- Có một hiện tượng là các nhà văn rất ít đọc... thơ? Tất nhiên anh biết vừa rồi em có tạt ngang chút đỉnh với thơ và... đau đớn thay cho cánh làm thơ (có anh) là thơ Nguyễn Ngọc Tư cũng được chào đón như văn xuôi.

NNT: Trời, em đọc thơ chứ. Sổ tay ghi đầy những câu thơ (của người khác, tất nhiên). Em còn hay lân la chơi với mấy chú nhà thơ như Chim Trắng, Lê Văn Ngăn, Tô Thùy Yên… Nhưng thơ thường khó mua lắm, nếu như tác giả không… tặng, em buộc phải mò lên mạng để đọc, nhất là của những anh chị thơ trẻ. Việc làm thơ cũng là em bỗng nghĩ ra ý này ý nọ mà không thể diễn đạt bằng văn xuôi, mà bỏ luôn thì uổng quá. Không mấy khi gặp trường hợp vậy, mong anh đừng tỏ ra… đau đớn, hahaha.

VCH- Em đánh giá về tản văn như thế nào? Người ta có thể sống được bằng chuyên viết tản văn không nhỉ?

NNT: Không sống được. Nếu viết dở. Không ai đăng cho. Nhưng nói sống theo kiểu khác thì sống được, nhất là nếu người đó cô đơn và trầm tính, không thích bộc bạch mình bằng lời. Thì viết tản văn. Như một kiểu nhật ký, để người viết gửi gắm những điều mình nghĩ. Bằng cách này em gửi gắm được nhiều thông điệp, giải tỏa những cảm xúc đầy ứ trong lòng, mà truyện ngắn không làm được. Truyện của em toàn ảo, không gian và người ảo, không có hoặc rất ít Nguyễn Ngọc Tư ở đó. Em cho rằng tản văn gần với người viết nhất, bộc lộ tâm tư tình cảm của người viết nhiều nhất...

Nguyễn Ngọc Tư là một hiện tượng của văn chương Việt Nam. Ngoài truyện ngắn và tiểu thuyết, tản văn của chị cũng là một thương hiệu, đến nỗi có ít nhất 2 trang web có hẳn mục riêng- Tản văn Nguyễn Ngọc Tư- chỉ đăng tản văn của chị và thường xuyên có rất nhiều lượt truy cập. Chị chứng minh một điều rằng, tài năng văn chương là thiên bẩm, nó sẽ phát lộ khi có điều kiện. Việc học đối với nhà văn chính là quá trình vật vã sáng tạo của họ. Quá trình ấy có sự quan sát đời sống, nghiền ngẫm cuộc đời, độc thoại với mình và đối thoại với mọi người, đau đớn với nó, trăn trở cùng nó... rồi là tìm cách thể hiện nó ra thành chữ, bắt những con chữ ấy cựa quậy trên trang giấy và trong lòng người đọc. Quá trình học tập của nhà văn là quá trình tự vượt lên những trang viết của chính mình để mình trưởng thành từ chính những trang viết ấy. Tất nhiên nhả ra một thì phải thu nạp hàng trăm, bằng chính những trải nghiệm của mình, sự quan sát tinh tế và cả sự khốc liệt của suy nghĩ...

