Thứ Bảy, 13 tháng 10, 2012

Nguyễn Vạn An

TÌNH YÊU CUỘC SỐNG. Tôi chưa đủ thời gian nên chỉ phác một chân dung anh Nguyễn Vạn An trong mắt tôi  trên trang DẠY VÀ HỌC và vẫn ước ao gặp anh thực sự  ngoài đời . Nguyễn Vạn An là một họa sĩ tài hoa Việt kiều tại Pháp. Anh viết thơ văn hay, giỏi chơi đàn và có khiếu thưởng thức nghệ thuật tinh tế.  Xem tranh anh vẽ,  hình điêu khắc anh chế tác và đọc "Hồn của tượng" , "Viết thư pháp bằng nước lã" trên trang Nguyễn Vạn An  ta chợt sững sờ nhận thấy  sự tài hoa đích thực của một họa sĩ nhà thơ và nhà thiền học bậc Thầy. Thơ văn anh giản dị, giàu tính nhân văn., sau trang viết thấp thoáng hình bóng một người tử tế, hiền lành, có chút hài hước kín đáo. Bài  "Nhớ Mẹ", "Lời Mẹ dạy" tôi thường đọc lại. Tôi đã viết bài thơ "Phút bên em" do cảm hứng ám ảnh trong đời nhưng phải nhờ sức khai mở từ những con chữ nhân hậu của anh mới thăng hoa cảm xúc.  Tôi cũng viết bài “Đợi anh” nhiều bạn đọc cảm mến là do anh vắng lâu trên  blog . Anh An có ở http://Nguyễn Vạn An blog và một ít bài tôi trân trọng chép lại dưới đây.
 
HỒN CỦA TƯỢNG

Nguyễn Vạn An

Mới gặp Anh đêm nay,
Xin Anh chỉ phác em vài nét,
Hướng môt dáng ngồi, níu hai cánh tay,
Nắn một áng lưng, gọt một bờ vai.
Em e thẹn quay đi,
biết Anh đang nhìn em tha thiết,
Xin Anh nhè nhẹ thôi !

Anh muốn tìm hiểu em,
hiểu từng chi tiết,


Em chẳng có gì giấu Anh hết,
Vì em biết,
Anh sẽ tìm những cái gì cao quý nhất,
Trong thân em,
Mà trân trọng dãi bầy!

Đêm nay, rồi ngày mai, rồi ngày mốt,
Trong không gian linh thiêng của mỹ thuật,
Thất bại hay thành công,
đời đôi ta đã dính chặt.
Tất cả cuộc đời em,
em đã đặt,
Trong đôi bàn tay Anh,
Ngay từ giây phút này,…..


Lời bình của JULIETTE :


Anh An.
Bài thơ của anh.
Bức tượng của anh.
Hòa quyện vào nhau
trong lời thì thầm của người thiếu nữ.
Lúc nửa đêm.
Cổ đã mỏi.
Chân đã tê.
Nhưng nàng vẫn ngồi im.
Ngồi im thật kiên nhẫn.
Ngồi im thật dịu dàng.
Để mặc cho người nghệ sĩ:
“Hướng môt dáng ngồi, níu hai cánh tay,
Nắn một áng lưng, gọt một bờ vai”.
Nét mặt nàng e thẹn quay đi,
trái tim nàng thì thùng đập mạnh.
Nhưng nàng vẫn ngồi im.
Với một lòng tin.
Tuyệt đối.
“Tất cả cuộc đời em, em đã đặt
Trong đôi bàn tay Anh,
Ngay từ giây phút này…”

Anh An.
Đọc bài thơ của anh,
Juliette cũng ngồi im.
Xúc động.
Xao xuyến.
Người nghệ sĩ ơi,
Juliette xin được chia sẻ
giây phút giao hòa này với anh…


PHÚT BÊN EM


Hoàng Kim



  (Bức tượng nổi tiếng của Antonio Canova)
                                                                
Kanchina! Kanchina!
Anh gọi tên em Kanchina
của Antonio Canova
trong bảo tàng nghệ thuật.

Anh bồi hồi cầm tay em
đến bên tượng Gớt
phút giây này
tình yêu này
em là suối nhạc
để Bethoven dâng đời
kiệt tác “Ánh trăng”.

