DẠY VÀ HỌC. Nguyễn Du và Nguyễn Công Trứ là hai danh nhân cùng thời Nguyễn Du (1765-1820) là nhà thơ lỗi lạc, nhà ngoại giao xuất chúng. Ông cũng là một võ quan có chí lớn, nhà lãnh đạo đặc biệt tài năng đã từng đương đầu với Nguyễn Huệ, đối thoại với Gia Long, hiểu rõ Nguyễn Văn Thành, thân thiết với Nguyễn Nễ, Vũ Trinh, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định, Trịnh Hoài Đức. Ông hiểu sâu Lý số, thông tỏ Phong Thủy, rất vững Thiền học, thành thạo biến Dịch, đã đọc trên nghìn lần bộ kinh Kim Cương, với tâm sự gửi gắm Truyện Kiều và câu thơ kỳ bí: "Ba trăm năm nữa chốc mòng/ Biết ai thiên hạ khóc cùng Tố Như" . Nguyễn Công Trứ (1778-1858) kém Nguyễn Du 13 tuổi và cùng đồng hương Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Ông là một vị tướng văn võ song toàn, phong lưu đa tình, gian thần đời loạn năng thần đời trị Nguyễn Công Trứ có công với triều Nguyễn trong cai trị, dẹp loạn . Ông cùng chủ kiến với Gia Long, Minh Mệnh ra tay trước (tiên phát chế nhân) để chặn bước những người xuất chúng và các thế lực tiềm tàng ngấp nghé ngai vàng. Nguyễn Công Trứ luận về Thúy Kiều nhưng thực chất là luận về Nguyễn Du: "Bán mình trong bấy nhiêu năm , Dễ đem chữ hiếu mà lầm được ai ." Nguyễn Công Trứ thân mật hay chống đối Nguyễn Du đó là điều hậu thế cần lý giải cho đúng? Chợt nhớ câu của Từ Thứ nói với Bàng Thống: "Hoàng Cái làm khổ nhục kế, Hám Trạch đưa thư trá hàng, còn ngươi thì dụng kế liên hoàn. Ngươi che được mắt Tào Tháo nhưng đừng hòng che được mắt ta...". Sâu sắc thay Nguyễn Du với Truyện Kiều và các ứng xử tuyệt vời thông tuệ của ông để tránh những thăng giáng tám lần như Nguyễn Công Trứ và kết cục thảm khốc của Nguyễn Văn Thành, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Văn Duyệt ! Chép lại bài viết của Yến Nhi "Về sự đánh giá Nguyễn Du của Nguyễn Công Trứ qua nhân vật Thúy Kiều” và bài viết của Phạm Xuân Nguyên “Nguyễn Du về lại Thăng Long “ để thêm tư liệu và những góc nhìn khác. (Hoàng Kim)
VỀ SỰ ĐÁNH GIÁ NGUYỄN DU CỦA NGUYỄN CÔNG TRỨ QUA NHÂN VẬT THÚY KIỀU
Yến Nhi
Yến Nhi
Dưới góc nhìn văn hóa , Nguyễn Du (1765-1820) là nhà thơ lớn của dân tộc, tuy nhiên qua cuộc đời và sự nghiệp , dưới góc nhìn lịch sử, ta còn thấy nhiều nét nổi bật nữa ở con người Nguyễn, một thiên tài có nhiều tâm trạng, một con người “ba mươi tuổi đầu đã bạc”, hơn nửa thế kỷ trong cõi đời rất hiếm khi vui, đến lúc về nơi chín suối vẫn mang một tâm sự cô hoài! Là một nhà thơ lỗi lạc, ông còn là một võ quan nhiều mưu đồ đại nghiệp, một vị văn quan rất biết cách “chăn dân”, cũng là một nhà ngoại giao xuất chúng. Nhận xét tổng thể về Nguyễn Du ,thấy rõ những tài năng đa dạng và công lao của ông , các cụ đời sau đã thể hiện rất sâu sắc qua các bài văn truy điệu, văn bia trong các dịp tưởng niệm .
... Khi trưởng thành Ất bảng chen tên, tài thư kiếm vang lừng hai vế
Những muốn hùng binh mấy vạn rắp phen Trương Tử phục Hàn gia .
... Khi thủ hiến Tiên châu, khi Thần kinh lĩnh doãn, đức thanh cần thấm thía đến muôn dân…
Lúc Bắc hành chánh sứ, lúc Nam khuyết á khanh tài thao lược vang lừng trong hai nước…(1)
Một nhân cách,một sự nghiệp như vậy, nhưng tại sao một người cùng thời cũng tài năng sự nghiệp không kém lại là đồng hương , hạ một lời phê từng làm băn khoăn bao thế hệ. Nguyễn Công Trứ nhận xét Kiều thực ra là nhận xét Nguyễn Du Bán mình trong bấy nhiêu năm ,Dễ đem chữ hiếu mà lầm được ai (2) ( Vịnh Thuý Kiều ).
Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) kém Nguyễn Du 13 tuổi (1765-1820), mất sau Nguyễn Du 40 năm, quê làng Uy Viễn, nay là xã Xuân Giang đồng hương huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông làm quan dưới các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đến chức phủ doãn Thừa Thiên thì nghỉ hưu.. Trong 28 năm quan trường, thăng tiến và giáng chức đến 8 lần. Ông nhiều lần cầm quân đi đánh giặc (dẹp một số cuộc khởi nghĩa của nông dân) lập nhiều công lớn với triều đình. Đặc biệt vào những năm cuối thập niên 1820, ông có sáng kiến chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn, Tiền Hải (thuộc hai tỉnh Thái Bình,Ninh Bình ngày nay), kiếm công ăn việc làm cho nhiều người xoá bỏ nạn trộm cướp, lập nhà học, hội buôn (xã thương) ở nông thôn nâng cao dân trí, thông thương hàng hóa. Những hoạt động của ông trong lĩnh vực khẩn hoang được nhân dân các vùng ghi nhớ, lập đền thờ ngay khi ông đang còn sống. Là một nhà quản trị giàu năng lực, một vị tướng tài, ông còn là một nhà thơ, một nghệ sĩ lớn. Ông để lại nhiều sáng tác thơ Nôm theo thể thơ đường luật và ca trù. Nội dung thơ phong phú, đa dạng, từ than cảnh nghèo, vạch trần nhân tình thế thái, đề cao chí nam nhi, đến ca ngợi thú cầm kì thi tửu. Trên phương diện tư tưởng và tâm lý Nguyễn Công Trứ là một khối mâu thuẫn lớn! Sinh thời ông vượt qua những lề thói bảo thủ, giả dối, tỏ một thái độ “phóng dật” bất cần trong lối sống, thách thức công nhiên dư luận, nhưng ông không vượt khỏi cái quỹ đạo tư tưởng Nho giáo mà đôi khi còn tỏ ra chịu chi phối nặng nề (đạo vua - tôi,nam trọng - nữ khi). Nguyễn Công Trứ có một nhân sinh quan tuy có nhiều khía cạnh tích cực đổi mới vượt ra khỏi những chuẩn tắc thời bấy giờ nhưng căn bản vẫn nằm trong phép xuất xử Nho gia. Hiểu được tính hai mặt này trong tính cách của Nguyễn Công Trứ là một điều cần thiết để đánh giá con người cũng như ngôn thuật của ông. Cho mãi đến nay có hai điều người ta vẫn băn khoăn khi giải thích về tư tưởng và tình cảm của Nguyễn Công Trứ:
1.Tuy giúp ích cho nông dân trong công cuộc khai khẩn điền địa ở Thái Bình nhưng ông cũng lại tiến hành nhiều cuộc đàn áp khốc liệt nông dân khởi nghĩa .
2. Sống hành lạc phóng lãng rất gần gũi với giới ca nhi,nhưng đánh giá rất khe khắt với Thuý Kiều, một siêu kỳ nữ - nhân vật mang nhiều tâm sự Nguyễn Du.
Vấn đề thứ nhất, mối quan hệ với nông dân, nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích . Chúng tôi , sau đây, thử lý giải vấn đề thứ hai : quan hệ với nhân vật Thuý Kiều.
Bán mình trong bấy nhiêu năm , Dễ đem chữ hiếu mà lầm được ai .
Nguyễn Công Trứ đánh giá Thuý Kiều có lẽ là khe khắt nhất trong số các nhà nho thời bấy giờ.Ông cho Kiều bán mình đi làm “vợ” khắp người ta là tính cách “tà dâm” không đánh lừa được người đời dù biện bạch bằng các lý do này khác.Việc “đoạn trường” là “đáng kiếp”! Tại sao lại có những nhận xét , đánh giá đó khi Nguyễn Công Trứ từng là một khách chơi phóng lãng, một quan gia thăng giáng thất thường? Con người từng bất chấp tất cả mà lại không thể vượt qua được thành kiến hẹp hòi với một ca nhi hay có gì ẩn khuất đằng sau?