Nhớ cái đận "Cánh đồng bất tận" gặp nạn. Không khí căng như dây đàn. Cũng là người ở tỉnh lẻ, và cũng từng dính vài ba vụ quy kết văn chương, tôi hình dung cái tỉnh Cà Mau khi ấy nó nặng nề như thế nào. Nếu như ở thành phố lớn một thì sự ngột ngạt ấy ở tỉnh lẻ là cả trăm, ai cũng nhìn mình như tội phạm, như sắp bị bắt đến nơi. Khi ấy Tư lại còn đang là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nữa, một câu nói thật của Tư về vai trò cá nhân của mình trong hội đồng lại càng làm "ngứa con mắt bên trái" của mấy bác, trong đó đặc biệt là bác Vưu Nghị Lực. Tôi nêu tên đích danh bác này là bởi hồi ấy bác này đăng đàn rất ghê, oánh cho Tư không có đường lùi, thậm chí còn đề xuất "trục xuất" Tư khỏi Cà Mau. Tất nhiên không phải tất cả bạn đọc Cà Mau đều nghĩ như vài bác cán bộ là Tư nói xấu người Cà Mau, nói xấu dân đồng bằng, nhưng họ lại không có diễn đàn, thế nên hồi đầu chỉ thấy các bài quy kết "cánh đồng bất tận" độc diễn. Sau đó thì một loạt báo lên tiếng, tôi nhớ mình cũng có một bài ngắn trên báo Văn Nghệ trẻ, rồi Hội Nhà Văn trao giải thưởng cho cuốn này, một cuộc trao giải "vượt ngưỡng" vì nguyên tắc là chỉ trao giải cho sách của năm ấy, mà tập của Tư thì ngoài "Cánh đồng bất tận" còn có thêm mấy truyện ngắn in lại. Biết thế nhưng không ai phản đối, bởi thứ nhất là "Cánh đồng bất tận" xứng đáng, thứ 2 là đây là một cách bày tỏ thái độ một cách rõ ràng và cương quyết của Hội Nhà văn. Bây giờ gặp có hỏi Tư cũng không thích nhắc lại chuyện này, thường là lảng sang chuyện khác, và bác Lực ấy, bây giờ chuyển công tác nhưng cũng không như xưa nữa, cái nhìn đã thông thoáng và nhân hậu hơn, thấu đáo và nhân văn hơn.

Sau đấy thì "Cánh đồng bất tận được trao giải thưởng văn học ASEAN, một cách công nhận nữa, và nó được làm phim, một bộ phim rất thắng về doanh thu, nghe nói cao nhất Việt Nam từ trước đến nay ở thời điểm ấy. Nhưng riêng tôi, khi xem đến cái kết, tôi đã phải không thể kìm nén một tiếng thở dài. Thôi bỏ qua các loại sạn lổn nhổn như mọi phim Việt ta hiện nay, thì nó là phim khá nhất trong các loại phim Việt mà mình được xem đến giờ, trừ cái kết. Một cái kết lạ lùng nhất trong mọi cái kết phim tôi đã xem. Cả bộ phim là sự dồn nén, dồn nén cùng cực giữa một thằng cha thù đàn bà với một cô gái điếm nhưng... đoan trang, với hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, dậy thì mà lại sống chung thuyền với ngồn ngộn da thịt... cho đến khi cô gái điếm đoan trang kia chịu không được gã đàn ông khùng thì bỏ đi, cậu trai tí nhau bỏ đi theo tìm với tư cách trai tìm gái, còn lại cô gái trong sáng như thiên thần và thằng cha tăm tối kia ở lại cái thuyền với những con vịt thì bị một lũ lực điền côn đồ hiếp. Kinh hoàng là chúng dùng sức mạnh bẻ cổ người cha đang nằm dưới bùn bắt ngẩng đầu lên nhìn cô con gái mỏng manh ngơ ngác kia bị hiếp cũng trên cánh đồng năn lác, cảnh này quay kinh lắm, giỏi lắm, hai cái thân bầm dập lê lết, với với ngoắc ngoắc trong hoàng hôn đầy ám ảnh. Thế rồi... kết. Cả hai bố con cười tí tớn như địa chủ được mùa. Ông bố giãn nở cơ mặt chở đò đưa học trò đi học. Cô con gái thiên thần thuở nào bây giờ thỏa mãn và hạnh phúc vênh váo cái bụng bầu lên như một cuộc tình hạnh phúc khoe với những đám mây và đàn chim đang bay về tổ, một trăm phần trăm phim Việt, bỏ vào xứ nào cũng không lẫn. Tôi phải thốt lên: Sao nó giống phim Triều Tiên, Trung Quốc thuở nhỏ mình hay xem quá. Nhân hậu tha thứ là nhẽ đương nhiên, là thông điệp chính của bộ phim như đạo diễn nói, nhưng nhân hậu kiểu kết phim này, tôi lại thấy nó... ác.