Kanchina! Kanchina!
Em là tượng thần Tình yêu
rung động hoá thân
dưới bàn tay vàng
của Antonio Canova.
Em là mơ hay là thật?

Anh muốn ôm em vào lòng
hôn lên đôi môi ngọt ngào
và áp đầu lên ngực
để những phút giây thần tiên
được sống bên em
say đắm đến vô cùng!

VIẾT THƯ PHÁP BẰNG NƯỚC LÃ
Nguyễn Vạn An

Tôi đã được đi thăm thú khá nhiều nơi bên Trung Quốc, chụp rất nhiều hình. Vậy mà các bức hình tôi thích nhất lại là vài bức rất bình thường, chup không đẹp. Đó là các hình chụp các nhà thư pháp viết chữ ngoài đường bằng nước lã !

Hôm đó trời không tốt lắm. Vừa xuống xe, đã thấy nhiều nhóm người ngưng lại tại nhiều nơi trên phố : đó là các du khách xem các nhà thư pháp Trung Hoa viết chữ. Đây là những ông già đã về hưu, còn khoẻ mạnh, minh mẫn. Họ ăn mặc đủ ấm, giản dị, gọn gàng, sạch sẽ. Mỗi sáng họ ra một khu phố có nhiều sân trống, để viết thư pháp. Viết trên sân, dùng nước lã thay vì mực tầu !

Mỗi cái bút to như một cái chổi, đầu nhọn, cán dài. Họ cầm bút rất xa ngọn, nên phải kẹp cái cây sát vào người cho vững chắc. Bên hông mỗi người đeo một bình nước. Lâu lâu lại nhúng chổi vào lấy nước rồi viết. Mỗi người dành một khoảng đất, chăm chú viết, không hề để ý tới các du khách đang yên lặng đứng chung quanh chiêm ngưỡng. Không hiểu sao cầm cán xa ngọn bút như thế mà viết được.

Mỗi người viết có một phong cách riêng. Nhưng tôi thấy ai viết cũng đẹp. Nét bút nào cũng vừa cứng cát vừa uyển chuyển, trong sáng, tao nhã, không kém gì các thư pháp tôi đã được xem trong tư gia của các nhà quyền quí đời xưa (nay mở cho du khách tới thăm), hay trong các viện bảo tàng, nhất là viện bảo tàng Mỹ thuật ở Thượng Hải.

Tại sao cách viết thư pháp như thế lại làm tôi cảm động, đứng lại coi mê man như vậy ? Bởi vì chỉ trong khoảng mười lăm phút, nửa giờ sau, các chữ đó sẽ khô đi, và biến mất ! Các nhà thư pháp biết như vậy, mà vẫn chăm chú, say mê, viết làm sao cho thật đẹp. Họ chăm chỉ viết, và tỏ ra hài lòng thanh thản nhìn chữ biến đi ! Cái tuyệt vời là ở chỗ đó !

Tôi tự nghĩ không biết mình có khi nào làm một cái gì, vẫn cố gắng cho tuyệt hảo, mà biết rằng công trình của mình chỉ một lát sau sẽ biến đi, vĩnh viễn không còn nữa.  Nghĩ cho cùng thì cuộc đời mỗi chúng ta có là bao nhiêu, công trình của mỗi người, to lớn đến đâu, cũng chỉ là một điểm nhỏ trong vĩnh hằng của thời gian! Tất cả chỉ là vô thường. Nhưng các vị này nhìn nhận được cái vô thường thể hiện trong khoảng thời gian ngắn ngủi của mười lăm phút nửa giờ mà họ vẫn học tập một cách rất hết sức nghiêm chỉnh. Và họ nhìn công trình của mình tan biến đi một cách thảnh thơi ! 