Sự khác biệt về đối tượng và tình cảm thẩm mỹ
Phải chăng trong cách nhìn của Nguyễn Công Trứ: Kiều chỉ là kỹ nữ,dẫu tài năng nhan sắc bao nhiêu cũng chỉ là một khách chơi , là cái hồng nhan mà sinh thời ông rất coi thường, ông luôn là kẻ đứng trên là cha thằng xích tử. Đời ông trai kép lúc trẻ, lúc tham gia trận mạc, lúc về già, khi chùa chiền, khi vãn cảnh đều có dăm ba nàng áo đỏ, áo xanh theo hầu, bảy mươi tuổi còn đèo bòng thiếp trẻ, luôn luôn mải mê với cái cảnh “hoa lê áp hải đường”...Tất cả chỉ là thú chơi, “chơi hoa cho biết mùi hoa, cầm cân cho biết cân già hay non” thế thôi. Hoàng Phủ Ngọc Tường trong một bài viết cho rằng NCT ngoài “một bản lĩnh hành động” còn là “một tay chơi cuồng phóng”, gọi ông là “ tay chơi” là có cái lý của nó vì chính Nguyễn cũng tự nhận “sống để mà chơi”(3). Tân nhân, mỹ nữ, ca nương, khách hồng quần... đều là đối tượng của cái thú “phong nguyệt tình hoài”, trong cái thú này thì “trăng hoa” là mục tiêu,xướng ca là phương tiện, không có chỗ cho những Hiếu, Trung cao đạo. NCT hiểu sai và đánh giá thấp Kiều cũng nằm trong cái quỹ đạo suy nghĩ đó. Trong toàn bộ thi tập ca trù-hát nói của ông để lại , người phụ nữ không bao giờ xuất hiện như một đối tượng trữ tình mà cùng với ngón đàn điệu hát chỉ xuất hiện như những “khách chơi”, biết múa hát đong đưa nhưng không có tâm trạng, như những hình nhân trong bộ sưu tập... Các nữ nhân trong thơ NCT đa phần là ca nhi nhưng ngón cầm ca của họ khác xa với Kiều hoặc các cô Hồ, cô Cầm ở đất Thăng long và cái cách thưởng thức của Tố Như và Uy Viễn cũng với những tâm trạng khác nhau. Với Nguyễn Du các nữ nhân mà ông thường nhắc đến như cô bạn hái sen, cô lái đò thời trẻ, cô Cầm người đẹp Long Thành, cô ca nữ ở nhà em trai, cô Hồ bạn văn chương, hoặc như cô Tiểu Thanh, cô Thuý Kiều...trước hết đó là những con người cốt cách tao nhã, gần gũi, chịu nhiều oan khuất (phong vận kỳ oan), ông gửi gắm nơi họ những tình cảm tri âm, tri kỷ xem họ là những khách đồng điệu. Nguyễn Du thương cảm và đánh giá cao Kiều cũng như nhiều khách má hồng khác, họ không là “khách chơi” như Nguyễn Công Trứ quan niệm, mà là những kẻ “liên tài, liên tình”, những kẻ “tài thì đáng trọng, tình thì nên thương” . Nói đến các đào nương ,“ một hạng người thường bị rẻ rúng đương thời, Ông không hạ mình xuống để thương vay mà thật sự tìm thấy mình trong họ”. Khóc cho những con người ấy là “khóc cho cuộc đời phong trần lận đận của chính mình và khóc cho cả những tài hoa Thăng Long bị vùi dập”(4). Những con người đó không chỉ là những kẻ “phong vận kỳ oan”mà còn là những “biểu tượng tài hoa của Thăng Long” , môi trường văn hoá đã ảnh hưởng sâu sắc trong tâm hồn Nguyễn Du ngay từ thời niên thiếu .Ta biết trong thiên tài của Nguyễn Du, ông đã thừa hưởng được cái tính dịu dàng và hào hoa của xứ Kinh Bắc nhờ ảnh hưởng đằng mẹ, đã hưởng được hào khí của đất Hồng Lam, hùng tâm của người xứ Nghệ, cùng là lòng tiết nghĩa, khiếu văn chương, do gia phong truyền lại trải bao nhiêu đời nhờ ảnh hưởng đằng nội. Thân sinh, quan đại tư đồ Nguyễn Nghiểm mất năm Nguyễn Du mười tuổi, mười ba tuổi mồ côi mẹ, suốt thời niên thiếu ở với anh tại Thăng Long. Anh cả Nguyễn Du là Nguyễn Khản, một đại quan rất được chuá Trịnh Sâm sủng ái cũng là một người say mê và am tường nghệ thuật, văn chương.Nguyễn Du có một người em là Nguyễn Ức kém ông hai tuổi, thời Lê là một quan to, thời Nguyễn được phong tước hầu. Khi chưa loạn lạc, trong dinh quan Nguyễn Ức ở Thăng Long, thường có những ca kỹ, “ những người mặc áo hồng hát ca uyển chuyển” phục vụ mua vui cho các quan, có người tài sắc trở thành nàng hầu . Dấu vết đài các hoa lệ , không khí nghệ thuật cao nhã của kinh đô cùng với những tao nhân mặc khách, văn nhân, kỳ nữ thường lui tới để lại nhiều ấn tượng trong ký ức Nguyễn không phải chỉ là đề tài cho những thi phẩm sau này mà nó trở thành một “nhân tố văn hoá Thăng Long” trong phong cách sống cũng như phong cách nghệ thuật của ông mà nhiều nhà nghiên cứu đã từng nhắc đến .