Trở lại cái hôm nhậu ấy. Tôi và Lê Huy Mậu đều đã say, chúng tôi như hai con... nghé ngồi kích bác nhau đủ thứ, chủ yếu là về cái bài hát Khúc hát sông quê mà Mậu là tác giả phần lời. Tư chỉ ngồi cười cười và thi thoảng lại nâng ly dzô. Mà Tư dzô thật chứ không chỉ hô lấy đà như các bà các cô khác. Và chính vì thế mà chúng tôi cầm lòng không đặng, chúng tôi tiếp tục như hai con nghé thấy cỏ non. Kết quả là Lê Huy Mậu liêu xiêu lên xe và sáng sau bỏ cuộc đi Đất Mũi...

Rời Hội Văn học Nghệ thuật Cà Mau, giờ Tư làm cho một tờ báo ở thành phố Hồ Chí Minh, nghe nói thu nhập cũng rủng rẻng, nhưng phải làm việc quyết liệt, phải đi nhiều. Hôm Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc ở Tuyên Quang, Tư vừa là thành viên ban nhà văn trẻ, vừa là đại biểu "nhà văn trưởng thành" được mời, nhưng chị chỉ ghé Tuyên Quang được một đêm rồi sáng sau phải sang trước Thái Nguyên chứ không dự được chút nào, dù rất nhiều cây bút trẻ háo hức muốn gặp chị, và ngay ban tổ chức cũng hình như là chưa gặp được. Cũng như thế, hôm hội thảo văn xuôi ở Bến Tre do Hội Nhà Văn tổ chức, chị là thành viên Ban công tác nhà văn ở Đồng bằng Sông Cửu Long, nhưng cũng chỉ dự được một ngày, hôm sau phải từ Bến Tre vọt xe đò thẳng về Bạc Liêu tác nghiệp theo điều động của tòa soạn. Nghề báo nó khắc nghiệt thế. Nó tôn trọng sự nổi tiếng của tác giả, nhưng nó cần hơn kết quả trước mắt, ngay lập tức. Sản phẩm của nó là ăn tươi, là bắt tận tay day tận mặt. Anh lè phè là bị gạt ra ngoài ngay. Công việc ấy vừa là danh dự, lại vừa là nguồn sống của gia đình nên không thể lơ mơ được. Và cũng nhờ đi thế, dạo này tản văn của Tư lên sắc hẳn, đọc không lênh phênh như hồi đầu, mà nó cứ nhoi nhói thân phận, cứ mang mang cái nỗi buồn chợt gặp. Những chợt gặp ấy như cái cớ, cái duyên để tác giả tải cái nghĩ cái biết cái đau đáu không cùng của mình. Trông cái người có vẻ đơn giản thế kia mà bên trong ấy bao nhiêu suy nghĩ đang giằng xé, bao nhiêu cảnh đời đang găm lại, bao nhiêu điều muốn bày ra. Chữ của Tư thì khỏi nói rồi, nó vừa lấp lánh vừa trĩu nặng, và cái chính là nó không làm dáng, nó hiện lên đúng lúc cần, tải ngay điều nó phải có trọng trách, mà vẫn tung tẩy, vẫn tài hoa, vẫn tươi rói dư vị phương nam như con cá kèo đang quẫy trong ruộng, con cá thòi lòi bậm bạch bên sông... Mà cái dáng Tư dễ lẫn vào đời lắm. Cứ giày vải, túi tòng teng, một cái xe máy hoặc xe đò, nước da lẫn vào phù sa thế, đi đâu chả tới. Mới đây Tư hẹn: Hôm nào em bay lên Pleiku, anh thuê giúp cái xe máy, em chạy lên Măng Đen ngủ một đêm. Tôi hiểu ngay một đề tài đã lóe trong đầu. OK thôi, thậm chí nếu rảnh, anh đi cùng em, gần hai trăm cây số đường đèo chứ mấy...