Quả là một bài học cao quý cho mình !

t


NHỚ MẸ 

Nguyễn Vạn An

Tối nay ngồi vẽ mẹ. Một người mẹ của đồng quê đất Việt. Da mặt mẹ đã xạm đen vì giãi dầu. Đôi mắt mẹ đã chĩu xuống vì suy nghĩ, vì chịu đựng, vì lo lắng cho các con. Đôi môi mẹ đã khô khan nứt nẻ, vì tranh thủ, vì buôn bán, vì cãi cọ, vì van xin, vì cầu nguyện. Cứ mỗi nỗi nhớ là vẽ một nét nhăn trên mặt mẹ. Vẽ một lúc thì mặt mẹ đầy nét nhăn nheo. Vậy mà nỗi nhớ vẫn chưa nguôi. Làm sao con có thể vẽ được hết nỗi nhớ mẹ !

Từ lúc sanh đứa con đầu, mẹ chỉ sống về chúng con. Bây giờ chúng con đã khôn lớn, đã nên người. Mẹ muốn gì chúng con cũng có thể đem về cho mẹ được. Nhưng mà mẹ đã đi rồi !

LỜI MẸ DẠY

Nguyễn Vạn An

Nhân ngày lễ VU LAN, xin kể cho các bạn một mẩu chuyện nhỏ.



Hôm đó chúng tôi hẹn nhau ở một bến taxi để cùng đi một dạ hội lớn ở nhà hát nhạc kịch Bastille tại Ba Lê. Đây là một buổi trình diễn của nhóm bà Pina Bausch, rất nổi tiếng. Người nào cũng áo quần bảnh bao. Các ông thì côm pờ lê đen, cở ra vát, có người còn đeo nơ. Các bà các cô thì áo dài lộng lẫy, trang sức sang trọng, nước hoa thơm lừng. Chúng tôi ha hả cười nói ồn ào, vì lâu rồi mới có dịp gặp nhau đông như vậy.


Đang vui bỗng nhiên tôi im bặt, vì cảm thấy có cái gì khác lạ. Nhìn quanh mới thấy có hai ông bà cụ già người nghèo, áo quần lếch thếch, mặt mũi dơ bẩn, đang nhìn bọn chúng tôi. Các bạn tôi cũng ngừng nói chuyện.

Cặp vợ chồng, nhất là người đàn bà, nhìn chúng tôi hằm hằm. Bà vợ nhìn vòng vòng, rồi bất chợt trừng mắt về phía tôi. Bà khệnh khạng đến gần, cố ý đánh rơi một đồng tiền xuống đất, nhìn tôi rồi quát lên : « Nhặt đồng xu cho tao ! ».

Các bạn tôi đùng đùng nổi giận. Có người nói : « Thôi tụi mình đi đi, trễ giờ rồi ! ».

Tôi thấy lòng dâng lên đầy thông cảm, cúi xuống tìm đồng xu, rồi móc túi lấy một đồng khác, trịnh trọng, lễ phép, đưa hai đồng tiền cho bà ta. Các bạn tôi im lặng nhìn theo, không ai nói gì. Chúng tôi ùn ùn kéo nhau đi.

Dù bà lên tiếng hằn học, tôi không giận, vì đã thấy sự cách biệt lố bịch giữa chúng tôi và vợ chồng hai người kia. Nhưng tôi hiểu tại sao tôi tự động có cử chỉ lễ phép như vậy. Đó là vì tôi nhớ những kỷ niệm hồi còn nhỏ ! Hồi đó, mẹ tôi luôn luôn cất sẵn mấy đồng tiền trong một cái hộp, để cho người nghèo. Nhiều người ăn mày đói rách hay đi qua trước cửa. Họ rên la, chúng tôi sợ lắm. Mỗi lần nghe họ, mẹ tôi lại lấy một chút tiền rồi gọi một đứa đem ra cho.

Mẹ nói «
Con phải cầm hai tay, rồi cúi chào và lễ phép đưa cho người ta !» Khi đến lượt, tôi cầm tiền chạy ù ra, làm như mẹ nói, rồi chạy ù vào ôm chân mẹ… Không biết bao nhiêu năm đã lưu lạc xứ người, mà trong tiềm thức, tôi vẫn còn nhớ lời mẹ dặn.