Nói kỹ những điều này chúng tôi muốn lưu ý rằng trong đời sống cũng như trong nghệ thuật của Nguyễn Du, nhân tố “văn hoá Thăng Long” trầm tích trong nhiều tác phẩm đặc biệt là ở mối quan hệ với các nhân vật nữ tạo nên cái nét riêng mà Thuý Kiều “ tài hoa mà phận bạc, đài các mà truân chuyên” là một điểm nhấn quan trọng bộc lộ rõ quan điểm và tình cảm thẩm mỹ của Nguyễn Du khác xa Nguyễn Công Trứ .Nếu bỏ qua điều này thì những lý giải khác sẽ trở nên hời hợt.Cũng chính bởi vậy mà sự phê phán của NCT đối với Kiều có phần vừa khe khắt lại vừa hời hợt, phê phán mà không thấu hiểu.
Sự khác biệt về quan điểm lập thân. Nguyễn Du và nỗi buồn thời đại.
Như trên ta đã nói , nhận xét Kiều nhưng chính thực là nhằm vào Nguyễn Du, không hiểu Kiều , NCT cũng không hiểu tâm trạng Nguyễn Du , nếu không nói là xa lạ . Lời nhận xét thật nặng nề ,ông cho việc làm quan dưới triều Nguyễn của Nguyễn Du là tầm thường, xu phụ thời cuộc, nỗi buồn của Nguyễn Du là giả dối !
So với Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ có nhiều cái khác về xuất thân cũng như hành trạng. Nguyễn Du con người hai triều đại , gia đình đại quí tộc của triều đại cũ, chịu nhiều áp lực của thời cuộc, triều Lê suy vi , nông dân Tây Sơn khởi nghĩa không hợp tác , triều Nguyễn khôi phục cơ đồ, bất đắc dĩ ra làm quan “thờ” chúa mới.Nguyễn Công Trứ là sản phẩm của triều đại mới không có cái băn khoăn “trung thần bất sự nhị quân” như Nguyễn Du. Gia tộc Nguyễn Du là đại quí tộc, Nguyễn Công Trứ hàn nho vào đời bằng tài năng là chính ,thời trẻ trải nghiệm cuộc sống bình dân, về căn bản gắn với triều Nguyễn một cách lý tưởng , ông thuộc thế hệ hãnh tiến hăng hái xốc tới không có cái mặc cảm đại quý tộc trước “một phen thay đổi sơn hà” của Nguyễn Du. Nguyễn Công Trứ về quê thì cười cợt “ thuyền quyên ứ hự, anh hùng biết chăng”,không có cái bâng khuâng khi nhớ đến khúc sông ngày xưa “thuyền cha ta cờ xí rợp trời” như Nguyễn Du. Ghé Thăng Long , Nguyễn Công Trứ ngoài công vụ, tìm cái thú giang hồ “phong nguyệt kho vô tận” , còn Nguyễn Du thì day dứt , bẽ bàng “ thành mới trăng xưa bóng lững lờ”. Nguyễn Công Trứ thấy khinh cái cảnh quan lại tham những đục khoét nhưng tôn sùng vua, nhận bổng lộc vua ban một cách ngưỡng vọng , ông không trải cái cảnh anh em, bạn hữu bị lâm nạn, bị bức tử , bởi gian thần để nhận lộc vua ban mà thầm đau xót và lo lắng như Nguyễn Du. Việc ra làm quan của Nguyễn Du dưới triều Nguyễn là tình cảnh bất đắc dĩ, là bất khả kháng để bảo vệ mình và gia tộc chứ không phải vì mộng công hầu hoặc mưu tài lợi như thói thường. Hai nhân sinh quan , hai triết lý nghiệm sinh khác nhau nên không đồng cảm.
Nguyễn Du luôn mang một nỗi buồn lớn , cảm thấy bế tắc khó làm thay đổi cuộc đời .Nguyễn Công Trứ thấy mình cải tạo được cuộc sống dân nghèo, còn Nguyễn Du đi khắp gầm trời kể cả sang Trung Hoa - nơi lý tưởng trong cách nhìn nho gia thời bấy giờ, cũng thấy đầy rẩy bất công, tàn bạo.