Viết xong bài này, như tính cẩn thận thường có, tôi mail cho Nguyễn Ngọc Tư với lời nhắn: "Em thân yêu, anh phải "nhậu" em thôi. Em đọc giùm anh nhé, và nếu có thể, cho anh vài cái ảnh, không thì anh phải dùng ảnh em đang chạy thể dục thôi, hơ hơ". Tư trả lời ngay, "Biết rằng không thể ngăn được con đường... nhậu của anh. Thôi đành. Nhưng đừng nói chuyện tiền bạc ai trả trả ai, cho bọn nhà văn nó có tính sang trọng tí, anh. Ảnh đây, ít nhất không làm thất vọng các chàng trai". Tôi mail tiếp: "nhất trí, không đứa nào trả tiền cả dù đoạn ấy khá vui và hot". Và Tư: "Bỏ 1 câu thôi mà. không suy suyển tới thằng hot và thằng vui". Thế nên trong bài này tôi đã bỏ một câu khá hot và vui về việc ai trả tiền bữa nhậu ấy và biết thêm chi tiết là trên đời có một thằng hot và một thằng vui.

V.C.H
Nguồn: "Nhậu Nguyễn Ngọc Tư" Blog Văn Công Hùng http://www.vanconghung.com/2012/02/nhau-nguyen-ngoc-tu.html

Văn Công Hùng, Hoàng Kim đối đáp thơ. VĂN CÔNG HÙNG THƠ KHAI BÚT ĐÂY Ạ (*): ly rượu cô vào đêm/ giao thừa chợt nhiên sớm/ta trôi vào mê lạc chợt nhiên em/ những niên kỷ trôi phận người lặng lẽ/mê lạc nào em, ta thấy chợt nhiên mình. HOÀNG KIM: Ta khai bút nhà Công Hùng vui vẻ / Tự nhiên thơ/ Dào dạt/ Gió Cao Nguyên/ Nhậu Văn Công Hùng/ Viết Nguyễn Ngọc Tư sầu riêng Nam Bộ/ Đọc thơ xuân/ Ngắm bạn / Chợt nhiên/ Thèm. (*) Nhà thơ Văn Công Hùng: LIÊN TƯỞNG NÀY BA MƯƠI. Hoàng Kim: Nguyễn Ngọc Tư sầu riêng Nam Bộ

Trở về trang chính
HOÀNG KIM
DẠY VÀ HỌC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Em ơi em, can đảm bước chân lên


Nguyễn Khoa Tịnh

Thầy ước mong em
noi gương Quốc Tuấn


Đọc thơ em, tim tôi thắt lại 
Lòng nghẹn ngào, nước mắt chảy rưng rưng 
Nửa xót xa nhưng nửa lại vui mừng 
Xót xa vì đời em còn thơ dại 
Mới tuổi thơ mà cuộc đời đầy khổ ải 
Mới biết cười đã phải sống mồ côi 
Như chiếc thuyền giữa biển tự trôi 
Như chiếc lá bay về nơi vô định 
“Bụng đói” viết ra thơ em vịnh: 

“Cơm ngày một bữa sắn trộn khoai 
Có biết lòng ta bấy hỡi ai? 
Vơi vơi lòng dạ, cồn cào bụng 
Kể chi no đói, mặc ngày dài” 


Phải! 
Kể chi no đói mặc ngày dài 
Rất tự hào là thơ em sung sức 
Rất tự hào là em tôi đầy nghị lực 
Đã hiển lộ mình qua “Cái chảo rang” 

“Trung dũng ai bằng cái chảo rang 
Lửa to mới biết sáp hay vàng 
Xào nấu chiên kho đều vẹn cả 
Chua cay mặn ngọt giữ an toàn 
Ném tung chẳng vỡ như nồi đất 
Quăng bừa xó bếp vẫn nằm ngang 
Tốt đẹp đâu cần danh tiếng hão 
Bạn cùng lửa đỏ, nóng chang chang”


Phải! 
Lửa to mới biết sáp hay vàng! 
Em hãy là vàng, 
Mặc ai chọn sáp! 
Tôi vui sướng cùng em 
Yêu giấc “Ngủ đồng” 
Hiên ngang khí phách: 