ĐỢI ANH

Hoàng Kim

Anh như cơn mưa ngọt đầu mùa
Mang đến niềm vui của ngày gieo hạt
Mai Việt nở bừng khoe sắc
Đằm thắm”Lời thì thầm của dòng sông”

Anh và em như bức tranh tĩnh vật treo tường
Một đôi bình gốm qúy
Cặp bình giản dị
Sang trọng,
khiêm nhường
tỏa sáng cho nhau

Anh mang đến cho em giấc ngủ nhiệm màu
Xoá đi ưu tư phiền muộn
Anh vỗ về em
bằng lời ru ngọt ngào cảm động
Tìm những nét cao quý nhất trong em
mà trân trọng giãi bày

Anh thân yêu
Nay anh đã xa rồi
Em vẫn ước mong anh
Đợi anh ngày trở lại


BÀI THƠ CỦA SỰ KHÁT KHAO CHỜ ĐỢI

Hoàng Kim

Anh Vạn An là chủ bút của blog THƠ VÀ VẼ. Anh là người trãi nghiệm, giản dị và tinh tế. Anh đã thân ái chào cư dân blog để đi đâu không rõ. Việc anh vắng lâu đã làm nhiều người sững sờ, trong đó có Lâm Cúc, Huỳnh Mai, Bích Nga, Hoài Vân, Phương Phương SG, Juliete … và tôi là những người thường được anh dành ưu ái cảm nhận. Tội nghiệp cho Juliette, sau khi anh đi, cô cũng bặt tin luôn kể từ dạo đó. Thế mới thấy những người tri kỷ họ quý nhau đến dường nào!

 Bất cứ ai đã từng tiếp xúc với trang webblog của anh Vạn An đều nhìn nhận rằng đây là một nhà họa sỹ bậc thầy và là một nhà thơ tài hoa. Tôi đã viết bài thơ “Đợi Anh” cho anh, cho tôi, cho con tôi và cho những người yêu đang khao khát chờ đợi. Tôi cũng viết bài thơ này cho những người thân thương đang ngóng đợi người thân hoặc ngóng trông điều lành và niềm vui. Cái giá của sự chờ đợi thật lớn.

Hạnh Phúc thay cho ai biết mình đang được yêu thương và chờ đợi và thực sự hiểu hết cái giá của sự khắc khoải chờ đợi đó.

Trở về trang chính

TÌNH YÊU CUỘC SỐNG
(Hoàng Kim để tôi đọc lại)
DẠY VÀ HỌC
(trang tình yêu, văn hóa giáo dục,
khoa học cây trồng và du lịch Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét


Em ơi em, can đảm bước chân lên


Nguyễn Khoa Tịnh

Thầy ước mong em
noi gương Quốc Tuấn


Đọc thơ em, tim tôi thắt lại 
Lòng nghẹn ngào, nước mắt chảy rưng rưng 
Nửa xót xa nhưng nửa lại vui mừng 
Xót xa vì đời em còn thơ dại 
Mới tuổi thơ mà cuộc đời đầy khổ ải 
Mới biết cười đã phải sống mồ côi 
Như chiếc thuyền giữa biển tự trôi 
Như chiếc lá bay về nơi vô định 
“Bụng đói” viết ra thơ em vịnh: 

“Cơm ngày một bữa sắn trộn khoai 
Có biết lòng ta bấy hỡi ai? 
Vơi vơi lòng dạ, cồn cào bụng 
Kể chi no đói, mặc ngày dài” 


Phải! 
Kể chi no đói mặc ngày dài 
Rất tự hào là thơ em sung sức 
Rất tự hào là em tôi đầy nghị lực 
Đã hiển lộ mình qua “Cái chảo rang” 

“Trung dũng ai bằng cái chảo rang 
Lửa to mới biết sáp hay vàng 
Xào nấu chiên kho đều vẹn cả 
Chua cay mặn ngọt giữ an toàn 
Ném tung chẳng vỡ như nồi đất 
Quăng bừa xó bếp vẫn nằm ngang 
Tốt đẹp đâu cần danh tiếng hão 
Bạn cùng lửa đỏ, nóng chang chang”


Phải! 
Lửa to mới biết sáp hay vàng! 
Em hãy là vàng, 
Mặc ai chọn sáp! 
Tôi vui sướng cùng em 
Yêu giấc “Ngủ đồng” 
Hiên ngang khí phách: 