56 năm trong cuộc đời của Nguyễn , vui có, buồn có nhưng tổng thể là một cuộc đời thành đạt, làm quan đến bực á khanh, vua trọng vọng, triều thần vị nể, người đời yêu mến . Dẫu vậy ,việc sống buồn bã, tâm sự u uất luôn “rụt rè sợ hãi, chỉ vâng vâng dạ dạ cho qua chuyện thôi” là một điều có thật trong cuộc đời Nguyễn Du.Đối chiếu hành trạng của Nguyễn, cần có cái nhìn toàn diện để hiểu và giải thích rõ cái tâm sự u hoài tại sao đeo đẳng ông mãi thế, dẫu có khi làm đến bậc Á khanh,được hoàng đế Gia Long trọng dụng. Khi mắc bệnh nặng ông nhất định không chịu uống thuốc, chỉ chờ chết cho xong.(5) Ông đã đem theo xuống mồ cái tâm sự u uất , khó hiểu , người đời chỉ ức đoán qua câu thơ Bất tri tam bách dư niên hậu /Thiên hà hà nhân khấp Tố Như ? Đây là cái điều mà xưa nay ai cũng quan tâm nhưng lý giải thì mỗi người một cách. Có người cho là Nguyễn Du buồn vì tuy là quan nhưng là người cựu triều nên không ít kẻ ghen ghét, kẻ thì nghĩ rằng Nguyễn ở tân triều mà lòng khôn quên chúa cũ ,như là đã ngược lại dòng tộc , chẳng là dòng họ này bao đời được người đời nể trọng vì truyền thống trung nghĩa. Đi xa hơn, Nguyễn Công Trứ lại xem nỗi buồn của Nguyễn Du là giả dối ,muốn che lấp sự đàm tiếu của thiên hạ về việc “phản bội” lại Nhà Lê đã từng mưa ân tưới phúc cho gia đình.
Theo chúng tôi nghĩ , nỗi buồn của Nguyễn Du không dừng lại ở cái nguyên nhân bé nhỏ là vì đồng sự ghen ghét hay mặc cảm về cái sự “tôi trung không thờ hai chúa”như có người nhận xét , mà ở cái nỗi niềm lớn lao hơn. Đó là tấm lòng yêu thương con người ,là phẩm cách của một tâm hồn cao thượng , cảm thấy những nghịch lý, những nghịch cảnh tồn tại ở mọi thời , mọi nơi, như là một định mệnh không tài nào thay đổi được .Ở quê hương cũng như ở xứ người đều đầy rẫy những bất công,đau khổ. Tấm lòng nhân mênh mông pha mùi thiền, mùi đạo ở ông luôn cảm thấy bất lực, đó mới chính là cái điều sâu kín tạo nên nỗi u hoài khôn nguôi trong đời sống và là hồn cốt trong các sáng tác của Nguyễn.Nỗi u hoài, nỗi đau đáu của Nguyễn chúng ta từng gặp trên con đường thi ca một thuở trong nỗi sầu không thể nào vơi của tâm sự Lý Bạch : Cầm dao chặt nước nước cứ trôi, cất chén tiêu sầu, sầu không vơi (Trừu đao đoạn thuỷ thuỷ cánh lưu/Cử bôi tiêu sầu sầu cánh sầu- Tiễn biệt quan Hiệu thư Thúc Vân), cũng như cái cô đơn vô tiền khoáng hậu của Trần Tử Ngang: Trước không thấy người đi, Sau không thấy kẻ đến, Nghĩ trời đất phiêu du, Chỉ mình ta lệ chảy (Tiền bất kiến cố nhân/ Hậu bất kiến lai giả/ Niệm thiên địa chi du du/ Độc sảng nhiên nhi lệ hạ - Đăng U châu đài ca ). Dãi dầu mười mấy năm quan trường ,Nguyễn Du trước hoàn cảnh thường có một “tâm trạng kép” vừa mừng vừa sợ , sợ cho mình và cả họ tộc bị bức hại , mừng vì tai qua nạn khỏi, phủ định nhưng vẫn phải làm tròn chức phận không thể thoái thác. Nguyễn chủ động trong tư duy nhưng có lúc thụ động trong hành động. Tâm trạng thể hiện trong câu thơ tự thán “hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên” . Phải chăng vì trạng thái nước đôi đó mà sau này Nguyễn Công Trứ đã “phê” Nguyễn thông qua lời nhận xét khắt khe về Thuý Kiềù, nhân vật mà Nguyễn Du có nhiều ký thác .
*
Chúng ta với nhãn quan hiện đại thấy rõ sự khác biệt ở hai ông ,suy cho cùng vẫn không ra ngoài cái ngưỡng triết lý dân gian “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”. Nguyễn Công Trứ tuy có tài kinh bang tế thế nhưng là một vị quan gia đánh giá Kiều cực đoan cũng như ông vua Tự Đức xét đoán Từ Hải .Cụ Thượng Trứ sẽ chẳng bao giờ thông cảm với tâm trạng Nguyễn Du qua Thúy Kiều cũng như hoàng đế Tự Đức chẳng thể nào hiểu được ước mơ của Nguyễn Du qua Từ Hải ! Chỉ có nhà thơ Tố Như người của những nỗi đau thân phận mới xem Kiều là tri âm , Từ Hải là giấc mộng . Và chính nỗi cộng cảm nhân sinh lớn lao đó đã khiến Nguyễn Du hơn thế kỷ sau trở thành một điểm sáng trong bầu trời văn hoá nhân loại mặc dầu đương thời không khoả lấp được nỗi nghi ngờ ở một số người , trong đó NCT là một./.