“Sách truyền sướng nhất chức Quận công 
Ta sướng khi ra ngủ giữa đồng 
Lồng lộng trời hè muôn làn gió 
Đêm thanh sao sang mát thu không 
Nằm ngữa ung dung như khanh tướng 
Lấy mấy vần thơ tỏ nỗi lòng 
Tinh tú bao quanh hồn thời đại 
Ngủ đồng khoan khoái ngắm gương trong” 


Tôi biết chí em khi "Qua đèo Ngang” 
Ung dung xướng họa với người anh hùng 
Đã làm quân thù khiếp sợ: 

“Ta đi qua đèo Ngang 
Cũng gặp Người trèo qua núi hiểm 
Đỉnh dốc chênh vênh 
Xe mù bụi cuốn 
Có lẽ thiên nhiên đã định bao giờ 
Một dãy Hoành Sơn bát ngát trận đồ 
Điệp điệp núi cao 
Trùng trùng rừng thẳm. 
Người thấy 
Súng gác trời xanh 
Gió lùa biển lớn 
Nông dân rộn rịp đường vui 
Thanh Quan nàng nhẽ có hay 
Cảnh mới đã thay cảnh cũ. 
Ta hay 
Máu chồng đất đỏ 
Mây cuốn dặm khơi 
Nhân công giọt giọt mồ hôi 
Hưng Đạo thầy ơi có biết 
Người nay nối chí người xưa 

Tới đây 
Nước biếc non xanh 
Biển rộng gió đùa khuấy nước 
Đi nữa 
Đèo sâu vực thẳm 
Núi cao mây giỡn chọc trời 

Nhớ thù nhà, luống thẹn làm trai 
Thương dân nước, thà sinh phận gái 
“Hoành Sơn cổ lũy” 
Hỏi đâu dấu tích phân tranh? 
Chỉ thấy non sông 
Lốc cuốn, bốn phương sấm động. 

Người vì việc nước ra đi 
Ta muốn cứu dân nên thăm trận thế 
Điều không hẹn mà xui gặp mặt 
Vô danh lại gặp hữu danh 
Cuộc đời dài ắt còn sẽ gặp nhau 
Nay hội ngộ giữa đỉnh cao trời đất 
Anh em ta ngự trên xe đạp 
Còn Người thì lại đáp com măng 
Đường xuyên sơn 
Anh hùng gặp anh hùng 
Nhìn sóng biển Đông 
Như ao trời dưới núi. 

Xin kính chào 
Bậc anh hùng tiền bối 
Ta ngưỡng mộ Người 
Và tỏ chí với non sông 
Mẹ hiền ơi! 
Tổ Quốc ơi! 
Xin tiếp bước anh hùng!” 


Hãy cố lên em! 
Noi gương danh nhân mà lập chí 
Ta với em 
Mình hãy kết thành đôi tri kỷ! 
Đất Quảng Trạch này đâu kém Nam Dương 
Tôi tự hào bài “Tỏ chí” của em: 

"Quốc Tuấn ngày xưa chí vững bền 
Thù nhà, nợ nước chẳng hề quên 
Đến bữa quên ăn, đêm quên ngủ 
Thương dân, yêu nước quyết báo đền 
Văn hay thu phục muôn người Việt 
Võ giỏi kinh hồn lũ tướng Nguyên 
Mươi năm sau nữa ơi ông Tuấn 
Nối chí ông, nay cháu tiến lên!” 


Tôi thương mến em 
Đã chịu khó luyện rèn 
Biết HỌC LÀM NGƯỜI ! 
Học làm con hiếu thảo. 
Mười lăm tuổi đã “Tập làm thầy giáo” 

Vui gì hơn buổi đầu làm thầy giáo 
Của lớp vở lòng đất mẹ yêu thương 
Trưa nắng luyến các em cùng đến lớp 
Giọng líu lo như chim hót ven đường. 

Đứng trước các em tuổi nhỏ đáng yêu 
Mà đã tưởng tới bao nhiêu người lớn 
Nghe em đọc giọng thanh thanh dễ mến 
Mà đã nghe đất nước xuyến xao mình!


Tổ Quốc đang chờ em phía trước. 
Em ơi em, can đảm bước chân lên!

1970