“Sách truyền sướng nhất chức Quận công 
Ta sướng khi ra ngủ giữa đồng 
Lồng lộng trời hè muôn làn gió 
Đêm thanh sao sang mát thu không 
Nằm ngữa ung dung như khanh tướng 
Lấy mấy vần thơ tỏ nỗi lòng 
Tinh tú bao quanh hồn thời đại 
Ngủ đồng khoan khoái ngắm gương trong” 


Tôi biết chí em khi "Qua đèo Ngang” 
Ung dung xướng họa với người anh hùng 
Đã làm quân thù khiếp sợ: 

“Ta đi qua đèo Ngang 
Cũng gặp Người trèo qua núi hiểm 
Đỉnh dốc chênh vênh 
Xe mù bụi cuốn 
Có lẽ thiên nhiên đã định bao giờ 
Một dãy Hoành Sơn bát ngát trận đồ 
Điệp điệp núi cao 
Trùng trùng rừng thẳm. 
Người thấy 
Súng gác trời xanh 
Gió lùa biển lớn 
Nông dân rộn rịp đường vui 
Thanh Quan nàng nhẽ có hay 
Cảnh mới đã thay cảnh cũ. 
Ta hay 
Máu chồng đất đỏ 
Mây cuốn dặm khơi 
Nhân công giọt giọt mồ hôi 
Hưng Đạo thầy ơi có biết 
Người nay nối chí người xưa 

Tới đây 
Nước biếc non xanh 
Biển rộng gió đùa khuấy nước 
Đi nữa 
Đèo sâu vực thẳm 
Núi cao mây giỡn chọc trời 

Nhớ thù nhà, luống thẹn làm trai 
Thương dân nước, thà sinh phận gái 
“Hoành Sơn cổ lũy” 
Hỏi đâu dấu tích phân tranh? 
Chỉ thấy non sông 
Lốc cuốn, bốn phương sấm động. 

Người vì việc nước ra đi 
Ta muốn cứu dân nên thăm trận thế 
Điều không hẹn mà xui gặp mặt 
Vô danh lại gặp hữu danh 
Cuộc đời dài ắt còn sẽ gặp nhau 
Nay hội ngộ giữa đỉnh cao trời đất 
Anh em ta ngự trên xe đạp 
Còn Người thì lại đáp com măng 
Đường xuyên sơn 
Anh hùng gặp anh hùng 
Nhìn sóng biển Đông 
Như ao trời dưới núi. 

Xin kính chào 
Bậc anh hùng tiền bối 
Ta ngưỡng mộ Người 
Và tỏ chí với non sông 
Mẹ hiền ơi! 
Tổ Quốc ơi! 
Xin tiếp bước anh hùng!” 


Hãy cố lên em! 
Noi gương danh nhân mà lập chí 
Ta với em 
Mình hãy kết thành đôi tri kỷ! 
Đất Quảng Trạch này đâu kém Nam Dương 
Tôi tự hào bài “Tỏ chí” của em: 

"Quốc Tuấn ngày xưa chí vững bền 
Thù nhà, nợ nước chẳng hề quên 
Đến bữa quên ăn, đêm quên ngủ 
Thương dân, yêu nước quyết báo đền 
Văn hay thu phục muôn người Việt 
Võ giỏi kinh hồn lũ tướng Nguyên 
Mươi năm sau nữa ơi ông Tuấn 
Nối chí ông, nay cháu tiến lên!” 


Tôi thương mến em 
Đã chịu khó luyện rèn 
Biết HỌC LÀM NGƯỜI ! 
Học làm con hiếu thảo. 
Mười lăm tuổi đã “Tập làm thầy giáo” 

Vui gì hơn buổi đầu làm thầy giáo 
Của lớp vở lòng đất mẹ yêu thương 
Trưa nắng luyến các em cùng đến lớp 
Giọng líu lo như chim hót ven đường. 

Đứng trước các em tuổi nhỏ đáng yêu 
Mà đã tưởng tới bao nhiêu người lớn 
Nghe em đọc giọng thanh thanh dễ mến 
Mà đã nghe đất nước xuyến xao mình!


Tổ Quốc đang chờ em phía trước. 
Em ơi em, can đảm bước chân lên!

1970