Tháng 4 – 2008/7-2010
(1) Đào Tử Minh -Văn truy điệu Nguyễn Du - Hội Tri Tân, ngày 10/8 Giáp thân 1944
(2) Có bản chép : Đố đem chữ Hiếu mà lầm được ai?(3 )Hoàng Phủ Ngọc Tường- Tay chơi - http://chutluulai.net/forums/showthread.php?p=32161
(4) Nguyễn Huệ Chi - Biểu tượng đa nghĩa của Thăng Long trong thơ Nguyễn Du- Bài tham gia Hội thảo Gia tộc Nguyễn Du & Thăng long – 2010.Bà Trần Thị Tần , thân mẫu Nguyễn Du xuất thân cũng là một ca nương.
(5) Theo Đại Nam liệt truyện: "đến khi đau nặng, ông không chịu uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ thưa đã lạnh cả rồi. Ông nói "được" rồi mất; không trối lại điều gì".
NGUYỄN DU VỀ LẠI THĂNG LONG
Phạm Xuân Nguyên
Nỗi hoài niệm, ưu tư của Nguyễn Du trước Thăng Long lên đến đỉnh điểm khi gặp lại người con gái gảy đàn ở Long thành. Ông làm một bài thơ dài kể chuyện và giãi bày. Hơn thế, ông còn đề lời “tiểu dẫn” để nói cho rõ ngọn ngành. Cả Thăng Long trong mắt Nguyễn bấy giờ dồn lại ở “người gảy đàn không rõ họ tên là gì” ấy.
Nguyễn Du sinh tại phường Bích Câu năm 1765. Ông có cha và anh là quan đại thần dưới triều vua Lê chúa Trịnh, nhất là người anh Nguyễn Khản rất được chúa Trịnh Sâm tin dùng, thường vào ra phủ chúa hàng ngày, có lần còn viết giấy cho người nhà cầm sang xin chúa lạng chè về uống. Thuở thiếu thời và thanh niên, cậu chiêu Bảy (tên gọi ở nhà của Nguyễn Du) đã có những ngày tháng vui vẻ, thanh nhàn ở Thăng Long, dự những cuộc vui nghiêng ngả ở nhà anh, mắt thấy tai nghe mọi cảnh phố phường kinh đô. Thế rồi nhà Tây Sơn nổi lên, vua tàn chúa lụi, Thăng Long thành bãi chiến trường, Nguyễn từ đó xa đất đế đô, bươn chải mười năm gió bụi, tấm thân còn sống là may. Lịch sử thăng trầm dâu bể, hưng đó mà vong đó, nhà Nguyễn diệt Tây Sơn lập triều mới, thống nhất giang sơn, chuyển đô về Phú Xuân. Thăng Long từ 1802 thành cố đô, và từ 1831 đổi thành Hà Nội. Nhưng khi Nguyễn Du trở lại chốn kinh đô xưa trên đường đi sứ sang Trung Quốc (1813), vùng đất này vẫn đang là Thăng Long. Mười năm xa cách không phải là dài, nhưng những biến thiên đảo lộn trong khoảng thời gian ấy đối với Nguyễn thật ghê gớm. Trong mấy đêm nghỉ lại Thăng Long trên hành trình của sứ đoàn, ông Chánh sứ Nguyễn Du đã trằn trọc, thao thức trước cảnh vật biến thiên và đời người thay đổi. Nguyễn đã có bốn bài thơ chữ Hán làm nhân dịp này, hai bài về cảnh, hai bài về người.
Bài Thăng Long thứ nhất.
Tản lĩnh Lô giang tuế tuế đồng
Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long
Thiên niên cự thất thành quan đạo
Nhất phiến tân thành một cố cung
Tương thức mỹ nhân khan bão tử
Ðồng du hiệp thiếu tẫn thành ông
Quan tâm nhất dạ khổ vô thụy
Ðoản địch thanh thanh minh nguyệt trung
Nguyễn trải lưu lạc mười năm “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”, tâm trạng đã nặng nề. Về lại chốn cũ, gặp lại người xưa, lòng càng buồn. Núi Tản sông Lô (tên gọi khúc sông Hồng chảy qua Thăng Long hồi ấy) thì muôn đời vẫn thế, năm lại năm chẳng di dịch đi đâu. Nhưng dạo một vòng thành xưa, cảnh đã khác. Những ngôi nhà to có nghìn năm tuổi đã bị dỡ đi để làm đường lớn. Khu hoàng thành nhà Lê đã bị phá bỏ, thay vào đó là một tòa thành mới. (Việc này tiến hành vào năm Gia Long thứ tư, 1805). Ðường sá, nhà cửa làm mới, còn người thì già đi. Những cô gái đẹp xinh từng quen biết hồi trước giờ đã tay bồng tay mang. Những gã bạn cùng nhau chơi ngông một thuở nay đã nên ông cả.(Câu thơ dịch thoát sang lục bát Gái xinh giờ đã con bồng, Bạn quen giờ đã thành ông cả rồi nghe đậm ngậm ngùi). Nguyễn cũng đã đầu bạc, may còn được thấy Thăng Long. Thật ra năm đó Nguyễn chưa đến năm mươi, nhưng cái tuổi xấp xỉ ngũ tuần xưa đã tính là già, vả mái tóc bạc Nguyễn có từ sớm, hậu quả của những suy tư dằn vặt ngay từ hồi trẻ. Người như ông với những ấn tượng bời bời như thế trong ngày trở lại đế đô ngủ sao được. Nghe tiếng sáo thoảng đâu đây dưới ánh trăng sáng lòng càng dấy lên bao nỗi vấn vương u hoài. Nguyễn phải tự an ủi mình.
Bài Thăng Long thứ hai
Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành
Do thị Thăng Long cựu đế kinh
Cù hạng tứ khai mê cựu tích
Quản huyền nhất biến tạp tân thanh
Thiên niên phú quý cung tranh đoạt
Tảo tuế thân bằng bán tử sinh
Thế sự thăng trầm hưu thán tức
Tự gia đầu bạch diệc tinh tinh
Thôi hãy tự nhủ lòng Thăng Long đây vẫn là chốn đế đô xưa, bởi còn đây vầng trăng ngày xưa, dẫu thành đã là thành mới. Ðường phố, ngõ phố mở mang bốn phía làm lạc dấu vết cũ. Tiếng đàn sáo nghe ra đã xen nhiều âm thanh mới. Giàu sang nghìn đời rồi ra chỉ là cái mồi cho sự tranh cướp. Bà con, bạn bè hồi trẻ giờ đã kẻ mất người còn. Hãy hình dung Nguyễn suốt đêm không ngủ, một mình chong mắt nhìn ánh trăng, chỉ còn trăng là bạn cũ không phôi pha, tâm tư cứ giăng mắc chuyện trước chuyện nay. Và ông như buông tiếng thở dài sờ tay lên tóc mình: việc đời chìm nổi thôi đừng than thở nữa, đầu ta cũng đã bạc phơ phơ rồi. Ðêm ấy Thăng Long như cũng chùng lòng một mái đầu bạc dãi ánh trăng thâu.
Nguyễn Du có một người em cùng mẹ là Nguyễn Ức kém ông hai tuổi, thời Lê là một quan to, thời Nguyễn được phong tước hầu. Khi chưa loạn lạc, trong dinh quan Nguyễn Ức, cũng như các dinh quan khác, thường có những nàng hầu kiêm ca kỹ phục vụ mua vui cho các quan, họ ở địa vị như những người vợ lẽ. Xảy lúc binh đao, nhà quan tan đàn xẻ nghé, các nàng hầu cũng thất tán. Lần về lại Thăng Long này, Nguyễn gặp lại một nàng hầu cũ như vậy của em mình.
Bài Ngộ gia đệ cựu ca cơ
Phồn hoa nhân vật loạn lai phi
Huyền hạc quy lai kỷ cá tri
Hồng tụ tằng văn ca uyển chuyển
Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly
Phúc bồn dĩ hĩ nan thu thủy
Ðoạn ngẫu thương tai vị tuyệt ti
Kiến thuyết giá nhân dĩ tam tử
Khả liên do trước khứ thời y
Nguyễn đang đường đường một vai Chánh sứ, vậy mà ví mình như một ẩn sĩ chốn rừng xanh ra. Hình ảnh chim hạc đen (huyền hạc) là nói cái ý ấy. Giữa chốn quen thuộc mà như người lạ, mấy ai người biết mình đã về lại nơi này. Mấy ngày dừng chân Thăng Long là khoảng thời gian Nguyễn sống phân thân giữa quá khứ và hiện tại. Mỗi câu thơ đều song trùng thời gian. Nàng mặc áo hồng hồi trước hát ca uyển chuyển, giờ gặp lại ta đầu bạc, khóc nỗi lưu ly. Cái mất thì đã mất, như chậu nước đổ rồi không thu lại được nữa. Nhưng cái tình thì còn lưu luyến, như ngó sen gãy đường tơ vẫn dính. Mà sao nàng, nghe nói đã lấy người khác được ba con, vẫn còn mặc chiếc áo ngày ra đi. Nhìn chiếc áo, Nguyễn ái ngại, xót thương. Thăng Long, số phận một kinh thành, có trả lời được Nguyễn trước một màu áo không đổi của một nàng ca kỹ?
Nỗi hoài niệm, ưu tư của Nguyễn Du trước Thăng Long lên đến đỉnh điểm khi gặp lại người con gái gảy đàn ở Long thành. Ông làm một bài thơ dài kể chuyện và giãi bày. Hơn thế, ông còn đề lời “tiểu dẫn” để nói cho rõ ngọn ngành. Cả Thăng Long trong mắt Nguyễn bấy giờ dồn lại ở “người gảy đàn không rõ họ tên là gì” ấy. “Thuở nhỏ nàng theo học đàn Nguyễn trong bộ nữ nhạc cung vua Lê. Tây Sơn dấy binh, đội nhạc cũ chết chóc, tản mát. Nàng lưu lạc nơi đầu chợ, ôm đàn hát rong. Những bài nàng đàn đều là những khúc gảy hầu nhà vua, người ngoài không ai được nghe, cho nên nàng được khen là “tuyệt kỹ” của một thời. Tôi, hồi trẻ đến kinh đô thăm anh tôi, đêm trọ ở quán bên hồ Giám. Cạnh đấy các quan Tây Sơn tụ hội bọn con hát; con hát nổi tiếng không dưới vài chục người. Nàng riêng thạo đàn Nguyễn, hát cũng hay, lại khéo pha trò. Người xem đều mê mẩn, nhiều lần thưởng cho nàng những chén rượu lớn, nàng tức thì uống cạn, tiền lụa thưởng nhiều vô số kể, chất đầy mặt đất”. Chàng Nguyễn ngày trước đã thành ông Nguyễn, một ông quan, còn cô gái đàn hay, hát giỏi khi xưa đã thành ra sao, sau mười năm biến thiên đảo lộn? Hãy nghe Nguyễn kể tiếp: “Mùa xuân năm nay, tôi phụng mệnh sang sứ phương Bắc, trên đường qua Thăng Long, các quan có đặt tiệc tiễn tôi ở dinh Tuyên phủ nên cho gọi hết nữ nhạc trong thành, con hát trẻ đến mấy chục người, tôi đều không biết mặt biết tên. Họ thay nhau ca múa. Rồi nghe vút lên một khúc đàn Cầm trong trẻo, nghe khác hẳn các khúc nhạc đương thời. Tôi lấy làm lạ nhìn người đàn, thì thấy người gầy võ, thần sắc khô khan, mặt đen, xấu như quỷ, quần áo toàn bằng vải thô, bạc phếch, vá nhiều mảnh trắng, ngồi lặng lẽ ở cuối chiếu, không nói không cười, hình dáng khó coi quá. Tôi không biết là ai, duy nghe tiếng đàn thì dường như đã từng quen biết nên động lòng trắc ẩn. Tiệc tan, hỏi đến người chơi đàn thì ra chính người gảy đàn ngày xưa ấy. Than ôi, người ấy sao đến nỗi này! Tôi bồi hồi ngẩng lên cúi xuống, khôn xiết cảm thương cho sự đổi thay xưa và nay. Ðời người trăm năm, vinh nhục buồn vui khó có thể nào lường được”. Bài thơ Long thành cầm giả ca của Nguyễn Du là khúc bi tráng cho Thăng Long. Mảnh đất kinh đô đẫm huyền thoại, dày sử tích, nhiều dấu ấn các triều vua, giờ có thêm bóng dáng một người con gái đàn ca trải hai triều đại phủ lên các thành quách, dinh thự.
Khúc xưa giọng mới lệ thầm rơi
Ta lắng nghe lòng đau xót
Chợt nhớ lại việc hai mươi năm trước
Từng gặp nàng trong tiệc bên hồ Giám
Thành quách đổi dời, việc người đã khác
Biết bao nơi ruộng dâu đã biến thành biển xanh
Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tan hết cả rồi
Chỉ còn sót lại một người ca múa
Trăm năm như chớp mắt có là bao
Ðau lòng việc cũ lệ thấm áo
Tôi từ Nam Hà trở về đầu bạc trắng hết
Chẳng trách nhan sắc người đẹp tàn phai
Ðôi mắt mở trừng trừng luống tưởng chuyện ngày xưa
Thương thay giáp mặt nhau mà chẳng nhận ra nhau
Năm 1813 khi Nguyễn Du trên đường đi sứ ghé qua Thăng Long, đế đô cũ vừa qua tuổi tròn 800 năm. Nhà Nguyễn đang sắp đặt dấu ấn mình lên vùng đất nay đã thành cựu đế đô. Nguyễn Du nhìn cái mới buồn nhớ cái cũ. Những vần thơ ông để lại chứng tích cho ta một Thăng Long thuở ấy với những xáo động tâm trạng ông. Thêm gần hai trăm năm nữa qua, Thăng Long sắp 1000 năm tuổi, người nay cũng đang tìm lại dấu xưa, đọc lại thơ ông, thấy như Nguyễn đang về “song nhãn trừng trừng không tưởng tượng”.
Phạm Xuân Nguyên
Nhà phê bình Văn học
[Bản tin ĐHQG Hà Nội sô 215]
Xem thêm: www.foodcrops.vn
http://foodcrops.vn/en/van-hoa-giao-duc/day-va-hoc/433-nguyn-du-va-nguyn-cong-tr.html
Nhà phê bình Văn học
[Bản tin ĐHQG Hà Nội sô 215]
Xem thêm: www.foodcrops.vn
http://foodcrops.vn/en/van-hoa-giao-duc/day-va-hoc/433-nguyn-du-va-nguyn-cong-tr.html
Vô cùng hữu ích <3
Trả lờiXóa